Đọc Kinh Thánh: I Ti-mô-thê 4:1-5
Sự dạy dỗ sai lạc và nguy hại không thể sản sinh ra một đời sống có phẩm chất và hành vi giống Đấng Christ được. Nó cũng nguy hiểm bởi vì những thực trạng thuộc linh đằng sau đó. Qua những giáo sư giả, những loại tà thuyết đó trở nên lan rộng. Họ là những người “nói dối, “đạo đức giả” (c.2), không dạy lẫn không thực hành lẽ thật. Lương tâm của họ đã bị “chai lì” (c.2). Đây là lần thứ tư Phao-lô đề cập đến lương tâm (I Ti-mô-thê 1:5,19,3:9). Lương tâm là chiếc la bàn đạo đức cảnh báo chúng ta khi chúng ta vi phạm luật pháp của Chúa, nhưng nó có thể bị suy yếu (I Cô-rinh-tô 8:10) bởi “sự lập trình” sai trật của xã hội và bị chai lì bởi vì cứ không vâng lời lặp đi lặp lại. Lương tâm cần phải được dạy dỗ bởi Lời Chúa và Thánh Linh (Thi Thiên 119:11; Giăng 16:8-11, 17:17, Hê-bơ-rơ 9:13-14, 10:16,22).
Một lương tâm bị chai lì thì đánh mất khả năng cảm biết (giống như lưỡi bị tê đi sau khi bị bỏng vì món súp nóng). Nó sẽ không “rung chuông báo động” khi chủ của nó đắm chìm trong điều ác. Phao-lô nhấn mạnh những thế lực thuộc linh của những linh lừa dối (ma quỷ) đang làm việc khi ai đó tuyên truyền tà thuyết (c.1). Sa-tan, chuyên gia trong việc làm mù tâm trí của những người tin (II Cô-rinh-tô 4:4), triển khai những tay sai của nó để lừa dối và làm suy yếu lương tâm của những giáo sư giả, để rồi họ có thể khiến hội thánh tổn hại trầm trọng.
Phao-lô nhận biết điều này và ông rất lo lắng. Chính Đức Thánh Linh cũng đã bày tỏ cho Phao-lô rằng “những thời điểm sau cùng” (hay “những ngày sau rốt”, chỉ về thời kỳ từ ngày lễ Ngũ Tuần đến sự trở lại lần thứ hai của Đấng Christ; II Ti-mô-thê 3:1, Hê-bơ-rơ 1:2), sự lừa dối như vậy sẽ diễn ra, khiến cho một số người “bỏ đức tin” (c.1) và trở thành kẻ bội đạo (khước từ đức tin).
Những giáo sư giả dạy dỗ về chủ nghĩa khổ tu sai lạc đã chối bỏ sự sáng tạo (họ kỷ luật bản thân một cách khắc khổ). “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành” (Sáng Thế Ký 1:31). Điều này bao gồm cả sự tạo dựng nên người nam và người nữ, thể chế hôn nhân, và tình dục trong hôn nhân. Các giáo sư giả ngăn cấm người ta kết hôn (theo thuyết Ngộ đạo) và cấm ăn một số loại thức ăn nhất định (một ý tưởng Do Thái giáo). Những tà thuyết này trong hội thánh đầu tiên đã đe dọa đến sự thuần khiết của Phúc m, cũng như niềm vui và hạnh phúc của các Cơ Đốc nhân.
Chúng ta có thể tiếp nhận tất cả những món quà tốt lành mà Đức Chúa Trời tạo dựng và ban cho với lòng biết ơn, và luôn nhớ rằng bởi Lời Ngài mà chúng đã được thánh hóa, vì Ngài đã tuyên bố những điều Ngài tạo dựng là tốt lành.
Suy ngẫm
Sa-tan cám dỗ con người ăn “trái cấm” (Sáng Thế Ký 3:1-7) hoặc khiến cho họ khước từ điều Đức Chúa Trời ban cho. Nó làm điều đó bằng cách nào? Ngày nay, bạn có thể thấy bằng chứng nào của cả hai sự lừa dối này?
Lương tâm có thể không hoạt động đúng chức năng của nó trong những cách nào? Bạn nghĩ lương tâm được dạy dỗ thế nào bởi Lời Chúa và Thánh Linh? Lương tâm bạn đang ở trong tình trạng nào?
Bài viết được trích từ tài liệu Hành Trình Khám Phá sách I & II Ti-mô-thê của tác giả Robert M. Solomon. Sử dụng với sự cho phép của DHP Singapore.