ĐỪNG MẮC 6 SAI LẦM NÀY TRONG HÔN NHÂN CỦA BẠN
Sau ba mươi năm chung sống và có bảy đứa con, Rob và Amy đã có không ít thăng trầm trong hôn nhân. Giờ đây, nhìn lại, họ nhận ra những điều khiến mình tiếc nuối và những gì mà lẽ ra họ có thể làm khác đi.
Năm nay, hai vợ chồng tôi kỷ niệm cột mốc 30 năm ngày cưới, và trên hành trình đó, chúng tôi đã trải qua nhiều sai lầm—những sai lầm mà chúng tôi mong rằng các cặp vợ chồng khác có thể rút kinh nghiệm.
Nếu bây giờ có thể quay lại những năm tháng đầu của hôn nhân, với tất cả những gì đã học hỏi được, đây là một số điều mà chúng tôi khuyên các cặp vợ chồng nên tránh:
1. Bỏ qua việc cầu nguyện với nhau mỗi ngày
Những năm đầu mới cưới, tôi (Rob) đã không thật sự chú tâm đến việc chăm sóc đời sống thuộc linh của Amy. Chúng tôi có cầu nguyện trước bữa ăn hay khi gặp chuyện khó khăn, nhưng do quá bận rộn với công việc hội thánh và mục vụ, tôi đã không chủ động cầu nguyện cùng vợ hàng ngày. Điều này khiến Amy dần cảm thấy cô đơn về mặt thuộc linh.
Chúng tôi đã đọc và hoàn thành một số bài học tĩnh nguyện về hôn nhân mà mọi người tặng. Nhưng nhìn lại, thật trớ trêu khi nhận ra rằng chúng tôi cứ cố gắng làm những việc ‘cao siêu’ về mặt thuộc linh – trong khi ngay cả việc cơ bản nhất là cùng nhau cầu nguyện cũng chưa thực hiện được.
Phải đến khi kết hôn được 13 năm, tôi mới được Chúa mở mắt và bắt đầu nghiêm túc với vai trò lãnh đạo thuộc linh trong gia đình. Vì vậy, tôi muốn khuyên những người chồng (và cả vợ) hãy “thành tâm cầu nguyện, phải tỉnh thức trong lúc cầu nguyện và tạ ơn” (Cô-lô-se 4:2). Hãy chủ động cầu nguyện cùng người bạn đời, dù chỉ là 15 giây hay 1-2 phút, để cùng nhau hiệp lòng hướng về Chúa.
2. Bỏ qua những buổi hẹn hò riêng với nhau
Khi mới cưới, chúng tôi lúc nào cũng bận rộn. Tôi (Rob) đang hoàn thành chương trình cao học và lãnh đạo mục vụ thanh thiếu niên bán thời gian, còn Amy thì vừa đi làm phục vụ bàn, vừa thực tập cao học.
Vì cả hai đều là người hướng ngoại và tham gia nhiều hoạt động mục vụ, nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc giữ ranh giới rạch ròi. Lúc nào cũng có người thu hút sự chú ý của chúng tôi, khiến chúng tôi không còn đủ thời gian để chú ý đến nhau.
Mặc dù biết rằng các sách về hôn nhân đều khuyên nên thường xuyên hẹn hò, chúng tôi lại nghĩ rằng hôn nhân của mình đủ tốt để không cần tuân theo quy tắc ‘cơ bản’ đó.
Nhưng khi nhìn lại, việc không ưu tiên dành thời gian cho nhau đã ảnh hưởng lớn đến mối liên hệ của chúng tôi. Đó là lý do tại sao giờ đây, chúng tôi luôn khuyên các con hãy bắt đầu thói quen hẹn hò đều đặn ngay từ năm đầu tiên kết hôn.
3. Thiếu người tư vấn cho hôn nhân của mình
Nhiều người trong chúng ta thường tham gia các buổi tư vấn tiền hôn nhân ở nhà thờ, nhưng sau khi trao nhẫn và nói lời hứa nguyện xong, chúng ta lại cảm thấy như mình phải tự xoay sở một mình.
Thật ra, những năm đầu hôn nhân mới chính là lúc chúng ta cần được tư vấn nhiều nhất. Khi mới cưới, chúng ta thường cần sự hỗ trợ nhiều hơn, vì chúng ta dễ bị choáng ngợp bởi những áp lực của cuộc sống mới. Đối với chúng tôi, điều này có nghĩa là chúng ta cần nhiều người xung quanh để chia sẻ sự khôn ngoan của họ – sách Châm Ngôn nhiều lần nhắc đến giá trị của việc lắng nghe lời khuyên khôn ngoan (11:14, 12:15, 27:17).
Nếu hội thánh của bạn không có chương trình tư vấn hôn nhân chính thức, hãy cầu xin Chúa dẫn dắt bạn đến với những cặp vợ chồng lớn tuổi, giàu kinh nghiệm để xin lời khuyên. Không cần phải quá thường xuyên, chỉ cần có những buổi gặp gỡ để chia sẻ về cuộc sống, lắng nghe lời khuyên của họ, và cầu nguyện cùng nhau.
4. Hứa nhiều nhưng làm ít
Khi còn là lãnh đạo thanh thiếu niên và đang học cao học, tôi (Rob) lúc nào cũng bận rộn, theo đuổi nhiều nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu hôn nhân. Tôi rất yêu công việc và thích phục vụ trong hội thánh.
Điều đó thật tốt, nhưng cũng khiến tôi gặp không ít rắc rối với Amy. Nhớ lại, một trong những điều tôi làm chưa tốt trong những năm đầu là chưa rạch ròi ranh giới giữa công việc và gia đình, và tôi cũng không thường xuyên chia sẻ lịch trình hằng ngày với Amy.
Amy thường hỏi: “Hôm nay anh về lúc mấy giờ?” và tôi sẽ đáp: “Khoảng 5 giờ 30, anh nghĩ vậy.” Nhưng rồi nhiều khi, khoảng 4 giờ, tôi lại phải gọi cho cô ấy và nói: “Ôi xin lỗi, chắc anh không kịp rồi.” Cô ấy hỏi: “Vậy anh về lúc nào?” và tôi lại nói: “Anh cũng không chắc nữa… để lát anh gọi lại.”
Có khi thì tôi có cuộc hẹn kéo dài hơn dự kiến, có khi lại phải làm nhanh cho kịp thời hạn – nếu chỉ đôi lần thì không sao, nhưng đây lại thành chuyện thường xuyên, đặc biệt nghiêm trọng là khi chúng tôi có con.
Tôi nghĩ có lý do mà Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:5 quy định rằng người đàn ông mới cưới không phải ra trận hoặc gánh trách nhiệm nào khác trong một năm, để có thời gian làm vui lòng vợ mình.
Nhìn lại, lẽ ra tôi nên tập trung vào việc mang lại hạnh phúc cho Amy trong những năm đầu hôn nhân. Tôi luôn muốn làm Amy vui – nên thường hay nói những gì tôi nghĩ rằng cô ấy muốn nghe. Nhưng thực tế, tôi hiếm khi giữ đúng lời hứa và không thiết lập được giới hạn rõ ràng giữa công việc và gia đình.
Nếu được quay lại, tôi sẽ lấy lời Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 5:37 làm kim chỉ nam: chỉ đơn giản là nói “có” hoặc “không” và cố gắng giữ đúng lời trong khả năng tốt nhất của mình.
5. Thiếu quan tâm đến bố mẹ và người thân hai bên
Một điều mà tôi (Amy) rất hối tiếc và vẫn đang cố gắng cải thiện – ngay cả bây giờ – đó là giữ mối liên hệ thân thiết với gia đình hai bên. Khi mới cưới, chúng tôi đã chuyển đến một nơi xa gia đình của Rob, nhưng gần hơn với gia đình tôi.
Hệ quả là, gia đình tôi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng tôi, trong khi gia đình chồng lại bị xa cách. Dù tôi rất yêu thương gia đình chồng, nhưng thật lòng mà nói, chúng tôi không nghĩ đến việc thường xuyên liên lạc với họ – đặc biệt là trong những năm đầu có con.
Giờ đây, khi các con tôi đã lớn và sắp sửa ra ngoài sống độc lập, tôi nhận ra rằng thật khó để nói lời tạm biệt với các con khi con trưởng thành và rời khỏi tổ ấm. Bạn đã dành trọn tấm lòng và cuộc sống của mình cho con trong suốt bao nhiêu năm, và giờ đây, khi con bước vào giai đoạn mới, bỗng dưng bạn lại phải nói lời tạm biệt.
Vì thế, tôi thực sự ước rằng chúng tôi đã xây dựng thói quen gặp gỡ hàng tuần với hai bên gia đình, để họ biết họ quan trọng với chúng tôi như thế nào. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã khiến người thân buồn phiền vì quá bận rộn và không ưu tiên cho những mối liên hệ đó.
Dĩ nhiên, cũng có những cặp đôi gặp phải vấn đề ngược lại, khi họ quá gắn bó với cha mẹ – một mối liên hệ chặt chẽ đến nỗi nhu cầu của cha mẹ trở thành nhu cầu của họ, khiến họ không thể “lìa cha mẹ” để xây dựng cuộc sống riêng.
Với tư cách là vợ chồng, tôi khuyến khích các bạn hãy tiếp tục trò chuyện về cách mà các bạn đang xây dựng tổ ấm của mình, trong khi vẫn giữ mối liên hệ với gia đình hai bên theo cách lành mạnh, hợp lý và yêu thương.
6. Chỉ nhớ về những điều xấu và tiêu cực
Khi tôi (Amy) còn nhỏ, cha mẹ thường chia sẻ với tôi những niềm vui trong hôn nhân của họ, những khoảnh khắc tuyệt vời mà họ đã trải qua với nhau. Dù bây giờ tôi đã biết rằng họ cũng gặp không ít khó khăn, nhưng thứ mà tôi nhớ nhất lại là những điều tốt đẹp trong cuộc sống hôn nhân của họ—và tôi luôn kính trọng họ vì điều đó.
Trong hôn nhân với Rob, tôi nhận ra rằng kẻ thù thường tìm cách khiến tôi chú tâm vào những thiếu sót – điều mà chúng tôi lẽ ra nên làm tốt hơn. Tôi bắt đầu chú ý đến mọi điều tiêu cực và dần xóa nhòa những điều tích cực trong cuộc sống của chúng tôi, và điều đó dễ dàng trở thành một cái bẫy.
Gần đây, chúng tôi đã có một chuyến đi kỷ niệm, trở về nơi mà chúng tôi đã trải qua tuần trăng mật. Và tôi thực sự trân trọng chuyến đi này vì nó giúp tôi sống lại những kỷ niệm đẹp trong mối liên hệ của chúng tôi.
Vì vậy, tôi muốn nhắn nhủ các cặp đôi ngày nay: hãy nhớ đến những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc và để những điều đó in sâu trong ký ức của bạn, thay vì chỉ tập trung vào những tranh cãi hay khó khăn. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần nhìn lại và đánh giá những gì cần cải thiện, nhưng đừng để mình chìm đắm trong những điều “lẽ ra anh/em nên làm tốt hơn”.
Thay vào đó, hãy cùng nhau đếm những niềm vui và phước hạnh trong cuộc hôn nhân của mình, hầu cho “trong mọi việc, hãy luôn nhân danh Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ mà dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha” (Ê-phê-sô 5:20).
———-
Tác giả: Rob và Amy Rienow
Chuyển ngữ: Nhạn Võ
Biên tập: ODB Việt Nam
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/