Việc đóng đinh một người vào thập tự giá là một sự tra tấn. Người ta dùng dây da hoặc đinh để treo người bị kết án lên một cây trụ. Như một con thú bất lực khi bị vướng vào hàng rào kẽm gai, nạn nhân có thể sống sót trong vòng vài ngày với sự đau đớn cùng cực. Cái chết thường đến do nghẹt thở khi nạn nhân không còn sức để hít hơi vào vì hai tay bị treo căng ra.

Ba người đàn ông trên ba cây gỗ. Vào mùa xuân năm 33 SC, vụ đóng đinh tử hình ba người đàn ông, diễn ra bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem, đã thay đổi dòng lịch sử thế giới. Những người thi hành án đóng những chiếc đinh xuyên qua cổ tay và cổ chân ba người đàn ông rồi để mặc cho đến chết. Bản thân sự việc đó là điều phổ biến trong thế giới Trung Đông cổ đại. Tuy nhiên, 2000 năm sau, thế giới vẫn còn nói về ba cái chết đó.

Tôi tìm thấy một sự giải thích về ý nghĩa ba cái chết đó được viết trên phần giấy để trắng của một quyển Kinh Thánh cũ. Tôi thấy có những lời thật đáng nhớ, ai đó đã viết: “Người thứ nhất chết vì tội lỗi trong mình và trên mình. Người thứ hai chết vì tội lỗi trong mình nhưng không còn trên mình nữa. Người thứ ba chết vì tội lỗi chất trên mình nhưng không có trong mình.” Từ khi tìm thấy lời trích dẫn ấy, tôi đã xem nó như một bảng mô tả đơn giản nhưng sâu sắc về những điểm khác biệt mà tất cả chúng ta cần phải hiểu.

Một người chết vì tội lỗi trong mình và trên mình. Hắn ta là người thứ nhất trong hai tên cướp. Hắn ta phải nhận hình phạt thích đáng theo luật pháp trên đất. Bởi một quan tòa có thẩm quyền của Hoàng đế La Mã, hắn ta bị kết án và bị xử tử, giống như một ngôi nhà không còn phù hợp để ở nữa.

Tên cướp thứ nhất dường như đã chết với con người giận dữ. Hắn ta tức giận với chính mình vì để bị bắt. Có lẽ hắn tức giận với vị quan tòa đã kết án hắn. Hắn có thể giận tất cả những ai đã khiến hắn phải đau khổ trong thời gian đó. Hắn dường như đặc biệt tức giận con người tên Jêsus vô tội bị treo bên cạnh. Tên cướp thứ nhất không phải là người duy nhất khinh thường Chúa Jêsus. Những người khác cũng có chung suy nghĩ như hắn. Thật dễ nổi giận với người từng tuyên bố là ánh sáng và hy vọng cho thế giới—rồi lại bị treo như một tội phạm công khai, thậm chí không thể tự cứu mình được.

Tức giận Chúa Jêsus vì Ngài không thể giúp chính Ngài hay ai khác (Lu-ca 23:39), tên cướp thứ nhất đã chết vì chính tội lỗi trong mình và trên mình.

Một người chết vì tội lỗi trong mình nhưng không còn trên mình. Tên cướp thứ hai bị hành quyết trong ngày đó. Lúc đầu, anh ta cũng hùa theo những người khác nhạo báng và sỉ nhục Chúa Jêsus. Có lúc anh ta cũng nhiếc móc Chúa Jêsus và thách thức Ngài tự cứu chính Ngài và cứu anh ta cùng đồng bọn nếu Ngài thật sự là Đấng Mê-si-a được hứa ban (Ma-thi-ơ 27:37-44).

Tuy nhiên, khi bóng tối bao trùm, tên cướp thứ hai đã có sự thay đổi trong lòng. Quay qua tên cướp thứ nhất, anh ta nói: “Mầy đang chịu cùng một hình phạt, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Chúng ta bị phạt là đúng, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì sai trái.” Rồi anh ta nói: “Lạy Jêsus, khi Ngài vào vương quốc mình rồi, xin nhớ đến con!” Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ được ở với Ta trong Pa-ra-đi.” (Lu-ca 23:32-43).

Đó có lẽ là một trong những đoạn đối thoại quan trọng nhất từng được ghi lại. Những lời ít ỏi này cho biết phần còn lại của Tân Ước công bố điều gì. Sự tha thứ tội lỗi và sự sống đời đời được ban cho bất cứ ai tin cậy Chúa Jêsus để được tha tội. Không hơn. Không kém. Chỉ duy đức tin nơi một mình Đấng Christ quyết định số phận đời đời của chúng ta (Giăng 3:16-18; Công vụ 16:31; Rô-ma 4:5; Ê-phê-sô 2:8-9; Tít 3:5).

Tên cướp thứ hai không có thời gian để làm sạch đời sống mình. Anh ta không có thời gian để làm bất cứ điều gì ngoại trừ tin vào Chúa Jêsus. Nhờ đó, anh cho tất cả chúng ta thấy bức tranh về những gì cần phải làm để bước vào gia đình đời đời của Đức Chúa Trời.

Đáp lại đức tin đơn sơ nhất đó, Chúa Jêsus bảo đảm với anh ta về sự tha thứ. Tên cướp thứ hai đã chết vì tội lỗi bên trong nhưng không còn trên anh ta nữa. Thẩm phán của thiên đàng đã cất gánh nặng tội lỗi khỏi vai của tên cướp thứ hai, đặt nó trên Chúa Jêsus, Đấng mang tội lỗi của chúng ta.

Một người chết vì tội lỗi trên mình chứ không phải trong mình. Chúa Jêsus gánh tội lỗi của thế gian trên vai Ngài vào ngày ấy. Ngài chết vì gánh nặng tội lỗi của cả thế gian chất trên Ngài nhưng không có một chút sai phạm gì trong Ngài.

Ba ngày sau, Ngài sống lại từ cõi chết để cho thấy rằng sự chết của Ngài, vốn bi thương, nhưng không phải là một lầm lẫn. Với thân thể phục sinh còn dấu đinh đóng, Chúa Jêsus đã bày tỏ cho hàng trăm môn đồ của Ngài mọi chứng cứ họ cần để tin rằng Ngài đã chết thế cho họ. Sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên Chúa Jêsus thay vì trên chúng ta.

Kỳ diệu biết bao khi tôi nhận thấy đây cũng là câu chuyện của chính chúng ta. Chúng ta đã ở đó. Chúng ta ở đó vì Đức Chúa Trời đã ở đó trong chỗ của chúng ta, mang lấy tội của chúng ta. Chúng ta cũng ở đó vì tất cả chúng ta sẽ nói ra những lời như tên cướp thứ nhất hoặc như tên cướp thứ hai.

Những lời đó không làm nên sự khác biệt; đức tin mới tạo nên sự khác biệt. Nếu bạn không có đức tin đó, nhưng muốn có, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn. Bạn sẽ không phải là người đầu tiên thốt lên: “Tôi tin, xin giúp cho sự vô tín của tôi!” (Mác 9:24).

Lạy Cha Thiên Thượng, cảm ơn Chúa đã giúp chúng con hiểu rằng đây là câu chuyện của Ngài. Qua sự thương khó của Con Ngài, chúng con hiểu được sự đau đớn và tình yêu của Ngài dành cho chúng con. Qua sự chết của Con Ngài, chúng con biết giá Ngài phải trả cho những sai phạm của chúng con, và sự tha thứ Ngài ban. Qua sự phục sinh của Con Ngài, chúng con biết Ngài bảo đảm rằng Ngài hoàn toàn hài lòng với giá mà Con Ngài đã trả vì chúng con.

Và thưa Cha, cảm ơn Cha vì giúp chúng con biết rằng đây là câu chuyện của chính chúng con. Qua tên cướp thứ nhất, chúng con nhìn thấy xu hướng ghét bỏ Ngài, khước từ tình yêu Ngài, và để cho sự tức giận làm chúng con xa cách Ngài và xa cách mọi người. Cám ơn Chúa vì làm cho lòng chúng con mềm mại để có thể nhìn thấy chính mình trong tên cướp thứ hai, người đã thức tỉnh trước khi quá trễ.

Trở lại trang Chiến Thắng Trong Bi Thương để tìm thêm tài liệu.