GIÚP CON TUỔI THIẾU NIÊN SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CÁCH KHÔN NGOAN
Một người mẹ chia sẻ cách quản lý việc sử dụng điện thoại của cậu con trai tuổi thiếu niên và lý do cần dạy con cái đưa ra quyết định đúng đắn.
Từ khi đứa con lớn của chúng tôi bắt đầu học cấp hai vào năm nay, việc sử dụng điện thoại di động đã trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi ở nhà.
Chúng tôi đã đưa cho con một chiếc điện thoại thông minh cũ vào đầu năm, chủ yếu là để con nhắn tin hoặc gọi điện cho chúng tôi, và cũng để chúng tôi có thể biết được con đang ở đâu. Hiện tại, điện thoại của con không có WhatsApp hoặc bất kỳ mạng xã hội nào trong đó. Con chia sẻ với chúng tôi rằng bạn bè của con đã cười khi nhìn thấy điện thoại của con.
Chúng thốt lên: “Điện thoại gì nhỏ quá”.
Hầu như các học sinh ở độ tuổi này đều có điện thoại di động và kết nối với nhau qua các nhóm trò chuyện. Ngay cả giáo viên cũng sử dụng WhatsApp để liên lạc với học sinh của mình. Vì không sử dụng WhatsApp nên con trai tôi phải phụ thuộc vào bạn bè để biết được những thông báo từ giáo viên. Điều này đôi khi khiến con cảm thấy bị lạc lõng trong nhóm trò chuyện trực tuyến của lớp.
Là cha mẹ, chúng tôi đã suy nghĩ rất lâu và kỹ về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi nhận ra rằng con cái chúng tôi đang lớn lên trong một thế giới rất khác so với thế giới của chúng tôi khi chúng tôi bằng tuổi chúng.
Khi còn là thiếu niên, tôi đã dành hàng giờ trên điện thoại, nói chuyện với bạn bè và tán gẫu về mọi thứ trên đời. Ngày nay, những giờ đó được dành để nhắn tin và chơi game trực tuyến cùng nhau—cũng là những cách hợp pháp để gắn kết và xây dựng những mối liên hệ.
Tuy nhiên, thế giới trực tuyến lớn hơn và đáng sợ hơn nhiều, mang theo những thách thức mới. Chúng tôi tất nhiên muốn đảm bảo rằng con trai mình được an toàn—vì vậy chúng tôi chắc chắn muốn đặt ra ranh giới và quy tắc để hướng dẫn con.
Những hạn chế của giới hạn
Trước khi đưa cho con một chiếc điện thoại mới và cho con sử dụng WhatsApp (nhưng không sử dụng mạng xã hội nào khác), tôi đã nghĩ về các quy tắc mà tôi muốn đưa ra — chọn duy trì lập trường chặt chẽ hơn ngay từ đầu, biết rằng những quy tắc này có thể được nới lỏng trong tương lai khi mà con đã trưởng thành và có thể chịu trách nhiệm.
Tôi đã viết xuống những quy tắc này để con làm theo:
Tuy nhiên, khi tôi viết điều này, tôi chợt nhận ra rằng tôi không muốn biến nó thành một danh sách những điều nên làm và không nên làm. Suy cho cùng, giới hạn cũng có hạn chế riêng của nó. Chúng tôi có thể cài đặt các biện pháp kiểm soát của phụ huynh trên điện thoại của con, giới hạn thời gian con sử dụng điện thoại và hạn chế các loại ứng dụng con có thể tải xuống. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn về những biện pháp này.
Mặc dù danh sách này có thể đề cập đến hành vi của con ở bề mặt, nhưng chính từ bên trong tấm lòng mới ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với hoàn cảnh của mình. Các quy tắc có thể không bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống. Hơn nữa, trong tội lỗi, chúng ta là những kẻ phá vỡ luật pháp một cách tự nhiên. Chúng ta chọn sống theo đường lối riêng của mình thay vì đi theo đường lối của Chúa.
Bây giờ, câu hỏi của tôi là: Khi con tôi bị đặt vào một tình huống không có quy tắc rõ ràng, liệu con có biết cách phản ứng một cách tin kính và khôn ngoan không?
Giúp con tuổi thiếu niên đưa ra những quyết định tin kính
Trọng tâm của vấn đề là tôi muốn giúp các con không chỉ tuân theo các quy tắc, mà còn học cách đưa ra những quyết định tin kính và khôn ngoan trong mọi tình huống. Tôi hy vọng các con tôi sẽ nhận ra rằng dù một ngày nào đó các con độc lập và không còn ở với tôi nữa thì con vẫn phải hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa. Có thể các con không còn phải tuân theo những quy tắc trong gia đình, nhưng Lời Chúa vẫn sẽ luôn hướng dẫn đường lối của các con.
Như tác giả Châm Ngôn 9:10 nói: “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, Sự nhận biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng”. Khi chúng ta nhận ra mình là ai ở trong Chúa, chúng ta sẽ học cách sống theo đường lối của Chúa, trong thế giới của Chúa, với tư cách là con cái Chúa. Đó chính là ý nghĩa của sự khôn ngoan thực sự.
Với mong muốn các con tôi lớn lên trong sự khôn ngoan của Chúa, tôi đã lập danh sách tiếp theo này – vì lợi ích của con và của tôi:
Lời Chúa củng cố, dạy dỗ và ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày. Kinh Thánh không chỉ là một cuốn sách chứa đựng những lý tưởng cao cả, được đặt ở góc trên cùng của kệ sách, rồi tới Chúa Nhật mới lấy ra phủi bụi.
Và vì vậy, những điều này có thể áp dụng và phù hợp với tôi với tư cách là một bậc cha mẹ cũng như với con tôi.
Khi chúng ta thất bại
Khi tôi và con trai cùng thảo luận về những điều này, tôi nhắc nhở con rằng là cha mẹ, chúng tôi luôn sẵn lòng cùng con chia sẻ về những chuyện con đang đối diện, cũng như sẵn lòng giúp đỡ con trong mọi trường hợp.
Và điều quan trọng hơn hết, tôi cho con biết rằng sẽ có những thời điểm mà chúng ta sẽ thất bại và phạm lỗi. Có thể con sẽ phạm lỗi hoặc là sẽ có những quyết định không tín kính, và cha mẹ có thể cũng thất bại trong việc bày tỏ sự dịu dàng với con và cũng sẽ hà khắc và giận dữ với con. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào cái hố quá sâu đến nỗi tình yêu, ân điển và sự tha thứ của Chúa không thể chạm đến.
Liên quan đến vấn đề trên, chúng tôi đã cùng nhau nói về phần Thi Thiên mà tuần trước chúng tôi đã đọc cùng nhau:
Đức Giê-hô-va đầy lòng thương xót, hay làm ơn,
Chậm nóng giận và giàu lòng nhân từ.
Ngài không bắt tội luôn luôn,
Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.
Ngài không đối đãi với chúng ta theo tội lỗi chúng ta,
Cũng không báo trả chúng ta theo sự gian ác của chúng ta.
Vì các tầng trời cách xa mặt đất bao nhiêu,
Thì lòng nhân từ của Ngài càng lớn cho người nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.
Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu,
Thì Ngài cũng cất sự vi phạm chúng ta cách xa chúng ta bấy nhiêu.
Đức Giê-hô-va thương xót người kính sợ Ngài,
Khác nào cha thương xót con cái mình vậy.
—Thi Thiên 103:8–13
Đây là sự đảm bảo rằng Chúa sẵn lòng tha thứ khi chúng ta đến với Ngài và ăn năn tội lỗi mình. Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan để làm theo những điều đúng đắn và đẹp lòng Ngài.
Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục xem xét việc sử dụng điện thoại của con mình. Tôi lường trước sẽ có những bất đồng, những trận chiến và thậm chí là những tổn thương. Nhưng tôi cũng hy vọng sẽ có những cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành hơn khi chúng tôi cùng nhau đi qua giai đoạn mới này trong cuộc đời. Xin Chúa ban sự khôn ngoan cho chúng ta là những bậc cha mẹ để có thể nuôi dạy con cho Ngài.
———-
Được trích từ quyển “Làm Gì Khi Con Nghiện Thiết Bị Điện Tử”, thuộc loạt Khám Phá Các Chủ Đề của Our Daily Bread Ministries © 2023. Hãy liên hệ ODB để đặt ngay một quyển sách cho mình.
—
Tác giả: Ailin Chew
Chuyển ngữ: Hrah Kpa
Biên tập & minh họa: ODB Việt Nam
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/