Ann đang gặp bác sĩ phẫu thuật răng miệng để khám sơ bộ, ông là một bác sĩ mà cô đã quen biết nhiều năm. Ông hỏi cô: “Cô có câu hỏi nào không?” Cô nói: “Thưa có. Chúa Nhật vừa rồi anh có đi nhà thờ không?” Câu hỏi của cô không nhằm mục đích phán xét, mà chỉ đơn giản là để bắt đầu một cuộc trò chuyện về đức tin.
Vị bác sĩ phẫu thuật đã lớn lên với một trải nghiệm không mấy tích cực về hội thánh nên anh đã không đi nhà thờ nữa. Nhờ câu hỏi của Ann và cuộc trò chuyện của họ, anh đã suy nghĩ lại vai trò của Chúa Jêsus và hội thánh trong cuộc đời mình. Sau đó, khi Ann đưa cho anh một cuốn Kinh Thánh có in tên của anh, anh đã nhận nó trong nước mắt.
Đôi khi chúng ta sợ phải đối đầu hoặc không muốn tỏ ra “quá hùng hổ” khi chia sẻ niềm tin của mình. Nhưng có lẽ đặt câu hỏi là một cách hay để làm chứng về Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus cũng đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, dù Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài biết mọi sự. Mặc dù chúng ta không biết mục đích của Ngài, nhưng rõ ràng những câu hỏi của Ngài đã thúc đẩy người khác trả lời. Ngài hỏi môn đồ Anh-rê: “Các ngươi tìm ai?” (Gi. 1:38). Ngài hỏi người mù Ba-ti-mê: “Con muốn Ta làm gì cho con?” (Mác 10:51; Lu. 18:41). Ngài hỏi người bại liệt: “Ngươi có muốn được lành không?” (Gi. 5:6). Từng người trong số họ đã được biến đổi sau câu hỏi đầu tiên của Chúa Jêsus.
Có người nào mà bạn muốn đề cập đến vấn đề niềm tin không? Hãy xin Chúa ban cho bạn những câu hỏi thích hợp để bắt đầu.
Chú Giải
Việc Chúa Jêsus chữa lành cho người ăn xin mù (Lu-ca 18:35-43) là sự ứng nghiệm chắc chắn cho mục đích được chính Ngài mô tả là “truyền giảng Tin Lành cho người nghèo… người mù lòa được sáng mắt, người bị áp bức được tự do; Và công bố năm thi ân của Chúa” (4:18-19; xem thêm Ê-sai 58:6; 61:1-3). Câu chuyện về sự chữa lành này được đặt ngay sau câu chuyện Chúa Jêsus báo trước về sự chịu khổ và sự chết sắp đến của Ngài nhưng các môn đồ không hiểu (Lu-ca 18:31-34). Hai câu chuyện này dường như được kết nối bằng chủ đề về sự chịu khổ và sự khiêm nhường của Đấng Christ (c.14). Các môn đồ cũng như đoàn dân không thể hiểu được một Đấng Cứu Thế lại sẵn sàng chịu khổ vì những thành phần thấp hèn và bị coi thường nhất trong xã hội, chẳng hạn như một người bị mù (c.35). Tuy nhiên trong khi họ vẫn mù lòa thuộc linh trước tấm lòng và mục đích của Chúa Jêsus, thì người đàn ông bị mù kia sẵn lòng tin cậy Ngài và vui mừng nhận được ánh sáng (c.43).