LÀM THẾ NÀO ĐỂ DẠY CON YÊU MẾN QUYỂN SÁCH VĨ ĐẠI NHẤT?

13 THÁNG 12, 2021 BỞI IRENE SUN

Tôi thích “dọa” bạn bè bằng cách nói với họ rằng tất cả cha mẹ đều được kêu gọi trở thành thầy cô giáo tại nhà. Để tôi giải thích. Bất kể bạn chọn mô hình giáo dục nào cho con mình thì Chúa kêu gọi các bậc cha mẹ trở thành những người thầy đầu tiên và ảnh hưởng nhất đối với con. Kể từ ngày chúng ta đưa đứa con mới chào đời từ bệnh viện về nhà thì nhà của chúng ta trở thành trường học. Vũ trụ là lớp học của chúng ta.

Không chỉ là truyền đạt kiến thức, giáo dục còn là việc rèn luyện tình yêu. Một câu hỏi có thể tóm lại hàng trăm quyết định của tôi mỗi ngày là: Tôi đang dạy các con yêu mến điều gì?

J.C Ryle viết điều này trong quyển The Duties of Parents (tạm dịch: Bổn Phận Của Cha Mẹ): “Bạn không thể khiến các con yêu mến Kinh Thánh, tôi thừa nhận điều đó. Không ai ngoài Đức Thánh Linh có thể ban cho chúng ta tấm lòng vui thích với Lời Chúa. Nhưng bạn có thể giúp các con làm quen với Kinh Thánh; và đảm bảo rằng chúng không làm quen với quyển sách phước hạnh này quá sớm hoặc quá nhiều.”

Tôi đồng ý với hầu hết suy nghĩ của ông. Chúng ta không thể yêu thích điều chúng ta không biết. Chúng ta không thể thích mật ong, nếu chúng ta chưa từng nếm thử mật ong. Vì vậy, chúng ta nói với các con về Lời Chúa khi ngồi trong nhà và khi đi ngoài đường, khi chúng ta nằm ngủ và khi chúng ta thức dậy, như trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7 đã dạy.

Mặc dù chúng ta không thể khiến các con yêu thích Kinh Thánh, nhưng chúng ta vẫn có thể dạy Kinh Thánh theo cách cho các con thấy sự tuyệt vời của Lời Chúa. Ví dụ, có những cách dạy con về mật ong nhưng không hữu ích. Pha loãng một thìa mật ong với 3 lít nước hoặc liếm mật ong từ tổ ong đang hoạt động sẽ không khiến chúng thích thú với mật ong.

Chúng ta thường phóng đại những gì mình yêu thích nhất. Niềm vui của chúng ta tôn vinh người tạo ra điều tốt đẹp đó. Khi chúng ta thưởng thức món ăn của bà, chúng ta tôn trọng bà. Dạy con cái chúng ta về Kinh Thánh và thần học là nói: “Hãy nếm thử và nhận biết Đức Giê-hô-va tốt đẹp dường bao!” (Thi Thiên 34:8). Khi thưởng thức Lời Chúa ngọt hơn mật, chúng ta tôn vinh Đấng Christ. Ngài là Ngôi Lời, là Đức Chúa Trời và là Đấng đã ở với Đức Chúa Trời từ ban đầu (Giăng 1:1-3).

Dưới đây là một số thói quen mà chúng tôi cố gắng nuôi dưỡng trong gia đình khi rèn luyện các con yêu mến Lời Chúa:

1. Yêu thích sách

Trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, Ngài đã chọn bày tỏ chính Ngài qua ngôn từ. Trong gia đình, chúng tôi tìm cách nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách bởi vì đây là cách Chúa đã chọn để truyền đạt chính Ngài cho chúng ta với tư cách là con dân của Ngài, trong khi chúng ta chờ đợi sự trở lại của Ngài. Trước khi con cái chúng ta có thể đọc Kinh Thánh, một tài liệu cổ xưa và phức tạp, chúng ta bắt đầu bằng cách dạy chúng yêu thích chữ viết.

Mỗi cuốn sách là một địa điểm mới, đưa chúng ta vào những hành trình mới để bước vào những thế giới mới. Cha mẹ là thuyền trưởng của con tàu, còn những thủy thủ trẻ thường khao khát những câu chuyện. Chúng luôn có đầy ắp những câu hỏi và cách ngắt lời, đồng thời chúng thích tạo mối liên hệ giữa những cuốn sách này và đức tin của chúng.

Bạn có thể cân nhắc việc đi đến thư viện địa phương hàng tuần và đọc to cho con nghe ít nhất một lần một ngày hoặc năm lần một tuần nếu có thể. Trong gia đình chúng tôi, chúng tôi đọc tất cả các loại sách. Tôi đã được giúp đỡ rất nhiều bởi lời giới thiệu của các phụ huynh khác.

Khi các con trai còn nhỏ, tôi đã chọn tất cả sách cho chúng. Khi chúng lớn lên, tôi vẫn chọn sách cho chúng như một cách đề xuất và giới thiệu những tác giả tốt với chúng. Các con tôi đang bắt đầu tự mình chọn một số cuốn sách, nhưng tôi có quyền lấy đi bất kỳ quyển sách nào tôi thấy không mang lại lợi ích cho chúng.

Nuôi dưỡng một tình yêu dành cho sách cần có thời gian, và thời gian là món quà tuyệt vời nhất mà tôi có thể trao cho các con mình. Thời gian chúng tôi ở nhà với các con rất ngắn, cho nên điều đó vô cùng quý giá. Đó là lý do vì sao chúng tôi không dùng tivi hay thiết bị điện tử ở nhà. Tôi không nói rằng mọi gia đình đều nên như vậy – đây chỉ đơn giản là cách gia đình chúng tôi chọn để “đếm các ngày chúng con” (Thi Thiên 90:12).

Việc không có thiết bị điện tử buộc chúng tôi phải dành thời gian trực tiếp bên nhau, cho dù đó là đọc sách cho nhau nghe, vẽ tranh hoặc chơi board game. Tôi đọc sách cho các con vào buổi sáng, chồng tôi đọc cho chúng vào buổi tối và những đứa con lớn đọc cho các em suốt cả ngày.

2. Chú ý, chứ không phải cư xử

Đức Chúa Trời là Anh Hùng trong mọi câu chuyện Kinh Thánh. Chúng tôi muốn dạy các con tập chú vào Đức Chúa Trời trong Lời Ngài. Khi đọc Kinh Thánh hoặc những câu chuyện Kinh Thánh cho các con, chúng tôi thường tập trung vào sự tốt lành, sức mạnh, quyền năng, lòng thương xót và sự nhân từ của Chúa. Khi đọc những câu chuyện đó, chúng tôi muốn hướng đến những việc Chúa làm, chứ không tập trung vào các nhân vật Kinh Thánh như là “hình mẫu” cho cách cư xử của chúng ta.

Chúa muốn có mối liên hệ với chúng ta và con cái chúng ta. Ngài là Đấng bày tỏ lẽ thật trong tình yêu thương. Từng thể loại trong Kinh Thánh bày tỏ một khía cạnh nào đó về sự trọn vẹn, vẻ đẹp và sự hài hòa của Ngài. Ngài ca hát cho con dân Ngài. Ngài kể chuyện và kể lại lịch sử. Ngài đưa ra những mạng lệnh để bảo vệ chúng ta. Ngài đọc thơ. Ngài vẽ tranh. Ngài viết thư để hướng dẫn chúng ta.

3. Nuôi dưỡng lòng kinh ngạc

Điều gì thu hút trí tưởng tượng của các con của bạn? Một số trẻ thích thơ ca; một số khác thích câu chuyện; có trẻ thích con số, cây cối, cá và sư tử. Khi bạn tình cờ phát hiện điều gì đó khiến các con thấy hấp dẫn, chúng sẽ muốn lặp lại điều đó. Đừng lo ngại về sự lặp lại. Hãy nuôi dưỡng tình yêu này.

Chúa ban cho tôi có bốn cậu con trai khác nhau một cách tuyệt vời. Một trong các con trai của tôi yêu thích con số từ khi còn nhỏ. Cậu bé này không quan tâm đến sách vở hay những câu chuyện Kinh Thánh, trừ khi đó là câu chuyện về những con số. Lúc đầu, tôi rất nản lòng – cho đến khi tôi nhận ra rằng Lời Chúa có rất nhiều con số: 5 cái bánh, 2 con cá, 5000 người, 12 giỏ bánh, 100 con chiên, 1 con chiên đi lạc, 3 ngôi, 1 Đức Chúa Trời…

Các con số xuất hiện khắp nơi trong Kinh Thánh và chúng đầy ý nghĩa. Tôi sưu tầm tất cả những câu chuyện về các con số trong Kinh Thánh và tôi viết cho con một quyển sách God Counts: Numbers in His Word and His World (tạm dịch: Chúa Đếm: Những Con Số Trong Lời Chúa Và Thế Giới Của Ngài). Quyển sách này xuất phát từ nhu cầu – và tình yêu.

Những con số là phương tiện, nhưng Đức Chúa Trời là mục đích. Những con số có thể trình bày sự vĩ đại của Đức Chúa Trời theo cách mà những câu chuyện không thể làm được.

Các con trai của tôi bị thu hút bởi ý tưởng về sự vô tận. Chúng rất hài lòng với thực tế là các con số có thể ngày càng lớn hơn – mãi mãi. Một trong số chúng hỏi tôi rằng: “Thiên đàng có giống như sự vô tận không?”

Các con số có thể rất nhỏ. Ma-ri đang mang Chúa của sự vô tận trong tử cung của bà, một nơi nhỏ bé và chật hẹp dành cho Đấng đã tạo nên những vì sao. Sự nhỏ bé thật vĩ đại và sự vĩ đại chưa bao giờ bé nhỏ đến thế.

Những con số phóng đại Đức Chúa Trời, giống như kính thiên văn phóng đại những ngôi sao lớn. Và những con số đem Chúa đến gần với các con của tôi hơn.

4. Lắng nghe Lời Chúa

Phần lớn Lời Chúa được viết để đọc trước công chúng giữa những cuộc tụ họp đông người. Vì vậy, chúng tôi tin rằng cách học Kinh Thánh hiệu quả nhất là cùng nhau đọc và ghi nhớ Kinh Thánh. Hai con trai lớn của tôi hiện nay 11 và 13 tuổi có thể đọc thầm Kinh Thánh nhưng việc đó phải mất nhiều năm rèn luyện và làm quen với ngôn ngữ Kinh Thánh.

Chúng tôi bắt đầu mỗi buổi sáng bằng việc đọc Lời Chúa. Khi chúng tôi đọc Thi Thiên, Châm Ngôn hoặc một trong các thư tín của Phao-lô, tôi đọc to và chậm rãi phân đoạn đó. Khi chúng tôi đọc các sách lịch sử trong Cựu Ước hoặc các sách Phúc m, tôi thích đóng vai diễn viên người Anh David Suchet đọc Kinh Thánh, bạn có thể tìm thấy cách này trên BibleGateway. Anh ấy đọc một cách có ý nghĩa và diễn cảm, không quá mang tính kịch.

Cùng nhau lắng nghe Lời Chúa giúp chúng ta kiên định và có trách nhiệm. Ngay cả những ngày bị bệnh, tôi vẫn có thể nghe Kinh Thánh cùng các con mình. Việc lắng nghe cũng rèn luyện cho tôi và các con khả năng tập trung tinh thần và chú ý đến các chi tiết của câu chuyện. Nếu bỏ lỡ điều gì đó, chúng thường hỏi: “Mẹ ơi, chúng ta có thể nghe lại phần đó không?”

5. Kết nối Lời Chúa với thế giới của Ngài

Hãy khám phá nhiều chiều kích của Lời Chúa. Hãy mở đường cho sự hiểu biết sâu sắc và lâu dài. Hãy chống lại việc đơn giản hóa quá mức. Hãy giúp các con của chúng ta kết nối những gì chúng đang đọc với thế giới của chúng, cho dù đó là những gì chúng nhìn thấy, nếm hay chạm vào. Ví dụ, sau khi nghe câu chuyện về Giô-sép trong Sáng Thế Ký, các con trai tôi ngay lập tức tìm đến những cuốn sách về Ai Cập cổ đại.

Đôi khi, tôi cố tình chỉ ra những bữa ăn tượng trưng mà tôi nấu cho các con: “Này, chúng ta đang ăn cá và bánh mì, giống như các môn đồ vậy!” Tôi cũng đã tạo một công thức làm “bánh quy ma-na” (bánh quế), mà tôi đã đưa vào cuốn sách mới của mình Taste and See: All About God’s Goodness (tạm dịch: Nếm Và Xem: Tất Cả Về Sự Nhân Từ Của Chúa).

Những lần khác, những biểu tượng trong Kinh Thánh chỉ đơn giản là tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Không có gì an ủi đứa con ba tuổi của tôi bằng một cốc sữa ấm và mật ong. Trong Kinh Thánh, sữa và mật ong là biểu tượng của sự sống. Chúng ta biết từ những câu chuyện trong Xuất Ê-díp-tô Ký rằng Chúa đang dẫn dân Y-sơ-ra-ên đến “vùng đất đượm sữa và mật” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:17). Sữa là biểu tượng cho Lời Chúa (I Phi-e-rơ 2:2), và Lời Ngài ngọt hơn mật (Thi Thiên 19:10).

Vì vậy, khi hâm nóng cốc sữa và mật ong cho các con của mình khi chúng bệnh, tôi đang kể về những biểu tượng của Kinh Thánh và câu chuyện về đất hứa. Khi uống sữa và mật ong, chúng nhớ Lời Chúa có vị ngon biết bao.

6. Tạo thói quen và văn hóa gia đình trên nền tảng Lời Chúa

Các con của chúng ta sẽ cảm thấy an toàn khi biết cha mẹ cũng đang cố gắng vâng theo Lời Chúa. Sự ăn năn là điều cha mẹ Cơ Đốc có thể làm. Vợ chồng tôi có thói quen xin lỗi các con khi chúng tôi có lỗi với chúng. Thứ Bảy hàng tuần, lời cầu nguyện buổi tối của chúng tôi tập trung vào việc thú nhận tội lỗi của mình với nhau và cầu xin Chúa tha thứ.

Chúng tôi cũng thực hành một điều mà chúng tôi trìu mến gọi là “Chúa nhật ân điển” – một ngày mà các cậu bé nhận được phần thưởng bất kể chúng cư xử như thế nào. Đó là cách ăn mừng những ngày Chúa Nhật và vui mừng về ân điển. Kinh Thánh mang đến cho các con tôi một sự đảm bảo thực sự rằng ngay cả trong những ngày chúng cư xử rất tồi tệ, chúng vẫn sẽ nhận được ân điển – vì Kinh Thánh đã nói như vậy.

7. Quan trọng nhất, hãy đọc Kinh Thánh cùng con bạn

Hãy đọc Kinh Thánh với con bạn – đừng chỉ bảo chúng tự đọc. Khi bọn trẻ đang ngồi lại cùng ăn sáng, chúng tôi bắt đầu ngày mới bằng việc đọc to Lời Chúa. Tôi tạ ơn Chúa vì thức ăn cho thân thể và cả linh lương cho linh hồn chúng tôi.

Chúng ta thường phóng đại những gì chúng ta yêu thích nhất. Khi các con thấy cuốn sách này không giống bất kỳ cuốn sách nào khác, khi chúng thấy cha mẹ chúng trân trọng từng chấm từng nét trong Kinh Thánh, khi chúng thấy Lời Chúa mang lại niềm vui và hy vọng cho cuộc sống, xin Chúa nuôi dưỡng tình yêu dành cho Kinh Thánh trong tâm hồn của các con.

Là cha mẹ, chúng ta hãy đưa con cái mình đến với Cứu Chúa sớm và thường xuyên. Chúa muốn các con trẻ đến với Ngài. Ngài sẽ không xua đuổi chúng. Không bao giờ là quá sớm hoặc quá nhiều để biết về Chúa. Mục đích của việc nuôi dạy con cái, giáo dục và đọc sách không chỉ đơn thuần là tích lũy kiến thức. Mục đích chính là sự thờ phượng Chúa.

Irene Sun là người gốc Kota Kinabalu, Sabah. Cô được bao quanh bởi tình yêu và năng lượng của bốn cậu con trai mà cô dạy ở nhà. Cô viết sách tranh để dạy chúng về thần học: God Counts: Numbers in His Word and His World, và Taste and See: All About God’s Goodness (2022). Cô học về ngành nghi thức thờ phượng và văn học tại Đại học Yale (MAR) và ngành Cựu Ước tại Trinity Evangelical Divinity School (ThM). Cô đã kết hôn với một mục sư và cùng nhau phục vụ Chúa và sinh hoạt tại Hội thánh Pittsburgh Chinese ở Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/

Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://biblical-parenting.org/articles/how-to-teach-our-children-to-love-the-greatest-book-of-all/