HỠI NGƯỜI LÀM CHA, BẠN ĐANG DÀNH BAO NHIÊU THỜI GIAN CHO CON MÌNH?

Có thể một số người trong chúng ta đã không dành nhiều thì giờ cho con cái như chúng ta mong muốn hoặc có thể là chúng ta chưa biết cách làm một người cha tốt. Dưới đây là vài điều mà một vị Mục sư, đồng thời là một nhà tâm vấn muốn chia sẻ.

Hỡi những người cha, mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian cho con? Và những lúc ấy, bạn thường làm gì hoặc nói gì với các con?

Một nghiên cứu được thực hiện tại 12 quốc gia cho thấy trung bình các ông bố dành thời gian cho con cái dưới 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tại Thái Lan, các ông bố chỉ có 12 phút dành cho con, trong khi đó tại Hồng Kông thì con số này chỉ là 6 phút mà thôi.

Tôi nghĩ rằng nhiều người bố ở Singapore cũng chỉ dành thời gian cho con tương đương với những người bố khác ở Châu Á.

Lý do con cần bạn

Tất cả chúng ta đều biết rằng người cha có ảnh hưởng lớn đến các con. Các nghiên cứu cho thấy khi thiếu vắng người cha thì các con lớn lên dễ sa vào các tệ nạn ở tuổi vị thành niên như hút thuốc lá, nhậu nhẹt, nghiện ma túy, trộm cắp, khiêu dâm, hoạt động tình dục tuổi thiếu niên.

Tương lai của con trẻ phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm nhiều hay ít của người làm cha.

Mặt khác, có nhiều lợi ích về mặt tâm lý-tình cảm đến từ sự quan tâm của người cha dành cho các con của mình. Trong quyển sách Cùng nhau làm cha mẹ (Parenting together), tác giả và là nhà nghiên cứu Drane Ehrensaft đã liệt kê ra 7 điều trong số những lợi ích này. Trong đó bao gồm việc các con có cảm giác yên tâm, tin tưởng – nền tảng cho sự phát triển lành mạnh; các con có kỹ năng tốt hơn trong việc phân biệt, chẳng hạn như các con nhận định được ai là người giúp đỡ tốt nhất khi các con gặp khó khăn; và các con có khả năng sáng tạo cũng như trau dồi đạo đức dễ dàng hơn.

Kinh Thánh nói gì về việc làm cha?

Ngoài hàng loạt lợi ích giúp các con phát triển toàn diện và khỏe mạnh thì động lực để người làm cha tham gia nhiều hơn vào việc nuôi dạy con cái đến từ lời dạy của Kinh Thánh mà không đâu có thể tốt hơn.

Trong Kinh Thánh, người cha được coi là người đứng đầu và là người lãnh đạo trong gia đình. Ngay từ sách đầu tiên của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã chọn tổ phụ Áp-ra-ham để cho ông đảm nhận trọng trách “ truyền dạy con cái và dòng dõi người sau nầy gìn giữ đường lối của Đức Giê-hô-va bằng cách làm điều công chính và ngay thẳng” (Sáng Thế ký 18:19).

Chúa đã chọn tổ phụ Áp-ra-ham, một người cha với vai trò đặc biệt đó là hướng dẫn cả gia đình đi theo đường lối của Ngài. Nhờ vậy mà dòng dõi của tổ phụ Áp-ra-ham sẽ trở thành nguồn phước cho cả thế gian và làm thành lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho ông (c.18).

Hơn nữa, trong chế độ phụ hệ thì những lời răn dạy của Chúa thường hướng đến người nam trước tiên, và Ngài trao cho người nam trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ cũng như hướng dẫn thuộc linh. Qua những câu Kinh Thánh quen thuộc trong sách Phục Truyền, Đức Chúa Trời dạy những người làm cha rằng “Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay. Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy” (Phục Truyền 6:4-9).

Những lời dạy trong sách Châm Ngôn cũng nói đến tầm quan trọng trong việc người cha trò chuyện với con trai, người cha truyền đạt lời lẽ khôn ngoan và bảo ban con mình về những vấn đề trong đời sống. Điều này được minh chứng trong Châm Ngôn chương 4 khi tác giả khuyên răn các con nghe mình dạy bảo để sống ngay thẳng trước mắt Chúa – như chính tác giả đã học được những lời dạy dỗ từ cha mình (c.3-4).

Xã hội này có xu hướng tách chúng ta ra khỏi những mối quan hệ rất cần thiết giữa con người với nhau, vậy nên tôi tin rằng nếu các gia đình muốn hòa thuận thì người cha phải hướng lòng mình về tổ ấm.

Thật tuyệt vời khi câu Kinh Thánh cuối cùng ở chương cuối trong sách cuối cùng của Cựu Ước, Ma-la-chi 4:6 cho biết “Người [Đức Chúa Trời] sẽ hướng lòng cha về với con cái, và lòng con cái về với cha” (Bản Dịch Mới).

Vì sao nhiều người cha chưa biết cách làm cha tốt?

Khi đem những lời dạy dỗ trên vào thực hành thì thật không đơn giản chút nào. Đáng tiếc là nhiều người cha không biết làm sao để trở thành một người cha tốt.

Trước hết, có lẽ nhiều người trong anh em thiếu một tấm gương về người cha tốt để noi theo vì chúng ta đã không có những trải nghiệm tốt đẹp với người cha của chính mình. Cha tôi là một người thiếu trách nhiệm và ít nói chuyện với con cái. Có thể cha của bạn cũng giống như vậy hay thậm chí còn tệ hơn, chẳng hạn như hà khắc, đầy hận thù hoặc là hung hăng và lạm dụng.

Nhiều người trong anh em cũng phải vất vả ngược xuôi để nuôi gia đình, dẫn đến mệt mỏi. Với những hệ lụy kéo dài sau đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế suy thoái, nhiều người cha phải làm việc gấp đôi để bám trụ với nghề hoặc để duy trì việc kinh doanh. Và khi về nhà sau ngày dài làm việc thì dường như đã cạn kiệt cả sức lực, óc sáng tạo, sự kiên nhẫn và cả sự nhẹ nhàng nên khó quan tâm ý nghĩa và sâu sắc đến vợ con về cả thể chất lẫn tinh thần.

Vậy nên nhiều khi anh em phải đành để cho vợ đảm đương mọi công việc chăm lo cho các con. Một số người trong anh em cũng thấy khó quan tâm đến con mình; đàn ông thường không nhạy bén hoặc hiểu được cảm xúc của chính mình, chưa nói đến cảm xúc của người khác và của chính những người thân trong gia đình.

Học cách làm cha

Có lẽ chúng ta cũng biết tại sao chúng ta cần phải trở nên một người cha tốt nhưng một số vẫn tự hỏi: “Vậy để trở nên một người cha tốt thì tôi phải làm gì? Làm thế nào để trở thành một người cha tốt nhất cho con mình?”

Những câu hỏi này dẫn chúng ta đến trọng tâm và nghệ thuật làm cha. Thật khó để xác định “Phải làm gì” vì các người cha khác nhau về khả năng, tính cách, thời gian rảnh, và ngay cả các con của từng người cha cũng không giống nhau về tính nết, sở thích và giai đoạn phát triển.

Tất nhiên là có một số điểm cụ thể người cha nào cũng làm được, như là tổ chức giờ gia đình lễ bái để cùng nhau thờ phượng Chúa mỗi ngày, đưa con đi công viên và khu vui chơi, hoặc dạy cho chúng những kỹ năng sống, chẳng hạn như tập cho chúng biết cách đi xe đạp. (Cá nhân tôi nghĩ rằng đưa gia đình đi du lịch hằng năm cũng là một ý tưởng hay.)

Tuy nhiên, “làm gì” không quan trọng bằng “làm thế nào”. Các nguyên tắc Kinh Thánh dạy rõ ràng về khía cạnh này, như có chép trong Ê-phê-sô 6:4 rằng: “Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa”.

Một bản Kinh Thánh dịch là “đừng chọc giận con cái mình”. Trong Cô-lô-se 3:21, sứ đồ Phao-lô lặp lại lời hướng dẫn này một cách nhẹ nhàng hơn: “Hỡi những người làm cha, đừng chọc giận con cái mình, e chúng nản lòng chăng”.

Hai câu Kinh Thánh trên, sứ đồ Phao-lô lưu ý những người làm cha về một vấn đề tiêu cực. Có lẽ vị sứ đồ biết chúng ta thường thiếu kiên nhẫn! Chẳng hạn, biết bao lần chúng ta đã lớn tiếng hoặc giơ tay lên đánh khi sửa dạy con.

Điều đáng buồn là chúng ta thường có xu hướng chỉ chú tâm vào lỗi lầm của các con chứ không động viên khích lệ chúng. Những hành động tiêu cực này cuối cùng chỉ đưa đến sự bực tức, cay đắng hoặc oán giận.

Môn đồ hóa các con trong tình yêu thương và sự mềm mại

Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô không dừng lại ở lời nhắc nhở người cha đừng chọc giận con cái mình. Trong phần sau của câu Kinh Thánh trong Ê-phê-sô 6:4, vị sứ đồ đưa thêm một lời khuyên dạy tích cực: “nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa”.

Từ ngữ “nuôi nấng chúng” đơn giản ngụ ý “nuôi dưỡng hoặc cho chúng ăn” như cách chúng ta chăm sóc thân thể của mình. Nhà Thần học Cải chánh vĩ đại John Calvin dịch từ này là “hãy để chúng được ấp ủ yêu thương” trong khi nhà phê bình Thanh giáo William Hendriksen giải thích là “dịu dàng chăm sóc chúng”.

Nhiều thế kỷ trước khi tâm lý học hiện đại ra đời thì đây là cách hiểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một người cha dịu dàng đầy yêu thương đối với các con khi chúng khôn lớn.

Vậy thì, chúng ta nên nuôi dưỡng hoặc chăm sóc các con như thế nào? Sứ đồ Phao-lô nói rằng phải “trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa”. Việc dạy bảo này cơ bản là qua ngôn ngữ như trò chuyện, khuyên dạy, cảnh tỉnh, nêu lý do và thuyết phục các con.

Mặt khác, từ “discipline” (kỷ luật), cũng từ đó mà có từ “disciple” (môn đệ), có nghĩa là huấn luyện về hành vi và cách cư xử đúng đắn. Đối với người theo Chúa Jêsus thì môn đệ phải là người học theo Chúa, bắt chước Chúa, và noi gương Chúa Jêsus, tuân giữ lời dạy của Chúa và Đạo sự sống của Ngài.

Tôi không tìm được định nghĩa nào tốt hơn những lời mô tả này. Cách hiểu này đem chúng ta đến cốt lõi của việc làm cha (và làm mẹ), đó là chúng ta môn đồ hóa các con theo đường lối của Chúa.

Vậy thì câu hỏi đặt ra trước mắt chúng ta là: “Chúng ta dành bao nhiêu thời gian giúp các con mình trở nên môn đệ của Chúa Cứu Thế Jêsus theo đường lối và lời dạy của Ngài?”

Các con của chúng ta học tập, bắt chước và theo gương chúng ta như chúng ta theo gương Chúa Jêsus ra sao? Làm thế nào để đời sống và tính cách của các con được định hình theo gương Chúa Jêsus khi chúng ta tìm cách “nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa” (Ê-phê-sô 6:4)?

Paul Tournier, nhà tâm thần học Cơ Đốc và là một tác giả yêu thích của tôi đã nói:

“Thời gian mà một người mẹ hoặc tốt hơn là có cả người cha dành cho con cái… qua từng cuộc đi dạo cùng con, qua những lời giải thích cho con về thiên nhiên, về cuộc đời và niềm tin của bố mẹ – chính những điều này là món quà vô cùng quý báu mà con trẻ sẽ khắc ghi mãi trong tim như là ký ức đẹp đẽ nhất của thời thơ ấu.”

Hỡi những người làm cha, Đức Chúa Trời đã không chọn một nhà giáo dục hoặc một giáo viên Trường Chúa Nhật, nhưng Chúa chọn chính bạn để nuôi dạy con cái bạn đi trong đường lối của Ngài. Có nghĩa là bạn phải sắp xếp thời gian để gắn kết với các con trong tình thương và sự chăm sóc dịu dàng, hãy sửa dạy các con theo cách sống và lời nói của anh em để mắt chúng biết hướng về Đấng Cứu Rỗi.

Ngày nay, chúng ta hãy đem lòng mình trở về với các con bằng việc dành thời gian cho chúng và nuôi nấng chúng không chỉ về mặt vật chất mà còn cả phần tâm linh và tình cảm. Các con cần nghe, cần nhìn, và chạm đến chúng ta!

Về tác giả:

Danny Goh phục vụ Chúa trọn thời gian hơn 40 năm qua với tư cách là nhà truyền giáo, nhân sự, và là mục sư của nhiều hội thánh và đồng thời ông cũng là một giáo sư giảng dạy tại hai Chủng viện. Ông là chuyên gia về lĩnh vực hôn nhân – gia đình và ông cũng tích cực trong công tác tư vấn về hôn nhân, các khóa bồi linh hạnh phúc hôn nhân, cũng như đời sống gia đình và nuôi dạy con cái.

———-

Tác giả: Danny Goh

Chuyển ngữ: Huyền Trang

Biên tập & minh họa: ODB Việt Nam

Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/