Trong hơn sáu thập kỷ, phóng viên thời sự Paul Harvey là giọng nói quen thuộc trên đài phát thanh Hoa Kỳ. Mỗi tuần sáu ngày, ông sẽ dẫn chuyện một cách đầy thú vị: “Các bạn đã biết tin tức là gì, chỉ chốc lát nữa thôi, các bạn sẽ được nghe phần còn lại của câu chuyện”. Sau một đoạn quảng cáo ngắn, ông sẽ kể một câu chuyện ít người biết về một người nổi tiếng. Nhưng bằng cách giữ kín tên nhân vật hoặc yếu tố mấu chốt nào đó cho đến cuối cùng, ông đã khiến người nghe thích thú với cách ngừng nghỉ và câu khẩu hiệu ấn tượng của mình: “Và giờ thì các bạn đã biết. . . phần còn lại của câu chuyện.”
Khải tượng của sứ đồ Giăng về quá khứ và tương lai mở ra với một lời hứa tương tự. Tuy nhiên, câu chuyện của ông bắt đầu bằng nốt nhạc buồn. Ông không thể ngừng khóc khi thấy không một tạo vật trên trời hay dưới đất nào giải thích được dòng lịch sử đang diễn ra (Khải. 4:1; 5:1–4). Sau đó, ông nghe thấy một giọng nói mang hy vọng về “Sư tử của bộ tộc Giu-đa” (c.5). Nhưng thay vì sư tử đắc thắng, Giăng lại thấy một chiên con như đã bị giết thịt (c.5–6). Cảnh tượng lạ lùng này xảy ra giữa những làn sóng chúc tụng quanh ngai của Đức Chúa Trời. Trong ba điệp khúc mở rộng, hai mươi bốn trưởng lão hòa cùng vô số thiên sứ, sau đó là cả trời và đất (c.8–14).
Ai có thể tưởng tượng rằng Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh sẽ trở thành niềm hy vọng cho mọi tạo vật, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và phần còn lại của câu chuyện chúng ta.
Chú Giải
Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, từ khải tượng của Giăng được ký thuật trong Khải Huyền (5:1-10), chúng ta được xem một bức tranh về những đường lối bất ngờ của Đức Chúa Trời. Đầu tiên, Chúa Jêsus được mô tả là “Sư tử của bộ tộc Giu-đa” (c.5), nhưng khi Giăng nhìn lên, ông không thấy hình ảnh sư tử uy quyền nhưng thấy chiên con như đang bị giết (c.6). Chiến thắng của Đức Chúa Trời không phải bởi sư tử dũng mãnh nhưng bởi chiên con khiêm nhường dường như đã bị đánh bại. Cả hai hình ảnh, sư tử và chiên con, được sử dụng ở nhiều phân đoạn khác trong Kinh Thánh để nói về Đấng Mê-si-a của Đức Chúa Trời và những công tác của Ngài. Khi sắp qua đời, Gia-cốp đã chúc phước cho từng con trai của ông. Ông nói rằng con trai Giu-đa sẽ là “một sư tử tơ” và từ nơi Giu-đa, một Đấng cai trị sẽ đến (Sáng Thế Ký 49:9). Và chính Giăng cũng gọi Chúa Jêsus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi!” (Giăng 1:29).