Đọc Kinh Thánh: I Ti-mô-thê 1:3-7

Phao-lô để Ti-mô-thê ở lại thành Ê-phê-sô để thay mặt ông lãnh đạo hội thánh (c.3). Có nhiều việc cần phải giải quyết. Một trong những vấn đề nổi cộm đang diễn ra là sự xuất hiện của những giáo sư không đáng tin cậy trong hội thánh. Những người này vì nhiều lý do khác nhau đã “đi chệch” khỏi đức tin (c.6). Họ trở nên kiêu ngạo và có tư tưởng cao quá lẽ. Thật vậy, họ là những giáo sư tự cao “không hiểu lời mình nói hoặc điều mình quả quyết” (c.7).

Những giáo sư này không chỉ không đáng tin cậy mà còn rất nguy hiểm. Họ lan truyền những giáo lý sai trật và khiến nhiều Cơ Đốc nhân lầm lạc. Họ thích nói những chủ đề vô bổ như chuyện huyễn (có lẽ là những câu chuyện ngụ ngôn của người Do Thái và các dân ngoại) và “những gia phả bất tận” (có lẽ là những gia phả huyền bí và dài dòng của người Do Thái), họ mang đến nhiều sự hoang mang và tranh cãi trong hội thánh (c.3-4). Phúc m của Chúa Jêsus đã bị lãng quên khi những giáo sư giả nầy dẫn mọi người đi xa khỏi con đường Cơ Đốc chân chính mà đi vào chỗ chết.

Một cách để kiểm nghiệm xem liệu một lời dạy nào đó có đúng với lẽ thật của Chúa hay không là xem xét kết quả của nó. Niềm tin quyết định cách sống, và đó là lý do tại sao Phao-lô nói rõ rằng những người dạy giáo lý sai lạc phải bị quở trách. Tin vào lẽ thật của Chúa dẫn đến sự tin kính thật. Ở đây (c.5), điều đó được thể hiện bởi một “tấm lòng trong sạch” (đời sống thánh khiết), một “lương tâm trong sáng” (động cơ tốt) và một “đức tin chân thành” (không có sự giả hình). Trái lại với điều nầy là ảnh hưởng nguy hại của giáo lý sai lạc: “sự tranh cãi” (c.4), “những cuộc tranh luận rỗng tuếch” (c.6), và bội đạo (c.6).

Những giáo sư trung thành với Lời Chúa sẽ mang tình yêu thiên thượng đến với người nghe (c.5). Chức vụ của họ là làm công việc Chúa, chứ không phải chống lại công việc Chúa. Trái lại, những giáo sư giả không có sự tin kính Chúa trong đời sống và chức vụ của họ. Chúng ta có thể nhận biết những giáo sư giả và sự dạy dỗ sai trật qua sự soi sáng của Kinh Thánh, và bằng cách đánh giá nội dung, động cơ và kết quả của họ.

Chúng ta cũng nên tra xét đời sống mình – liệu những sự dạy dỗ và những giáo lý mà chúng ta đang tiếp thu có khiến chúng ta sống cuộc đời tin kính Chúa không. Đây là việc rất quan trọng trong thời đại internet này, khi mà hầu như mọi thứ đều có thể được tìm thấy trên những trang mạng và được gửi rộng rãi qua email.

Suy ngẫm

Theo bạn, đâu là hình thức của những “chuyện huyễn” và “gia phả bất tận” trong hội thánh ngày nay? Tại sao chúng lại nguy hại?

Bạn nghĩ một tấm lòng trong sạch, một lương tâm tốt và đức tin chân thành có liên hệ thế nào với sự bày tỏ tình yêu thiên thượng trong một người?