Vào năm 2014, các nhà sinh vật học đã bắt được một cặp cá ngựa lùn màu cam ở Philippines. Họ đã mang những sinh vật biển này cùng với một phần san hô cành dương màu cam mà chúng gọi là nhà đến Học viện Khoa học California ở San Francisco. Các nhà khoa học muốn biết liệu cá ngựa lùn được sinh ra có màu sắc giống cha mẹ chúng hay môi trường sống của chúng. Khi cá ngựa lùn sinh ra những đứa con màu nâu xỉn, các nhà khoa học đã đặt một san hô cành dương màu tím vào bể. Những chú cá ngựa con có bố mẹ màu cam đã thay đổi màu sắc của mình để phù hợp với san hô màu tím. Do dễ bị tấn công nên sự sống còn của chúng phụ thuộc vào khả năng được Chúa ban để chúng hòa lẫn vào môi trường xung quanh.
Hòa lẫn là một cơ chế tự vệ hữu ích trong tự nhiên. Tuy nhiên, Chúa mời gọi tất cả mọi người nhận ơn cứu rỗi và trở nên nổi bật trên thế giới qua cách chúng ta sống. Sứ đồ Phao-lô kêu gọi các tín hữu tôn vinh Chúa trong mọi khía cạnh của đời sống, thờ phượng Ngài bằng cách dâng thân thể mình làm “sinh tế sống” (Rô. 12:1). Chúng ta là con người dễ bị ảnh hưởng bởi tội lỗi, nên sức khỏe thuộc linh của chúng ta phụ thuộc vào việc Đức Thánh Linh “đổi mới” tâm trí chúng ta và ban năng lực để chúng ta tránh xa việc “khuôn rập theo đời nầy” mà chối bỏ Chúa và tôn vinh tội lỗi (c.2).
Hòa lẫn vào thế giới là sống trái ngược với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Tuy nhiên, nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên giống Chúa Jêsus và yêu thương người khác giống như Ngài!
Chú Giải
Phao-lô viết sách Rô-ma cho các tín hữu tại Rô-ma (Rô-ma 1:7) để bày tỏ rằng tất cả loài người đều là tội nhân và cần sự cứu rỗi (chương 1-3), những điều Đức Chúa Trời đã làm để cứu chúng ta và cách để chúng ta có mối liên hệ đúng đắn với Ngài (chương 4-11). Sau khi giải thích những nền tảng thần học của Phúc Âm (chương 1-11), sứ đồ Phao-lô đã hướng dẫn các tín hữu về cách sống trong mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời (chương 12-16). Bốn chương cuối cung cấp hình mẫu của người môn đồ, dạy các tín hữu cách đáp ứng với ân điển và lòng thương xót của Chúa (12:1-2), cách sử dụng những ân tứ thuộc linh (c.3-8) và cách đối xử với những người khác trong hội thánh và ngoài xã hội (12:9 - 16:27). Mặc dù Chúa Jêsus đã chịu chết để cứu chuộc chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời không đòi hỏi chúng ta phải chết vì Ngài. Thay vào đó, chúng ta phải sống cho Ngài trong ý muốn toàn hảo của Ngài (12:1-2), trong sự khiêm nhường (c.3) và trong sự hiệp một (c.4-8).