banner

Tác giả: Michele Ong

Dịch giả: Mai Chi

Biên tập: Lời Sống Hằng Ngày

Được dịch từ trang YMI: https://ymi.today/2016/04/5-steps-to-be-free-of-financial-woes/. YMI là trang web hướng đến giới trẻ, thuộc Our Daily Bread Ministries.

Bố tôi là nhân viên ngân hàng và ông thích đưa ra những lời khuyên về tài chính, như là “chỉ mua những thứ cần thiết”, “không vung tay quá trán” và “để dành tiền phòng khi gặp khó khăn”. Đối với bố tôi, độc lập tài chính là có đủ tiền trong tài khoản để có thể tự đứng trên chân mình.

Tiếc là tôi khá dở trong việc quản lý tài chính. Tôi không biết chính xác số tiền mình có trong tài khoản cho đến khi ngân hàng liên hệ để trao đổi về các khoản tài chính của tôi, đến lúc đó tôi mới biết rõ.

Tuy nhiên, qua nhiều năm làm việc trong vai trò phóng viên, tôi bắt đầu thấy trân trọng lời khuyên của bố vì tôi đã gặp và phỏng vấn nhiều gia đình rất eo hẹp về tài chính. Có những gia đình không thể mua nổi đồng phục cho con đi học, nhiều gia đình phải tằn tiện và để dành mới có tiền dẫn con đi xem phim. Tôi không nói những gia đình này rơi vào hoàn cảnh như vậy là vì họ thiếu trách nhiệm với tài chính của mình; nhưng điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc chi tiêu khôn ngoan và tôi phải dành riêng ra một khoản tiết kiệm mỗi khi lãnh lương, để không rơi vào cảnh túng thiếu.

Vì lý do đó, tôi muốn chia sẻ một số bí quyết mà tôi đã học được, hy vọng có thể giúp bạn bắt đầu hành trình độc lập tài chính của bản thân.

pic 1

1. Tiết Kiệm Trong Chi Tiêu

Điều này thật đơn giản, nhưng không dễ để thực hiện. Lý do là vì tôi luôn cảm thấy mình có nhu cầu chi tiêu mỗi khi được nhận lương. Tôi suy nghĩ đến những cuốn sách mới và quần áo mới mà tôi đang cần và ngay lập tức cảm thấy hào hứng khi nghĩ về những bữa ăn cuối tuần và cà phê với bạn bè.

Dù việc kiểm soát chi tiêu những khoản lớn sẽ dễ dàng hơn, chẳng hạn như bữa ăn 40 đô-la, nhưng nhiều khoản nhỏ cũng sẽ tích thành khoản lớn. Ví dụ, tôi rất thích cà phê và không gì vui sướng hơn là mua một ly cà phê mỗi sáng để giúp đầu óc tỉnh táo. Tuy nhiên, mỗi ngày chi 6 đô-la cho một ly cà phê mocha thì mỗi tuần sẽ tốn 30 đô-la. Và vì tôi không thường đem theo cơm trưa nên sẽ tốn thêm 12 đô-la ăn ở ngoài. Nếu chi tiêu như vậy liên tục trong 5 ngày, tôi sẽ tốn khoảng 100 đô-la cho bữa trưa và cà phê. Với số tiền này, tôi có thể mua được vài cuốn e-book trên Amazon hoặc có thêm chiếc váy mới.

Kinh Thánh đưa ra những lời khuyên khôn ngoan về việc tiết kiệm trong chi tiêu: Lời Chúa bảo chúng ta nhìn loài kiến khôn ngoan và xem cách chúng “dự trữ lương thực cho mình vào mùa hè, và thu gom thực phẩm trong mùa gặt” (Châm Ngôn 6:8). Chúng ta hãy học theo loài kiến khôn ngoan, để riêng một phần tiết kiệm từ tiền lương hàng tháng. Trong suốt sáu tháng tìm việc làm hồi năm ngoái, tôi gần như hoàn toàn dựa vào số tiền tiết kiệm của tôi (và của bố mẹ) để trả hóa đơn điện thoại và bảo hiểm y tế. Tôi cũng đã phải dùng đến số tiền dành dụm trong heo đất để trả tiền sửa xe gần 1.000 đô-la. Hãy tưởng tượng tôi sẽ gánh khoản nợ lớn cỡ nào nếu không có khoản tiền tiết kiệm.

Gần đây, để tránh tiêu xài quá mức, tôi đã giảm hạn mức thẻ tín dụng xuống một nửa và thiết lập tài khoản tích lũy tự động để mỗi lần lãnh lương, ngân hàng sẽ tự động chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản khác. Khi không thấy khoản tiền đó thì bạn sẽ không nghĩ tới việc tiêu xài nó.


2. Trở Thành Quản Gia Có Trách Nhiệm

“Tiền không dễ kiếm nên con hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi sử dụng đồng tiền mà con vất vả kiếm được”. Bố tôi luôn nói như thế mỗi khi tôi chuẩn bị chi số tiền lớn. Hay với những khoản chi nhỏ hơn cũng vậy.

Tất nhiên, không có gì sai khi thỉnh thoảng bạn chi tiền để mua sắm hay để thay mới những món đồ cũ kỹ. Tuy nhiên, vì tiền bạc có giới hạn, hãy cẩn thận suy xét nên đầu tư tiền vào cái gì và đầu tư như thế nào.

Bố tôi có thể nhắc đi nhắc lại lời khuyên “chỉ mua những thứ cần thiết”, nhưng tôi nhận thấy rằng cách tốt nhất để quản lý tiền bạc là xem chúng như tài sản thuộc về Chúa. Xét cho cùng thì đất và muôn vật trên đất đều thuộc về Chúa (Thi Thiên 24:1) và tiền bạc của chúng ta cũng vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ là người quản lý của Chúa, vậy nên chúng ta phải sử dụng tiền bạc theo ý muốn Ngài.

Chúa là Đấng có quyền trên tài chính của tôi, và tôi là một trong những người quản lý tài chính của Ngài – chịu trách nhiệm về cách sử dụng tiền của Ngài. Liệu Chúa có vui lòng khi tôi chi 2.000 đô-la để mua chiếc túi hàng hiệu trong khi tôi không đủ khả năng? Và liệu Ngài có vui khi tôi chi tiền vào những món đồ không cần thiết, thay vì tiết kiệm tiền hoặc dùng nó để giúp đỡ người khác?


3. Trung Tín Dâng Hiến

Trong sáu tháng thất nghiệp, tôi đã không dâng hiến hàng tuần như trước đây nữa mà chuyển sang dâng hai tuần một lần. Và mãi cho đến khi có thu nhập ổn định, tôi mới bắt đầu dâng hàng tuần trở lại. Thật lạ vì tôi sẵn sàng trả 20 đô-la để mua vé xem phim hoặc mua chiếc áo sơ-mi mà tôi không cần, nhưng tôi lại không dành số tiền đó để dâng hiến hàng tuần.

Tôi không thể khuyên liệu bạn có nên ngừng dâng hiến nếu bạn gặp khó khăn về tài chính. Nhưng tôi khích lệ bạn trung tín dâng hiến, ngay cả khi số tiền bạn dâng có vẻ không nhiều. Bạn nhớ câu chuyện về bà góa dâng hai đồng xu chứ?

Có thể dường như việc dâng hiến khiến bạn mất thêm một khoản trong phần tiền lương hàng tháng. Tuy nhiên, nhiều năm dâng hiến đã dạy tôi rằng Chúa tôn quý những người trung tín dâng hiến cho Ngài.


4. Tin Cậy Chúa Sẽ Đáp Ứng Nhu Cầu Của Bạn

Điều này nghe có vẻ khác thường và trái ngược với bất kỳ lời khuyên nào bạn từng nghe để độc lập về tài chính.

Có lẽ thế giới bảo bạn đầu tư vào cổ phiếu, tìm cách thăng tiến, hoặc làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Và chúng ta thường nghĩ mình phải tự đáp ứng nhu cầu tài chính của mình bởi vì sẽ không ai khác lo cho chúng ta. Tôi biết rõ cảm giác đó – tôi thường lo lắng về vấn đề tài chính cho tương lai. Là người viết sách, tiền lương của tôi thường thấp hơn nhiều so với những bạn làm kế toán, luật sư, bác sĩ và nhân viên ngân hàng. Có lúc tôi tự hỏi: “Sẽ thế nào nếu tôi vẫn làm công việc này ở tuổi 55?”

Sau đó, tôi được khích lệ rất nhiều khi biết đến George Muller, một người có đức tin mãnh liệt, ông luôn tin cậy Chúa sẽ chu cấp cho nhu cầu tài chính của mình. Ông Muller sinh ra ở Đức, rồi ông chuyển đến London để bắt đầu công việc truyền giáo vào năm 1829, sau đó ông được thôi thúc để xây dựng một trại trẻ mồ côi, tại nơi đó ông đã chăm sóc hơn 10.000 trẻ mồ côi cho đến cuối đời.

Điều ấn tượng với tôi về câu chuyện của Muller là ông không hề xin tiền ai để xây dựng trại trẻ mồ côi. Ông chỉ trình dâng nhu cầu lên cho Chúa và tin chắc rằng Ngài sẽ chu cấp mọi điều cần thiết. Thật tuyệt vời phải không? Chúa không phải là thần tài, Ngài không có nghĩa vụ thỏa mãn những ham muốn giàu sang của bạn. Nhưng Chúa chăm sóc bạn và Ngài hứa đáp ứng mọi nhu cầu trong mọi lĩnh vực của cuộc đời bạn (Phi-líp 4:19). Những người kính sợ Chúa sẽ chẳng thiếu thốn gì (Thi Thiên 34:10).


5. Tìm Kiếm Vương Quốc Chúa Trước Hết

Đôi khi trong lúc theo đuổi việc kiếm tiền hay tăng thu nhập, chúng ta dễ bỏ qua điều quan trọng nhất – đó là Chúa.

Có tiền là điều chính đáng và không có gì sai khi đảm bảo mình có đủ tiền để sống sót qua những ngày khó khăn. Nhưng vấn đề nảy sinh khi chúng ta tôn sùng đồng tiền và tự thuyết phục rằng mình chưa có đủ tiền và chúng ta sẽ qua đời cách mãn nguyện nếu có đủ số tiền mong muốn trong tài khoản.

Nhưng thực tế là chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn. Điều này đặc biệt đúng đối với tôi. Khi tôi kiếm được rất ít tiền từ việc viết báo, tôi ao ước: “Thật tuyệt nếu tôi có thêm vài nghìn đô-la trong tài khoản. Lúc đó cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn”. Chúa đã đáp lời cầu nguyện của tôi và cho tôi công việc mới có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, tôi lại ao ước có thu nhập cao hơn nữa.

Kinh Thánh cảnh báo chúng ta rằng: “lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối” (I Ti-mô-thê 6:10). Và chúng ta được khuyên rằng: “Chớ tham tiền, hãy hài lòng với những gì mình có, vì chính Đức Chúa Trời có phán: ‘Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu’” (Hê-bơ-rơ 13:5).

Ước mong chúng ta sẽ không để những nan đề tài chính khiến mình phiền muộn, nhưng cứ nắm lấy lời hứa của Chúa trong Ma-thi-ơ 6:33: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa.”