KHI NÀO NÊN NÓI CHO CON BIẾT VỀ CHÚA JÊSUS?
08 THÁNG 03, 2021 BỞI BAN BIÊN TẬP SINGAPORE YOUTH FOR CHRIST
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu.
Chúng tôi có trồng ít rau ở cuối vườn. Thật vui khi nhìn thấy Tomos, cậu con trai 5 tuổi của chúng tôi phụ giúp chăm sóc cây. (Luc, cậu con trai hai tuổi vẫn còn ở độ tuổi chỉ thích đào đất)!
Năm nay, chúng tôi muốn trồng củ cải vàng. Phía sau túi hạt giống có ghi chi tiết về thời gian mà chúng tôi có thể nhìn thấy cây lớn lên, và cần trồng loại cây này vào tháng nào, nhưng bây giờ đã qua tháng đó.
Chúng tôi không thể “có củ cải vàng” chỉ bởi vì mình muốn có, mà cần phải gieo hạt và tưới nước cho nó trước.
Nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc dạy cho con biết về Chúa Jêsus.
Nếu chúng ta muốn trao đổi với con về Chúa Jêsus khi con lớn lên thì chúng ta cần phải gieo hạt giống đức tin vào lòng trẻ ngay từ bây giờ và giúp cho hạt giống đó lớn lên.
Khi nào bắt đầu?
Tomos đã ở độ tuổi mà luôn đặt ra những câu hỏi thắc mắc về Chúa Jêsus trong thời gian đọc truyện Kinh Thánh. Và đôi khi cháu còn tự mình khởi xướng cuộc trò chuyện. Điều này không tự nhiên diễn ra mà là kết quả của hơn ba năm cháu được nghe giới thiệu về Chúa Jêsus, thậm chí trước khi cháu có thể hiểu được.
Việc vợ chồng tôi quyết định nói cho con nghe về Chúa Jêsus trước khi chúng sẵn sàng đến từ lời khuyên của một số người bạn.
Con cái họ giờ đã ở độ tuổi trên 20 và một phụ huynh nói rằng: “Luôn tốt để cầu nguyện với con khi con còn nhỏ và có thời gian để gia đình cùng đọc những câu chuyện Kinh Thánh với nhau. Tôi ước gì chúng tôi đã làm điều đó thường xuyên hơn”.
Họ nhận ra rằng điều tốt nhất họ đã làm cho con mình là hình thành một nếp sống có Chúa làm trung tâm.
Tôi thấy điều đó rất đúng. Kinh Thánh cảnh báo rằng “chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:11). Trong thế giới tội lỗi này, đó là thiết lập mặc định cho mọi tấm lòng con người, ngay cả con cái của chúng ta.
Bởi vì đây là mặc định của chúng nên sẽ quan trọng để bắt đầu cho chúng thấy một con đường tốt hơn sớm nhất có thể, hình thành một nếp sống mà tình yêu và lòng nhân từ của Chúa được bày tỏ rõ ràng, và tạo ra cơ hội thường xuyên để học biết về Chúa Jêsus.
Hạt giống ích kỷ vốn được gieo vào con trẻ ngay từ khi mới sinh. Vì thế, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu gieo và chăm sóc hạt giống tìm kiếm Chúa. Nếu chúng ta nói với con về Chúa Jêsus càng trễ, thì bản năng ích kỷ, vị kỷ càng ăn sâu vào đời sống con.
Vậy thì, làm thế nào để nói với con về Chúa Jêsus ngay từ khi còn nhỏ?
Cầu nguyện
Cầu nguyện không ngừng phải là nét đặc trưng của nếp sống Cơ Đốc (I Tê. 5:17). Vì vậy, hãy để con nhìn thấy điều đó.
Các bạn của tôi có con đã lớn nói với chúng tôi rằng mỗi ngày họ luôn nói với các con: “Cả nhà mình hãy cùng cầu nguyện cho vấn đề đó”.
Họ muốn cầu nguyện sẽ luôn là phản ứng đầu tiên của gia đình họ khi có bất cứ việc gì xảy ra, và họ muốn làm gương cho con về sự nhờ cậy Chúa.
Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta đang giao phó con mình cho Chúa và con sẽ nhìn thấy và ghi nhớ về sự nhờ cậy Chúa.
Khi Tomos lo lắng về việc học ở lớp 4, chúng tôi đã cầu nguyện với con. Tôi không biết rõ điều đó đã tác động lên con thế nào vào thời điểm đó. Con không tự nói ra lời cầu nguyện lúc đó. Nhưng tôi biết rằng tuần trước, khi nghe tin bà ốm, con đã nói trong giờ cầu nguyện trước khi đi ngủ rằng “Chúng ta cần cầu nguyện cho bà bây giờ”.
Mỗi khi tôi chuẩn bị đọc truyện Kinh Thánh với con, hay mỗi khi Tomos đặt câu hỏi, tôi luôn thầm nguyện với Chúa rằng: “Xin sử dụng thời gian này để dạy cho con của con biết về Ngài. Tấm lòng của chúng ở trong tay Ngài”.
Đọc Kinh Thánh
Chúng tôi thường đọc truyện Kinh Thánh cho các con nghe, ngay cả khi chúng còn nhỏ và dù hai con của tôi cách nhau gần 3 tuổi.
Chúng tôi đọc sách truyện Kinh Thánh với Tomos và chọn sách truyện tranh Kinh Thánh loại ngắn hơn, đơn giản hơn và có vần điệu để đọc với Luc.
Có lẽ một số người sẽ hỏi: “Tại sao phải đọc truyện Kinh Thánh cho đứa trẻ 2 tuổi?” Tôi hiểu ý của họ. Luc, con trai nhỏ của tôi vẫn tin rằng con ngựa kêu “Ụm bò”. Khi tôi nói khác, cháu sẽ nhìn tôi với ánh mắt bối rối.
Tại sao tôi đọc cho Luc nghe những câu chuyện về Chúa Jêsus? Lý do cũng tương tự như việc tôi bảo con rằng con bò mới kêu “Ụm bò”. Đây là sự thật và một ngày nào đó khi con đủ lớn, con sẽ hiểu được. Thật vậy, con sẽ hiểu rằng con bò kêu “Ụm bò” nhanh hơn bởi vì tôi liên tục củng cố sự thật đó.
Việc con hiểu về Chúa Jêsus cũng vậy. Tôi cứ đọc truyện Kinh Thánh cho con nghe, bởi vì còn có cách nào khác để con có thể bắt đầu hiểu câu chuyện về sự cứu rỗi?
Dành riêng thời gian
Chúng tôi đã cố gắng có một, hai lần mỗi tuần mà cả gia đình cùng ngồi lại đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với nhau (thường là sau khi ăn tối).
Thời gian đó chỉ kéo dài khoảng 5-10 phút. Chúng tôi đọc một câu Kinh Thánh, cùng thảo luận một câu hỏi rồi cầu nguyện với nhau.
Chúng tôi không xem đó là bổn phận phải làm, nhưng điều chúng tôi hướng đến là hình thành một cuộc trò chuyện liên tục và cởi mở về Chúa.
Đó chỉ đơn giản là nơi để những cuộc trò chuyện về Chúa có thể được khởi xướng cách tự nhiên và thoải mái.
Tận dụng những năm tháng đầu đời của con
Trong tất cả những thói quen và nếp sống hằng ngày này, mục đích của chúng tôi là tạo ra không gian để chính con có một hành trình thật sự với Chúa Jêsus.
Một người tiên phong về giáo dục (quan tâm đặc biệt đến trẻ trong những năm tháng đầu đời) đã nói rằng: “Nếu so sánh khả năng của người lớn với khả năng của đứa trẻ, thì chúng ta phải mất khoảng sáu năm thật cố gắng mới đạt được điều mà đứa trẻ có thể đạt được trong ba năm đầu đời.”
Ý muốn nói ở đây là trẻ em trong những năm đầu đời giống như bọt biển – chúng hấp thụ tất cả mọi thứ xung quanh mà thường chúng ta không nhận ra.
Vì vậy, chúng ta có nhiều lý do để bắt đầu trò chuyện với con về Chúa Jêsus trong những năm tháng đầu đời và để những hạt giống đó phát triển!
—
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập:https://biblical-parenting.org/
Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://biblical-parenting.org/articles/when-should-i-start-talking-to-my-kids-about-jesus/