SỬA DẠY CON TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG
Kỷ luật không nhất thiết có nghĩa là hình phạt hà khắc. Chúng ta có thể dạy con cái mình biết phân biệt điều đúng, điều sai trong tình yêu thương và theo sự hướng dẫn của Chúa.
Khi con trai tôi lên bảy, có lần con đã nói dối giáo viên của mình để thoát khỏi rắc rối.
Ngày hôm đó khi tôi đón con tan học, tôi để ý cách cư xử của con không giống như mọi ngày. Khi tôi hỏi con, con đã bật khóc và thừa nhận những điều mình đã làm.
Sau khi nghe câu chuyện từ phía của con, tôi nói với con rằng tôi có thể hiểu được con sợ bị phạt cho nên con đã nói dối. Nhưng việc con nói dối không làm Chúa vui lòng, hơn thế nữa nếu như con cứ tiếp tục như vậy, con sẽ trở thành một người không đáng tin.
Tuy nhiên, thật tốt khi con nhận thức được điều đó, tôi nói chuyện với con và giải thích lý do tại sao con lại cảm thấy tồi tệ. Tôi khích lệ con viết một bức thư ngắn xin lỗi giáo viên của mình và đảm bảo với con rằng ba mẹ rất tự hào về con dù kết quả có ra sao, và rằng chính Chúa cũng sẽ rất vui lòng về điều đó. Con đồng ý và lấy hết can đảm viết xuống dòng thư của mình. Khi cô giáo đọc thư của con, cô đã tha thứ cho con và cô thấy mừng về con.
Sửa dạy con khi con phạm lỗi có nghĩa là dạy cho con biết những điều không nên làm, cảnh báo con về hậu quả và hướng con đến những giá trị đúng đắn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể sửa dạy con cái một cách hiệu quả và đúng với điều Kinh Thánh dạy?
Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta những điều quý giá về cách sửa dạy con cái. Sau đây là ba điều chúng ta cần ghi nhớ:
1. Hiểu đúng vấn đề, hiểu đúng tình huống
[Tình yêu thương] không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. I Cô-rinh-tô 13:6
Có lần tôi nhắc con trai tôi làm bài tập vì đã sắp trễ hạn. Một thời gian trôi qua, tôi khiển trách con vì nghĩ rằng con đã không làm theo lời tôi đã dặn. Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi đã hiểu lầm con vì con đã nộp bài tập của mình mà tôi không hề hay biết.
Tôi ngay lập tức xin lỗi con. Chúa đã dùng chính điều này để nhắc nhở tôi rằng tôi phải nhận diện đúng vấn đề trước khi cố gắng sửa dạy con mình.
Có thể chúng ta cho rằng con cái chúng ta nên cư xử đúng mà không cần chúng ta phải nhắc. Chúng ta cho rằng mình biết con sẽ làm gì hoặc nói gì – ngay cả trước khi con nói hoặc làm điều gì đó. Đôi khi, chúng ta có thể đúng. Chúng ta thậm chí có thể nối tiếp câu nói còn dang dở của con, hoặc đoán được hành vi của con khá chính xác.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, chúng ta vội đi đến kết luận sai lầm. Và mỗi lần như vậy sẽ dẫn đến những tổn thương không đáng có.
Để tránh đưa ra phán xét sai lầm, trước tiên chúng ta hãy xác định sự thật trong tình yêu thương bằng cách lắng nghe chính con mình nói. Trong một số trường hợp, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra từ hai hoặc ba người khác, chẳng hạn như bạn cùng lớp hoặc giáo viên của con. Đừng cho rằng con cái chúng ta luôn—hoặc không bao giờ—có lỗi. Chỉ khi chúng ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía thì chúng ta mới có thể quyết định cách tốt nhất để sửa dạy con.
2. Trách mắng và sửa phạt con cách sáng suốt
Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan, còn đứa con phóng túng làm nhục mẹ nó. Châm Ngôn 29:15
Câu Châm Ngôn này khuyên cha mẹ hãy kỷ luật con cái bằng “roi vọt và sự quở trách”. Theo một chú giải trong sách Chú Giải Kinh Thánh có tên “The Bible Knowledge Commentary” thì việc kỷ luật con cái bằng “roi vọt và sự quở trách” có thể có nghĩa là sử dụng cả sự hình phạt về thể xác (roi vọt) và sự sửa dạy bằng lời nói (quở trách).
Theo đó, kỷ luật có thể mang tính răn đe hoặc sửa dạy:
Ranh giới giữa trừng phạt và sửa dạy rất mong manh. Có những thời điểm cần áp dụng cả hai điều này và chúng ta cần sự khôn ngoan của Chúa để quyết định khi nào nên sử dụng chúng.
Nhưng chúng ta hãy sửa dạy nhiều hơn chứ không chỉ hình phạt. Suy cho cùng, chúng ta đến gần Chúa không chỉ với tư cách là thần dân của Ngài, là những người sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều mình đã làm, mà còn với tư cách là con cái của Ngài, là những người đã nhận được “sự phong phú vô hạn của ân điển Ngài, qua sự nhân từ của Ngài đối với chúng ta trong Đấng Christ Jêsus.” (Ê-phê-sô: 2:7). Đức Chúa Trời vừa là thẩm phán thiên thượng, vừa là Cha trên trời của chúng ta, Đấng kỷ luật chúng ta qua những hoàn cảnh và hậu quả của cuộc sống để uốn nắn chúng ta thành những Cơ Đốc nhân khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn.
3. Nhẹ nhàng phục hồi con
Người ấy đã bị đa số anh em trách phạt như vậy là đủ rồi. Nhưng bây giờ, anh em nên tha thứ và an ủi người ấy thì hơn, để người ấy không bị chìm ngập trong sự đau buồn quá mức. Vậy, tôi nài xin anh em hãy tỏ lòng yêu thương đối với người ấy. II Cô-rinh-tô 2:6–8
Kỷ luật không kết thúc ở việc sửa dạy— nhưng theo sau nó còn là sự phục hồi. Phao-lô đề cập đến vấn đề này trong lá thư thứ hai gửi cho tín hữu ở Cô-rinh-tô, ông khích lệ họ “tha thứ và an ủi” cũng như “tỏ lòng yêu thương của [họ]” đối với một người anh em mình là người đã phạm tội và đã chịu sự trách phạt từ họ (II Cô-rinh-tô 2:7–8).
Từ “phục hồi” theo nghĩa đen có nghĩa là “tu bổ” hoặc “sửa sang”, hoặc làm lại một cái gì đó hoàn chỉnh, như được ghi trong The MacArthur Study Bible (tạm dịch: Kinh Thánh Nghiên Cứu của MacArthur). Khi con cái phạm tội, chúng ta sửa dạy con một cách đúng đắn, nhưng điều này có thể làm tổn hại đến mối liên hệ và sự tin tưởng của chúng ta đối với các con. Để giúp con đứng dậy sau thất bại, điều quan trọng là chúng ta phải nhắc lại tình yêu của mình dành cho con và khen ngợi những nỗ lực của con. Đó chính là mục đích của việc phục hồi.
Có lẽ chúng ta quen với ý tưởng về tình yêu nghiêm khắc—sự đối xử nghiêm khắc hoặc khắc nghiệt để giúp ai đó về lâu về dài. Theo một cách nào đó, tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta là một tình yêu nghiêm khắc. Sách Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết rằng sự sửa phạt của Đức Chúa Trời đôi khi có thể khó chịu và thậm chí đôi lúc nó cũng là sự đau đớn. Vậy thì, chúng ta nên áp dụng Ga-la-ti 6:1 như thế nào, đây là câu hướng dẫn chúng ta để phục hồi người khác một cách “nhẹ nhàng”?
Không có sự mâu thuẫn nào ở đây cả. Chúng ta có thể đưa ra những cách sửa dạy cứng rắn khi con cái chúng ta đi lạc lối. Nhưng chúng ta đừng làm như vậy với một thái độ như là chúng ta luôn đúng. Thay vào đó, chúng ta hãy sửa dạy con với tinh thần khiêm nhu, đồng cảm và kiên nhẫn để giúp con hiểu được mức độ nghiêm trọng của tội lỗi mà con đã phạm, đồng thời đảm bảo với con về tình yêu thương vô điều kiện của chúng ta dành cho con.
Một cách mà vợ chồng tôi thấy hữu ích là đối với cha hoặc mẹ đã áp dụng kỷ luật thì nên dành một khoảng thời gian ngắn trước khi xem xét lại vấn đề với con. Điều này mang lại không gian cho cả cha mẹ và con cái để suy nghĩ về những gì vừa xảy ra.
Trong khi đó, người còn lại (cha hoặc mẹ) đóng vai trò là người lắng nghe con và giúp con hiểu được ý định kỷ luật của cha mẹ.
Cuối cùng, người cha hoặc mẹ thực hiện phần kỷ luật vẫn phải đích thân hòa giải và phục hồi con. Đối với trẻ lớn hơn và đặc biệt là thanh thiếu niên, việc cả hai bên kể lại góc nhìn của mình về chuyện đã xảy ra là điều cần thiết trong quá trình này.
Việc phục hồi con cái sau kỷ luật không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng khi chúng ta chọn làm điều đó trong sự mềm mại, chúng ta sẽ bày tỏ sự dịu dàng và ân điển của Chúa, Đấng luôn tha thứ cho chúng ta là những đứa con ngỗ nghịch khi chúng ta chịu ăn năn.
Thưa các bậc cha mẹ, chúng ta có thể sửa dạy con cái trong tình yêu thương bằng cách trước tiên hãy tìm hiểu sự thật trước khi kỷ luật và phục hồi/ sửa dạy con một cách nhẹ nhàng. “Hãy sửa phạt con cái, nó sẽ cho con được an tịnh, và làm cho lòng con vui mừng” (Châm Ngôn 29:17). Nhưng đối với những người trong chúng ta chưa kinh nghiệm được sự vui mừng này, hi vọng chúng ta sẽ tiếp tục bám lấy sự chỉ dẫn và lời hứa của Đức Chúa Trời.
———-
Được trích từ quyển Help! How Do I Discipline My Kid?, thuộc loạt Khám Phá Các Chủ Đề của Our Daily Bread Ministries © 2023.
—
Tác giả: Lim Chien Chong
Chuyển ngữ: Hrah Kpa
Biên tập & minh họa: ODB Việt Nam
Bài viết này được đăng lần đầu tại trang Biblical Wisdom for Parents © Our Daily Bread Ministries. Để đọc thêm các bài viết khác, hãy truy cập: https://biblical-parenting.org/