5 CÁCH ĐỂ KHUYẾN KHÍCH ĐỜI SỐNG THUỘC LINH LÀNH MẠNH

Chúng ta quan tâm chế độ ăn uống của con mình, nhưng cũng hãy nhớ giúp chúng phát triển lòng yêu mến Lời Chúa nữa.

“Con uống vitamin chưa?”

“Con có uống đủ nước không?”

“Con đã ăn trưa chưa?”

Những câu hỏi này có quen thuộc với bạn không?

Những gì các con của chúng ta ăn và ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của chúng là điều vô cùng quan trọng. Nhiều người trong chúng ta cố gắng hết sức để đảm bảo rằng con mình ăn uống đúng cách. Chúng ta cũng chú ý tương tự đến “chế độ học tập” của các con:

“Con đã làm bài tập chưa?”

“Con đã học bài để chuẩn bị kiểm tra chưa?”

“Giáo viên nói con nên tham khảo những quyển sách nào?”

Tất cả những câu hỏi này và mối quan tâm đằng sau đều có cơ sở và có ý tốt. Nhưng còn đời sống thuộc linh của chúng thì sao? Lần cuối chúng ta hỏi con mình “Con đã đọc Kinh Thánh chưa?” là khi nào?

I Phi-e-rơ 2:2 sử dụng hình ảnh trẻ sơ sinh thèm sữa để minh họa rằng chúng ta cũng khao khát Lời Chúa với cùng cảm xúc và nhu cầu như vậy.

Và điều đó đúng cho cả chúng ta và con cái chúng ta: việc yêu mến Lời Chúa là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thuộc linh của chúng ta, và tất cả đều bắt đầu từ việc đọc Kinh Thánh.

Một thói quen tại nhà

Trong Phục Truyền 6:1-9, Môi-se đưa ra những mệnh lệnh cẩn thận cho các bậc cha mẹ trong dân Y-sơ-ra-ên là phải vâng theo Lời Đức Chúa Trời và dạy điều đó cho con cái họ.

“Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay. Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy” (c.6-7).

Dân Y-sơ-ra-ên thường xuyên nhóm lại để nghe đọc và được dạy về luật pháp của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Môi-se cũng khuyên họ dạy điều đó cho con cái họ tại nhà và trong cuộc sống thường ngày.

Điều này cho thấy rằng việc giáo dục đạo đức và thuộc linh cho các con của chúng ta không nên chỉ giới hạn trong những môi trường chính quy như các buổi nhóm ở nhà thờ, các lớp Trường Chúa nhật, các buổi thông công dành cho giới trẻ và nhóm học Kinh Thánh. Thay vào đó, niềm say mê của chúng ta đối với Lời Chúa và mong muốn vâng lời Ngài nên dẫn đến việc chúng ta cảm thấy tự nhiên để đề cập về Chúa trong mọi cuộc trò chuyện mọi lúc, mọi nơi.

Một tấm gương cho các con của chúng ta

Trong II Ti-mô-thê 1:5, Phao-lô công nhận “đức tin chân thành” của Ti-mô-thê là nhờ di sản của bà Lô-ít và mẹ Ơ-nít của ông. Có lẽ họ là những người đã dạy ông Lời của Đức Chúa Trời và làm gương cho ông thấy ý nghĩa của việc trở thành môn đồ của Đấng Christ.

Trong 3:10-15, Phao-lô cũng dùng đời sống của chính mình làm tấm gương cho Ti-mô-thê noi theo, và khích lệ ông giữ vững những gì ông đã học được:

“Về phần con, hãy giữ vững những gì con đã học và tin quyết, vì con biết mình đã học những điều đó với ai, và từ thuở ấu thơ con đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đấng Christ Jêsus” (c.14-15).

Rõ ràng, chúng ta không chỉ khích lệ các con đọc Kinh Thánh mà còn truyền cảm hứng và dạy dỗ chúng qua gương của chính chúng ta với tư cách là những môn đồ của Đấng Christ. Mặc dù các mục sư, giáo viên dạy Kinh Thánh và giáo viên Trường Chúa nhật làm tốt việc dạy Lời Chúa cho hội thánh, thì chính Kinh Thánh cũng nói rõ rằng ý định của Chúa là chúng ta, với tư cách là cha mẹ, phải dẫn dắt và hướng dẫn các con mình trong Lời Ngài.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể đặt Kinh Thánh làm trọng tâm trong đời sống của các con? Dưới đây là một số cách thực tế để bạn tham khảo:

1. Tự đọc Kinh Thánh

Việc các con của chúng ta đọc Kinh Thánh bắt đầu từ chính chúng ta. Khi các con nhìn thấy tình yêu của chúng ta dành cho Lời Chúa và chứng kiến cuộc đời của chúng ta được Kinh Thánh biến đổi như thế nào, chúng sẽ tự nhiên được thu hút.

2. Cầu nguyện thường xuyên

Hãy cầu nguyện cho các con bạn thêm lên lòng yêu mến Lời Chúa. Và ngay cả khi sự quan tâm của chúng đối với Kinh Thánh dường như không còn nữa, đừng ngừng cầu nguyện. Đức Chúa Trời muốn con cái chúng ta – con cái Ngài – cũng khao khát Lời Ngài nhiều như chúng ta.

3. Sử dụng các tài liệu

Chúng ta không cần phải là chuyên gia mới có thể giúp con mình đọc Kinh Thánh. Hãy xem nhiều tài liệu miễn phí có sẵn trực tuyến hoặc nhờ hội thánh hoặc các lớp Trường Chúa Nhật giúp đỡ để tìm ra cách giúp con bạn dành thời gian cho Lời Chúa.

4. Tìm người giúp đỡ

Nếu con bạn có vẻ thích đọc sách hoặc hay chia sẻ với người khác, hãy tìm ai đó trong hội thánh để giúp đỡ. Đó có thể là một thanh niên lớn tuổi hơn hoặc một giáo viên lớp Kinh Thánh.

5. Trò chuyện với các con

Thay vì la rầy các con về việc đọc Kinh Thánh, hãy thu hút sự chú ý của chúng bằng cách trò chuyện với chúng về Kinh Thánh. Trò chuyện qua những câu hỏi như “Hôm nay con đã học được gì về Chúa?” hoặc “Ba/mẹ có thể cầu nguyện cho con điều gì về những điều con đã học được không?”

Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/

Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://biblical-parenting.org/articles/5-ways-to-encourage-a-healthy-spiritual-diet/