Chúng ta đã từng nghe thông điệp này hàng triệu lần. Chúng ta thấy nó trên Instagram, trên ly cà phê, áo thun, những bức hình nghệ thuật, thậm chí trong những nhà sách Cơ Đốc: Hãy Nghe Theo Trái Tim. Nhưng liệu “nghe theo trái tim” có phải là điều đúng đắn? Liệu tôi sẽ hạnh phúc khi nghe theo trái tim?

Tôi đã từng nhiều lần hối hận vì nghe theo trái tim của mình. Chẳng hạn, tôi đã nghe theo trái tim để nuông chiều bản thân bằng bữa ăn no nê. Nhưng thay vì cảm thấy vui, tôi đã phải khổ sở vì đau bụng. Tôi cũng từng nghe theo trái tim để rồi lún sâu vào một mối quan hệ mà kết thúc trong đau khổ thay vì hạnh phúc. Lời hô hào “nghe theo trái tim” dường như đang ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta.

 

Tấm lòng là dối trá

Nhiều người luôn nghe theo trái tim, họ tin rằng tấm lòng là nguồn hướng dẫn tốt nhất mà họ có được. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết tấm lòng thường dối trá (Giê-rê-mi 17:9). Chắc chắn chúng ta sẽ không muốn nghe theo điều mà có thể khiến chúng ta lầm lạc.

Chúng ta thường khó nhận ra rằng tấm lòng thật sự dối trá. Phải rất nỗ lực mới thay đổi được suy nghĩ trong tâm trí và nhận ra rằng thể xác có thể phản bội chúng ta. Nhưng khi tấm lòng được biến đổi để ngày càng trở nên giống Chúa Jêsus hơn – khi chúng ta được Chúa thanh tẩy và thánh hóa (I Cô-rinh-tô 6:11) – thì chúng ta có thể tin cậy tấm lòng mình hơn một chút. Tuy nhiên, trước khi đến ngày mà chúng ta được biến hóa và sống lại, thì tấm lòng vẫn có thể dẫn chúng ta vào con đường sai trật.

Điều đó không có nghĩa là mọi cảm xúc đều xấu xa. Cảm xúc giúp chúng ta kinh nghiệm Chúa cách trọn vẹn hơn. Chúng ta biết Chúa ở cùng mình trong lúc đau buồn, lúc vui vẻ, và Ngài biết rõ những cảm xúc đó. Nhưng chúng ta không nên để cảm xúc chi phối quyết định và hành động của mình. Trên hết, động lực thúc đẩy cuộc sống của chúng ta nên là đức tin – điều chúng ta biết là chân thật, điều chúng ta tin bất kể cảm thấy ra sao.

Khi đức tin trở thành động lực thì cảm xúc sẽ ít có khả năng khiến chúng ta thất bại.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể cân bằng giữa việc biết rằng cảm xúc là món quà Chúa ban và hiểu rằng cảm xúc có thể khiến chúng ta lầm lạc?

 
Đừng nghe theo trái tim. Hãy nghe theo tấm lòng Đấng Christ

Tôi nghĩ rằng câu trả lời nằm ở sự hy sinh. Hy sinh là phần quan trọng trong sứ điệp Phúc Âm. Đó là trọng tâm của đời sống Cơ Đốc nhân, bởi vì đó cũng là trọng tâm của cuộc đời Chúa Jêsus. Chúa Jêsus đã hạ mình đến thế gian; Ngài phục vụ mọi người bằng sự hy sinh mỗi ngày; cuối cùng Ngài hy sinh trên cây thập tự. Vào đêm trước khi chịu chết, Ngài đã cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê rằng: “Không theo ý con, mà theo ý Cha”. Vậy nên, là những người mang hình ảnh Đấng Christ, chúng ta đã được đánh dấu bằng sự hy sinh và điều đó trở thành một phần trong ADN thuộc linh của chúng ta.

Nếu chúng ta luôn nghe theo trái tim, làm những việc chúng ta muốn theo cách của riêng mình thì sự hy sinh ở đâu? Liệu chúng ta có thể làm môn đồ của Đấng Christ mà vẫn luôn theo ý riêng không? Chúng ta phải thay đổi: thay vì nghe theo trái tim, chúng ta phải nghe theo tấm lòng của Đấng Christ.

Bởi vì hai điều đó không phải lúc nào cũng giống nhau nên sự hy sinh là điều cần thiết. Chúng ta cần phải từ bỏ ý muốn và khao khát riêng để nghe theo ý chỉ của Chúa. Chúng ta cần phải nói giống như Ngài: “Không theo ý con mà theo ý Cha”. Và chúng ta làm điều đó vì chúng ta tin cậy Ngài hơn là tấm lòng của mình.

Điều này rất khó trong thời đại của chúng ta nhưng tôi nghĩ rằng không đi theo ý riêng là một kỷ luật hữu ích. Điều đó nhắc nhở rằng chúng ta không kiểm soát đời sống mình. Chúng ta đang theo tấm lòng của Chúa hay nghe theo trái tim của mình? Có những lĩnh vực nào trong đời sống mà chúng ta cần từ bỏ ước muốn riêng không?

Trong cuộc sống của tôi, điều này diễn ra trong nhà bếp. Nếu tôi nghe theo trái tim mình mỗi buổi tối, tôi sẽ chẳng bao giờ vào bếp. Tôi không thích rửa chén, đi siêu thị và chuẩn bị bữa trưa. Và tôi cũng bực mình khi chỉ mới dọn dẹp nhà bếp xong một lát thì đồ ăn lại rơi rớt, nước đổ ra sàn và chén dĩa dơ.

Nhưng tôi nhận ra rằng không có nơi nào tốt hơn để tôi thực hành kỷ luật hy sinh hơn là nhà bếp của mình. Trong bếp, tôi có thể sống bày tỏ Phúc Âm. Tôi có thể chết về bản ngã và làm theo ý muốn của Chúa. Tôi có thể bày tỏ tình yêu thương với những người xung quanh bằng việc phục vụ những chiếc dĩa sạch sẽ, chuẩn bị bữa trưa hoặc đi chợ mua thực phẩm.

Có lẽ dường như thật ngớ ngẩn khi so sánh với nhiều người trên khắp thế giới đã hy sinh theo những cách lớn lao hơn nhiều. Nhưng tôi tin rằng Chúa trân trọng kỷ luật hy sinh đều đặn của tôi, dù là những điều nhỏ bé.

Vì thế, tôi vào bếp hầu hết các buổi tối, chuẩn bị phần ăn trưa hôm sau, nấu ăn, rửa chén bát. Nhưng tôi không làm điều đó vì chủ ý hoặc vì tôi muốn. Tôi làm vì Chúa dạy tôi phải bày tỏ tình yêu thương với gia đình bằng cách đó. Sự thật là kể từ lúc tôi bắt đầu làm việc này, nó đã trở thành phước hạnh lớn lao đối với tôi. Tôi sẽ không có được phước hạnh đó bằng cách nào khác. Nếu tôi nghe theo trái tim thay vì nghe theo Chúa, tôi sẽ bỏ lỡ kinh nghiệm này – cơ hội thực hành – sống bày tỏ Phúc Âm trong cuộc sống hằng ngày.

 

Phải chăng điều đó có nghĩa là tôi không được tận hưởng sự hạnh phúc?

Như đã nói, tôi không có ý nói rằng Chúa muốn chúng ta lúc nào cũng từ bỏ mong muốn của mình để luôn hy sinh, hay cảm xúc là xấu xa. Là mẹ, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc chưa từng có khi nhìn thấy các con vui vẻ. Và Chúa cũng cảm thấy như thế đối với chúng ta. Khi chúng ta vui, Chúa cũng vui. Điều quan trọng là chúng ta thấy vui về điều gì. Chúa muốn ban cho chúng ta niềm vui thật – niềm vui thực sự lâu bền – và chúng ta có thể tìm thấy niềm vui đó bằng cách nghe theo tấm lòng của Ngài.

Làm sao chúng ta biết được tấm lòng của Chúa? Đọc Lời Chúa là cách tốt nhất để bắt đầu học biết tấm lòng của Ngài, điều đó giúp chúng ta tin cậy rằng Ngài không chỉ biết điều gì là tốt nhất và Ngài còn biết đâu là điều thực sự khiến chúng ta hạnh phúc. Những thú vui trần gian có thể khiến chúng ta hạnh phúc trong chốc lát, nhưng không thể thỏa mãn sự khao khát đời đời của chúng ta. Nếu chúng ta bắt đầu tìm kiếm hạnh phúc riêng bằng cách nghe theo trái tim, thì chúng ta chỉ có niềm vui ít ỏi, tạm bợ, và cuối cùng chỉ là sự thất vọng mà thôi.

Thi Thiên 86 từ lâu đã trở thành phân đoạn Kinh Thánh yêu thích của tôi. Vua Đa-vít nói trong câu 11: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin dạy con đường lối của Chúa, thì con sẽ đi theo chân lý của Ngài; Xin khiến lòng con kính sợ danh Ngài.” Ông đã nói đúng – tấm lòng của chúng ta bị phân tâm. Chính vì thế, nó khiến chúng ta lầm lạc. Vậy nên, chúng ta hãy nói như tác giả thi thiên rằng: “Xin dạy con đường lối của Chúa”.

Câu khẩu hiệu của chúng ta không nhất thiết phải là “Nghe theo trái tim” mà là “Nghe theo tấm lòng của Chúa”. Điều này thể hiện sự tin cậy hoàn toàn vào đường lối Chúa và nhận biết uy quyền của Ngài. Điều đó bày tỏ cho thế giới biết rằng khi chúng ta tiếp nhận Chúa, là Nguồn Sự Sống, chúng ta sẽ được thỏa mãn. Chúng ta đã thử nhiều phương cách khác và tất cả đều không trọn vẹn. Chỉ Chúa mới làm cho chúng ta được thỏa nguyện. Chỉ Chúa mới khiến chúng ta vui thỏa. Hãy nghe theo tấm lòng của Ngài.

 
Tác giả: Ashley Ashcraft
Được dịch từ trang YMI: https://ymi.today/2019/01/the-key-to-happiness-dont-follow-your-heart/. YMI là mục vụ giới trẻ, thuộc Our Daily Bread Ministries.