CÁCH NUÔI DƯỠNG NIỀM ĐAM MÊ LỜI CHÚA CỦA CON BẠN
11 THÁNG 02, 2021 BỞI ALAN LIM
Một người cha của hai đứa con chia sẻ một vài ý tưởng về cách khích lệ thiếu nhi,
thiếu niên và thanh niên đọc Kinh Thánh.
Lần đầu tiên tôi được giới thiệu về Cơ Đốc giáo là vào năm 10 tuổi. Tôi đang đi ngang qua một cửa hàng cũ trong khu phố của mình vào một chiều Chúa Nhật, thì có hai người phụ nữ ở cổng mời tôi vào dùng bánh snack, sữa milo và nghe kể chuyện. Hóa ra cửa hàng này được dùng làm nhà thờ tạm thời.
Đồ ăn và thức uống miễn phí hấp dẫn đến mức không thể cưỡng lại được, nên tôi bước vào, lấy phần bánh quy sô-cô-la và một gói milo, rồi ngồi xuống thảm trải trên nền nhà cùng lũ trẻ để nhấp nháp phần ăn của mình.
Nhưng khi câu chuyện bắt đầu, tôi đã bị mê hoặc! Tôi gần như ngừng ăn và đắm chìm vào câu chuyện về ông Nô-ê đóng một chiếc tàu khổng lồ để cứu tất cả các loài động vật; về một cậu bé chăn chiên đã dũng cảm chiến đấu với một chiến binh khổng lồ và giết chết hắn bằng trành ném đá; về người đàn ông mạnh mẽ và bí ẩn, người có thể thực hiện mọi loại phép lạ nhưng lại hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác.
Tôi rời khỏi buổi kể chuyện với sự say đắm hoàn toàn. Tôi tin rằng đó là cách đầu tiên Đức Chúa Trời khắc ghi lời Ngài vào tâm trí tôi; cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ từng câu chuyện.
15 năm trôi qua – tôi 25 tuổi và vừa tốt nghiệp đại học. Đó là một giai đoạn khó khăn trong cuộc đời tôi: Tôi phải vật lộn với các vấn đề về gia đình và các mối quan hệ, không có mục tiêu cũng như tham vọng và không biết phải làm gì với cuộc đời mình.
Tôi tìm kiếm sự an ủi nơi Chúa, hy vọng Ngài sẽ giải đáp mọi vấn đề của tôi. Tuy nhiên, vì lúc đó tôi không thực sự là một tín hữu – tôi tin Chúa nhưng sống một cuộc đời theo cách tôi muốn, chỉ hướng về Ngài khi cần – tôi không biết cách cầu nguyện hay tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài.
Vì vậy, tôi thử thách bản thân đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối, từng trang một. Tôi nghĩ rằng Chúa sẽ nói chuyện với tôi khi tôi đọc đến phần bên phải của Kinh Thánh. Nhưng giọng nói đó không bao giờ vang lên, và tôi cố gắng đọc tiếp. Toàn bộ trải nghiệm đó thật đau đớn và vô nghĩa, và tôi không thể nhớ nhiều về những gì mình đã đọc.
15 năm nữa trôi qua – tôi đã 40 tuổi và đang tìm cách làm mới lại hành trình làm một Cơ Đốc nhân của mình. Tôi cảm thấy mình cần được hướng dẫn trong việc học Kinh Thánh nên đã tham gia nhóm Thông Công Học Kinh Thánh. Trong nhiều tuần và nhiều tháng, tôi chăm chỉ theo sát chương trình, đọc các sách trong Kinh Thánh một cách có hệ thống, nghe các bài giảng hàng tuần, làm bài tập, tham gia thảo luận nhóm và cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn.
Hóa ra đó là một trải nghiệm học hỏi đáng kể vì tôi đã học được nhiều điều từ những người dạy Kinh Thánh và mối thông công của những Cơ Đốc nhân khác.
Tại sao tôi chia sẻ tất cả những điều này? Đó là vì tôi đã khám phá ra rằng đọc Kinh Thánh và học về Đức Chúa Trời cũng như Lời Ngài không phải là một việc dễ dàng. Giống như nhiều người, tôi cũng có lúc mất đi niềm đam mê, chán nản và bỏ cuộc.
Là cha của hai đứa trẻ, tôi cũng thấy rằng điều này thậm chí còn đúng hơn đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Mặc dù sự cầu nguyện và tin cậy vào sự hướng dẫn của Chúa là cốt lõi của việc hiểu Lời Ngài, nhưng tôi tin rằng điều quan trọng đối với chúng ta, với tư cách là cha mẹ, là tạo điều kiện học tập phù hợp để chúng ta có thể khơi dậy sự quan tâm và mở rộng tâm trí và tấm lòng của các con để chúng nhận sự dạy dỗ.
Thiếu nhi: Kể cho chúng nghe câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể
“Hãy để các con trẻ đến với Ta, đừng ngăn cản chúng vì vương quốc thiên đàng thuộc về những người giống như các con trẻ ấy.” (Ma-thi-ơ 19:14)
Trẻ em yêu thích những câu chuyện. Những câu chuyện rất dễ hiểu và dễ nhớ. Những câu chuyện hấp dẫn các con bằng cảm giác bối rối và kinh ngạc, đồng thời khơi dậy hứng thú, giúp chúng muốn tìm hiểu thêm.
Làm thế nào chúng ta có thể giới thiệu Lời Chúa cho các con ngay từ khi còn nhỏ, để chúng thích đọc Kinh Thánh? Tôi tin rằng chúng ta có thể bắt đầu bằng cách kể cho các con nghe những câu chuyện trong Kinh Thánh để chúng muốn nghe thêm về các nhân vật trong đó. Và chúng ta có thể củng cố việc học của các con bằng cách thảo luận với các con về bài học hoặc ý nghĩa của mỗi câu chuyện; điều này sẽ giúp chúng học được những bài học quan trọng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, tác động lớn nhất đến khi các con có thể thấy rằng tất cả những câu chuyện trong Kinh Thánh đều đạt đến đỉnh điểm là câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể – câu chuyện về Chúa Jêsus Christ, là Chúa và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Để các con hiểu rằng Kinh Thánh thực sự là một cuốn sách nói về tình yêu của Chúa dẫn đến sự cứu rỗi của chúng ta thông qua Chúa Jêsus Christ, chúng ta cần giúp con mình kết nối với các câu chuyện. Khi sự kết nối phát triển, cuối cùng chúng sẽ xây dựng được mối quan hệ cá nhân với Chúa.
Lên lịch đọc Kinh Thánh thường xuyên với con bạn và bắt đầu mỗi buổi bằng cách kể cho chúng nghe một câu chuyện trong Kinh Thánh.
Khuyến khích trẻ hóa trang và đóng vai các nhân vật khi bạn kể chuyện – khi trẻ vui vẻ diễn lại câu chuyện, chúng sẽ nhớ các nhân vật và chủ đề tốt hơn.
Thảo luận về các nhân vật chính với con bạn. Đặt câu hỏi để khiến các con suy nghĩ về lý do tại sao các nhân vật lại cư xử theo cách đó và mối quan hệ của họ với Chúa.
Thiếu niên: Khuyến khích tìm kiếm câu trả lời
“Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; Từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.” (Châm Ngôn 2:6)
Khi nuôi dạy hai thiếu niên, tôi nhận thấy rằng từ có tác dụng dường như là “Tại sao”. “Tại sao con phải đến nhà thờ?” “Tại sao con cần tham gia kỳ trại của thiếu niên?” “Tại sao con phải đến thăm bà hàng tuần?” “Tại sao con không thể đi chơi với bạn bè?” “Tại sao bố không thể để con một mình?”
Dù những câu hỏi này có thể gây mệt mỏi nhưng tôi tin rằng chúng rất quan trọng: đó là cách các em học hỏi, nhận trách nhiệm và trưởng thành.
Nguyên tắc tương tự này cũng áp dụng cho cách chúng ta phản ứng khi các em thiếu niên tiếp xúc với Kinh Thánh. Câu hỏi đầu tiên của chúng có thể là: “Tại sao tôi cần đọc Kinh Thánh?” Và đó là một câu hỏi hay: nếu chúng ta buộc các em chỉ đọc Kinh Thánh mà không tìm kiếm Chúa, không có mục tiêu rõ ràng, và đôi khi không hiểu rằng đó là Lời hằng sống của Chúa, thì nỗ lực đó sẽ trở nên nhàm chán và thậm chí là mệt mỏi.
Châm Ngôn 2:6 nói: “Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; Từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.” Chúng ta có thể giúp con cái ở tuổi thiếu niên khám phá sự hướng dẫn và hiểu biết thiêng liêng này bằng cách khuyến khích chúng đặt câu hỏi và thảo luận những phân đoạn Kinh Thánh mà chúng đọc. Hãy coi đó là một hành trình không ngừng học hỏi và khám phá bản thân, thay vì dập tắt những câu hỏi bằng những câu như “Hãy chấp nhận vì Kinh Thánh nói như vậy”.
Chúng ta có thể giúp các con ở lứa tuổi thiếu niên suy nghĩ sáng tạo và suy ngẫm về những câu hỏi sâu sắc hơn. Điều này sẽ giúp các con liên hệ với Lời Chúa một cách cá nhân, để có thể áp dụng sự dạy dỗ của Ngài vào cuộc sống của chính các con. Khi các con có thể liên kết các bài học Kinh Thánh với những tình huống thực tế trong đời sống và giải quyết cơn khát câu trả lời, các con sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc đọc Kinh Thánh.
Hãy thử…
*Khuyến khích con bạn tham gia các nhóm học Kinh Thánh dành cho giới trẻ. Những buổi học này cho phép các con đặt câu hỏi trong một môi trường an toàn, suy ngẫm về những gì các con đọc và thảo luận về cách ứng dụng vào các vấn đề và lo lắng trong cuộc sống với các bạn cùng học.
*Làm gương cho các con. Việc dành thời gian để đọc và suy ngẫm Kinh Thánh mỗi ngày sẽ truyền cảm hứng và khuyến khích con bạn làm điều tương tự.
Thanh niên: Ủng hộ con tham gia nhóm học Lời Chúa
“Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” (Hê-bơ-rơ 10:24-25)
Khi các con của chúng ta bước vào độ tuổi trưởng thành và bắt đầu phải đối mặt với những yêu cầu của việc học đại học, kiếm sống hoặc lập gia đình, chúng có thể dễ dàng bị phân tâm khỏi việc đọc Kinh Thánh thường xuyên. Khi cuộc sống của các con trở nên hối hả và bận rộn, việc có một lịch trình và cách tiếp cận chặt chẽ hơn đối với việc đọc và nghiên cứu Lời Chúa sẽ giúp ích rất nhiều.
Đây là thời điểm mà việc tìm được một nhóm anh chị em Cơ Đốc có thể cùng đồng hành với các con trong hành trình khám phá Lời Chúa và sống một cuộc đời tôn vinh Chúa là điều rất quan trọng. Việc thường xuyên tham gia một nhóm học Kinh Thánh sẽ mang lại kỷ luật cũng như mạng lưới hỗ trợ để thúc đẩy các con tiếp tục cuộc hành trình này. Đức tin của các con sẽ được khích lệ thông qua sự thông công và suy ngẫm Lời Chúa cùng với những tín hữu khác.
Hãy thử…
*Khuyến khích những người con đã trưởng thành tham gia nhóm học Kinh Thánh tại nơi học tập hoặc nơi làm việc để chúng có thể tiếp tục thói quen kết nối với Lời Chúa một cách thường xuyên.
*Thảo luận với các con về những cách khác nhau mà chúng có thể phục vụ trong hội thánh. Ví dụ, chúng có thể là người cố vấn cho giới trẻ và hướng dẫn thiếu niên đọc Kinh Thánh và thông công. Các con sẽ có động lực để đọc và suy ngẫm Lời Chúa khi chuẩn bị hướng dẫn các em thiếu niên.
Đọc Kinh Thánh là ở trong Chúa Jêsus
Trong Giăng 15:5, Chúa Jêsus phán: “Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.”
Đọc và học Kinh Thánh thường xuyên là điều “phải có” đối với Cơ Đốc nhân – đó là cách chúng ta ở trong Chúa Jêsus, để có thể kết quả và bày tỏ mình là môn đồ của Ngài (Giăng 15:8). Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sáng tạo để giúp đỡ các con của chúng ta biến việc đọc Kinh Thánh thành thói quen suốt đời!
—
Alan Lim là chuyên viên kinh doanh của một công ty quốc tế, là chồng của một người vợ đáng yêu và là cha của hai đứa con trưởng thành sớm. Anh ấy thích thưởng thức bữa ăn ngon cùng gia đình và bạn bè, và một cuốn sách thú vị bên cạnh ly cà phê đen mới pha vào một ngày yên tĩnh. Điều tối quan trọng đối với Alan là mối liên hệ của anh với Chúa, tình yêu và sự quan tâm của anh dành cho gia đình và bạn bè, và liệu anh có thể làm cho mọi thứ tốt hơn một chút so với lúc anh mới gặp.
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/
Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://biblical-parenting.org/articles/how-to-nurture-your-childrens-passion-for-gods-word/