10 ĐIỀU CHA MẸ CƠ ĐỐC CẦN BIẾT
Thật tốt nếu cha mẹ có thể biết được con mình thích ăn gì, muốn xem chương trình tivi hay kênh YouTube nào, giỏi lĩnh vực nào và có những người bạn ra sao. Nhưng dường như cũng có những lúc chúng ta cảm thấy mình không hiểu gì về con. Là cha mẹ Cơ Đốc, chúng ta hãy cùng xem xét điều gì là quan trọng mà chúng ta cần biết trong hành trình phước hạnh này.
1. Nhận biết Chúa có mục đích cho con của bạn
Đức Giê-hô-va là Đấng đã tạo nên con, đã hình thành con từ trong lòng mẹ, và sẽ giúp đỡ con (Ê-sai 44:2a).
Nhiều cha mẹ có những ước mơ và hoài bão mà mình không đạt được, và đặt ước mơ đó vào cuộc đời của con mình. Những kỳ vọng quá mức của cha mẹ trở nên gánh nặng trong cuộc sống của con. Cha mẹ cần nhận biết Đức Chúa Trời có mục đích cho cuộc đời mỗi đứa trẻ. Ngài sẽ có chương trình để hoàn thành mục đích đó. Điều này giúp chúng ta phó thác con mình trong tay Đức Chúa Trời, nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc con và không có trách nhiệm dạy dỗ con mà Chúa giao phó cho chúng ta. Trước hết, chúng ta cần tìm kiếm Chúa và xin Ngài bày tỏ mục đích và chương trình mà Ngài đã tạo dựng nên con. Chúng ta có thể không biết rõ các chương trình của Chúa, nhưng ý muốn của Đức Chúa Trời trên con cái chúng ta cũng như chính chúng ta là sống trong mối quan hệ với Ngài, thờ phượng và yêu mến Ngài. Khi nhận biết ý muốn Chúa, chúng ta có sự bình an trọn vẹn khi bước vào một “mục vụ” đặc biệt: làm cha mẹ.
2. Cha mẹ cần cầu nguyện cho con
Hãy trút đổ lòng ra như nước trước mặt Chúa. Hãy giơ tay hướng về Chúa vì sự sống của con cái ngươi (Ca Thương 2:19).
Cầu nguyện cho con từ khi con còn trong bào thai cho đến khi trưởng thành là công việc tốt đẹp mà cũng nhiều thách thức. Là cha mẹ, chúng ta cần đến gần với Đức Chúa Trời, xin Ngài hành động trên đời sống, tâm trí, tấm lòng của con cái chúng ta. Khi đến với Chúa qua sự cầu nguyện, chúng ta thừa nhận rằng: “Ngoài Chúa ra, con không làm chi được”. Chúng ta không thể theo con trên mọi nẻo đường đời, chúng ta không biết hết các khó khăn mà con đối diện qua việc học tập, các mối quan hệ, công việc. Khi cầu nguyện, chúng ta có thể xin Chúa bao phủ con của chúng ta bằng huyết của Ngài. Trong danh Chúa Jêsus, chúng ta xin Chúa bày tỏ quyền năng và ý muốn của Ngài trên đời sống của con và tin cậy Ngài sẽ làm thành mọi điều tốt nhất cho con.
3. Dẫn con đến với Lời của Đức Chúa Trời
Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ dưỡng linh hồn; Chứng ước Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan (Thi Thiên 19:7).
Tất cả con cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, và chúng sẽ được bình an vô cùng (Ê-sai 54:13).
Ngày nay, con chúng ta dường như rất bận rộn với chương trình học ở trường. Nhiều phụ huynh còn cho con học thêm nhiều lớp năng khiếu, thể thao hay kỹ năng để trau dồi cho con đầy đủ. Nhưng thật thiếu sót nếu con được trang bị nhiều điều mà không có Lời của Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan, tri thức bắt đầu với sự kính sợ Đức Chúa Trời cùng đường lối Ngài. Khi con tiếp nhận Lời Chúa và gìn giữ mạng lệnh Ngài trong lòng, nếu con sốt sắng tìm kiếm Lời Ngài như tìm kiếm kho báu thì con sẽ hiểu biết về Đức Chúa Trời (Châm Ngôn 2:1-12). Đó mới thật là kho tàng quý báu dẫn dắt con đến với sự khôn ngoan thật. Cha mẹ có thể hướng dẫn con học Kinh Thánh và giữ kỷ luật trong thì giờ học mỗi ngày hay một ngày trong tuần. Cha mẹ cũng cho con tham gia vào thì giờ học Trường Chúa Nhật, học Kinh Thánh với ban thiếu nhi hay thiếu niên tùy vào độ tuổi của con.
4. Cha mẹ là người chịu trách nhiệm dạy dỗ con trước mặt Chúa
Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó (Châm Ngôn 13:24).
Một người mẹ khi nhìn cánh cửa xe đưa con mình vào trại giam khép lại, cô đã thốt lên: “Từ nhỏ đến giờ mẹ chưa bao giờ đánh con một roi, mà bây giờ con lại thành như vậy”. Câu nói đó cũng cho thấy cách giáo dục sai lầm của cô và nhiều người làm cha mẹ: không bao giờ phạt con. Thật ra, phạt con là cần thiết để chúng ta dẫn dắt con đi trong đường lối Chúa. Kinh Thánh dạy chúng ta: “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó” (Châm Ngôn 13:24). Khi con còn nhỏ, dạy con bằng hình thức thưởng phạt sẽ giúp con hiểu điều gì là đúng và điều gì là sai. Điều đó sẽ giúp con không lìa bỏ điều con học được khi con lớn lên.
5. Cha mẹ là tấm gương cho con
Hãy noi gương tôi, như chính tôi noi gương Đấng Christ vậy (I Cô-rinh-tô 11:1).
Thật khó để dạy con chỉ bằng lời nói suông, mà không bằng chính đời sống của chúng ta. Chúa Jêsus là gương mẫu cho chúng ta. Chúng ta cần quan sát và học hỏi Ngài. Khi cha mẹ bước đi với Chúa, thờ phượng Chúa, sống trong Lời Chúa và dạy dỗ con về điều đó, con sẽ hiểu thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, cầu nguyện và sống trong đức tin là như thế nào. Nếu cha mẹ dậy sớm cầu nguyện với Chúa, đó sẽ là tấm gương tuyệt vời cho con cái. Khi đời sống cha mẹ tràn ngập sự biết ơn, con cái sẽ nhận thức và học tập điều đó từ cha mẹ. Khi phạm lỗi, cha mẹ sẵn lòng xin lỗi, sống ban cho, chia sẻ với người khác, con cũng sẽ học những điều tốt đó từ cha mẹ mình.
6. “Cha mẹ ơi, con muốn có thời gian với cha mẹ”
Kìa, con cái là cơ nghiệp Đức Giê-hô-va ban cho; Bông trái của tử cung là phần thưởng (Thi Thiên 127:3).
Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta nghĩ rằng cho con học tập, mua cho con những thứ con thích là đủ, là bày tỏ tình thương trọn vẹn cho con. Nhưng thật ra, điều con cần chính là sự hiện diện của chúng ta, con muốn trao đổi và chia sẻ với cha mẹ mà cha mẹ quá bận rộn không có thời gian cho con. Có thể không cần quá nhiều thời gian, nhưng mỗi ngày chúng ta hãy trò chuyện với con, mỗi tuần có thể có thời gian cho cả gia đình quây quần cùng nhóm họp hát ca ngợi Chúa, chia sẻ với nhau về những điều đã qua, đó có thể là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong tâm trí của con khi con trưởng thành.
7. Cha mẹ cần học sự kiên nhẫn
Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa (Ê-phê-sô 6:4).
Trong hành trình lớn khôn, con của chúng ta sẽ trải qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Tâm sinh lý của con thay đổi do những thay đổi về thể chất. Dạy dỗ con cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Không ai trong chúng ta muốn người khác trút giận lên mình, hay nói với chúng ta bằng lời giận dữ, mắng nhiếc, do đó, chúng ta đừng làm điều đó với con. Hãy xem con như một người bạn, hay một chi thể trong thân thể và áp dụng Lời Chúa dạy: “Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành” (Cô-lô-se 3:13-14).
8. Nhận biết ân tứ và khả năng Chúa ban cho con
Chúng ta có các ân tứ khác nhau, tùy theo ân điển Chúa ban (Rô-ma 12:6).
Lời Chúa chép: “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta…” (Rô-ma 12:6) nên mỗi người sẽ sử dụng ân tứ để làm sáng danh Chúa. Chúng ta khích lệ con phát huy những ân tứ và khả năng Chúa ban, đó có thể là khả năng đàn, hát, vẽ, viết, hay ân tứ khích lệ, dạy dỗ… Nếu Chúa cho chúng ta thấy được tiềm năng lớn lao trong con mình, hãy cầu nguyện và quý trọng điều đó, nhưng cũng hãy cẩn thận giúp con không dùng những khả năng đó với mục đích không làm vinh hiển danh Chúa. Các ân tứ và khả năng Chúa ban cũng cần được nuôi dưỡng, trau dồi và sử dụng để tôn vinh Chúa và giúp ích cho người khác.
9. Hướng con tới lối sống thánh khiết
Hãy giữ mình cho thanh sạch (I Ti-mô-thê 5:22b).
Thế gian với nhiều cám dỗ và cạm bẫy khiến nhiều người trẻ bị lôi cuốn vào rượu, ma túy, tình dục bất khiết và những cám dỗ từ internet. Kinh Thánh trong I Ti-mô-thê 5:22b dạy rằng: “Hãy giữ mình cho thanh sạch”. Con chúng ta cần đi trong con đường thánh khiết và hiểu rằng sự trong sạch mang lại sự phước hạnh, lành mạnh và có phần thưởng kèm theo. Phần thưởng đó là được nhìn thấy Chúa và ở trong sự hiện diện của Ngài. Tuy không thể can thiệp và đi tìm bạn cho con, nhưng cha mẹ có thể hướng dẫn và giúp con kết nối với những người bạn Cơ Đốc tin kính và gương mẫu. Trong gia đình, chúng ta cũng cần cẩn thận với những gì con mình xem trên sách, báo, tivi, internet.
10. Tin tưởng con của mình
Cha của người công chính sẽ có niềm vui lớn; Người nào sinh con khôn ngoan sẽ vui mừng về nó. Ước gì cha và mẹ con được hớn hở, và người đã sinh ra con được mừng vui (Châm ngôn 23:25).
Điều cuối cùng này thật không dễ dàng. Với cha mẹ, con cái luôn bé bỏng, cần sự che chở của chúng ta. Cha mẹ luôn muốn bảo vệ con cái của mình khỏi mọi hiểm nguy và thật khó để con có thể đưa ra những quyết định trong cuộc sống. Nhưng đó là cách Chúa đã thực hiện trên chúng ta. Con có thể có những quyết định thiếu khôn ngoan, nhưng điều đó là cần thiết để con trưởng thành. Con cần sự độc lập trong cuộc sống. Tình yêu thương, sự cầu nguyện và tin tưởng của cha mẹ sẽ truyền cho con động lực, sức mạnh để con bước đi trong cuộc sống bằng niềm tin quyết.
Làm cha mẹ là một đặc ân tuyệt vời Chúa ban. Chúng ta hiểu rằng mình không hoàn hảo, nhưng chúng ta đang bước đi với Đấng Toàn Hảo là Chúa Jêsus, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta trong hành trình này. Hơn hết, là cha mẹ, chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời yêu thương con trẻ. Ngài sẽ giúp chúng ta dạy dỗ con mình trở thành những người ích lợi cho vương quốc của Ngài.
Về tác giả: Là giảng viên trong lĩnh vực Kinh tế và Tài chính, Hồng Vinh không nghĩ mình có thể viết được những bài chia sẻ về những chủ đề liên quan đến đời sống Cơ Đốc, đặc biệt là chủ đề gia đình Cơ Đốc. Cô thích đọc những bài viết của Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày nên cảm thấy rất vui mừng khi được chia sẻ những suy nghĩ và những điều mình học được với độc giả của Lời Sống Hằng Ngày.
Đọc các nội dung khác về chủ đề nuôi dạy con cái tại: https://vietnamese-odb.org/cung-con-truong-thanh/