BA LOẠI NGÔN NGỮ CỦA CHA MẸ

Nhà cải chánh giáo hội John Calvin từng nói: Khi Chúa phán với chúng ta, Ngài “dịu dàng như cách người bảo mẫu nói với trẻ nhỏ”.

Nói cách khác, Chúa phán với chúng ta cách trìu mến. Ngài làm vậy bởi vì Ngài là tình yêu thương, Calvin nói. Ngài không bao giờ quên rằng dù chúng ta đã lớn thế nào hay già cả ra sao, chúng ta vẫn là những đứa con yếu đuối, lệ thuộc và còn nhiều điều chưa biết như Ngài mong muốn.

Trong quyển The Contemplative Pastor (tạm dịch: Vị Mục Sư Suy Tư), nhà thần học và tác giả Eugene Peterson đã viết về ba ngôn ngữ mà chúng ta học trong đời: ngôn ngữ thân mật, ngôn ngữ thông tin và ngôn ngữ thúc đẩy (hay kiểm soát và điều khiển).

Ngôn ngữ thân mật: Trìu mến

Ngôn ngữ đầu tiên của chúng ta là ngôn ngữ thân mật. Đây là điều chúng ta học được từ mẹ của mình khi mẹ nói chuyện với chúng ta cách trìu mến và hát ru chúng ta. Đó là những lời trìu mến như: “Con yêu, mẹ yêu con biết dường nào! Con thật quý giá đối với mẹ! Ôi, cục cưng của mẹ!”

Ngôn ngữ tình yêu này gắn liền với những người mẹ bởi vì họ thường nói với con thơ của mình, và từ những người mẹ mà con trẻ học ngôn ngữ đầu tiên của chúng. Không phải tình cờ mà ngôn ngữ này được gọi là “tiếng mẹ đẻ”; chúng ta không bao giờ gọi là “tiếng cha đẻ”.

Ngôn ngữ thông tin: Học

Khi con trẻ lớn lên và bắt đầu đi học, trẻ được biết đến ngôn ngữ thông tin. Đây là ngôn ngữ giáo dục dạy trẻ em thế nào là “cao”, thế nào là “thấp”, thế nào là “xanh”, thế nào là “đỏ”. Ngôn ngữ này liên quan đến chữ cái và con số.

Khi trẻ đi học, trẻ sẽ ngày càng học được nhiều từ vựng hơn, điều này giúp trẻ tương tác với thế giới xung quanh. Ngôn ngữ thông tin này sẽ có tầm quan trọng hơn nhiều so với ngôn ngữ thân mật; nếu đứa trẻ muốn học tốt, trẻ phải thành thạo ngôn ngữ này.

Ngôn ngữ thúc đẩy: Điều khiển

Ngôn ngữ thứ ba là ngôn ngữ mà trẻ khám phá khi ở trong văn hóa nhà trường. Trẻ sẽ thấy rằng khi thầy cô nói “ngồi”, “đứng” hay “xếp hàng”, thì trẻ sẽ phải làm theo chỉ dẫn.

Đây là lúc trẻ khám phá ra rằng lời nói có sức mạnh ảnh hưởng tới người khác và khiến họ làm điều gì đó. Ngôn ngữ điều khiển hay thúc đẩy là ngôn ngữ quan trọng mà trẻ cần khi học tương tác với người khác. Khi trẻ lớn lên, trẻ phải học cách sử dụng ngôn ngữ này trong nơi làm việc.

Thân mật: ngôn ngữ bị lãng quên

Trong nơi làm việc, chúng ta phải giỏi ngôn ngữ thông tin và điều khiển. Chúng ta cần ngôn ngữ thông tin để thuyết trình hoặc viết báo cáo, và ngôn ngữ điều khiển để thúc đẩy đồng nghiệp và chỉ dẫn cấp dưới.

Trái lại, ngôn ngữ thân mật có khuynh hướng bị lãng quên hoặc xem nhẹ. Ngôn ngữ này quay trở lại khi những bạn trẻ biết yêu, hẹn hò và những năm đầu của hôn nhân. Nhưng ngay cả trong gia đình, ngôn ngữ này phần lớn bị ném bỏ khi cuộc sống trở nên căng thẳng và các thành viên trong gia đình chỉ giao tiếp với nhau khi cần thiết.

Ngay cả trong mối quan hệ với Chúa, chúng ta cũng có khuynh hướng nhấn mạnh ngôn ngữ thông tin và điều khiển. Khi cầu nguyện, chúng ta thường sử dụng ngôn ngữ thông tin. Chúng ta đưa ra thông tin dồn dập như thể thiên đàng không biết điều gì đang xảy ra dưới đất.

Thực tế thì Cha trên trời đã biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin Ngài (Ma-thi-ơ 6:8). Lời hứa của Ngài thật rõ ràng: “Ta sẽ nhậm lời họ trước khi kêu cầu ta; họ còn nói, ta đã nghe rồi” (Ê-sai 65:24). Chúa muốn nghe ngôn ngữ yêu thương thân mật, chứ không chỉ là ngôn ngữ thông tin thực dụng.

Nhiều lúc, chúng ta sử dụng ngôn ngữ điều khiển trong sự cầu nguyện. Chúng ta muốn Chúa làm điều mình muốn. Chúng ta cố gắng nhấn nút ở dưới đất để thiên đàng trả lời ngay lập tức. Nhưng đó không phải là sự cầu nguyện, bởi vì sự cầu nguyện về bản chất là một mối quan hệ – một mối quan hệ được nuôi dưỡng chủ yếu bằng ngôn ngữ thân mật.

Đó là lý do Chúa Jêsus thường xuyên cầu nguyện, Ngài gọi Đức Chúa Trời là “A-ba”, “Cha”. Lời cầu nguyện mà Chúa Jêsus dạy được nói bằng ngôn ngữ thân mật. Đó là lời cầu nguyện tập trung vào mối quan hệ đa phương diện mà chúng ta có với Đức Chúa Trời (Ngài là Cha, Vua, Chúa, Đấng Chu Cấp, Đấng Gìn Giữ, v.v…).

Bạn đang dùng ngôn ngữ nào với con?

Những nguyên tắc đó cũng cần được áp dụng khi chúng ta giao tiếp ở nhà. Cha mẹ nên học cách nói chuyện với con bằng ngôn ngữ thân mật. Thay vì chỉ hỏi thông tin “Hôm nay con có bài tập về nhà không?”, “Con muốn bố đón lúc mấy giờ?”, cha mẹ có thể bày tỏ cảm nghĩ (“Bố rất vui về điều con đã làm”, “Hôm nay mẹ rất nhớ con”), hoặc nói về mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái (Bố rất vui khi có đứa con trai như con”, “Mẹ nghĩ chúng ta nên dành nhiều thời gian với nhau hơn.) Con cái quan sát cha mẹ và học từ cha mẹ.

Khi nói chuyện với con, chúng ta dễ bị cám dỗ dùng những loại ngôn ngữ mà chúng ta giỏi – những ngôn ngữ ở nơi làm việc. Khi về nhà, chúng ta không đổi ngôn ngữ. Thay vào đó, chúng ta thường nói với con bằng ngôn ngữ thông tin (“Cô có đưa giấy tờ gì cần mẹ ký không?”, “Kết quả thi của con thế nào?”). Chúng ta cũng sử dụng ngôn ngữ điều khiển (“Tắt tivi đi”. “Ăn hết đi”. “Phải biết chia sẻ”. “Đi ngủ đi”). Hoặc có thể cha mẹ vì quá mệt mỏi hoặc vô ý nên không dùng ngôn ngữ thân mật để nói chuyện với con (“Ba mẹ yêu con”. “Nhìn con có vẻ mệt mỏi quá vậy con trai. Con ổn không? “Con cảm thấy thế nào về buổi học đầu tiên ở lớp mới?).

Thân mật: Nói về khả năng lắng nghe và mối quan hệ

Ngôn ngữ thân mật phát triển khả năng lắng nghe – không chỉ thông tin mà còn là cảm xúc. Nó tập trung vào mối quan hệ giữa những người nói chuyện. Khi cha mẹ sử dụng ngôn ngữ này, con cái sẽ cảm thấy mình được quý trọng, được lắng nghe, được đối xử như một người đặc biệt.

Như nhà cải chánh giáo hội John Calvin đã nói, thật tuyệt vì Đức Chúa Trời phán với chúng ta bằng ngôn ngữ thân mật ngay cả khi chúng ta đã lớn. Ngài phán với Con Ngài: “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (Mác 1:11). Ngài phán với chúng ta: “Các con sẽ là tài sản riêng của Ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5), “Đừng sợ vì Ta ở với con” (Ê-sai 41:10), “Ta đã yêu thương con bằng tình yêu vĩnh cửu” (Giê-rê-mi 31:3).

Nếu Cha Thiên Thượng nói với chúng ta bằng tình yêu trìu mến, thì chẳng phải chúng ta cũng nên như vậy với con của mình sao?

Nguồn: https://biblical-parenting.org/articles/the-three-languages-of-parenting/. Sử dụng với sự cho phép của Our Daily Bread Ministries Singapore.

Đọc các nội dung khác về chủ đề nuôi dạy con cái tại: https://vietnamese-odb.org/cung-con-truong-thanh/