LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẦU NGUYỆN VỚI LÒNG TIN CHẮC KHI CUỘC SỐNG BẤP BÊNH?

Bạn có bao giờ cầu nguyện trong nghi ngờ chưa? Bạn cầu xin Chúa một điều gì đó, nhưng lại không chắc rằng Ngài sẽ nhậm lời; vì vậy bạn vẫn cầu nguyện nhưng lại không háo hức chờ đợi, bởi vì bạn không muốn nuôi hy vọng.

Có lẽ một số người trong chúng ta cũng cảm thấy như vậy khi cầu nguyện cho đại dịch kết thúc và được quay lại cuộc sống bình thường. Hay khi chúng ta cầu nguyện cho những vấn đề như vào được trường đại học hàng đầu, có được công việc mơ ước, gặp được người bạn đời, v.v. Giống như một người bạn đã từng nói với tôi: “Tôi muốn kết hôn, và tôi vẫn cầu nguyện cho điều đó, nhưng tôi cũng tự nghĩ rằng: ‘Chúa không hứa ban bạn đời cho tất cả mọi người. Có lẽ Ngài sẽ đem người bạn đời đến cho tôi, nhưng cũng có thể là không’. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chỉ nhận sự thất vọng?”

Rồi có những rắc rối ập đến với chúng ta, nào là vấn đề tài chính, sức khoẻ, các mối quan hệ, và tất nhiên khi đối diện với những nỗi đau lớn này, chúng ta càng cầu nguyện khẩn thiết hơn.

Đối với những người tin Chúa lâu năm, chúng ta biết rằng Chúa có quyền ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, nhưng có thể Ngài sẽ không làm điều đó vì Ngài biết rõ điều nào là tốt nhất cho chúng ta (Ê-sai 55:9). Chúng ta cũng biết rằng thử thách là điều chắc chắc sẽ xảy đến, để uốn nắn và thanh tẩy chúng ta (Rô-ma 5; I Phi-e-rơ 4). Vì vậy, chúng ta không thể (hoặc đừng nên) mong đợi cuộc sống của mình sẽ luôn suôn sẻ.

Dù biết tất cả những điều này, làm thế nào để chúng ta vẫn có thể đến với Chúa để cầu nguyện với lòng trông mong? Làm sao để chúng ta vẫn có thể cầu xin và hết lòng tin cậy?

Tôi ước mình có thể nói rằng tôi đã làm được điều đó, rằng mỗi lần cầu nguyện, tôi luôn vui mừng và tin cậy. Nhưng sự thật là, tôi vẫn luôn đấu tranh mỗi khi cầu nguyện, đặc biệt là trong giai đoạn vô cùng bấp bênh này. Nhưng khi nghĩ về hành trình cầu nguyện của mình, tôi nhớ đã có những lần tôi không hề chần chừ mà chạy đến với Chúa để nhờ cậy Ngài. Đó là khi tôi thấy mình không còn lối thoát, là lúc tôi không còn có thể phớt lờ hoặc xem nhẹ những gì lòng mình muốn; là khi cơn đau ập đến và tôi cảm thấy bất lực, đơn độc; đó là những lúc mà điều duy nhất khiến tôi phải quỳ gối cầu nguyện là suy nghĩ này: “Thưa Chúa, chúng con sẽ theo ai? Chúa có lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:68).

Một trong những lần tôi cầu nguyện khẩn thiết nhất là khi tôi cầu nguyện cho mối quan hệ của tôi với người bạn trai lúc bấy giờ. Khi lần đầu gặp nhau, anh ấy là người chưa tin Chúa và mặc dù tôi biết mình không nên theo đuổi mối quan hệ này, nhưng tôi đã không thể ngăn mình lại. Tại thời điểm đó, tôi chỉ có thể cầu nguyện với Chúa rằng Ngài sẽ thương xót và cứu anh, bất chấp sai lầm của tôi. Tôi thực sự cảm thấy rằng không có gì sai khi cầu nguyện để anh được cứu rỗi; nhưng ngay cả khi tôi cầu nguyện, một phần trong tôi lo sợ phải nghe những gì Chúa sẽ phán. Bởi vì trong thâm tâm, tôi biết rằng mình không thể đầu phục mối quan hệ này cho Chúa. Tôi đã khóc, tức giận với bản thân, sau đó là cảm giác cam chịu và thất bại.

Cuối cùng, một ngày nọ, tôi đã rất bất ngờ khi Chúa phán với tôi cách trìu mến, nhẹ nhàng nhưng đầy cương quyết: “Con có yêu Ta nhiều hơn những điều này không? Con có tin rằng Ta yêu con nhiều hơn bất cứ ai không? ” Khi đó, tôi chỉ có thể nói rằng: “Lạy Chúa, Chúa biết là con yêu Chúa. Và con biết Chúa yêu con hơn bất cứ ai khác.”

Chúng ta đang cầu nguyện với một Đấng như thế nào?

“Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu tri thức” (Châm. 1:7).

Cách chúng ta đến với ai đó phụ thuộc vào việc chúng ta là ai đối với người đó (mối quan hệ) và người đó là người như thế nào (bản tính). Khi đến với những người thân thiết, chúng ta không phải lo lắng nhiều về những gì mình nên nói. Càng thân bao nhiêu thì chúng ta càng ít ngần ngại.

Chúa Jêsus dạy chúng ta bắt đầu lời cầu nguyện bằng cụm từ “Lạy Cha chúng con ở trên trời” — đây luôn là điểm bắt đầu và cũng là nơi chúng ta trở về. Ngài là Cha của chúng ta.

Có lẽ một số người trong chúng ta thấy ngần ngại để hình dung hình ảnh người cha, đặc biệt nếu chúng ta đã trải qua những mâu thuẫn và tổn thương trong mối quan hệ với cha mình. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:15), chúng ta có thể gác lại các mối quan hệ không hoàn hảo trên đất để biết về người Cha toàn hảo của chúng ta trên trời – Đấng yêu thương con cái của Ngài đến nỗi Ngài muốn chúng ta đến và thưa chuyện với Ngài mọi điều. Ngài là Người Cha luôn vui lòng lắng nghe mọi lời cầu xin của chúng ta và ban cho chúng ta cách rộng rãi.

Tôi phải thừa nhận rằng không phải lúc nào tôi cũng thấy Chúa là người Cha nhân từ và hoàn hảo như vậy. Có những lúc tôi thường nghĩ về Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng, tể trị trên mọi điều, là Đấng mà tôi không thể hiểu thấu được. Và mặc dù điều này cũng đúng, nhưng tôi biết rằng việc nhìn Chúa theo cách này không phải dựa trên những gì tôi đã đọc được từ Lời Chúa, mà là vì tôi thấy mọi thứ không xảy ra theo những gì tôi cầu xin. Và bất cứ khi nào tôi quá tập trung vào thuộc tính này của Đức Chúa Trời (và không hiểu đúng theo bối cảnh của Kinh Thánh), tôi càng thấy Ngài xa cách, tách biệt với tôi, và tôi càng ít cầu nguyện hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn về vấn đề đức tin trong sự cầu nguyện, John Piper nói:

Khi cầu nguyện, nếu bạn đặt niềm tin dựa trên câu trả lời cho điều mình cầu xin và trong lòng bạn luôn phân vân tự hỏi thì bạn sẽ không bao giờ có được lòng tin chắc.

Phương cách chính mà Đức Chúa Trời xây dựng, củng cố và vực dậy đức tin của chúng ta trong sự cầu nguyện không phải qua lời cầu nguyện được nhậm, mà bởi lời của Đức Chúa Trời hằng sống. [1]

Nếu kinh nghiệm cá nhân không giúp chúng ta hiểu đúng về hình ảnh một người cha thì chúng ta có thể xem trong Kinh Thánh:

Trong các con có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng mà cho bò cạp chăng? Vậy, nếu các con là người xấu còn biết cho con cái mình các vật tốt, huống chi Cha ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài sao! (Lu-ca 11: 11-13)

Lu-ca 11:11-13 cho chúng ta cái nhìn về một người cha tốt là người quan tâm đến con mình, và sẽ đưa ra những quyết định và kế hoạch tốt nhất cho con. Quan trọng hơn, chúng ta biết rằng sự nhân từ và đáng tin cậy của người cha không được đo lường bằng việc đáp ứng mọi yêu cầu của con mình. Thay vào đó, chúng ta biết rằng người cha hiểu rõ hơn hết điều gì là tốt và quan trọng, và người cha sẽ cố gắng hết sức để đem đến những điều này cho con mình, ngay cả khi đứa con không hiểu.

Và trong quá trình này, đứa con nhận biết tình yêu của người cha không phải từ số lượng món quà nhận được, mà từ những biểu hiện sâu xa hơn như sự chấp nhận, yêu thương, đảm bảo, và từ việc nhận biết Cha mình là ai.

Một điều mà tôi cầu nguyện nhiều nhất là xin Chúa giúp tôi không còn lo âu nữa. Trong nhiều năm, tôi đã cầu xin Chúa cất nó khỏi tôi và chữa lành hoàn toàn cho tôi. Khi tôi cầu nguyện, tôi cũng đã làm mọi thứ có thể để tìm sự trợ giúp chuyên môn. Tất nhiên là, những câu như “Đừng lo lắng” và “Đừng bận tâm” thường xuyên xuất hiện, nhiều đến mức tôi cảm thấy mệt mỏi mỗi khi nghe đến. Tôi gắt gỏng và nản lòng như thể sự lo lắng là điều định sẵn cho tôi.

Một ngày nọ, Chúa nhắc tôi nhớ đến một phân đoạn Kinh Thánh về sứ đồ Phao-lô, khi ông cầu xin Chúa loại bỏ cái dằm xóc đang hành hạ ông: “Đã ba lần tôi cầu nguyện xin Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán: ‘ n điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (II Cô-rinh-tô 12:8-9). Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng mặc dù có thể Chúa sẽ không hoàn toàn cất đi sự lo lắng này, nhưng Ngài đảm bảo với tôi rằng Ngài sẽ không để tôi phải đối mặt một mình.

Liệu chúng ta thực sự có thể đến gần Cha Thiên thượng?

Đức Chúa Trời ở nơi thánh Ngài, là Cha của trẻ mồ côi và Đấng Phân xử cho người góa bụa. Đức Chúa Trời làm cho kẻ cô độc có nhà ở, dẫn kẻ bị tù đày đến sự thịnh vượng, nhưng khiến kẻ phản bội phải sống trong đất khô cằn. (Thi Thiên 68:5-6)

Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, là Cha nhân từ và Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi. Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp! (II Cô-rinh-tô 1:3-4)

Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng; trong Ngài không có sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự chuyển dịch. (Gia-cơ 1:17)

Khi tôi đọc những câu Kinh Thánh này và thấy những đặc điểm của Đức Chúa Trời là người Cha, tôi được nhắc nhở rằng Ngài tuyệt vời hơn hết những người cha tốt nhất trên đất mà chúng ta biết. Ngay cả những người cha tốt trên đất cũng không thể làm cha của mọi đứa trẻ mồ côi; thậm chí họ cảm thấy mệt mỏi và không phải lúc nào họ cũng bày tỏ sự nhân từ. Dù họ có là tốt nhất đi chăng nữa, họ cũng không thể đảm bảo rằng họ sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta Lời Ngài và Thánh Linh của Ngài để bảo đảm với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, và Ngài không bao giờ thay đổi từ hôm qua, hôm nay cho đến đời đời.

Chúng ta không phải đương đầu với mọi nan đề một mình. Như phần đầu của lời cầu nguyện chung cho biết Ngài là “Cha của chúng ta”. Chúng ta là một phần trong gia đình gắn bó mật thiết này. Bất cứ khi nào tôi gặp trở ngại trong việc đến gần Chúa, tôi sẽ nhờ anh chị em trong Chúa cầu nguyện cho tôi. Tôi lắng nghe họ chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân với Cha Thiên Thượng và tôi cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình. Chúa nhân từ đã ban cho chúng ta mối liên hệ anh em trong Chúa. Ngay từ đầu Ngài đã biết rằng chúng ta ở một mình là không tốt, và vì vậy chúng ta cần có nhau.

Bất cứ khi nào tôi không chắc chắn về mối quan hệ của mình với Chúa, tôi thường được nhắc đến phân đoạn Rô-ma 8. Khi đọc những câu Kinh Thánh này, tôi được an ủi vô cùng:

“Vậy, chúng ta sẽ nói gì về những việc nầy? Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?

Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo không?

Trái lại, trong mọi sự ấy chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà toàn thắng. Vì tôi đoan chắc rằng dù sự chết, sự sống, các thiên sứ, các bậc cầm quyền, việc hiện tại, việc tương lai, các quyền lực, chiều cao, chiều sâu, hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 8: 31-32, 35, 37-39)

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những ao ước của chúng ta che mờ sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời? Chúng ta nên làm gì?

Nguồn: https://ymi.today/2020/12/how-can-i-pray-with-confidence-when-life-is-so-uncertain/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Chuyển ngữ: Thanh Tuyền

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày