Trước mắt tôi, cây thông Giáng Sinh trông như đang bốc cháy! Không phải vì những dây đèn mà là từ lửa thật. Gia đình tôi được mời tham dự Lễ altdeutsche truyền thống của một người bạn, hay còn gọi là “lối cổ xưa của Đức”, một ngày lễ có các món tráng miệng truyền thống ngon tuyệt và một cái cây với những ngọn nến thật được thắp sáng. (Để đảm bảo an toàn, cây này vừa được đốn và chỉ được thắp sáng trong một đêm).
Khi nhìn cái cây dường như bốc cháy, tôi nghĩ đến cuộc gặp gỡ giữa Môi-se với Đức Chúa Trời tại bụi gai cháy. Khi đang chăn chiên trong hoang mạc, Môi-se ngạc nhiên vì thấy một bụi gai đang cháy mà chẳng hề tàn. Khi ông đến gần để xem thì Đức Chúa Trời gọi ông. Thông điệp từ bụi gai cháy không phải là sự phán xét mà là sự giải cứu cho dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy cảnh ngộ và sự khốn cùng của dân sự Ngài làm nô lệ ở Ai Cập và đã “ngự xuống để giải cứu dân nầy” (Xuất. 3:8).
Đức Chúa Trời đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi người Ai Cập, nhưng cả nhân loại vẫn cần được giải cứu—không chỉ khỏi sự đau khổ về thể xác mà còn khỏi những tác động mà ma quỷ và sự chết mang vào thế giới của chúng ta. Hàng trăm năm sau, Đức Chúa Trời đã đáp lời khi ban xuống Sự Sáng, là Chúa Jêsus, Con Ngài, (Giăng 1:9-10), “không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu” (3:17).
Chú Giải
Vì sao Đức Chúa Trời yêu cầu Môi-se cởi giày của ông ra? (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:5). Hơn bốn mươi năm sau, thiên sứ của Đức Giê-hô-va lặp lại mạng lệnh này với Giô-suê, người kế thừa của Môi-se (Giô-suê 5:15). Trong Giô-suê 6:2, chúng ta biết được rằng “thiên sứ” này chính là Đức Chúa Trời. Bản thân mặt đất không phải là một nơi thánh, nhưng chính sự hiện diện của Chúa đã khiến nơi đó được thánh hóa. Các nhà thần học cũng mặc nhiên cho rằng đôi giày, do liên tục tiếp xúc với mặt đất, tượng trưng cho những gì thuộc về thế gian. Giày dép được coi là tầm thường và ô uế, trái ngược rõ ràng với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Điều này mang lại ý nghĩa mới cho tầm quan trọng của việc Chúa Jêsus rửa chân cho các môn đồ trên phòng cao (Giăng 13:2-17). Bên cạnh đó, trong thời Cựu Ước, việc cởi giày được coi là dấu hiệu cho sự kết ước (xem Ru-tơ 4:7-8).