CON CỦA CHÚNG TA ĐANG BẮT CHƯỚC AI?

Trẻ em dễ học theo và bắt chước những điều chúng thấy ở người khác. Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta cần suy xét hai câu hỏi quan trọng.

Tôi luôn nhớ lần tôi đã la mắng con trai lớn vì làm việc cẩu thả. Và chỉ mấy tiếng sau đó, tôi nghe con nói y như vậy với đứa em. Lúc đó tôi đã cười, nhưng điều đó cũng khiến tôi rút ra bài học: tôi để lại rất nhiều ảnh hưởng trên con cái, đó là vấn đề rất quan trọng.

Đôi khi tôi dừng lại và suy nghĩ: “Đó có phải là cách tôi nói chuyện với con không?” Thật tệ làm sao!

Dù muốn hay không thì con cái cũng đang bắt chước chúng ta. Chúng bắt chước những gì chúng ta nói và làm vì hầu hết thời gian thức giấc, chúng ở với chúng ta, ít nhất trong những năm tháng thơ ấu. Điều này đặt ra câu hỏi: Con cái đang bắt chước điều gì ở chúng ta? Chúng ta phải làm gương về điều gì?

Liệu chúng ta có thể tự tin nói với con cái của mình như Phao-lô nói với các Cơ Đốc nhân đầu tiên: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Cô-rinh-tô 11:1) không?

Dù còn nhỏ hay đã lớn thì con cái của chúng ta luôn bắt chước những người xung quanh. Chúng học cách cư xử và nói năng từ những người mà chúng gần gũi nhất. Nếu chúng ta là người chăm sóc con cái, thì con cái sẽ bắt chước chúng ta – cả điều tốt và điều xấu. Và nếu người khác giúp chăm sóc con cái thì chúng sẽ bắt chước người đó.

Vậy thì, chúng ta cần tự hỏi chính mình hai câu hỏi sau:

1. Chúng ta có đang bắt chước Đấng Christ không?

Nếu muốn là người bắt chước Đấng Christ, chúng ta cần bày tỏ sự vinh hiển và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống mình mỗi ngày, chứ không chỉ vào những dịp “đặc biệt”. Trong quyển tĩnh nguyện Tất Cả Của Tôi Cho Sự Cao Cả Của Ngài, Oswald Chambers nhắc nhở chúng ta rằng chính trong những điều buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày mà đức tin của chúng ta được chứng tỏ là sâu nhiệm hay nông cạn.

Và tôi tự hỏi: Liệu người khác có biết tôi là Cơ Đốc nhân không nếu tôi không nói ra? Liệu hành động, lời nói, cách ăn mặc và cách sống của tôi có bày tỏ mình là Cơ Đốc nhân không?

Bạn bè, bà con có lẽ không nhìn thấy con người “thật” của chúng ta, nhưng những đứa con trong gia đình nhìn thấy chúng ta trong mọi hoàn cảnh sẽ biết rõ chúng ta.

Nếu chúng ta nói mình tin cậy Chúa nhưng luôn lo lắng về hoàn cảnh của mình thì ngay cả khi chưa đủ lớn để hiểu hết mọi thứ, con cái của chúng ta vẫn có thể cảm nhận rằng chúng ta không hoàn toàn tin cậy Chúa. Đây là lúc những gì chúng ta nói và làm trái ngược với nhau.

Nếu bạn có hai đứa con trở lên, bạn sẽ thấy mức độ ảnh hưởng của mình trên chúng, đặc biệt trong vấn đề lời nói. Hãy nghe cách đứa lớn nói chuyện với đứa nhỏ, bạn có thể “nghe thấy” chính mình, như tôi đã kinh nghiệm.

Cách chúng ta đối xử với các con nhỏ có ảnh hưởng lớn trên những đứa lớn, vì chúng sẽ bắt chước hành vi của chúng ta. Chúng ta có nói cộc lốc hay phát cáu khi con nhỏ đòi bồng ẵm hoặc quấy rầy trong lúc chúng ta làm việc hay không? Chúng ta có xem chúng là mối phiền phức không? Hay chúng ta nhẹ nhàng và quan tâm, xem con là niềm phước hạnh đối với gia đình?

Những phản ứng của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến cách những đứa con lớn đối xử với em nhỏ, mà có thể con của chúng ta cũng sẽ phản ứng y như vậy khi chúng làm cha mẹ sau này. Chính hành động của chúng ta chứ không phải những gì chúng ta dạy quyết định hành vi và lời nói của con.

2. Con của bạn đang gần gũi với ai nhiều nhất?

Chúng ta đang để con mình gần gũi với ai nhiều nhất? Người giúp việc? Ông bà? Hay tivi, điện thoại?

Vì bận rộn nên một số phụ huynh phải để con ở với người khác trong lúc họ làm việc hay chú tâm vào những hoạt động khác. Hoặc có lẽ con cái của họ cũng bận rộn với lịch học ở trường và các lớp ngoại khóa.

Nhưng chúng ta cần tự hỏi: Con chúng ta đang gần gũi với ai? Lối sống và đạo đức của người đó có trái ngược với điều Kinh Thánh dạy không? Chúng ta có muốn con cái mình bắt chước người đó không?

Có lẽ chúng ta cố gắng giải thích với con của mình rằng chúng phải yêu thương tội nhân và ghét tội lỗi, nhưng đa phần trẻ nhỏ không thể hiểu khái niệm này. Và những trẻ lớn hơn có lẽ cũng không thể nhìn thấy xa hơn những khía cạnh khác ở một giáo viên “vui tính” và “sôi nổi”.

Ý của tôi không phải là chúng ta phải luôn có mặt ở nhà hay không nên cho con tham gia các lớp ngoại khóa, nhưng chúng ta cần lưu ý ai là người gần gũi với con của chúng ta nhất và và họ có để lại ảnh hưởng tin kính không.

Như I Cô-rinh-tô 15:33 nhắc nhở chúng ta: “Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt”.

Con cái của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi những người mà chúng gần gũi nhất. Nếu chúng ta là người gần gũi với các con, vậy thì cách sống của chúng ta có đáng để con bắt chước theo không? Nếu con gần gũi với người khác, chúng ta có muốn con bắt chước cách sống và cách suy nghĩ của họ không?

Dù đôi lúc chúng ta cũng vấp ngã, nhưng cảm ơn Chúa vì chúng ta không cô đơn. Chúa sẽ giúp chúng ta đứng dậy và chúng ta có thể nói với con mình như Phao-lô rằng: “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (I Cô-rinh-tô 11:1).

Nguồn: https://biblical-parenting.org/articles/what-are-our-children-copying/. Sử dụng với sự cho phép của Our Daily Bread Ministries Singapore.

Đọc các nội dung khác về chủ đề nuôi dạy con cái tại: https://vietnamese-odb.org/cung-con-truong-thanh/