banner

Cách đây vài Chúa Nhật, một người quen trong hội thánh kéo tôi ra riêng trước giờ nhóm buổi sáng để nói về điểm yếu trong tính cách của tôi. Cô ấy nghĩ rằng tôi quá bận rộn đáp ứng nhu cầu của người khác trong hội thánh mà bỏ bê nhu cầu của chính mình. Theo suy nghĩ của cô ấy, lẽ ra tôi nên lo cho bản thân mình nhiều hơn.

Tôi mỉm cười và cảm ơn cô ấy vài lời qua loa vì quan tâm đến tôi.

Nhưng trong tâm trí, tôi cảm thấy bực bội – tôi rất giận. Tôi thấy cô ấy nói theo kiểu trịch thượng và việc cô ấy xen vào chuyện của tôi là không chính đáng. Tôi không phải kiểu người hay sợ sệt và thiếu tự tin. Mặc dù tôi cũng thất bại và thiếu sót như bao người khác, nhưng tôi tin rằng Chúa ban cho tôi tấm lòng nhân từ và rộng rãi, tôi luôn tìm cách giúp đỡ những người xung quanh – tôi đã luôn xem đó là điều quý giá.

Cho đến hôm nay, người đó vẫn không biết cảm giác của tôi. Tôi đã quyết định bỏ qua phản ứng tiêu cực để tránh tranh cãi không cần thiết.

Tuy nhiên tôi vẫn tự hỏi… liệu rằng việc né tránh xung đột bằng cách tránh chạm mặt cô ấy có phải là điều đúng đắn không?

Là thân thể của Đấng Christ, chúng ta cần đối diện với xung đột trong hội thánh và trong đời sống cách lành mạnh, điều đó sẽ giúp:

- Đem đến sự bình an

- Thúc đẩy tình yêu thương

- Gây dựng nhau trong thân Chúa để cùng nhau hầu việc Chúa trong hội thánh và ngoài xã hội

Vậy thì, chúng ta làm điều đó như thế nào?

Sứ đồ Phao-lô nói đến vấn đề nan giải này trong thư tín gởi cho các Cơ Đốc nhân tại thành Cô-lô-se. Bởi vì sự xuất hiện của các giáo sư giả, hội thánh đã bị chia rẽ sâu sắc. Trong Cô-lô-se 3:13-15, Phao-lô chỉ ra ba nguyên tắc mà chúng ta có thể áp dụng khi đối diện với xung đột.

pic 1

1. Tha thứ nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta

Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. (Cô-lô-se 3:13)

Tha thứ là điều rất quan trọng đối với sứ đồ Phao-lô, từ này được lặp lại ba lần trong câu Kinh Thánh trên. Chúng ta không chỉ được kêu gọi tha thứ cho người khác mà còn cần cố gắng tha thứ theo cách Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Điều này có nghĩa là dù người khác gây ra sự tổn hại nào cho chúng ta thì chúng ta cũng không dùng điều đó để chống lại họ. Điều này cũng có nghĩa là phải xóa bỏ mọi cảm xúc cay đắng hoặc giận dữ mà chúng ta có đối với họ. Việc tha thứ như Chúa đã tha thứ không chỉ giải phóng người phạm lỗi với chúng ta – mà chính chúng ta cũng được tự do.

Có thể người bạn đó có ấn tượng không đúng về tôi. Nhưng không sao! Tôi biết tôi thế nào và Chúa cũng biết rõ tôi. Dù lý do khiến cô ấy có suy nghĩ đó về tôi là gì, tôi vẫn đang học tha thứ mỗi ngày theo cách khiến cả hai chúng tôi được tự do.


2. Mặc lấy tình yêu thương

Nhưng trên hết những điều nầy, phải mặc lấy tình yêu thương, vì là dây liên kết của sự toàn hảo. (Cô-lô-se 3:14)

Chúa Jêsus truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau (Giăng 13:34-35). Nhưng làm thế nào để yêu thương người đang xung đột với chúng ta? Trong trường hợp đó, chúng ta cần có quyết định yêu thương họ - chấp nhận chính con người của họ, những khiếm khuyết và tất cả mọi điều khác, và nhận biết rằng họ cũng là “tác phẩm” đang dần được hoàn thiện, như chính chúng ta. Chúng ta cần mặc lấy tình yêu thương.

Sẽ dễ để yêu thương người đang có xung đột với chúng ta hơn khi chúng ta hiểu được lý do họ hành động như vậy. Người bạn đó có ý tốt, vì thế nếu tôi có bất cứ phản ứng nào, ngoại trừ tình yêu thương thì chỉ làm tăng thêm sự bối rối và tổn thương trong tấm lòng của cô ấy.

Điều đó không có nghĩa là tôi không nên nói chuyện cởi mở về hành động của cô ấy và tác động của điều đó đối với tôi – tôi có thể và tôi sẽ thực hiện vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, nếu gặp nói chuyện với cô ấy, tôi cần phải thực hiện điều đó bằng tình yêu thương, không phải vì tôi thấy bị tổn thương hay tôi muốn buộc tội cô ấy.

Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Khi chúng ta vẫn còn chống nghịch Ngài thì Ngài đã yêu chúng ta (Ê-phê-sô 2:4-5). Nếu tình yêu thương của Chúa có thể giúp chúng ta hiệp một với Ngài, lẽ nào chúng ta lại không chia sẻ tình yêu thương đó với người khác?


3. Để sự bình an của Chúa ngự trị tấm lòng chúng ta

Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể, và hãy tỏ lòng biết ơn. (Cô-lô-se 3:15)

Ở trong tình trạng xung đột rất căng thẳng và tiêu tốn nhiều năng lượng tinh thần của chúng ta. Vì sao nhiều người lại chọn sống theo cách đó, trong khi có thể nhận lấy sự bình an Chúa ban cho (Giăng 14:27)?

Quyết định chấp nhận sự bình an của Chúa Jêsus là ơn phước lớn lao đối với tôi trong hoàn cảnh của mình. Đây là điều không dễ áp dụng nhưng nó giúp tôi suy nghĩ về những bất an nội tâm và căng thẳng mà tôi đang trốn tránh bằng cách đơn giản là tin rằng Chúa Jêsus sẽ giải quyết mọi việc trong thời điểm hoàn hảo của Ngài. Khi suy nghĩ như vậy thì nhận lấy sự bình an là lựa chọn tốt nhất!

Hội thánh rất quan trọng đối với Chúa Jêsus. Để hội thánh được vận hành tốt đẹp, Ngài muốn chúng ta phải hòa thuận. Vì vậy, nếu hôm nay bạn đang níu giữ nan đề hay xung đột nào đó, bạn sẵn sàng buông bỏ vì danh Chúa Jêsus không?

Sẽ tốt nếu có thể nói rằng xung đột là điều có thể tránh được. Thật không may, chúng ta là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới tan vỡ - vì thế dễ có những bất hòa và xung đột.

Thật được an ủi khi biết rằng chúng ta có một Đức Chúa Trời toàn hảo, Ngài yêu thương chúng ta dù chúng ta tội lỗi, và hướng dẫn chúng ta cách đối diện với những xung đột theo cách giống Đấng Christ, qua tình yêu thương và sự dạy dỗ của Ngài!

Tác giả: Madeline Twooney, Đức

Được dịch từ trang: https://ymi.today/2019/09/3-healthy-ways-to-handle-conflict/