Trong một cuộc phỏng vấn nọ, một nhạc sĩ Cơ Đốc kể lại rằng anh ấy đã từng được khuyên rất nhiều là nên “ngừng nói về Chúa Jêsus”. Tại sao? Vì có ý kiến cho rằng ban nhạc của anh có thể nổi tiếng hơn và quyên được nhiều tiền để giúp đỡ người nghèo hơn nếu anh ngừng nói rằng mọi việc anh làm là vì Chúa Jêsus. Sau khi suy nghĩ kỹ, anh quyết định: “Toàn bộ mục đích âm nhạc của tôi là để chia sẻ đức tin của mình nơi Đấng Christ… Không đời nào [tôi] sẽ im lặng.” Anh nói rằng: “Sự kêu gọi cháy bỏng của tôi là chia sẻ sứ điệp về Chúa Jêsus”.
Các sứ đồ, trong những hoàn cảnh nguy hiểm hơn nhiều, đã nhận được một yêu cầu tương tự. Họ đã bị bỏ tù và được giải cứu một cách kỳ diệu bởi một thiên sứ, và thiên sứ bảo họ tiếp tục kể cho mọi người về đời sống mới của họ trong Đấng Christ (Công Vụ 5:19–20). Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo biết các sứ đồ đã thoát ra và vẫn đang rao giảng Phúc Âm, những người này đã quở mắng họ: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các anh lấy danh [Jêsus] để dạy dỗ” (c.28).
Họ đáp: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta” (c.29). Kết quả là, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã sai đánh đòn các sứ đồ và “cấm lấy danh Đức Chúa Jêsus mà giảng dạy” (c.40). Các sứ đồ vui mừng vì họ đã chịu khổ vì danh Chúa Jêsus cách xứng đáng, và “hàng ngày… các sứ đồ cứ tiếp tục dạy dỗ và rao truyền Tin Lành” (c.42). Xin Chúa giúp chúng ta tiếp tục noi gương họ!
Chú Giải
Phái Sa-đu-sê (Công Vụ 5:17) là một trong những phái tôn giáo trong thế kỷ thứ nhất không ủng hộ Chúa Jêsus (xem Ma-thi-ơ 16:1-12; 22:23-29). Sau sự chết và sự phục sinh của Chúa Jêsus, các môn đồ của Ngài cũng bị họ chống đối. Họ là một nhóm bao gồm các thầy tế lễ thuộc giới quý tộc, một vài người trong số họ tin rằng nguồn gốc thầy tế lễ của họ bắt đầu từ thầy tế lễ Xa-đốc, người trung thành với vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn (xem II Sa-mu-ên 15; I Các Vua 1). Họ tin rằng Kinh Torah (Sách Luật pháp) có thẩm quyền cao nhất và cho rằng giáo lý về sự phục sinh không được sách Luật pháp hậu thuẫn.