10 SAI LẦM CẦN TRÁNH TRONG VIỆC NUÔI DẠY CON Ở TUỔI THIẾU NIÊN (PHẦN 2)

Người cha của ba đứa con chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con ở tuổi thiếu niên. Đây là phần thứ hai của loạt bài gồm hai phần. Đọc Phần 1 tại đây

6. Không cho con quyền được thất bại

Lẽ tự nhiên là nhiều bậc phụ huynh cố gắng che chở con mình khỏi sự thất bại, vì chúng ta muốn con thành công nhất có thể. Vì lý do đó mà chúng ta cố gắng hết sức để bảo vệ con khỏi thất bại và nghịch cảnh.

Nhưng nếu con cái chúng ta không trải qua những thất bại và thất vọng thì có lẽ chúng sẽ lớn lên mà thiếu sự kiên cường, bền bỉ hoặc khả năng phục hồi. Hoặc chúng có thể trở nên lo lắng về bản thân vì sợ làm chúng ta thất vọng.

Mọi thất bại đều có thể được Chúa dùng để dạy con biết đứng dậy và bắt đầu lại.

Con cái chúng ta cần biết rằng chúng có “quyền” hoặc quyền tự do để thất bại. Thay vì gửi một thông điệp rằng khi con thất bại thì đó là ngày tận thế, chúng ta có thể ôm lấy con và nhắc con nhớ rằng cha mẹ vẫn yêu thương con bất kể chuyện gì xảy ra.

Chúa Jêsus không bao giờ phán xét ai vì sự yếu đuối và thất bại của họ, ngay cả các môn đệ của Ngài. Thay vào đó, Ngài luôn sẵn sàng tha thứ và phục hồi họ. Chẳng hạn, khi Phi-e-rơ phản bội Ngài, Chúa Jêsus đã tha thứ cho ông và làm mới lại sứ mạng của ông (Giăng 21:15-19).

Ở một khía cạnh nào đó, phản ứng của chúng ta trước thất bại của con cái phản ánh cảm giác an toàn của chính chúng ta.

Khi con trai tôi nhận bảng kết quả học tập hồi cấp 2, con muốn tránh mặt tôi vì con thi trượt môn Văn. Khi vợ tôi gọi điện kể lại chuyện đó, tôi rất tức giận. Khi ấy, tôi là một người cha cực kỳ thích kiểm soát.

Nhưng tôi đã cầu nguyện trên đường về nhà và khi đến nơi, tôi cảm nhận sự bình an sâu sắc trong lòng. Con trai né ánh mắt của tôi khi đưa cho tôi phiếu điểm – và thậm chí chính tôi cũng ngạc nhiên khi tôi ôm con vào lòng và hôn con. Con đã rất ngạc nhiên. Tôi hỏi: “Con đã cố gắng hết sức chưa?” Con trả lời là con đã làm hết sức rồi. Và tôi đã ký vào phiếu điểm đó.

Con trai tôi cuối cùng đã vượt qua môn Văn thời cấp 2 và ngày nay cậu ấy đang dạy môn Văn Học ở một trường đại học!

Tôi nhận ra rằng Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi, một người cha luôn lo lắng và bất an.

Con chúng ta cần biết rằng chúng ta yêu thương con không phải vì những gì con làm. Việc chấp nhận thất bại của con giúp chúng ta có thể chia sẻ với con rằng chúng ta biết ơn ân điển và tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì Ngài chỉ nhìn vào con người của chúng ta trong Đấng Christ.

7. Không thảo luận cùng con những vấn đề khó và nhạy cảm

Mỗi gia đình đều có những vấn đề được xem là nhạy cảm và khó nói. Đó có thể là vấn đề với người khác (chẳng hạn như mâu thuẫn giữa vợ chồng hay bất đồng với ba mẹ của vợ/chồng), hoặc những vấn đề riêng tư (như sự giận dữ hay dục vọng).

Các con ở tuổi thiếu niên sẽ nhận ra những vấn đề nhạy cảm này—và để ý cách chúng ta phản ứng khi con nhắc đến. Chúng ta im lặng hay tìm cách thay đổi chủ đề, hay đưa ra câu trả lời trung thực cho những câu hỏi chân thành?

Khi con cái nêu lên những vấn đề khó nói, điều đó báo hiệu rằng con muốn trao đổi với chúng ta. Không phải con muốn làm khó chúng ta mà thực sự con chỉ muốn hiểu chúng ta nghĩ gì.

Nếu chúng ta có thể tận dụng những khoảnh khắc này thì đó có thể trở nên những cơ hội để dạy con những điều mà con sẽ ghi nhớ và mang theo suốt đời. Sự sẵn lòng của chúng ta quan trọng hơn nội dung câu trả lời.

Một lần nữa, chúng ta có thể học theo gương của Chúa Jêsus. Với tất cả các môn đệ và cả những người nghe Ngài, Ngài không bao giờ bác bỏ những câu hỏi khó hay nhạy cảm mà luôn giải đáp một cách nhẹ nhàng nhưng chân thành. Khi người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng hỏi về lai lịch và thẩm quyền của Ngài, Ngài không hề cảm thấy bị xúc phạm mà còn tận dụng cơ hội để trò chuyện với bà nhiều hơn (Giăng 4:7–26).

Chúng ta không có câu trả lời hoàn hảo cũng không sao cả. Nhưng chúng ta có thể chân thành trò chuyện với con và thể hiện rằng chúng ta sẵn sàng chia sẻ về những chủ đề hóc búa.

8. Không chấp nhận bạn bè của con

Chúng ta thường nhanh chóng đánh giá liệu bạn bè của con có phải là người có ảnh hưởng tốt hay không. Và vì bản năng bảo vệ của mình, chúng ta có xu hướng chỉ trích những người mà chúng ta cho rằng có thể gây ảnh hưởng xấu đến con mình. Nhưng điều này có thể phản tác dụng.

Có lần tôi gặp một bà mẹ rất thất vọng và lo lắng cho cô con gái 16 tuổi của mình. Em từng là một cô gái ngoan ngoãn ở trường tiểu học, nhưng sau khi bắt đầu chơi với một nhóm nữ sinh ở trường cấp hai, em bắt đầu uống rượu và hút thuốc.

Mẹ em đã cố gắng hết sức để ngăn cản con đi chơi với những người bạn này bằng cách chỉ trích họ. Thật không may, điều này lại gây tác dụng ngược: em ngày càng thân thiết hơn với đám bạn này, trong khi mối quan hệ của em với mẹ lại trở nên tồi tệ.

Vì vậy, mẹ em đã thay đổi “chiến thuật”: bà học cách chấp nhận bạn bè của con gái mình và thậm chí còn mời chúng đến nhà để hiểu rõ hơn về chúng.

Vài tháng sau, con gái cô đã tâm sự với mẹ những gì cô thực sự nghĩ về những người bạn của mình. Người mẹ vẫn không phán xét các bạn của con mà dành thời gian để lắng nghe con gái mình và cuối cùng, cô gái sau đó đã quyết định rời khỏi nhóm này.

Bạn bè là một phần quan trọng trong cuộc sống của những đứa con tuổi thiếu niên. Khi chúng ta chỉ trích những người bạn của con, con sẽ coi đó như là sự công kích chính cá nhân chúng.

Vậy chúng ta có thể làm gì khi chúng ta quan tâm đến việc chọn lựa bạn bè của con mình? Thay vì chỉ trích, chúng ta có thể thử đặt những câu hỏi không mang tính phán xét để khơi dậy suy nghĩ và giúp con tự suy xét trong lòng. Ví dụ: Con nghĩ gì về bạn của mình? Con cảm thấy thế nào về các bạn? Con có làm theo hành vi của bạn không?

Như ví dụ của người mẹ trên cho thấy, việc trò chuyện với con và chia sẻ sự khôn ngoan từ Lời Chúa trong sự thấu hiểu và nhạy bén có tác dụng lớn hơn nhiều so với việc cằn nhằn hoặc chỉ trích chúng. Châm Ngôn 16:23, cùng với nhiều câu châm ngôn khác mô tả sự khôn ngoan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng những lời lẽ khôn ngoan và đúng đắn để xây dựng thay vì phá hủy: “Lòng người khôn ngoan dạy dỗ miệng mình, và thêm sự học thức cho đôi môi”.

9. Không dành thời gian cho con

Chúng ta đang sống trong một xã hội coi trọng tốc độ và hiệu quả. Nhưng vội vã là kẻ thù lớn nhất của việc xây dựng mối liên hệ.

Cách đây vài năm, tôi đã tư vấn cho một người đàn ông có cô con gái tuổi thiếu niên bị trầm cảm. Cô bé đã tâm sự với bạn bè rằng mình muốn tự tử và họ ngay lập tức gọi điện cho bố cô.

Người bố ấy mất sáu giờ mới trở về nhà được sau khi làm xong công việc. Mặc dù cô gái đã không tự tử nhưng người cha bận rộn dường như không quan tâm đến con gái và điều đó càng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Thật không may, đối với nhiều người trong chúng ta, khi con cái ở độ tuổi thiếu niên, chúng ta cũng có xu hướng bận rộn nhất trong sự nghiệp. Nhưng con cái có quyền có được thời gian của chúng ta. Khi con cái nhận thấy dấu hiệu rằng chúng ta không có thời gian dành cho chúng, chúng sẽ không muốn trò chuyện, gắn kết với chúng ta nữa.

Và mặc dù “thời gian chất lượng” là quan trọng nhưng tôi tin rằng trước hết chúng ta cần dành cho con một lượng thời gian trước khi có thể thực sự tận hưởng khoảng thời gian chất lượng bên con mình.

Yêu thương có nghĩa là dành thời gian cho ai đó. Bất kể Chúa Jêsus có bận rộn thế nào trong chức vụ của Ngài trên đất hay Ngài mệt mỏi đến đâu, thì Ngài vẫn luôn dừng lại để dành thời gian cho những người cần Ngài (Mác 6:34) và những người muốn trò chuyện hay học hỏi từ Ngài (Giăng 16:12).

Chúng ta hãy nắm bắt cơ hội thời gian này với con cái của mình, vì thời gian đó sẽ không kéo dài mãi mãi.

10. Không yêu thương con bằng tình yêu vô điều kiện

Là một người tâm vấn tại mục vụ Singapore Youth for Christ, tôi đã từng trò chuyện với những thiếu niên tham gia các băng đảng và bị bắt. Tôi nhớ đến một cậu bé cá biệt sắp bị tòa án vị thành niên tuyên án. Cậu ta có mối quan hệ không tốt với cha mẹ mình, nhưng vẫn mong muốn cả cha và mẹ có mặt tại phiên tòa tuyên án.

Tuy nhiên, cha cậu đã từ chối hiện diện. Ông ấy nói với tôi: “Con trai tôi đã ra đi và không còn hy vọng gì nữa”. Tất nhiên, con trai ông ấy vô cùng tổn thương trước sự vắng mặt của cha mình.

Đó là một câu chuyện đau lòng về sự thất bại trong việc yêu thương con bằng tình yêu vô điều kiện.

Khi con cái luôn làm cho tấm lòng chúng ta tan nát, thì điều cần thiết đó là tình yêu vô điều kiện – tình yêu mà con người không thể có được, duy chỉ có Chúa mới có thể làm.

Rô-ma 5:8 – “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta”—là một trong nhiều câu Kinh Thánh nhấn mạnh rằng tình yêu của Đức Chúa Trời không dựa trên việc làm của chúng ta, mà chỉ đến từ ân điển Ngài.

Giống như Chúa yêu chúng ta vô điều kiện, chúng ta cũng hãy yêu con cái mình bằng tình yêu như vậy. Cách cư xử của con cái có thể làm chúng ta tổn thương, và chúng ta có thể và cũng nên bày tỏ sự nghiêm khắc với những hành vi sai trái khi cần thiết. Nhưng dù sao đi nữa thì chúng vẫn là con của chúng ta, đừng bao giờ từ bỏ con mình. Chúng ta yêu con vì đó là con của chúng ta, chứ không phải vì những gì chúng làm.

Để nuôi dạy những đứa con tin kính, chúng ta phải là những bậc cha mẹ tin kính

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã mắc phải những sai lầm trong hành trình nuôi dạy con cái của mình, dù có những nỗ lực chân thành và tận tâm để làm những gì tốt nhất cho con. Nhưng không sao cả, bởi vì khi có Đấng Christ, chúng ta vẫn còn có hy vọng.

Cuối cùng, chìa khóa để nuôi dạy những đứa con tin kính là chính chúng ta phải trở nên những bậc cha mẹ tin kính: là những người nam và người nữ giống như Chúa muốn. Khi chúng ta tăng trưởng trong mối liên hệ với Chúa và bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với con cái mình, thì chúng ta có thể làm gương cho con “trong lời nói, cách cư xử, lòng yêu thương, đức tin và sự trong sạch” (I Ti-mô-thê 4:12).

Lạy Cha Thiên Thượng, cảm ơn Ngài đã ban cho chúng con có những đứa con ở tuổi thiếu niên. Chúng con thừa nhận rằng dù có ý tốt nhưng chúng con đã mắc phải nhiều sai lầm trong suốt quá trình nuôi dạy con cái của mình. Xin giúp chúng con học hỏi từ những sai lầm đó và tăng trưởng trong sự tin kính với vai trò của người làm cha, làm mẹ. Với lòng tin của mình, chúng con phó dâng vai trò nuôi dạy con cái cho Ngài. Nguyện Chúa được vinh hiển trong chính ngôi nhà và trong gia đình của chúng con. Trong danh Chúa Jêsus Christ. A-men.

Đây là phần thứ hai của loạt bài gồm hai phần về những sai lầm cần tránh trong việc nuôi dạy con ở tuổi thiếu niên. Đọc Phần 1 tại đây

Tác giả: GN CHIANG TAT

Chuyển ngữ: Selah Truong

Biên tập & minh họa: ODB Việt Nam

Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/