LỰA CHỌN LỜI NÓI RẤT QUAN TRỌNG
Lời nói có thể để lại ảnh hưởng dài lâu trên cuộc đời của con cái chúng ta. Đây là những lời nên dùng và nên tránh dựa trên chia sẻ của một người mẹ có 3 con trai.
“Con mà hư thì cảnh sát sẽ đến bắt con”.
Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần tôi hư thì tôi thường kiên nhẫn chờ cảnh sát đến bắt; tuy nhiên, chú cảnh sát áo xanh ấy không bao giờ xuất hiện.
Dần dần tôi nghĩ rằng hậu quả trực tiếp của hành vi hư mà mình gây ra chỉ là một lời đe dọa suông thôi.
Bây giờ đã trưởng thành nhưng tôi vẫn thấy nhiều người dùng câu nói này với con trẻ. Lời hù dọa này làm cho những đứa trẻ khác sợ hãi nhưng lại không có tác dụng gì đối với tôi ngày xưa.
Sự khác biệt giữa lời hù dọa và hậu quả
Hãy tưởng tượng thử có cha mẹ hay ông bà nào đó bất lực đến nỗi phải gọi cảnh sát hoặc nhân vật đáng sợ nào đó đến để ngăn con cháu mình khỏi nghịch ngợm.
Nếu lời hù dọa đó có thể làm cho đứa trẻ sợ hãi phải vâng lời thì cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn mà thôi. Nếu đứa trẻ không nghe và lời hù dọa chẳng thành sự thật thì về lâu dài cũng không đem lại hiệu quả gì đối với con trẻ và chúng cũng sẽ bớt sợ thẩm quyền của cha mẹ.
Các bậc cha mẹ khi căng thẳng và thiếu kiên nhẫn cũng có khuynh hướng dùng những lời hù dọa như thế này, và điều này có khi làm cho con trẻ sợ hãi và thiếu tự tin.
Tôi đã cố gắng tránh dùng những lời hù dọa suông như thế sau cái lần tôi để ý con trai cả của tôi dọa đứa em út của nó. Nó nói với đứa út rằng: “Nếu em không ăn nhanh thì lát nữa anh không chơi với em đâu.” Để cả nhà kịp giờ xem phim, thằng anh bực bội đã nói vậy để giục đứa em ăn tối cho nhanh xong.
Khi nghe vậy, tôi liền la rầy đứa lớn, nhưng tôi chợt nhớ rằng tôi cũng đã từng dọa con kiểu đó. Tôi giật mình nhận ra con trai tôi bắt chước thói quen đó từ chính tôi.
Tôi từng nói những câu hù dọa bắt đầu bằng: “Nếu con không…” vào những lúc các con không làm theo những điều tôi bảo. Lời lẽ của tôi vào những lúc ấy vừa to tiếng, vừa gắt gỏng nữa. Tôi đã dành thời gian giải thích với con về sự khác biệt giữa lời hù dọa và hậu quả.
“Nếu giờ con không làm xong bài tập thì lát nữa con sẽ không có nhiều thời gian để chơi đâu nhé.” (hậu quả)
“Nếu con không chia sẻ bánh kẹo với em thì lần sau em cũng sẽ không chia sẻ bánh kẹo với con.” (hậu quả)
“Nếu em không cho anh chơi chung đồ chơi thì anh sẽ không cho em ăn bim bim.” (đe dọa)
Hậu quả là điều có thể xảy ra và dự đoán được, khác với những lời hù dọa.
Cha mẹ thương yêu con cái và mong muốn con mình sống khôn ngoan sẽ dành thời gian giải thích cho con về hậu quả của những việc mà con mình đang làm. Điều này giúp cho con trẻ lớn lên trong sự bầu không khí an toàn và hiểu biết.
Con trẻ hấp thu những điều chúng ta nói
Một bài học khác mà tôi học được đó là cha mẹ chính là những người quan trọng nhất đối với con trẻ trong những giai đoạn đầu đời của các con. Con cái chúng ta thường hấp thu những điều chúng ta nói và quan sát cách ăn nói của chúng ta.
Trước khi các con đến tuổi đi học thì chúng ta là tấm gương duy nhất của các con và chúng học mọi điều trong cuộc sống thông qua chúng ta.
Trong chuyến đi ra nước ngoài gần đây của vợ chồng tôi cùng với ba đứa con trai thì giữa chồng tôi và tôi đã xảy ra bất hòa và có cãi nhau. Để tránh chuyện bé xé thành to, vợ chồng tôi đã cùng nhau ngồi xuống trong căn phòng của khách sạn và trao đổi với nhau những chuyện mà cả hai chưa thấy vui.
Mọi chuyện thật căng thẳng nhưng hai vợ chồng chúng tôi đã nói chuyện thật bình tĩnh. Chúng tôi trình bày sự việc cách rõ ràng rồi cùng nhau giải quyết và tha thứ cho nhau.
Trong khi vợ chồng tôi nói chuyện thì đứa con trai lớn ngồi bên cạnh chúng tôi và nó chăm chú lắng nghe (vì tất cả 5 người trong gia đình tôi đang ở chung một phòng khách sạn). Tình huống này giúp con trai lớn của tôi về sau học được bài học quan trọng trong cách hòa giải, thấu hiểu người khác và giải quyết vấn đề khi tranh cãi xảy ra.
Khôn ngoan đến từ sách Châm Ngôn
Sách Châm Ngôn nói nhiều về cách lựa chọn lời nói khi giải quyết những bất đồng và làm nguôi cơn giận. Đây là 3 lời chỉ dẫn khôn ngoan từ sách Châm Ngôn mà tôi đang cùng học với các con mình:
1. Tránh những lời nói chê bai
“Ai xem thường người lân cận mình là người thiếu hiểu biết, nhưng người thông sáng giữ im lặng” (Châm Ngôn 11:12).
Ba đứa con trai của tôi thường hay cãi nhau lúc chơi. Đôi lúc các con nói với nhau những từ hơi khó chịu.
– Em lúc nào cũng nghịch ngợm quá!
– Anh chẳng biết gì cả!
– Các em toàn làm mọi thứ hỏng hết. Anh không muốn chơi với các em nữa.
– Anh thật tệ!
Khi lời qua tiếng lại như vậy rồi thì thường là các con lại đánh nhau hoặc giận dỗi.
Những đứa con sau khi cãi nhau sẽ được yêu cầu dành thời gian chất lượng bên nhau, chẳng hạn như cùng nhau đọc sách hoặc chơi ghép hình dưới sự quan sát của cha mình.
Dù khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng cần thiết phải tránh buông ra những lời lẽ thể hiện sự coi thường người khác.
Là cha mẹ, chúng ta cần giúp các con xóa bỏ thói tự cao hoặc thái độ kiêu ngạo để các con biết yêu thương và chấp nhận những khác biệt của nhau.
2. Tránh nói lời giận dữ
“Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu cơn thịnh nộ” (Châm Ngôn 15:1).
Sự tức giận thường xảy ra trong gia đình tôi.
Tôi đã từng giận tím người mỗi khi bọn trẻ vụng về làm bừa bộn mọi thứ khắp nhà. Đó là cái lần các con vì mất bình tĩnh mà xô đẩy nhau làm cho tô cơm thịt vịt rơi xuống nền nhà hay là một cú vung khuỷu tay khiến cho bát ngũ cốc pha sữa đổ cả lên ghế đệm và chảy xuống nền.
Thường thì sau mỗi bữa ăn là vụn bánh mì và những hạt ngũ cốc rơi vãi đầy sàn nhà và làm cho lũ kiến bâu lại. Việc tôi bùng lên sự tức tối trong những lúc như thế khiến các con tôi khóc, sợ hãi hoặc giận tôi.
Về sau tôi học biết được rằng cách xử lý nhẹ nhàng đem lại kết quả tốt đẹp hơn là việc phản ứng dữ dội. Bây giờ, tôi chỉ bình tĩnh nói với chúng: “Lấy chổi và cây lau nhà mà dọn dẹp cho sạch sẽ đi.”
Giờ thì các con tôi biết quét dọn sạch sẽ nhà cửa mà không cần tôi phải nhắc nhở nữa.
Tôi nhớ ngày xưa mẹ từng la lên: “Mẹ là người đầy tớ của chúng mày à?” mỗi khi anh chị em tôi lười làm việc nhà. Tôi cũng đã vài lần nói câu này với các con trai tôi.
Tôi nói như thế là để các con của tôi thông cảm và thấu cảm cho công việc hằng ngày của tôi, nhưng thật đáng buồn là khi nói vậy thì các con của tôi lại không hiểu được như vậy. Tôi lo các con của tôi sẽ hiểu sai rằng nếu như mẹ làm hết việc nhà thì mẹ đúng là người đầy tớ rồi!
Chồng tôi đưa ra lời lẽ dịu dàng hơn và cũng hợp với Kinh Thánh nữa, anh nói: “Trong gia đình ta, không có vua hay là nữ hoàng, mà chỉ toàn là đầy tớ thôi.” Lời tuyên bố của anh khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên nhưng lại nhắc nhở mọi người về bổn phận phục vụ nhau.
Hiện tại thì hầu như ngày nào các con của chúng tôi cũng nhớ làm việc nhà chứ không còn trông chờ người khác làm hộ mình.
3. Sử dụng lời an ủi, khích lệ
“Lời nói ân hậu giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khỏe mạnh cho xương cốt” (Châm Ngôn 16:24).
Bất kỳ lúc nào bọn trẻ đánh nhau và một đứa bị thương thì đứa thủ phạm thường nhanh chóng kể lể biện minh này nọ (vung tay và khóc nức nở) để thuyết phục bố mẹ rằng nó không làm gì sai.
Vợ chồng tôi sẽ dạy các con trước hết phải xem ai bị thương để rồi an ủi người anh (em) bị thương đó bằng những lời như: “Anh (em) có sao không? Anh (em) đau chỗ nào? Có cần em (anh) giúp gì không?”
Gần đây lại có chuyện tương tự xảy ra. Dù không đứa nào bị thương nhưng đứa con trai út của tôi do bực các anh nó nên nó tức giận và ném gối, ném sách.
Đáng ngạc nhiên là anh cả của nó đã chạy đến hỏi nó rằng: “Em có cần anh giúp không?” Thế là, bỗng dưng đứa út tươi tỉnh lại và hai anh em xếp gối và sách về chỗ cũ.
Những lời an ủi có sức mạnh lớn lao vì chúng đem đến sự chữa lành và trong trường hợp trên đã xoa dịu cơn giận.
Việc lựa lời phù hợp để nói với các con cũng như khuyến khích chúng nói năng cách khôn ngoan vẫn là một trong những nan đề lớn đối với tôi trong vai trò người mẹ. Những nan đề này khiến tôi phải quỳ gối cầu xin Cha Thiên Thượng giúp tôi dạy dỗ các con mình cách nói năng sao cho phải lẽ.
Con trẻ của chúng ta sẽ đem lại nhiều phước lành hơn cho người khác nếu các con biết dùng lời nói động viên thay vì dọa dẫm, hàn gắn chứ không phải chia rẽ, gây dựng chứ không phá vỡ.
Đôi nét về tác giả: Ee Ping từng trải qua 12 năm với nghề dạy học. Gần đây cô nghỉ công việc trọn thời gian này để chăm lo cho 3 con trai của cô. Hiện tại cô là một giảng viên bán thời gian, là một nhà văn tự do, và là một người cố vấn cho các bậc phụ huynh. Những lúc không phải làm việc hoặc chơi với các con thì cô sẽ đọc sách và viết blog về các vấn đề mà lòng cô cưu mang
———-
Tác giả: Ee Ping Er
Chuyển ngữ: Huyền Trang
Biên tập: ODB Việt Nam
Minh họa: Bảo Trân
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/