Ngày 13 tháng 5 năm 2019, Davia Emilia, một thiếu niên 16 tuổi sống tại Sarawak, Malaysia đã đăng lên mạng xã hội để bày tỏ những mệt mỏi trong cuộc sống. Qua tính năng story của Instagram, cô bé đề nghị những người theo dõi mình bỏ phiếu về việc cô bé nên tiếp tục sống hay là chết: “Rất quan trọng. Hãy giúp tôi chọn: C/S (Chết/ Sống)”. Thật đáng buồn, 69% người theo dõi đã chọn “C” và kết quả là cô bé đã nhảy từ tầng ba căn hộ xuống đất, đưa cuộc đời ngắn ngủi của mình đến kết cuộc đau lòng.
Khi đọc tin tức này, lòng tôi thắt lại. Ngoài việc đau buồn cho bi kịch của cô bé tự tước đoạt mạng sống của mình, lòng tôi cũng đau đớn khi nghĩ đến những người đã tham gia bỏ phiếu. Họ sẽ phản ứng ra sao khi biết tin Emilia đã thực sự tự tử? Có lẽ họ cho rằng đây chỉ là một trò đùa, và cô bé chỉ đơn giản là một trong số nhiều thanh thiếu niên khác thích tìm kiếm sự chú ý – rằng “chọn sống hay chết” chỉ đơn giản là trò giải trí. Tuy nhiên, dù ý định là gì thì cái kết đau đớn là cuộc đời của cô bé đã chấm dứt.
Sự việc đau lòng này đã thôi thúc tôi xem xét lại sức mạnh của lời nói. Gia-cơ 3:5 cho biết: Cũng vậy, cái lưỡi là một bộ phận nhỏ nhưng khoe khoang những việc lớn. Một tia lửa nhỏ có thể làm bùng cháy cả một cánh rừng rộng lớn biết bao!
Thật vậy, một tia lửa nhỏ có thể làm cháy rụi cả khu rừng. Thật kinh khủng khi nghĩ đến việc chỉ một cái chạm đơn giản vào màn hình điện thoại cũng có thể quyết định sự sống hoặc cái chết của người khác. Trong câu Kinh Thánh này, ông Gia-cơ nhắc nhở các tín hữu phải cẩn thận trong lời nói – bởi vì một câu nói có thể gây dựng hoặc phá hủy cuộc đời của một người. Sẽ ra sao nếu những người theo dõi đã khích lệ cô bé với những lời như “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”, “Tôi sẵn sàng trò chuyện với bạn” hoặc “Bạn không cô đơn đâu”? Có lẽ khi đó sẽ có cơ hội để viết lại cái kết bi thảm của câu chuyện này.
Tất nhiên, lá phiếu từ những người theo dõi Instagram của Emilia có thể sẽ không có tác động bi thảm tương tự nếu cô bé không cảm thấy bế tắc và ngột ngạt vì hoàn cảnh trong cuộc sống, đến nỗi không còn hy vọng gì cho tương lai và nuôi dưỡng suy nghĩ chấm dứt cuộc đời. Cuối cùng, chính cô bé đã quyết định kết thúc cuộc đời.
Theo cách nào đó, tôi có thể hiểu cảm giác của Emilia. Khi tôi còn ở độ tuổi thiếu niên, tôi cũng tranh chiến với những suy nghĩ về việc tự tử. Tôi cảm thấy ngột ngạt bởi những áp lực của cuộc sống và mọi thứ dường như vô nghĩa. Tôi cũng từng buồn bực gia đình vì không mang đến sự đầy đủ về vật chất và hạnh phúc mà tôi mong muốn. Nhưng mỗi khi nghĩ về việc tự tử, tôi không có đủ dũng khí để thực hiện, vì thế tôi đã không đi theo con đường đó. Khi nhìn lại, tôi cảm thấy thật biết ơn. Khi nhìn lại, tôi nhận biết đó chính là ân điển của Chúa. Nếu khi đó tôi chọn cách từ bỏ cuộc sống, thì tôi không chỉ gây nên sự đau buồn lớn cho gia đình và bạn bè, nhưng tôi biết là bây giờ tôi sẽ hối tiếc về quyết định đó.
Mặc dù cuộc sống sẽ có những lúc chán nản, ngã lòng và thất vọng, tôi học biết rằng cuộc sống cũng tràn ngập những thời điểm và trải nghiệm tuyệt vời và đầy vui mừng, là những điều đáng được khám phá và theo đuổi. Sau khi trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, tôi biết rằng sự sống là món quà từ Chúa.
Vợ chồng tôi đã kết hôn nhiều năm, chúng tôi luôn mong mỏi có một đứa con. Mặc dù cả hai chúng tôi đều kiểm tra sức khỏe và không có vấn đề gì, nhưng chúng tôi cứ trải qua thất vọng hết lần này đến lần khác. Chúng tôi không biết được vì sao mình không thể có con.
Vấn đề hiếm muộn đã giúp tôi nhìn nhận sâu sắc hơn về sự quý giá của sự sống và không bao giờ xem thường nó. Nếu Chúa không ban cho chúng ta sự sống, chúng ta không thể nào tồn tại trên đất này, thậm chí chỉ trong một giây. Chúa đã hà hơi sự sống vào loài người, và trong Ngài, chúng ta sống động và tồn tại (Cv. 17:28). Sự sống là ân điển Chúa dành cho chúng ta.
Như Thi Thiên 139:13-14 nói:
Vì chính Chúa nắn nên tâm can con, dệt thành con trong lòng mẹ con. Con cảm tạ Chúa vì con được dựng nên một cách đáng sợ và lạ lùng. Công việc Chúa thật quá diệu kỳ, lòng con biết rõ lắm.
Nguyện chúng ta trân trọng khoảng thời gian Chúa cho chúng ta sống trên đất. Xét cho cùng thì Chúa đặt để chúng ta trên đất này không phải là điều vô ích. Ngài có chương trình tốt đẹp cho mỗi chúng ta. Chúng ta là con cái yêu dấu của Ngài, chúng ta tồn tại với giá trị và có một mục đích. Nếu chúng ta chọn vâng phục Chúa và sống trong tình yêu thương của Ngài, chúng ta sẽ kinh nghiệm niềm vui thật sự trong cuộc đời (Gi. 15:9-11).
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tận hưởng niềm vui của cuộc sống trên đất, chúng ta cũng sẽ can đảm đối diện với những khó khăn và thử thách xảy đến trong đời – học cách trân trọng món quà sự sống, và nguyện chúng ta sử dụng lời nói cách tốt đẹp để yêu thương những người xung quanh và nhờ đó chúng ta trở thành nguồn phước cho thế giới.
Được dịch từ: https://ymi.today/2019/05/when-social-media-determined-a-teens-death/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries.