LÝ DO TÔI BỊ THU HÚT VỀ SỨ MẠNG GIẢI CỨU Ở HANG ĐỘNG THÁI LAN

 

Hình ảnh được trích từ video trên Facebook.

Tác giả: Joanna Hor

Được dịch từ trang https://ymi.today/2018/07/why-i-was-captivated-by-the-thai-cave-rescue/. YMI là mục vụ hướng tới giới trẻ, thuộc Our Daily Bread Ministries

 

Giống như nhiều người khác ở khắp nơi trên thế giới, tôi đã rất vui mừng khi đọc tin cho biết rằng tối hôm qua, 12 cậu bé Thái Lan và huấn luyện viên 25 tuổi đã được giải cứu an toàn ra khỏi một hang động ở Bắc Thái Lan, sau khi bị mắc kẹt bên trong hang suốt 2 tuần.

Kể từ khi đọc tin tức về việc họ bị mất tích vào ngày 23/6, tôi đã cứ dán mắt vào màn hình điện thoại để xem có bất kỳ tin tức nào về “cuộc giải cứu trong hang động Thái Lan”.

Lòng tôi nghĩ đến và thương cho gia đình và bạn bè của họ khi tôi đọc tin tức nói rằng họ đã mất tích hơn một tuần, được cho là đã đi vào hang động Tham Luang. Và tôi đã vô cùng cảm động khi đọc thấy rằng hơn 1.000 người (từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Úc, Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc) đã giúp đỡ trong chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn này.

Khi đội bóng được hai thợ lặn người Anh tìm thấy 9 ngày sau đó (ngày 3/7) ở vị trí cách miệng hang 4 km, tôi vô cùng phấn khởi. Nhưng niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi đau buồn khi nghe tin một cựu thành viên của lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ SEAL Hải quân Thái Lan là Saman Gunan, 38 tuổi đã bị bất tỉnh và qua đời vào thứ Sáu tuần trước sau khi vào đặt các bình dưỡng khí dọc theo hang.

Chiến dịch giải cứu đầy nguy hiểm và đầy kịch tính, bắt đầu vào sáng Chúa Nhật đã khiến tôi cảm thấy lo lắng, và mỗi tin tức nhận được về một cậu bé nữa được giải cứu thành công khỏi hang động ngập nước lại khiến tôi thật nhẹ nhõm và vui mừng.

Tôi không quen với bất kỳ cậu bé nào hay bất cứ ai trong đội giải cứu, nhưng lòng tôi vẫn hướng về họ ngay từ ban đầu. Lúc đầu, có lẽ cảm xúc đó là vì tôi thấy mình có thể cảm thông với họ đôi chút, vì tôi đã từng tham quan một hang động ở Hàn Quốc vài tháng trước, nên tôi có thể hình dung cái lạnh, sự ẩm ướt, tối tăm, đá lởm chởm và khung cảnh ảm đảm thế nào khi ở trong đó.

Nhưng giống như nhiều người khác, điều mà cuối cùng đã khiến tôi chú ý là những câu chuyện về sự hy sinh, quên mình của nhiều người đã sẵn sàng đứng lên hỗ trợ trong nỗ lực giải cứu này, bằng sự đồng lòng và cả những cái giá phải trả. Từ những người lính, kỹ sư, các chuyên viên y tế, thợ lặn, những người nấu ăn, và thậm chí là những tình nguyện viên đã giúp để giặt những bộ đồng phục của các nhân viên giải cứu. Rõ ràng, tình trạng của các cậu bé không chỉ thu hút sự chú ý của thế giới, mà còn thôi thúc cộng đồng quốc tế hành động.

Ngay cả trong hang động, những hành động quên mình đó vẫn được tiếp tục. Các bài báo đưa tin rằng huấn luyện viên đã nhường phần ăn của mình cho các cậu bé trong suốt 10 ngày đầy thách thức của họ, do đó anh là một trong những người yếu nhất khi các thợ lặn Anh phát hiện ra đội bóng. Ngoài ra, một bác sĩ và ba Đặc nhiệm Hải quân Thái Lan cũng đã ở lại với đội bóng trong suốt thời gian kể từ khi họ được tìm thấy hơn một tuần trước.

Nhưng có lẽ, hành động hy sinh lớn lao nhất và đã đem đến sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là tin tức về cựu đặc nhiệm hải quân Seal Thái Lan, Saman Gunan đã qua đời khi đang nỗ lực thực hiện chiến dịch giải cứu 12 cậu bé và huấn luyện viên.

Dù biết chiến dịch giải cứu này vô cùng nguy hiểm và nhiều rủi ro, nhưng điều đó đã không ngăn cản anh sẵn sàng liều mạng sống mình vì các cậu bé. Vài ngày trước khi qua đời, anh còn được ghi hình lại trong một video đau lòng khi đang đứng gần bậc thang máy bay và hứa sẽ “đưa bọn trẻ về nhà”. Suy nghĩ của anh có lẽ đã nói lên điều mà một thợ lặn người Bỉ đã nói trong một bài báo khác: “Nếu bạn là Đặc nhiệm Hải quân Seal, bạn sẽ phải hy sinh bản thân.” Một bài báo của BBC sau đó đã kết luận về cái chết đau lòng của Gunan như sau: “Anh ấy đã chết để họ được sống.”

Và điều đó đã được chứng minh trong trường hợp này, với tổng cộng 13 người được giải cứu thành công trong một nỗ lực đầy cam go kéo dài 3 ngày, với sự tham gia của 13 thợ lặn quốc tế và 5 Đặc nhiệm Hải quân Seal Thái Lan. Cái chết của cựu đặc nhiệm Gunan không chỉ nhấn mạnh sự nguy hiểm của chiến dịch giải cứu này, mà còn góp phần quan trọng trong việc cảnh báo đội giải cứu phải trang bị những biện pháp phòng ngừa an toàn để không phải hy sinh mạng sống nào nữa.

Những sự hy sinh như thế này khiến chúng ta cảm động rơi nước mắt vì đã nói lên hai điều: giá trị của mạng sống và điều cao đẹp nhất của nhân loại, được bày tỏ ở tình yêu thương và sự hy sinh. Như Kinh Thánh chép trong Giăng 15:13: “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình.”

Tôi đã không ngừng nhận ra nhiều sự tương đồng giữa sứ mệnh giải cứu ở hang động Thái Lan và kế hoạch giải cứu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Giống như 12 cậu bé và huấn luyện viên đã bị mắc kẹt trong hang động, không thể tự cứu mình khỏi tình trạng nguy hiểm, chúng ta cũng bị sa lầy, mắc kẹt trong tội lỗi của mình, hoàn toàn bất lực và không thể tự cứu mình. Trong cả hai trường hợp, kết cục duy nhất chờ đợi chúng ta đó là sự chết.

Sự giúp đỡ phải đến từ bên ngoài. Sự giúp đỡ đó đã đến dưới dạng những thợ lặn chuyên nghiệp đã sẵn sàng liều mạng sống mình để lặn vào hang động ngập nước, là nơi mà tầm nhìn của họ gần như bằng không, để cứu mạng sống của 13 người. Cũng vậy, Chúa Jêsus Christ đã bước vào thế giới sa ngã này để sống giữa chúng ta và cuối cùng Ngài đã chết thay cho chúng ta trên thập tự giá. Dù biết phải trả giá mọi điều nhưng điều đó vẫn không ngăn cản Ngài làm điều đó, bởi vì đó là cách duy nhất để chúng ta có thể sống.

Vì vậy, khi chúng ta khen ngợi và công nhận những anh hùng trong chiến dịch giải cứu đã hy sinh thời gian, sức lực, mọi nguồn lực và thậm chí mạng sống của mình, ước ao rằng chúng ta cũng được nhắc nhở một lần nữa về hành động hy sinh vĩ đại nhất đã được thực hiện vì nhân loại: Chúa Jêsus đã dâng chính mạng sống của Ngài vì chúng ta trong lúc chúng ta không chỉ là người xa lạ, mà còn là thù nghịch với Ngài.

Chúng ta cũng hãy không ngừng biết ơn và tôn kính Ngài. Như tác giả Jay Parini của CNN đã nói: “Và mọi người mang ơn của Saman Gunan, người thợ lặn Thái Lan đã thiệt mạng vài ngày trước, khi đang trên đường bơi ra khỏi hang động Tham Luang, một hang động có cấu tạo phức tạp.” Cũng như các cậu bé, những người sẽ mang ơn của cựu đặc nhiệm Gunan mãi mãi và cuộc đời họ sẽ mãi mãi thay đổi vì biến cố này, thì cuộc đời của chúng ta cũng phải thay đổi bởi vì những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta.

Chúa Jêsus đã chết thay cho tất cả chúng ta, để chúng ta không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình (II Cô-rinh-tô 5:15).