Đọc Kinh Thánh: I Ti-mô-thê 1:8-11
Chúng ta không biết chắc những giáo sư giả đã dạy điều gì tại thành Ê-phê-sô, nhưng từ những điều Phao-lô viết, chúng ta có thể đoán rằng họ đã dạy điều gì đó liên quan đến luật pháp trong Cựu Ước. Họ tự nâng mình lên làm thầy dạy luật (c.7). Có lẽ là họ đã làm méo mó Phúc m (“giáo lý chân chính”, c.10) khi dạy đức tin Cơ Đốc theo chủ nghĩa duy luật – cho rằng chúng ta được cứu bởi thực hành những lễ nghi tôn giáo. Trong trường hợp đó, niềm tin của họ sẽ là tôn giáo dựa trên xác thịt, một sự cứu rỗi xuất phát từ nỗ lực cá nhân, kết quả là tự tôn cao chính mình.
Trong mọi thời kỳ của lịch sử hội thánh, những hình thức Cơ Đốc giáo duy luật đã xuất hiện và lôi kéo người ta khỏi “Tin Lành vinh quang” của Đấng Christ (c.11). Làm thế nào để tránh khỏi những giáo lý lệch lạc như vậy? Có thể chúng ta nghĩ rằng phải hoàn toàn tránh xa và bỏ qua luật pháp. Khi đó chúng ta sẽ kết luận với kiểu suy nghĩ “ân điển là tốt lành, còn luật pháp thì xấu xa”. Có thể chúng ta sẽ bắt đầu hô hào một cuộc Cải chánh – chỉ bởi ân điển – và khước từ bất kỳ vai trò nào của luật pháp trong đời sống Cơ Đốc. Nhưng đó không phải là cách mà nhà cải chánh vĩ đại John Calvin đã nhìn thấy.
Calvin đã chỉ ra ba mục đích của luật pháp, theo như Kinh Thánh. Trước tiên, luật pháp là tấm gương phản chiếu bản tính của Chúa cũng như bản chất tội lỗi của chúng ta. Thứ hai, luật pháp giúp ngăn giữ con người phạm tội – thử tượng tượng mọi thứ sẽ hỗn loạn thế nào nếu người ta không cảm biết luật pháp thiên thượng. Thứ ba, luật pháp cho chúng ta biết điều gì làm đẹp lòng Chúa và hướng dẫn hành vi của chúng ta.
Chúng ta thấy cả ba mục đích đó trong phân đoạn này. Luật pháp được lập nên “cho những kẻ phạm pháp và phản nghịch” (c.9). Phao-lô đề cập đến một vài điều trong Mười Điều Răn ở phân đoạn này (c.9-10). Ông cũng đề cập đến “những kẻ buôn người” (nạn buôn người) và đồng tính luyến ái. Những kẻ phạm pháp bị phơi bày ra bởi luật pháp và luật pháp cũng kìm hãm họ ở một mức độ nào đó.
Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng “luật pháp là tốt nếu được sử dụng đúng đắn” (c.8). Luật pháp hướng dẫn hành vi của Cơ Đốc nhân. Chúng ta không được cứu bởi giữ luật pháp; dù vậy, Đức Chúa Trời cứu chúng ta và ban Thánh Linh Ngài để giúp chúng ta có thể giữ luật đạo đức của Ngài, là điều phản chiếu bản tính của Ngài và cách Ngài đã tạo dựng chúng ta.
Luật pháp là tốt lành khi được sử dụng theo cách này.
Suy ngẫm
Có phải ân điển và luật pháp của Chúa là hai điều loại trừ nhau không? Tại sao?
Luật pháp đã bị hiểu sai, bị lạm dụng hay được sử dụng đúng đắn giữa vòng những Cơ Đốc nhân? Hãy viết xuống một kinh nghiệm ngắn của bạn về luật pháp của Chúa.
Bài viết được trích từ tài liệu Hành Trình Khám Phá sách I & II Ti-mô-thê của tác giả Robert M. Solomon. Sử dụng với sự cho phép của DHP Singapore.