NGÀY TÔI THẤT BẠI TRONG VAI TRÒ LÀM MẸ
Một người mẹ ngẫm nghĩ về sức mạnh của sự xưng tội và sự tha thứ trong những lúc thất bại trong hành trình nuôi dạy con cái.
“Sao con dám đánh thức em dậy vậy?!”
Tôi hét vào mặt đứa con trai năm tuổi của mình và chộp lấy thứ gì đó gần mình nhất—một chiếc móc áo—rồi đánh mạnh vào đùi con.
Tôi đang tức điên lên. Tôi kiệt sức rồi. Tôi phải tự mình chăm sóc bốn đứa trẻ trong khi chồng đi làm về muộn, và tất cả những gì tôi muốn là bọn trẻ ngủ. Bây giờ tôi phải chăm một đứa trẻ đang khóc, là cũng vì anh trai của nó. Tôi tuôn ra những lời đe dọa trong khi cố gắng ru đứa nhỏ ngủ lại.
Các con tôi bị sốc, còn con trai tôi thì co rúm lại trong sợ hãi, và khóc thầm trong chiếc chăn trên giường. Sự nghịch ngợm của con đã khơi dậy tính hung bạo bên trong con người tôi. Tôi biết mình đã quá gay gắt, nhưng tôi quá tức giận đến nỗi không thể nói một lời xin lỗi.
Chỉ đến khi bọn trẻ đã ngủ, thì cảm giác tội lỗi bắt đầu chiếm lấy tôi.
Tôi tự hỏi: Mình đã làm gì thế này? Rõ ràng là tôi đã không giống như Chúa Jêsus trong cách đối với con trẻ!
Tôi đã không kiên nhẫn, cũng không chậm giận (xem I Cô-rinh-tô 13:4–5). Thực tế là tôi đã hành động ngược lại, và các con tôi đã phơi bày những điều tồi tệ nhất trong tôi. Tôi đã không nhận ra rằng mình có thể bùng nổ cơn giận dữ như vậy.
Thất bại: Một phần luôn hiện hữu trong việc nuôi dạy con cái
Đêm đó, tôi đã xưng tội với Chúa vì sự thiếu kiên nhẫn và nóng nảy của mình. Sáng hôm sau, tôi đã xin lỗi con trai và xin con tha thứ. Con đã sẵn sàng ôm tôi và tha thứ cho tôi. Trẻ con thường có khả năng tha thứ và bỏ qua rất tuyệt vời!
Đó không phải là lần duy nhất tôi thất bại trong hành trình nuôi dạy con. Trong nhiều năm, tôi đã sai khi xem nhẹ nỗi sợ hãi hoặc lo lắng của con mình, và thậm chí đôi khi tôi hoàn toàn phớt lờ chúng. Tôi đã tranh chiến với những suy nghĩ tiêu cực, như nghĩ rằng tôi nên đầu hàng và từ bỏ, đặc biệt là khi chúng quá khó. Tôi cũng đã thiếu đi sự cầu nguyện cho con.
Tôi thường cảm thấy mình như một người mẹ thất bại—và thậm chí còn hơn thế nữa khi tôi một mình ở nhà chăm sóc các con 24/7. Tôi biết mình phải hướng các con đến với Chúa Jêsus, nhưng tôi có thực sự đang làm điều đó không? Tôi có thực sự truyền cảm hứng cho các con mình trở thành những người theo Chúa Jêsus không? Tôi nghĩ là tôi đã chưa làm được điều đó.
Tuy nhiên, trong sự tan vỡ của mình những lúc thế này, tôi nghe một giọng nói êm dịu, nhỏ nhẹ nhắc nhở tôi trong II Cô-rinh-tô 12:9 : “ Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.”
Dù có thể thất vọng và nản lòng, nhưng tôi tin rằng Chúa hiểu khi chúng ta thiếu sót và làm Ngài thất vọng, cũng như khi chúng ta làm con cái và chính mình thất vọng. Sau cùng, Đấng đã tạo dựng nên mỗi người chúng ta một cách riêng biệt và trong tình yêu thương cũng là Đấng biết rõ tính cách, thử thách và khuyết điểm riêng của chúng ta.
Vì chúng ta cũng là những người đang học cách thắng hơn bản chất tội lỗi của mình, nên Chúa biết rằng chúng ta cũng sẽ thất bại—và Ngài không lên án chúng ta. Khi một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình được những người Pha-ri-si dẫn đến với Chúa Jêsus, Ngài đã không lên án cô ấy. Thay vào đó, Ngài nói: “Ta cũng không kết án chị đâu; Hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:1–11).
Bất kể những thất bại của một người mẹ như tôi, Chúa đã nhắc nhở tôi cách yêu thương rằng ân điển của Ngài là quá đủ cho tôi và các con tôi. Ân điển của Ngài đủ để khỏa lấp những lầm lỗi và khiếm khuyết trong cách nuôi dạy con cái của tôi. Ân điển của Ngài đủ để lấp đầy những lựa chọn không hoàn hảo, cùng những hành vi và thái độ không tin kính của tôi. Và Ngài không phán xét hay lên án khi tôi để lòng hướng về Ngài, cầu xin sự tha thứ và giúp đỡ.
Trong Phi-líp 3:12–14, Phao-lô nhắc nhở rằng tôi vẫn còn là một tác phẩm đang trong quá trình hoàn thiện:
Ấy không phải là tôi đã đoạt giải, hoặc đã trở nên toàn hảo rồi đâu, nhưng tôi đang theo đuổi để đoạt cho được, vì chính tôi đã được Đấng Christ đoạt lấy rồi. Thưa anh em, tôi không nghĩ rằng mình đã đoạt được rồi; Nhưng tôi cứ làm một điều: Quên đi những gì ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus.
Vì vậy, đừng nản lòng khi chúng ta vấp váp và thất bại trong hành trình nuôi dạy con cái. Chúng ta đừng để tội lỗi chôn vùi đến mức làm tê liệt đi mối liên hệ với các con của mình. Thay vào đó, chúng ta hãy nương dựa vào Thánh Linh của Đức Chúa Trời để thay đổi và giúp chúng ta trưởng thành trong sự yếu đuối của mình. Hãy tiếp tục trong cuộc hành trình làm cha mẹ này vì biết rằng Chúa luôn ở cùng chúng ta trên mọi bước đường!
Đối phó với thất bại
Vì vậy, mặc dù có thể chúng ta không phải là một bậc phụ huynh lý tưởng hoặc là người mà chúng ta mong muốn và hy vọng trở thành, nhưng chúng ta không cần phải nản lòng và thoái chí. Thay vì tự trách bản thân khi chúng ta làm con mình thất vọng, thì đây là vài điều chúng ta có thể làm:
1. Thừa nhận sự thất bại của mình với Chúa và cầu xin Ngài tha thứ
June nói: “Trước tiên, chúng ta cần thời gian để bình tĩnh và xử lý những gì đã xảy ra với bản thân mình. Mặc dù điều này có vẻ khó khăn nhưng hãy lưu ý đến lời khuyên của Gia-cơ rằng: “mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19–20).
2. Thừa nhận sai lầm của mình với con và xin con tha thứ
Khi chúng ta làm điều này, chúng ta đang cho con mình thấy rằng thất bại là điều bình thường, nhưng chúng ta cần phải khiêm nhường và học hỏi từ những sai lầm của mình. Như Gia-cơ 4:6 đã dạy: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường.”
3. Tìm người giúp đỡ và đồng hành với chính mình trong hành trình làm cha mẹ
Một người bạn đồng hành có trách nhiệm—chẳng hạn như một phụ huynh thân thiết hoặc một người bạn đồng trang lứa, là người có thể đồng cảm, động viên và cầu nguyện cùng chúng ta. Hoặc, đó có thể là một người cố vấn đã đi trước chúng ta và có thể chia sẻ với chúng ta những kinh nghiệm và nỗi thất vọng của họ. Như Truyền Đạo 4:12 đã nói: “nếu ở một mình dễ bị người khác áp đảo, nhưng hai người thì có thể chống cự lại; Một sợi dây bện ba tao thật khó đứt.” Hành trình làm cha mẹ của chúng ta không nhất thiết phải cô đơn!
Là cha mẹ, chúng ta thường tập trung vào con cái và cách hành động, quyết định hoặc hành vi của chúng ta ảnh hưởng đến các con như thế nào. Và tôi tin rằng Chúa, là Cha trên trời của chúng ta, cũng quan tâm đến chúng ta, những đứa con yêu dấu của Ngài—Ngài muốn uốn nắn và định hình chúng ta trở nên những người mà Chúa muốn.
Có lẽ, Chúa đang sử dụng những lỗi lầm và thất bại để kéo chúng ta đến với Ngài, để chúng ta hiểu biết và kinh nghiệm Ngài một cách cá nhân hơn.
Thay vì tập trung vào sự thiếu sót hoặc thất bại của mình, chúng ta hãy hướng về Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất đức tin của chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:2). Hãy hướng mắt về Chúa và cầu hỏi xem Ngài đang dạy chúng ta điều gì, vì ân điển của Chúa thực sự đủ cho chúng ta!
———-
Tác giả: Lydia Er
Chuyển ngữ: Selah Truong
Biên tập: ODB Việt Nam
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/