Trong truyện ngắn kinh dị “Gõ Cửa” của Fredric Brown, ông viết: “Người cuối cùng còn sót lại trên Trái Đất ngồi một mình trong phòng. Có tiếng gõ cửa”. Ôi không! Đó có thể là ai, và họ muốn gì? Sinh vật bí ẩn nào đã đến với người này? Anh ta không chỉ có một mình.
Chúng ta cũng không hề đơn độc.
Hội thánh Lao-đi-xê đã nghe thấy tiếng gõ cửa (Khải. 3:20). Đấng siêu nhiên nào đã đến với họ? Tên Ngài là Jêsus, “Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Đấng Sống” (1:17–18). Đôi mắt Ngài sáng rực như lửa, và khuôn mặt Ngài “như mặt trời chiếu sáng cực độ” (c.16). Khi người bạn thân thiết nhất của Ngài là Giăng thoáng thấy vinh quang Ngài, ông “ngã quỵ xuống chân Ngài như chết” (c.17). Đức tin nơi Đấng Christ bắt đầu bằng sự kính sợ Đức Chúa Trời.
Chúng ta không đơn độc, và điều này thật an ủi biết bao. Chúa Jêsus “là ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài. Con dùng lời quyền năng của Ngài mà nâng đỡ muôn vật” (Hê. 1:3). Tuy nhiên, Đấng Christ không dùng sức mạnh của Ngài để hủy diệt chúng ta, nhưng để yêu thương chúng ta. Hãy nghe lời Ngài mời gọi: “Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải. 3:20). Đức tin của chúng ta bắt đầu bằng nỗi sợ hãi—Ai đang đứng ở cửa?—và kết thúc bằng một cái ôm đón chào nồng hậu. Chúa Jêsus hứa sẽ luôn ở với chúng ta, ngay cả khi chúng ta là người cuối cùng còn sót lại trên trái đất. Cảm ơn Chúa, chúng ta không hề đơn độc.
Chú Giải
Bức thư gửi cho người Lao-đi-xê (Khải Huyền 3:14-22) là bức thư duy nhất trong số các bức thư gửi cho bảy hội thánh ở vùng Tiểu Á (xem chương 2-3) không có lời khen ngợi nào dành cho hội thánh. Tuy nhiên, chúng ta tìm thấy sự an ủi giữa những lời cảnh báo của Đức Chúa Trời. Cụm từ “thuốc xức mắt xức vào mắt con” (3:18) là điều dễ hiểu đối với người Lao-đi-xê bởi vì vùng này nổi tiếng về các loại thuốc, đặc biệt là thuốc xức mắc. Nhưng nan đề tầm nhìn của người Lao-đi-xê không phải về thể chất mà về thuộc linh. Sự giàu có đã khiến họ ảo tưởng về khả năng tự cung tự cấp của mình (c.15-17), dẫn đến điều dường như là lời cảnh báo từ Đức Chúa Trời: “Những người Ta yêu thì Ta quở trách, sửa phạt” (c.19). Tuy vậy, điều này cũng là dấu hiệu cho thấy rằng Đức Chúa Trời không bỏ rơi hội thánh Ngài. Ngài yêu thương họ nên mới sửa trị họ.