NÓI LỜI TÍCH CỰC VỚI CON

Có lẽ chúng ta đã nghe câu chuyện kể về một đàn ếch khi đang đi ngang qua một cái hố thì có hai chú ếch bị rơi xuống hố. Cả đàn dừng lại. Khi đứng trên bờ, chúng cãi nhau và la lên rằng: “Hố quá sâu, đừng cố gắng nữa, không leo lên được đâu”. Một trong hai chú ếch nghe vậy thì rất sợ hãi, không còn sức lực nhảy ra khỏi hố nữa. Nhưng kỳ lạ là chú ếch thứ hai vẫn tiếp tục nhảy, và cuối cùng nhảy được ra khỏi hố. Thì ra, vì chú ếch này bị điếc nên tưởng rằng đàn ếch trên bờ cổ vũ mình nên cố gắng không ngừng và kết quả đã thoát chết.

Điều này khiến chúng ta nghĩ đến kết quả của sự khích lệ qua lời nói nhưng cũng suy ngẫm về hậu quả của lời nói tiêu cực đối với con cái. Trên Facebook, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những chia sẻ của các con ở lứa tuổi thanh thiếu niên về sự tổn thương do những lời trách mắng hằng ngày của cha mẹ. Khi không hài lòng về con, cha mẹ dễ dàng tuôn ra những lời tiêu cực với con. Khi cha mẹ liên tục la mắng, trút giận, không hài lòng về con, tâm hồn và lòng tự trọng của con sẽ bị tổn thương. Trẻ sẽ nhớ những lời này rất lâu sau đó. Điều này cũng khiến con nghi ngờ về khả năng của mình. Hãy cùng tìm hiểu Lời Chúa dạy chúng ta như thế nào về cách sử dụng lời nói của mình.

Dòng suối đắng hay ngọt?

Đầu tiên, chúng ta cần nhận biết rằng mọi lời chúng ta nói ra xuất phát từ tấm lòng của mình. Chúa Jêsus phán rằng: “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác” (Ma-thi-ơ 12:34-35). Sứ đồ Gia-cơ cũng nhấn mạnh rằng: “Có lẽ nào một cái suối kia, đồng một mạch mà ra cả nước ngọt và nước đắng sao?” (Gia-cơ 3:11). Để có thể nói những lời tích cực, chúng ta cần phải loại bỏ hoàn toàn “nước đắng” ra khỏi tấm lòng chúng ta. Điều quan trọng là tấm lòng chúng ta phải được trang bị và biến đổi bởi Lời Chúa, thì những sự cũ là cay đắng và buồn giận không còn nữa. Nguồn của dòng suối được thanh lọc để chỉ còn lại vị ngọt ngào thì lời nói của chúng ta sẽ được biến đổi, đem đến ích lợi cho người nghe.

Ích lợi của lời nói tích cực

Thứ hai, chúng ta cần nhận biết ích lợi của lời nói tích cực. Từ “khích lệ” có nghĩa là “khiến ai đó can đảm”. Khi chúng ta nói lời khích lệ con nghĩa là chúng ta đang giúp con can đảm để đối mặt với những khó khăn hay thử thách trong cuộc sống. Như Lời Chúa dạy: “Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn, và khỏe mạnh cho xương cốt” (Châm ngôn 16:24). Chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan trong lời nói với con cái mình vì Ngài là Đấng ban sự khôn ngoan cho những ai cầu xin (Gia-cơ 1:5).

Nói lời tích cực không có nghĩa là nói dối. Những lời dối trá chỉ đến từ Sa-tan. Nói dối là phạm tội và sẽ khiến con trẻ đánh mất niềm tin vào cha mẹ khi trẻ nhận biết điều đó. Chúng ta cần nói lời chân thật nhưng với mục đích gây dựng cho người nghe. Điều đó thể hiện không chỉ ở lời nói mà còn ở cách chúng ta nói và thời điểm nói phù hợp. Nếu chúng ta thấy con lơ là học tập, thay vì la mắng con, chúng ta cần trò chuyện cùng con. Chúng ta không nên nhắc nhở con trong bữa ăn, mà tìm thời gian phù hợp để hỏi và nghe con chia sẻ những khó khăn trong việc học tập, sau đó cùng con tìm cách giải quyết những khó khăn. Khi nói chuyện với con, chúng ta cần hướng đến mục đích giúp đỡ con và tìm giải pháp cho những vấn đề. Chúng ta cũng cần đặt mình vào vị trí của con, xem mình có tiếp nhận cách nói và những lời nói như vậy không, từ đó chúng ta tìm cách nói phù hợp.

Thực hành nói lời tích cực trong gia đình

Chúng ta cần thực hành giao tiếp cách tích cực với con trẻ. Đặc biệt, khi con còn nhỏ, chúng ta có thể thực hành điều này bằng cách tập nói “Cha/mẹ yêu con. Chúa Jêsus yêu con” và cầu nguyện công bố Lời Chúa cho con mỗi ngày. Trước khi con đi học, cha mẹ có thể nói: “Xin Chúa gìn giữ và ban phước cho con. Con đi học vui vẻ nhé”. Mỗi tối đi ngủ, cha mẹ chúc con ngủ ngon và đừng quên nói với con: “Cha mẹ yêu con”. Cha mẹ cũng có thể viết cho con những thông điệp yêu thương qua những mảnh giấy nhỏ gửi đến con khi cha mẹ đi làm. Khi không bên cạnh con, cha mẹ có thể gọi điện cho con để bày tỏ sự quan tâm đến con.

Chúng ta biết rằng trẻ em học nói bằng cách bắt chước người lớn xung quanh mình. Những lời nói: “Con làm được rồi!”, “Con đã cố gắng, con giỏi lắm!”, hay “Cha mẹ thấy con biết chia sẻ với bạn bè, con biết lắng nghe bạn, điều đó rất tốt” sẽ khích lệ con cố gắng và học cách lắng nghe người khác. Ban đầu cha mẹ có thể cảm thấy khó khăn khi thực hành những điều này, nhưng khi thực hành thường xuyên hơn, cha mẹ sẽ thấy con đáp ứng tích cực hơn với lời của cha mẹ, và điều này sẽ khích lệ cha mẹ tiếp tục bày tỏ yêu thương với con qua lời nói và hành động của mình.

Ghi nhận những nỗ lực của con

Chúng ta ai cũng muốn được người khác ghi nhận những việc mình làm cho họ. Con cái chúng ta cũng vậy. Khi cha mẹ nhờ con làm một số việc nhà tùy vào độ tuổi của con, hãy ghi nhận những nỗ lực của con. Khi con cố gắng làm điều tốt nào đó nhưng lại phạm sai lầm, hãy nhẹ nhàng cho con biết bạn hiểu ý tốt của con. Khi con buồn bã thất vọng, cha mẹ có thể an ủi con bằng cách nói với con những điều cha mẹ tự hào về con. Khi con bày tỏ những ước mơ về tương lai của con, cha mẹ hãy khích lệ con về điều đó. Chúng ta nên lắng nghe con nhiều hơn và nói ít hơn. Về giao tiếp, chúng ta có thể áp dụng cách mà Chúa dạy: “người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19).

Tránh những cơn giận dữ

Giận dữ đôi khi không thể tránh khỏi. Nhưng giận dữ sẽ khiến mâu thuẫn trong gia đình lớn hơn và không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Cha mẹ cần xử lý cơn giận của bản thân khi trò chuyện với con cái. Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân khiến chúng ta giận và giải quyết triệt để. Khi bạn mệt mỏi hay bực bội vì công việc, hãy cho con biết điều đó và giữ yên lặng nếu cần để không trút đổ những điều đó lên con bạn.

Việc xử lý cơn giận giúp chúng ta dạy con kiểm soát cơn giận và giúp trẻ rèn luyện tính cách trung thực khi lớn lên. Nếu con không xử lý cơn giận của mình, con dễ có sự chống đối ngầm. Chúng ta cần nhớ rằng con còn nhỏ, con không có cách nào bảo vệ mình trước sự giận dữ của cha mẹ nên con sẽ miễn cưỡng vâng lời cha mẹ, hoặc không vâng lời cha mẹ nữa. Sự chuyển biến này diễn ra chậm nên cha mẹ có thể chưa nhận ra ngay. Do đó, cha mẹ cần bình tĩnh nói chuyện để con có thể bày tỏ suy nghĩ của mình. Phụ huynh cũng cần biết cách xin lỗi khi lỡ nói ra những lời nhận xét tiêu cực hay cáu gắt với trẻ. Lời xin lỗi có thể không xóa đi hoàn toàn những điều chúng ta đã nói, nhưng sẽ giảm đi hậu quả của những lời đó.

Ai trong chúng ta cũng mong muốn gia đình mình ngập tràn tiếng cười, vui vẻ và đó là nơi bình an nhất để mỗi người con hướng về. Gia đình hạnh phúc cũng là ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài. Để có được điều đó, mỗi thành viên đều phải cố gắng vun đắp. Chúng ta cũng biết rằng Lời Chúa luôn ngọt ngào và gây dựng đời sống tâm linh chúng ta. Chúng ta cũng hãy dùng Lời đem lại sự sống để gây dựng con cái của mình. Khi tuôn đổ yêu thương qua lời nói và hành động trên đời sống con cái, chúng ta sẽ nhìn thấy kết quả phước hạnh. Đó có thể là những phẩm chất tốt đẹp của các con lớn lên mỗi ngày. Chúng ta cũng sẽ được thấy một tương lai tươi sáng mà Chúa dành sẵn cho con cái qua sự vâng lời của chính chúng ta.

Về tác giả: Là giảng viên trong lĩnh vực Kinh tế và Tài chính, Hồng Vinh không nghĩ mình có thể viết được những bài chia sẻ về những chủ đề liên quan đến đời sống Cơ Đốc, đặc biệt là chủ đề gia đình Cơ Đốc. Cô thích đọc những bài viết của Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày nên cảm thấy rất vui mừng khi được chia sẻ những suy nghĩ và những điều mình học được với độc giả của Lời Sống Hằng Ngày.

Đọc các nội dung khác về chủ đề nuôi dạy con cái tại: https://vietnamese-odb.org/cung-con-truong-thanh/