CON CƯ XỬ VÔ LỄ, TÔI PHẢI LÀM GÌ?

Giao tiếp với con cái ở tuổi thiếu niên có thể là một thách thức đối với nhiều bậc phụ huynh. Dưới đây là một số bí quyết giúp cho mối quan hệ này trở nên tốt hơn.

“Con gái, hôm nay con thế nào?”

“Ổn, có chuyện gì à?”

“Đừng ăn nói với mẹ kiểu đó. Mẹ hỏi con, hôm nay thế nào?”

“Con đã bảo với mẹ là con ổn rồi mà!”

“Con thôi cái kiểu lườm mắt như vậy đi nhé. Đừng có vô lễ. Con có thể cư xử đàng hoàng hơn được mà..”

“Thôi mẹ muốn làm gì thì làm.”

Bạn có thấy cuộc nói chuyện trên nghe có vẻ quen không? Chúng ta cố gắng trò chuyện với đứa con tuổi thiếu niên, nhưng hầu như lần nào cũng dẫn đến kết cục là cãi nhau, hoặc nói chưa xong thì con đã tức giận chạy vào phòng, đóng sầm cửa lại.

Tuy nhiên, bạn hãy thử nghĩ xem, có khi nào các con cư xử như thế là do cách nói của chúng ta chăng? Lời nói hoặc cử chỉ chúng ta sử dụng có khi lại khiến các con phản ứng tiêu cực dù chúng ta không muốn thế.

Có lẽ chúng ta cần lắng nghe một số lời kêu ca mà nhiều em thiếu niên phàn nàn về cách nói của cha mẹ mình:

“Nếu có chuyện gì xảy ra với con thì đã khiến con đủ mệt mỏi rồi. Con không muốn bố mẹ cư xử theo kiểu làm cho con buồn và chán nản thêm. Thà con đi đến với bạn bè còn hơn.”

“Bố mẹ chỉ toàn muốn áp đặt lên con thôi. Bố mẹ chẳng bao giờ chịu lắng nghe ý kiến của con cả.”

“Bố con không nói chuyện với con đâu. Bố chỉ toàn ra lệnh cho con thôi.”

Khi nghe các con nói những lời này thì ngay lập tức, chúng ta muốn bào chữa hoặc giải thích để bênh vực mình, nhưng có lẽ chúng ta nên tự hỏi vì sao các con lại thốt lên những lời như vậy. Bạn có nghĩ rằng con cái cư xử ra sao là do mình không?

Chúng ta không hoàn hảo trong cách giao tiếp

Trước khi nghĩ rằng: “Tôi chẳng nói gì sai cả”, hãy cùng dừng lại một chút để xem Kinh Thánh dạy thế nào về cách chúng ta giao tiếp.

Bởi vì loài người được Đức Chúa Trời tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, nên tất cả mọi người đều được ban cho khả năng giao tiếp và nhờ đó có thể diễn tả và biểu lộ mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa và với người khác.

Tuy nhiên, khi loài người sa ngã và tội lỗi vào trong thế gian thì điều đó đã ảnh hưởng đến cách chúng ta giao tiếp. Lời nói của chúng ta phơi bày tội lỗi và cho thấy con người thật sự bên trong chúng ta. Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 12:35-36 cho biết: “Người tốt do tích lũy điều thiện nên sản sinh điều thiện; còn kẻ xấu do tích tụ điều ác nên sản sinh điều ác. Nhưng Ta bảo các ngươi, trong ngày phán xét, người ta sẽ khai trình mọi lời vô ích mình đã nói”.

Vì tất cả chúng ta đều là người có tội và không hoàn hảo nên nhiều khi chúng ta vô tình nói những điều gì đó gây tổn thương hoặc tạo ra bầu không khí căng thẳng khiến các con cảm thấy chúng bị áp đặt phải sống theo tiêu chuẩn thánh khiết mà chúng ta đặt ra.

Nhiều em thiếu niên thừa biết bố mẹ “tin kính” của mình sẽ nói điều gì, vì vậy các em chọn cách im lặng không dám nói ra những khó khăn mà mình đang chịu đựng. Các con biết là nếu các con nói cho bố mẹ nghe về những vấn đề mà mình gặp phải thì bố mẹ cũng sẽ nghĩ theo kiểu “ai cũng từng gặp khó khăn như thế, có gì đâu mà phải kêu ca”, bố mẹ sẽ cằn nhằn này nọ, và có khi các con sẽ lại chuẩn bị nghe bố mẹ giảng một bài dài.

Thế nhưng, nếu làm như vậy, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội quý báu để hiểu con, cũng như những suy nghĩ và cảm xúc của con về vấn đề con đang đối mặt.

Học cách lắng nghe con

Vậy làm thế nào chúng ta cải thiện được việc giao tiếp với các con? Đây là một số câu hỏi chúng ta cần xem xét trước khi nói chuyện với con trong lần tới:

1. Chúng ta có dành thời gian lắng nghe?

  • ôn tập xong cho những bài kiểm tra sắp tới
  • Các bậc phụ huynh đừng mong đợi có thể giao tiếp với con theo kiểu mệnh lệnh.

    Có lẽ nhiều phụ huynh đã cố gắng dành ra thời gian trong thời khóa biểu bận rộn của mình để lắng nghe các con và mong muốn con trò chuyện với mình, nhưng các con lại không sẵn sàng hoặc chưa muốn chia sẻ nỗi niềm của chúng.

    Thực tế là, các con ở tuổi thiếu niên không chỉ muốn được bố mẹ lắng nghe, mà các con còn muốn bố mẹ thật sự quan tâm đến những gì mình nói. Các con dễ nhận ra thái độ thờ ơ của bố mẹ qua những lời nói và cử chỉ của chúng ta, hoặc là các con cũng sẽ phát hiện ngay nếu bố mẹ chỉ nghe cho qua chuyện để rồi nhanh chóng vùi đầu vào công việc của mình.

    Tuy nhiên, xin quý phụ huynh hãy kiên nhẫn vì lúc đầu có thể các con không muốn nói chuyện với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta cứ kiên trì trong những cuộc trò chuyện hằng ngày với các con thì dần dần các con sẽ cởi mở để chia sẻ với bố mẹ.

    2. Chúng ta có thật sự quan tâm?

    Vì đã nuôi con hơn chục năm nên nhiều người trong chúng ta cũng đã quen với việc “cắt xén” việc lắng nghe các con. Có thể đôi tai chúng ta thì đang nghe các con nói nhưng lòng thì chẳng hề bận tâm gì đến những trăn trở, ý kiến, quan điểm hoặc cảm xúc của con mình.

    Làm vậy các con sẽ nghĩ rằng bố mẹ không tôn trọng chúng. Và về lâu về dài các con sẽ không tâm sự với bố mẹ về những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín trong lòng chúng nữa.

    Chỉ khi nào bố mẹ thật sự quan tâm đến các con thì mới có thể thấu hiểu được trọng tâm của vấn đề mà các con đang gặp phải. Những cuộc trò chuyện từ trái tim đến tấm lòng diễn ra khi chúng ta thật sự lắng nghe các con sẽ giúp các con can đảm giãi bày mọi điều trong lòng.

    Khi các con nhận ra rằng nỗi lòng mình chạm đến trái tim của bố mẹ thì khi đó, cuộc giao tiếp đúng nghĩa sẽ diễn ra. Chính vì vậy, phụ huynh cần dành thì giờ hỏi thăm các con để biết được những khó khăn của chúng và để sẵn sàng đồng cảm với các con.

    3. Chúng ta có vội vàng phán xét?

    Độ tuổi thiếu niên là quãng thời gian các con muốn khám phá và trải nghiệm, vượt qua giới hạn và phá vỡ các quy tắc.

    Nhưng khi các con thật thà kể ra những chuyện khiến cho bố mẹ biết được lỗi lầm của các con thì chúng ta có nên vội lên án và chỉ trích con không? Chúng ta có nên vì quá tức giận với lỗi lầm của các con để rồi lập tức la mắng, trách phạt và bắt chúng sửa lỗi ngay mà không cảm thông gì cả?

    Lời Chúa trong Cô-lô-se 3:21 hướng dẫn các bậc phụ huynh rằng: “Hỡi những người làm cha, đừng chọc giận con cái mình, e chúng nản lòng chăng.”

    Kinh Thánh có ý khuyên chúng ta chớ nên kỉ luật các con quá mức. Sửa dạy con cái là rất quan trọng nhưng hãy thận trọng bởi điều này có thể dẫn chúng ta tới chỗ phạt con đến mức thiếu nhân từ. Không có cách giao tiếp nào hiệu quả hơn bằng tình thương cha mẹ dành cho các con với sự dịu dàng, tử tế, điềm tĩnh và tôn trọng.

    4. Chúng ta có kỳ vọng quá nhiều?

    Khi nói là lúc chúng ta làm chủ và nắm quyền trong cuộc hội thoại, còn khi nghe là lúc chúng ta trao quyền ấy cho người nói. Trong công việc thì những người chủ thường điều hành bằng cách chỉ đạo và bảo ban người khác. Nhân viên cấp dưới thường là người im lặng lắng nghe.

    Những “cuộc trò chuyện” kiểu đó cũng có mục đích. Người chủ thường mong muốn nhân viên thực hiện theo hướng dẫn của mình, nhưng chỉ khi có sự trao đổi giữa hai bên thì mới đem lại hiệu quả.

    Tuy nhiên, khi phụ huynh muốn gắn kết với các con mà áp dụng phương cách và kỳ vọng theo kiểu ông chủ với cấp dưới thì chẳng đem lại hiệu quả gì cả.

    Cha mẹ không những cần học cách lắng nghe, mà cũng cần để cho những cuộc trò chuyện với con diễn ra trong sự cởi mở. Việc tạo được thiện cảm với con đôi lúc còn quan trọng hơn kết quả. Chỉ cần hai bên nói chuyện thân thiết với nhau trước đã rồi mới mong các con thay đổi hành vi và cách suy nghĩ.

    Chờ đợi thời điểm của Chúa

    Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ là kết quả không xảy ra ngay trong một sớm một chiều. Khi loài người sa vào tội lỗi thì Đức Chúa Trời lập tức có chương trình của Ngài và “khi kỳ hạn đã được trọn” (Ga-la-ti 4:4-7), Ngài đã đưa Chúa Cứu Thế Jêsus đến thế gian để phục hồi mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài cũng như với những người khác.

    Như Chúa Cứu Thế Jêsus đến với chúng ta thì chúng ta cũng hãy đến bên con cái mình ngay cả khi chúng im lặng. Hãy dành thời gian giúp các con nhận ra rằng những vấn đề mà các con phải đối mặt cho thấy bản chất yếu đuối dễ sa ngã của loài người và chỉ có Chúa Cứu Thế Jêsus là giải pháp cho những điều ấy.

    Nếu chúng ta mong muốn hiểu các con nhiều hơn thì Chúa sẽ ban cho cơ hội để chúng ta gắn kết với con. Và cũng cần nhớ thêm là kết quả cuối cùng không do chúng ta định đoạt nhưng hãy phó thác trong tay Chúa bởi Ngài còn yêu thương các con nhiều hơn chúng ta yêu thương chúng.

    Tác giả: Ban biên tập Singapore Youth For Christ

    Chuyển ngữ: Huyền Trang

    Biên tập & minh họa: ODB Việt Nam

    Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/