Tiếng ồn ào trong phòng lắng dần thành một khoảng lặng thoải mái khi người đứng đầu câu lạc bộ sách tóm tắt cuốn tiểu thuyết mà cả nhóm sẽ thảo luận. Joan, bạn tôi chăm chú lắng nghe nhưng lại không nhận ra cốt truyện. Cuối cùng, cô phát hiện ra rằng mình đã đọc một cuốn sách không phải tiểu thuyết có tựa đề tương tự như cuốn tiểu thuyết mà các bạn khác đã đọc. Mặc dù cuốn sách “sai” cũng rất thú vị nhưng cô ấy không thể tham gia cùng bạn bè khi họ thảo luận về cuốn sách “đúng”.
Sứ đồ Phao-lô không muốn các tín hữu Cô-rinh-tô tin vào một Chúa Jêsus sai lạc. Ông chỉ ra rằng các giáo sư giả đã xâm nhập vào hội thánh và giảng về một “Jêsus” khác, và họ đã chấp nhận những lời dối trá (II Cô. 11:3–4).
Phao-lô vạch trần tà giáo của các giáo sư giả này. Tuy nhiên, trong bức thư đầu tiên gửi đến hội thánh, ông nhắc lại những lẽ thật về Chúa Jêsus trong Kinh Thánh. Chúa Jêsus này là Đấng Mê-si-a đã “chịu chết vì tội lỗi chúng ta… đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại… hiện ra cho… nhóm mười hai sứ đồ” và cuối cùng hiện ra với chính Phao-lô (I Cô. 15:3–8). Chúa Jêsus này đã đến thế gian thông qua một trinh nữ tên là Ma-ri và được đặt tên là Em-ma-nu-ên (Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta) để khẳng định thần tính của Ngài (Mat. 1:20–23).
Đó có phải là Chúa Jêsus mà bạn biết không? Việc hiểu biết và chấp nhận lẽ thật về Chúa Jêsus được chép trong Kinh Thánh bảo đảm cho chúng ta rằng mình đang đi đúng con đường thuộc linh dẫn đến thiên đàng.
Chú Giải
Sứ đồ Phao-lô luôn cẩn trọng để bảo vệ những người mà ông có đặc ân ảnh hưởng đến họ cho Chúa Jêsus. Điều này giải thích cho âm điệu và ngôn từ mà chúng ta thấy trong II Cô-rinh-tô 10-13. Chúng ta cũng thấy hành động bảo vệ quyết liệt này trong Ga-la-ti 1:1-9. Phao-lô “ghen” (II Cô-rinh-tô 11:2) vì sự ổn định và hạnh phúc của các tín hữu trong đức tin của họ nơi Chúa Jêsus, và khi niềm tin và hành vi của họ có nguy cơ bị hủy hoại, thì ông đã đề cập thẳng thắn dù khiến họ phiền lòng. Sứ đồ Phao-lô đã phản bác quan điểm độc hại của những người mà ông mỉa mai là “sứ đồ siêu đẳng” (c.5; 12:11). Lời của ông mang tính cảnh báo (11:5-11), một lời cảnh báo cho những người bị thu hút bởi phong cách và phương pháp hơn là nội dung. Từ khóa của câu 13-15 (được sử dụng 3 lần) là ’metaschēmatizō’, được dịch là “giả dối/lừa bịp”. Đó là một từ ghép có nghĩa là “biến hình, biến đổi”. Từ này mô tả những người không giống như vẻ bề ngoài của họ.