Trong những ngày cuối đời của cha tôi, một y tá đã ghé qua phòng ông và hỏi tôi liệu cô ấy có thể cạo râu cho ông không. Khi Rachel nhẹ nhàng lướt dao cạo qua mặt ông, cô ấy giải thích rằng: “Những người lớn tuổi trong thời của ông ấy thích cạo râu gọn gàng mỗi ngày.” Rachel đã nhìn thấy nhu cầu và hành động theo bản năng để thể hiện lòng tốt và sự tôn trọng nhân phẩm với người khác. Sự chăm sóc ân cần của cô y tá đã nhắc tôi nhớ đến cô bạn Julie của tôi vẫn sơn móng tay cho người mẹ đã già của mình vì đối với bà việc “trông xinh đẹp” rất quan trọng.
Công Vụ 9 kể về một môn đồ tên là Đô-ca (còn được gọi là Ta-bi-tha), người đã thể hiện lòng tốt bằng cách may quần áo và tặng cho người nghèo (c.36, 39). Khi Đô-ca qua đời, bạn bè đã đến rất đông, khóc thương cho người phụ nữ tốt bụng luôn thích giúp đỡ người khác.
Nhưng câu chuyện của Đô-ca không kết thúc ở đó. Khi Phi-e-rơ được đưa đến nơi để xác của bà, ông đã quỳ xuống và cầu nguyện. Trong quyền năng của Đức Chúa Trời, ông gọi tên bà, nói rằng: “Hỡi Ta-bi-tha, hãy trỗi dậy!” (c.40). Thật kinh ngạc, Ta-bi-tha mở mắt và đứng dậy trên đôi chân của mình. Khi các bạn của bà nhận ra bà còn sống, tin tức lan truyền nhanh chóng khắp thị trấn và “nhiều người tin theo Chúa” (c.42).
Và Đô-ca đã sống những ngày tiếp theo cuộc đời mình như thế nào? Chắc hẳn cũng giống như cách bà đã sống trước đó – nhìn thấy nhu cầu của người khác và giúp đỡ họ.
Chú Giải
Sự kiện chính mà chúng ta thường tập trung vào trong Công Vụ 9 là sự biến đổi của Sau-lơ người Tạt-sơ. Tuy nhiên, thời gian Phi-e-rơ ở thành Giốp-bê cũng được nhấn mạnh (c.36-43). Khi ông gọi Đô-ca từ kẻ chết sống lại (c.40), ông nói rằng: “Hỡi Ta-bi-tha, hãy trỗi dậy!”. Điều này lặp lại lời nói bằng tiếng A-ram của Chúa Jêsus với con gái của Giai-ru trong Mác 5:41: “‘Ta-li-tha-cum’; nghĩa là: ‘Nầy bé gái, Ta truyền cho con hãy trỗi dậy.’” Sự kiện này tạo tiền đề cho các sự kiện trong Công Vụ 10, khi Phi-e-rơ nhận được khải tượng từ trời trước khi các đầy tớ của đội trưởng La Mã là Cọt-nây đến (c.9-16). Khải tượng này sẽ dọn đường cho cánh cửa Phúc Âm được mở ra cho dân ngoại. Vì vậy, thời gian lưu lại ngắn ngủi của Phi-e-rơ ở Giốp-bê không chỉ là một sự kiện quan trọng mà còn thúc đẩy lịch sử của hội thánh khi mọi người từ mọi dân tộc, ngôn ngữ và quốc gia được mời gọi đón nhận Phúc Âm.