banner

Thời điểm bốn năm trước, tôi đang sống chung với gia đình chồng. Tôi mới làm mẹ của một bé trai, và có nhiều điều cần phải học hỏi.

Theo lẽ tự nhiên, gia đình chồng rất quan tâm chú ý đến cháu nội của mình. Họ thường chỉnh sửa tôi về cách bế con hay cách cầm bình sữa cho bé bú. Là người cầu toàn, tôi không thích bị bắt lỗi. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy áp lực phải làm mọi thứ thật tốt, ngay cả khi mệt mỏi.

Áp lực này cộng với việc thiếu ngủ vì phải cho con bú nửa đêm đã khiến tôi kiệt sức. Tôi dễ bực mình và nóng giận. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, tôi cố gắng chia sẻ vấn đề với chồng, nhưng anh nói rằng tôi nên cố gắng bớt nóng giận và ráng chìu theo những đề nghị của ba mẹ anh. Tôi không cảm thấy được yêu thương vào thời điểm đó. Tôi cố gắng chịu đựng hoàn cảnh, nhưng mọi thứ cuối cùng trở nên tồi tệ hơn.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu gắt gỏng với gia đình chồng vì đã gây áp lực cho tôi. Tôi không chỉ nóng nảy một lần, mà rất thường xuyên vào thời điểm đó. Và tôi bị gán cho biệt danh là con dâu vô lễ. Tôi cảm thấy như mọi người trong nhà đều chống lại tôi. Tôi tránh mặt và không thích nói chuyện với mọi người, bởi vì dường như mọi câu nói đều dẫn đến tranh cãi. Gia đình chồng lẽ ra cũng là gia đình của tôi, nhưng lại trở nên như kẻ thù.

Gia đình lẽ ra là nơi đem đến sự an ủi và ấm áp, nhưng tôi lại cảm thấy như vùng chiến sự.

pic 1

Cuối cùng, một người bà con nghe hoàn cảnh của tôi và chị ấy đã chia sẻ Phúc Âm với tôi, điều đó thật sự giúp ích cho tôi trong những gì tôi đang trải qua. Người bà con này trở thành người dẫn dắt tôi trong đời sống tâm linh, và khi tôi nói về tình cảnh của mình, chị ấy đã hướng tôi đến với sự cầu nguyện và Lời Chúa. Đầu tiên, chị nhắc tôi rằng Chúa vẫn đang nắm quyền kiểm soát giữa những hỗn độn, và tôi không nên đổ lỗi cho gia đình chồng bởi vì Chúa là Đấng cho phép điều này xảy ra vì mục đích lớn lao hơn. Dù tôi không thấy mục đích tốt đẹp nào vào thời điểm đó, nhưng tôi tin rằng Chúa đang tể trị. Lúc đó, gia đình tôi đang ở trong tình cảnh hỗn độn và đổ vỡ, và tôi biết rằng cách duy nhất để cứu vãn tình thế là đến với Chúa Giê-xu, Đấng hứa ban sự sống sung mãn (Giăng 10:10).

Khi càng đọc Kinh Thánh, tôi nhận ra rằng Chúa dạy tôi phải tôn trọng cha mẹ và người lớn tuổi (Ê-phê-sô 6:1, I Phi-e-rơ 5:5). Tuy nhiên, buông bỏ sự cay đắng không phải là điều dễ dàng đối với tôi – trận chiến kéo dài trong gia đình đã khiến tôi vô cùng mệt mỏi, tổn thương, đau khổ và đặc biệt là cay đắng. Tôi không kết hôn để bị tổn thương, bị đối xử tệ hay không hề có tiếng nói trong gia đình. Tôi muốn trả thù. Tôi muốn gia đình họ phải đau khổ như tôi đã đau khổ, để họ biết tôi cảm thấy thế nào và đối xử đúng đắn với tôi.

Nhưng khi tôi đọc II Cô-rinh-tô 10:5, là câu Kinh Thánh kêu gọi chúng ta “buộc mọi ý tưởng phải thuận phục Đấng Christ”. Vì vậy, tôi quyết định rằng mỗi khi có suy nghĩ cay đắng trong tâm trí, tôi sẽ làm theo lời dạy đó. Tôi cố gắng tập thói quen làm điều đó.

Tôi cố gắng xin lỗi gia đình chồng. Nhưng mỗi lần xin lỗi xong, tôi lại nổi nóng không lâu sau đó. Bởi vì tôi từng đối xử không tốt với gia đình chồng nên họ thường nghiêm khắc với tôi, không khí rất căng thẳng. Tôi lại trở nên cay đắng và vô tình làm tổn thương gia đình chồng vì những lời sai trật khi nói trong lúc hấp tấp, khiến càng thêm hiểu lầm. Tôi càng cố gắng hết sức, thì tôi càng dễ mất bình tĩnh hơn. Mỗi lần gặp gia đình của mình, tôi phải cầu nguyện để có sự can đảm và sức lực.

pic 2

Nhưng những kinh nghiệm này đã bày tỏ cho tôi thấy xác thịt yếu đuối của tôi và dạy tôi nương cậy Chúa, là Đấng hứa rằng ân điển Ngài là đủ cho tôi và sức mạnh của Ngài trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của tôi (II Cô-rinh-tô 12:9). Tôi nhắc nhở chính mình rằng địa vị của tôi ở trong Đấng Christ, chứ không được định nghĩa bởi hoàn cảnh. Lời Chúa đã ban cho tôi sức mạnh. Dù tôi chuyển ra khỏi nhà sau năm đầu tiên, sự tranh chiến vẫn tiếp tục suốt bốn năm trước khi tôi giải hòa với chồng và gia đình chồng. Bốn năm mà Chúa cho phép xung đột xảy ra đã trở thành những năm giúp tôi trưởng thành và kinh nghiệm sự tăng trưởng thuộc linh thật sự.

Khi lần đầu nghe đến từ “trận chiến thuộc linh”, tôi rất sợ. Nhưng những gì tôi kinh nghiệm đã dạy tôi rằng tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không hề thay đổi. Trận chiến thuộc linh không nhất thiết là đuổi quỷ, nhưng là trận chiến cho tấm lòng và linh hồn của chúng ta. Chúa có mục đích lớn lao khi cho phép tôi trải qua bốn năm khó khăn đó và tôi thấy mục đích của Ngài dành cho tôi sau khi kết thúc giai đoạn đó.

Trong trận chiến thuộc linh của mình, Chúa đã dạy tôi rằng chiến thắng đến bởi Ngài. Tôi được nhắc nhở rằng dù chúng ta đối diện với nhiều thử thách trong đời này, Chúa là Đấng bắt đầu làm việc lành trong chúng ta sẽ làm trọn việc ấy (Phi-líp 1:6). Khi chúng ta hoàn toàn nương dựa nơi Chúa, qua việc đọc Kinh Thánh và tìm kiếm Ngài bằng sự cầu nguyện, Ngài sẽ thực hiện ý muốn của Ngài trong cuộc đời chúng ta và thánh hóa chúng ta để tăng trưởng và ngày càng trở nên giống Đấng Christ hơn.

Tác giả: Agnes Lee, Singapore, được dịch từ trang https://ymi.today/2018/09/when-family-conflicts-turned-us-into-enemies/