10 SAI LẦM CẦN TRÁNH TRONG VIỆC NUÔI DẠY CON Ở TUỔI THIẾU NIÊN (PHẦN 1)
Người cha của ba đứa con chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con ở tuổi thiếu niên.
Chỉ trong vài năm, chúng đã phát triển từ những thiên thần đáng yêu thành lũ “tiểu yêu quái”.
Đây chẳng phải là mô tả thích hợp về nhiều thiếu niên sao? Nhiều bậc phụ huynh nói với tôi rằng họ thấy khó dạy con tuổi thiếu niên; đó là điều mà tôi có thể hiểu rõ, với tư cách là người cha của ba đứa con.
Dù bây giờ các con tôi đã lớn, nhưng tôi vẫn nhớ việc nuôi dạy chúng ở tuổi thiếu niên là một thách thức lớn đối với vợ chồng tôi.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng các con không cố tình muốn gây khó khăn cho chúng ta. Trải qua giai đoạn vị thành niên đầy gian nan này là điều không thể tránh khỏi đối với chúng; đó là một giai đoạn chuyển mình trong hành trình dẫn chúng đến sự trưởng thành. Sự tăng trưởng diễn ra ở giai đoạn này của cuộc đời chúng—về mặt cảm xúc, tâm linh, thể chất—là điều không thể tránh khỏi khi chúng trở thành những người nam và người nữ của Chúa.
Thật không may, điều này khiến cho vai trò làm cha mẹ của chúng ta trở nên vô cùng khó khăn trong những năm đó. Đối với một số người trong chúng ta, nó sẽ đưa chúng ta đến giới hạn. Chúng ta không thể đối xử với những đứa con tuổi thiếu niên giống như trước, vì chúng không còn là đứa trẻ nữa; tuy vậy, chúng vẫn cần sự quan tâm, hướng dẫn và kỷ luật của chúng ta.
Điều chúng ta cần làm là bắt đầu với một sự thay đổi hoàn toàn trong cách chúng ta nhìn nhận và làm cha mẹ của thiếu niên. Trong những năm qua, tôi đã học được 10 sai lầm trong việc nuôi dạy con ở tuổi thiếu niên, trong đó có rất nhiều sai lầm mà tôi đã mắc phải – và tôi hy vọng bạn sẽ không lặp lại sai lầm của tôi.
1. Không thừa nhận khi chúng ta sai
Là cha mẹ, chúng ta cần phải làm quen với việc con cái chỉ ra sai trật của chúng ta. Tôi có ba “thám tử” ở nhà và chúng quan sát những gì tôi làm và “bắt lỗi” khi tôi làm sai. Ví dụ, khi tôi quên tắt đèn ở nhà, khi chúng tôi đến nhà thờ muộn… tất cả những điều mà tôi luôn bảo con mình đừng làm.
Không có cha mẹ nào là hoàn hảo; tất cả chúng ta đều sẽ phạm sai lầm trước mắt con cái mình. Nhưng nếu chúng ta mắc sai lầm, chúng ta có thể học cách thừa nhận bằng cách nói ba “cụm từ kỳ diệu” sau:
1. “Cha/mẹ xin lỗi”
2. “Cha/mẹ đã sai”
3. “Mong con tha lỗi cho cha/mẹ”
Đây là những từ đơn giản, nhưng có sức mạnh to lớn. Con cái chúng ta cần thấy những khi chúng ta mắc lỗi và thừa nhận lỗi lầm của mình để học được giá trị của sự xưng tội, khiêm nhường và tha thứ.
Điều này phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh đối với sự thất bại và sự tha thứ. Nguyên tắc trong I Giăng 1:9— “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính”—nhấn mạnh thực tế yếu đuối của chúng ta, sự cần thiết phải thừa nhận và xưng nhận những việc làm sai trái của mình, và sức mạnh của sự tha thứ.
Với tư cách là một cựu giám thị ở trường, tôi đã chứng kiến nhiều học sinh có thái độ thô lỗ và ngang ngạnh với các giáo viên. Mặc dù tôi đảm bảo với học sinh rằng vụ việc sẽ khép lại nếu các em xin lỗi nhưng hầu hết các em không làm theo. Khi tôi gọi điện cho phụ huynh của các em và hỏi ở nhà các em có xin lỗi không, phụ huynh nói rằng các em chưa bao giờ làm vậy.
Là cha mẹ, nếu chúng ta can đảm để thú nhận với con khi chúng ta làm sai, thì con cũng sẽ học được thói quen tốt lành và tin kính này từ chúng ta.
2. Không nhất quán
Sự không nhất quán là một vấn đề thường xuyên xảy ra với nhiều bậc phụ huynh trong chúng ta.
Có lần, một người cha đã có một lời cầu nguyện cảm ơn dài và hùng hồn cho bữa ăn sáng. Sau tiếng đồng thanh “A-men” vang lên và cả gia đình bắt đầu thưởng thức bữa ăn thì người cha bắt đầu phàn nàn rằng cà phê quá đắng, bánh mì nướng quá cháy và mứt quá ngọt.
Người con trai liền hỏi: “Bố ơi, bố nghĩ Chúa sẽ để ý lời cầu nguyện của bố hay là lời phàn nàn của bố hơn?”
Nhiều người trong chúng ta có thể đã rơi vào tình huống tương tự, khi chúng ta giảng một điều nhưng thực hành một điều khác. Con cái chúng ta đủ thông minh và nhạy bén để nhận ra sự không nhất quán và giả hình của chúng ta.
Chúa Jêsus thường có những lời nghiêm khắc đối với những kẻ giả hình. Đồng thời, Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lãnh đạo bằng cách làm gương. Ngài nói với các môn đồ trong Giăng 13:15: “Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm gương như Ta đã làm cho các con”. Phao-lô cũng kêu gọi các trưởng lão trong hội thánh và cộng đồng hướng đến đời sống tin kính mẫu mực, ông nói: “Trong mọi việc, chính con phải gương mẫu qua các việc lành” (Tít 2:7, xem thêm Tít 1:6–9).
Chúng ta cần sẵn sàng đón nhận lời góp ý của con cái hoặc người phối ngẫu của mình khi họ chỉ ra những sự không nhất quán của chúng ta, đồng thời cố gắng trở thành một phụ huynh và một người nhất quán trong mọi lời nói và hành động của mình.
3. Không trả lời trung thực cho những câu hỏi chân thành
Sẽ có lúc những đứa con tuổi thiếu niên sẽ làm chúng ta bối rối với những câu hỏi chân thật mà thường khó trả lời. Kiểu như: “Tại sao bố/mẹ lại tức giận như vậy? Tại sao bố/mẹ không giữ lời hứa? Sách Khải Huyền có ý nghĩa gì vậy bố/mẹ?”
Trong những tình huống khó xử đó, có lẽ một số người sẽ tìm cách thay đổi chủ đề, giữ im lặng hoặc giả vờ né tránh. Nhưng con cái chúng ta rất thông minh và chúng có thể nhận ra khi nào chúng ta không muốn trả lời câu hỏi của chúng—hoặc không biết cách trả lời.
Điều chúng ta cần làm là cố gắng hết sức để trả lời câu hỏi của con một cách chân thành nhất có thể. Và nếu không biết câu trả lời, chúng ta có thể thành thật nói với con rằng: “Bố/mẹ không biết. Nhưng bố/mẹ sẽ cố gắng tìm hiểu.”
Điều này có thể là thách thức đối với chúng ta vì mọi thứ rất khác biệt khi chúng ta còn nhỏ. Khi đó, cha mẹ của chúng ta có thể đã bảo chúng ta im lặng, vì họ thấy không cần thiết phải trả lời những câu hỏi chân thành đó của chúng ta.
Nhưng khi chúng ta nỗ lực cung cấp cho con mình những câu trả lời trung thực thì chúng ta đang mài giũa kỹ năng tư duy, lập luận và phân tích của con. Và khi xây dựng mối liên hệ với con theo cách này thì chúng ta cũng đang bảo vệ con—bởi vì con đang học hỏi từ chúng ta.
Không chỉ như vậy, chúng ta còn đang bày tỏ và dạy con nguyên tắc Kinh Thánh về sự trung thực nhất quán—không chỉ trong những việc lớn mà còn trong những việc nhỏ, ngay trong từng lời chúng ta nói. Như Châm Ngôn 24:26 nhận định: “Ai đáp lời chính đáng như hôn nơi môi”.
Khi con cái chúng ta hỏi những câu hỏi chân thành, chúng xứng đáng nhận được câu trả lời trung thực.
4. Không phân biệt giữa vấn đề quan trọng và vấn đề nhỏ nhặt
Nhiều người trong chúng ta đôi khi phản ứng thái quá trước những điều nhỏ nhặt mà con mình làm sai. Nhưng chúng ta cần phải phân biệt rõ những gì chúng ta nên giải quyết và những gì có thể bỏ qua.
Có một cặp vợ chồng nọ rất quan tâm đến việc ăn uống lành mạnh và họ đã đến gặp tôi để xin lời khuyên về thói quen ăn uống của con trai mình—cậu bé thích cánh gà và uống nước ngọt. Dù tôi hiểu mối quan tâm của họ đối với sức khỏe của cậu bé, nhưng tôi đề nghị họ nên “nạp gươm vào vỏ” và chỉ sử dụng chúng cho những trận chiến quan trọng.
Chúng ta có thể cầu xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan để phân biệt giữa điều quan trọng và điều nhỏ nhặt.
Ví dụ, những vấn đề quan trọng là những vấn đề liên quan đến tính cách và giá trị đạo đức của con, chẳng hạn như nói dối, gian lận, lạm dụng thuốc, chối bỏ đức tin hoặc ở trong phòng riêng với một người bạn khác giới.
Mặt khác, những vấn đề nhỏ nhặt có thể liên quan đến sở thích về kiểu tóc, thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân hoặc thời gian giải trí.
Hãy chọn lọc trận chiến cách khôn ngoan. Nếu chúng ta la mắng con trong mọi vấn đề thì có thể chúng sẽ không lắng nghe chúng ta khi một vấn đề thực sự quan trọng nảy sinh, bởi vì chúng sẽ coi đó là một ví dụ khác về việc chúng ta cằn nhằn chúng.
Nhưng nếu chúng ta chỉ “rút gươm” cho những trận chiến lớn, thì hy vọng con sẽ thấy rằng chúng ta đang giải quyết một vấn đề nghiêm trọng và con cũng sẽ tiếp nhận những gì chúng ta đang nói một cách nghiêm túc hơn.
Chính Chúa Jêsus cũng đã cho thấy Ngài tập trung vào những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống—như sự cứu rỗi và tìm kiếm vương quốc của Đức Chúa Trời (Lu-ca 12:22–31). Ngài nhận định: “Sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn đồ mặc” (c.23), chứng tỏ sự cần thiết phải tập trung vào những điều quan trọng và tin cậy Chúa sẽ lo phần còn lại.
Trên hết, nuôi dạy con cái thành công tức là biết lựa chọn trận chiến nào để chiến đấu.
5. Không thể hiện sự tán thành và tán thưởng của chúng ta
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng nhanh chóng la mắng khi con không đạt được điều mình muốn. Chúng ta có xu hướng tập trung vào mặt không tốt, những khuyết điểm và thói quen xấu của con, rồi phê bình và cằn nhằn.
Mặt khác, chúng ta có xu hướng chậm hơn trong việc khen ngợi con, tán thưởng những điểm mạnh và khả năng của con, cũng như khen ngợi con khi con làm tốt.
Con cái có thể dễ dàng cảm nhận được sự tán thành hay không tán thành của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nói—ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của chúng ta rất khó che giấu.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trẻ em hiếm khi nhận được lời khen ngợi từ cha mẹ thì chúng có xu hướng lớn lên trở thành người thiếu tự tin và hay chỉ trích người khác. Mặt khác, sự khen ngợi và khuyến khích sẽ xây dựng sự an toàn và tự tin, đồng thời mang lại cho chúng sự đảm bảo rằng chúng được yêu thương và đánh giá cao.
Kinh Thánh nhiều lần nhắc nhở chúng ta khích lệ và động viên anh em cùng đức tin—trong đó có con cái chúng ta. Thay vì hạ thấp người khác và làm họ nản lòng, chúng ta phải “khích lệ nhau và xây dựng nhau, như anh em vẫn làm” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11).
Và, sự khích lệ con cái không có nghĩa là tâng bốc con hay khen ngợi con một cách sáo rỗng, đặc biệt là về những thứ mà không phải do con đạt được, chẳng hạn như vẻ ngoài của con. Chúng ta có thể khích lệ khi con làm điều gì đó đáng khen ngợi. Hãy để ý những công việc và nhiệm vụ nhỏ nhặt hàng ngày mà con đã thực hiện và khen ngợi con đã hoàn thành việc đó.
—
Tác giả: GN CHIANG TAT
Chuyển ngữ: Selah Truong
Biên tập & minh họa: ODB Việt Nam
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/