Khi để ý thấy một cành cây đang đâm chồi bên cạnh vòi tưới bên hiên nhà, tôi đã phớt lờ thứ chướng mắt tưởng chừng vô hại ấy. Làm sao một cây cỏ dại nhỏ bé có thể gây hại cho bãi cỏ của chúng tôi được? Nhưng nhiều tuần trôi qua, thứ phiền toái ấy lớn dần thành một bụi cây nhỏ và bắt đầu xâm chiếm mảnh sân của chúng tôi. Thân cây dại uốn cong chiếm một phần lối đi và mọc ở những khu vực khác. Thừa nhận sự tồn tại phá hoại ấy, tôi đã nhờ chồng giúp nhổ tận gốc lũ cỏ dại này, và sau đó dùng thuốc diệt cỏ để bảo vệ sân của mình.
Khi chúng ta phớt lờ hoặc phủ nhận sự hiện diện của tội lỗi, nó có thể xâm chiếm cuộc sống của chúng ta, phát triển quá mức mong muốn và khiến không gian cá nhân của chúng ta trở nên tăm tối. Không có bất cứ bóng tối nào trong Đức Chúa Trời thánh khiết. Là con cái của Ngài, chúng ta được trang bị để đối đầu với tội lỗi, để có thể “bước đi trong ánh sáng, cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng” (I Gi. 1:7). Qua việc xưng tội và ăn năn, chúng ta kinh nghiệm ơn tha thứ và được giải thoát khỏi tội lỗi (c.8–10) vì chúng ta có một Đấng biện hộ vĩ đại—là Chúa Jêsus (2:1). Ngài sẵn sàng trả giá cao nhất cho tội lỗi chúng ta—bằng chính huyết Ngài—và “không những vì tội của chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội của cả thế gian nữa” (c.2).
Khi Chúa nhắc nhở chúng ta về tội lỗi, chúng ta có thể sẽ chối bỏ, né tránh hoặc trốn tránh trách nhiệm. Nhưng khi chúng ta xưng tội và ăn năn, Ngài sẽ loại bỏ những tội lỗi làm tổn hại đến mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài và với người khác.
Chú Giải
Sứ đồ Giăng nhắc nhở chúng ta rằng “Đức Chúa Trời là ánh sáng” (I Giăng 1:5) và khích lệ chúng ta bước đi trong mối thông công với Ngài (c.6-7). Ở một chỗ khác, Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta “không phải thuộc về bóng tối” mà là “con của ánh sáng” (I Tê. 5:4-5). Trong I Giăng, sứ đồ Giăng kêu gọi chúng ta “không phạm tội” (2:1). Nhưng bởi vì chúng ta vẫn chưa trọn vẹn nên chúng ta vẫn còn phạm tội (1:8). Giăng đảm bảo với chúng ta rằng khi chúng ta xưng tội và ăn năn, Đức Chúa Trời sẽ “tha tội cho chúng ta” (c.9). “Đấng biện hộ với Đức Chúa Cha là Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng công chính” (2:1), qua “huyết Ngài” (Rô-ma 3:25), là “tế lễ chuộc tội chúng ta” (I Giăng 2:2; xem 4:10). Kinh Thánh Nghiên Cứu NIV của Zondervan mô tả “tế lễ chuộc tội” là điều Chúa Jêsus đã làm trên thập tự giá để “cất đi tội lỗi và thanh tẩy tội nhân (sự đền chuộc) và làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời đối với tội nhân (sự làm nguôi giận)”.