Nhìn đám đông buổi sáng đổ dồn lên tàu, tôi cảm nhận “hội chứng chán nản sáng thứ Hai” ập đến. Nhìn khuôn mặt buồn ngủ, cáu kỉnh của những người trong toa tàu chật cứng, tôi chắc rằng chẳng ai muốn đi làm cả. Những cái cau mày xuất hiện khi một số người chen lấn để giành chỗ đứng, và nhiều người khác cố gắng dồn vào. Chúng ta lại bắt đầu một ngày bình thường nữa tại văn phòng.
Sau đó, tôi ngạc nhiên khi nhớ lại chỉ mới một năm trước, các toa tàu trống không vì cách ly xã hội do đại dịch COVID-19, mọi thói quen hàng ngày của chúng ta bị xáo trộn. Chúng ta thậm chí không thể ra ngoài ăn uống, và một số người thật sự nhớ cảm giác được đến văn phòng làm việc. Nhưng giờ đây chúng ta hầu như đã trở lại bình thường và nhiều người đã quay trở lại với công việc—như thường lệ. Tôi nhận ra “thói quen” quả là một điều tốt, và “nhàm chán” thật là một phước hạnh!
Vua Sa-lô-môn đưa ra kết luận tương tự sau khi suy ngẫm về sự hư không của những công việc cực nhọc hàng ngày (Tđ. 2:17–23). Đôi khi, mọi thứ dường như vô tận, “hư không” và chẳng có ích chi (c.21). Nhưng sau đó ông nhận ra rằng, chỉ cần được ăn, uống và làm việc mỗi ngày chính là phước hạnh từ Đức Chúa Trời (c.24).
Khi không còn được làm việc theo thói quen, chúng ta sẽ thấy rằng những hoạt động đơn giản lại là một điều xa xỉ. Hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta còn được ăn uống, và hãy thỏa lòng trong mọi công việc, vì đó chính là món quà Ngài ban (3:13).
Chú Giải
Trong Truyền Đạo 2, Sa-lô-môn - người sở hữu mọi thứ trên đời - lại cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng ông lưu ý trong chương 3: “Đức Chúa Trời đặt sự vĩnh cửu trong lòng con người” (c.11). Ông hiểu rằng chúng ta phải nhìn xa hơn chính mình để tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn nhất trong lòng mình. Câu chuyện Kinh Thánh cho thấy những câu trả lời đó được tìm thấy nơi Chúa Jêsus. Như sứ đồ Phao-lô đã nhắc nhở chúng ta: “Nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết” (I Cô. 15:19). Phao-lô kết luận: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ cõi chết sống lại” (c.20). Sự chết và sự phục sinh của Chúa Jêsus mang đến ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời chúng ta.