VƯỢT QUA KHÓ KHĂN TÀI CHÍNH

Tác giả: H. V

Khi dịch bệnh Covid-19 đã và đang lây lan toàn cầu, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là khủng hoảng kinh tế và tài chính có thể sớm xảy ra. Kinh tế thế giới được dự báo sụt giảm là do các công ty đóng cửa, nhiều người mất việc làm, thu nhập giảm dẫn đến nhu cầu giảm. Việc gián đoạn học tập cũng ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều sinh viên khi ra trường. Những dự báo về tương lai khiến nhiều người lo lắng. Những lời khuyên được đưa ra, nhiều nguyên tắc được chia sẻ. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta cần quan tâm và áp dụng những nguyên tắc nào? Dựa vào Kinh Thánh, chúng ta có thể tìm thấy ba nguyên tắc chữ “B” sau đây để suy ngẫm và áp dụng trong lĩnh vực tài chính cá nhân, qua đó chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn phước của Chúa dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

pic 1

Nguyên tắc “Biết ơn Chúa”

Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất liên quan đến lĩnh vực tài chính cá nhân. Nếu không thực hành nguyên tắc này, chúng ta khó thể áp dụng các nguyên tắc tiếp theo. Dù chúng ta rất khó để biết ơn Chúa trong hoàn cảnh khó khăn, thu nhập giảm, công việc bấp bênh, hay gia đình đang thiếu thốn. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những điều mình có, thay vì nhìn vào những điều không có, sẽ khiến chúng ta tìm được nhiều lý do để biết ơn. Thứ nhất, chúng ta biết ơn Chúa vì hiểu rằng những gì chúng ta có đều đến từ nơi Chúa. Ngài là Đấng đã dựng nên muôn vật và chu cấp mọi sự cho chúng ta. Nương náu nơi Chúa, chúng ta có sự bình an mà không có một đại dịch nào hay khủng hoảng kinh tế nào có thể lấy đi được. Thứ hai, chúng ta biết ơn Chúa vì Ngài “đã xuống phước ban cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng…” (Ê-phê-sô 1:3). Qua Con Ngài, Chúa ban cho chúng ta một đời sống tâm linh giàu có và phong phú. Hơn thế nữa, chúng ta nhận được sự cứu rỗi lớn lao từ sự hy sinh của Chúa Jêsus. Trên thập tự giá, Ngài chịu chết để làm trọn mọi điều cho những ai tin Ngài nhận được sự sống đời đời. Chúng ta không cần nỗ lực nào thêm để nhận được sự cứu rỗi. Điều chúng ta cần làm bây giờ là ưu tiên mối tương giao với Chúa. Thời gian cách ly xã hội được xem là cơ hội để chúng ta có thì giờ nhiều hơn trong sự cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Từ nay, chúng ta kết ước với Chúa sẽ giữ thì giờ ở riêng với Chúa mỗi ngày dẫu hoàn cảnh ra sao. Đây cũng là lúc chúng ta cần đếm lại những phước hạnh lớn lao mình có trong Chúa để chúng ta luôn “cảm tạ Chúa vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (II Cô-rinh-tô 9:15).

pic 2


Nguyên tắc “Biệt riêng”

Nếu nhiều chuyên gia tài chính khuyên rằng bạn nên dành ra một số tiền trong khoản thu nhập của mình đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản, thì nguyên tắc “Biệt riêng” này nhắc nhở rằng chúng ta phải luôn dành một phần mười để “đầu tư” vào vương quốc của Chúa. Trong Kinh Thánh, có nhiều bài học về sự thất bại trước cám dỗ tiền bạc là lời cảnh báo ý nghĩa đối với đời sống chúng ta. Sau đây là hai bài học điển hình. Bài học thứ nhất là từ Giu-đa, một trong mười hai môn đồ của Chúa Jêsus. Giu-đa là người được ở gần Chúa, nhận được sự dạy dỗ trực tiếp của Chúa, nhưng vì lòng tham tiền bạc mà ông đã phản bội Thầy mình khi dẫn binh lính đến bắt Chúa với giá 30 miếng bạc (Ma-thi-ơ 26:14-16). Trường hợp thất bại thứ hai là vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-a (Công vụ 5). Trong giai đoạn Hội thánh đầu tiên, trong khi mọi người đều đồng tâm hiệp ý góp chung mọi tài sản, thì A-na-nia và Sa-phi-a đã nói dối Hội thánh về số tiền họ có được từ việc bán tài sản. Việc làm này xuất phát từ lòng tham mà Chúa đã cảnh báo “lòng tham của cải là cội rễ của mọi điều ác” (I Ti-mô-thê 6:10).

Mặt khác, Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy những tấm gương sẵn sàng hy sinh của cải của mình để dâng hiến cho Chúa. Một trong những tấm gương đó là người đàn bà góa ở Sa-rép-ta (I Các Vua 17). Dù nhà chỉ còn nắm bột và một chút dầu, bà vẫn dâng cho đầy tớ Chúa là Ê-li trước tiên. Hành động can đảm của bà đã giúp bà kinh nghiệm phép lạ kỳ diệu là dầu không thiếu trong bình và bột không thiếu trong vò suốt trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Ngoài ra, trong Tân ước, có một cậu bé đã dâng năm cái bánh và hai con cá lên cho Chúa và cậu đã kinh nghiệm phép lạ Chúa hóa bánh đủ cho 5,000 người ăn (Giăng 6:1-13).

Học hỏi từ những tấm gương trên, trong lúc khó khăn này, việc chúng ta cần làm là tiếp tục trung tín trong sự dâng hiến. Thay vì chi tiêu trước rồi mới dâng hiến, chúng ta có thể quyết định dâng hiến trước rồi mới chi tiêu. Khoản tiền chúng ta dâng dù ít hay nhiều thì Đức Chúa Trời sẽ nhân rộng một cách kỳ diệu mà chúng ta không thể ngờ tới được. Đây cũng là cách chúng ta làm Chúa vui lòng vì Ngài yêu quý những tấm lòng dâng hiến tự nguyện và vui vẻ (II Cô-rinh-tô 9:7). Đừng để sự gián đoạn của việc không tập trung nhóm lại làm gián đoạn sự dâng hiến của chúng ta. Chúng ta có thể dâng hiến bằng cách chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của Hội Thánh, hoặc chuyển đến ban thủ quỹ của Hội thánh. Ngoài ra, bạn cũng thấy có nhiều tôi tớ Chúa, nhiều mục vụ đang hoạt động mạnh mẽ khắp nơi để đem Lời Chúa đến cho chúng ta. Bạn có thể rời rộng trong mọi sự dâng hiến dành cho các tôi tớ Chúa và các mục vụ nhằm đem lại ích lợi và sự phát triển cho công việc Chúa.

pic 3


Nguyên tắc “Ban cho”

Nguyên tắc này có thể trái ngược với nguyên tắc tài chính mà chúng ta hay nghe lúc này: “Bạn tiết kiệm càng nhiều, tích trữ càng nhiều càng tốt”. Tiết kiệm thay vì hoang phí là điều tốt. Nhưng nếu chỉ tiết kiệm để lo cho mình mà không nghĩ đến người khác thì đây không phải là điều Chúa muốn. Trong Mác 10:17-22, người trai trẻ giàu có đã buồn bã bỏ đi khi Chúa Jêsus bảo anh: “Hãy đi, bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta” (c.21). Anh thấy vật chất đời này hấp dẫn hơn là sự sống đời đời nên đã quyết định không đi theo Chúa. Còn chúng ta thì sao? Nếu bạn tìm kiếm thời điểm thích hợp nhất để giúp đỡ người khác, thì đó chính là lúc này. Thời điểm mà nhiều người xung quanh chúng ta đang đối mặt với sự khó khăn, túng thiếu, hoạn nạn và cần sự giúp đỡ. Người Việt có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lời Chúa cũng dạy dỗ chúng ta: “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!” (I Giăng 3:17).

Đức tin thật đòi hỏi chúng ta phải hành động. Việc bày tỏ tình yêu thương không phải chỉ “bằng lời nói hay lưỡi, mà bằng việc làm và lẽ thật” (I Giăng 3:18). Bạn có thể xin Chúa bày tỏ những cơ hội để thể hiện lòng thương xót, bằng cách gửi trực tiếp những nhu yếu phẩm, vật dụng cần dùng, kể cả tiền bạc đến những người đang có nhu cầu trong vòng bà con, anh em trong Hội thánh, hàng xóm, hoặc bạn có thể hỗ trợ thông qua các quỹ tương trợ người nghèo mà bạn biết rõ và tin tưởng… Bằng cách chia sẻ, chúng ta kinh nghiệm niềm vui của sự ban cho và đây là cách chúng ta bày tỏ “hương thơm của Đấng Christ” cho những người xung quanh.

“Biết ơn Chúa”, “Biệt riêng để dâng hiến”, và “Ban cho rời rộng” là ba nguyên tắc quan trọng mà chúng ta có thể ghi nhớ, áp dụng trong hành trình theo Chúa và chia sẻ cho người khác để vượt qua khó khăn tài chính và kinh nghiệm một đời sống thuộc linh sung mãn. Nguyện Chúa hành động trên tấm lòng mỗi chúng ta và giúp chúng ta nhìn thấy những phép lạ lớn lao mà Chúa sẽ làm, trổi hơn mọi điều chúng ta cầu xin hay suy tưởng.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/