Khi tôi còn nhỏ, có một chiếc xe tăng đã hỏng trong Thế chiến II được trưng bày tại công viên gần nhà tôi. Có nhiều biển báo nguy hiểm khi trèo lên xe, nhưng một vài người bạn của tôi lập tức tranh nhau trèo lên. Một số bạn khác hơi miễn cưỡng, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn làm theo. Một cậu bạn từ chối, chỉ vào những tấm biển. Một bạn khác nhanh chóng nhảy xuống khi có người lớn đến gần. Nỗi cám dỗ được vui đùa lấn át mong muốn tuân theo quy tắc của chúng tôi.
Có một trái tim trẻ con nổi loạn ẩn náu bên trong tất cả chúng ta. Chúng ta không thích ai bảo mình nên hoặc không nên làm gì. Tuy nhiên, sách Gia-cơ chép rằng khi chúng ta biết điều đúng đắn mà không làm, thì đó là tội lỗi (4:17). Trong Rô-ma, sứ đồ Phao-lô viết: “Vì tôi không làm điều thiện mình muốn, mà lại làm điều ác mình không muốn. Nếu tôi làm điều mình không muốn thì không phải là tôi, mà chính tội lỗi trong tôi làm điều đó” (7:19–20).
Là người theo Chúa, có lẽ chúng ta bối rối về những tranh chiến của mình với tội lỗi. Nhưng chúng ta thường chỉ dựa vào sức riêng để làm điều đúng đắn. Một ngày nào đó, khi cuộc đời này kết thúc, chúng ta sẽ không còn những thôi thúc tội lỗi nữa. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, chúng ta có thể nhờ cậy nơi quyền năng của Đấng đã chết và phục sinh để chiến thắng tội lỗi.
Chú Giải
Rô-ma 7:14-25 là chủ đề được bàn luận rất nhiều trong vòng các học giả. Nhiều người tin rằng phân đoạn này mô tả cuộc chiến không ngừng của Phao-lô đối với tội lỗi, bởi vì phân đoạn này được nói ở thì hiện tại và sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (“tôi”). Tuy nhiên, thật khó để thích hợp với mô tả của Rô-ma 7 về việc “bị bán cho tội lỗi” (c.1) với tình trạng tự do khỏi xiềng xích của tội lỗi được mô tả như là món quà mà Đức Thánh Linh ban cho mọi người tin trong chương 6 và 8 (6:17-18; 8:1-2). Ngày nay, nhiều học giả tin rằng mô tả sống động của Rô-ma 7 về việc “làm điều mình không muốn” (c.16) không phải mô tả tranh chiến cá nhân lúc bấy giờ của Phao-lô. Nhưng có lẽ ông đã sử dụng một biện pháp văn chương nói trong thì hiện tại để nhấn mạnh sự hư không khi tìm kiếm sự cứu rỗi qua luật pháp (8:3). Chính bởi quyền năng của Thánh Linh Đấng Christ mà người tin có thể kinh nghiệm sự tự do, sự sống và bình an (c.1-3, 6, 10).