Từ lúc tám tuổi, Lisa đã phải vật lộn với chứng nói lắp và cô luôn sợ các tình huống giao tiếp xã hội bởi vì cô phải nói chuyện với mọi người. Nhưng sau này lớn lên, khi ngôn ngữ trị liệu giúp cô vượt qua khó khăn, Lisa đã quyết định sử dụng giọng nói của mình để giúp đỡ người khác. Cô bắt đầu làm tình nguyện viên để tư vấn qua điện thoại cho những người đang gặp khủng hoảng cảm xúc.
Môi-se đã đối mặt với những lo lắng khi ông phải nói để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi chốn nô lệ. Chúa muốn Môi-se nói với Pha-ra-ôn, nhưng ông thối thác vì không tự tin với tài ăn nói của mình (Xuất. 4:10). Chúa hỏi ông: “Ai tạo ra môi miệng loài người?” Rồi Ngài đảm bảo với Môi-se rằng: “Ta sẽ ở với miệng con và dạy con những lời phải nói” (c.11–12).
Lời đảm bảo của Chúa nhắc chúng ta rằng Ngài có thể hành động đầy quyền năng qua chúng ta ngay cả trong những khiếm khuyết của chúng ta. Nhưng ngay cả khi lòng chúng ta biết rõ điều này thì vẫn thật khó để sống đúng như vậy. Môi-se vẫn cảm thấy lo sợ và ông cầu xin Chúa sai phái người khác (c.13). Vì thế, Chúa đã cho phép anh của Môi-se là A-rôn đi cùng ông (c.14).
Mỗi chúng ta đều có thể lên tiếng để giúp đỡ người khác. Có thể chúng ta lo sợ. Có thể chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng. Có thể chúng ta không biết phải nói gì cho đúng.
Nhưng Chúa biết rõ chúng ta cảm thấy thế nào. Ngài sẽ dạy chúng ta lời phải nói và ban mọi điều cần thiết để chúng ta phục vụ người khác và hoàn thành công việc của Ngài.
Chú Giải
Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se giải cứu người Hê-bơ-rơ ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập (Xuất. 3:1-4:17), Môi-se đã phản đối, đưa ra rất nhiều lý do khác nhau cho thấy vì sao ông không phải là người phù hợp. Ông nghi ngờ danh phận của mình (3:11); ông không có thẩm quyền (c.13); và sự phù hợp, uy tín cũng như khả năng được chấp nhận (4:1). Ông đã thử vai trò này trước đây nhưng bị chính dân sự của mình thẳng thừng từ chối. Không còn là một hoàng tử, Môi-se là một kẻ trốn chạy và người chăn chiên thấp hèn trong bốn mươi năm qua (2:11-15). Nhưng Đức Chúa Trời đảm bảo với ông về sự can thiệp của Ngài (3:14-15) và sự hiện diện đầy quyền năng của Ngài (c.16-20; 4:1-9). Trong lần thoái thác thứ tư của Môi-se, ông đưa ra lý do rằng ông không có tài hùng biện của một lãnh đạo (4:10). Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ ban năng lực để ông có thể nói một cách mạnh mẽ và hiệu quả (c.12). Không còn có thể đưa ra một lý do nào khác, Môi-se xin Chúa “sai người khác” (c.13), tiết lộ lý do thực sự đằng sau sự miễn cưỡng của ông. Cuối cùng, ông đã chấp nhận nhiệm vụ này và Đức Chúa Trời thêm năng lực cho ông như Ngài đã hứa (xem Công Vụ 7:22).