SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI TRONG VIỆC NUÔI DẠY CON CÁI

Cách bố mẹ trò chuyện và giao tiếp ngôn ngữ với trẻ có tác động rất lớn đến sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời. Những lời tích cực của cha mẹ sẽ tạo ra động lực giúp trẻ thay đổi và hoàn thiện bản thân, xây dựng sự tự tin, bình an, độc lập và hạnh phúc. Lời nói tích cực của cha mẹ là công cụ đặc biệt tạo ra môi trường để trẻ có thể phát huy hết khả năng của mình.

Vì “ngôn ngữ” có sức mạnh rất mãnh liệt, đôi khi để đánh bại một người chỉ cần một câu nói, và cũng bởi một câu nói mà đem lại năng lực và ý chí cho một người. Đó là lý do mà Kinh Thánh đã rất đề cao “lời nói” và ví lời nói như một thức ăn bổ dưỡng cho cả tâm hồn lẫn thể xác. “Lời nói ân hậu giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khỏe mạnh cho xương cốt” (Châm Ngôn 16:24).

Vậy nên, trong việc nuôi dạy con cái, lời nói cũng có sức mạnh rất to lớn, hoặc cha mẹ có thể nuôi dưỡng con trẻ với những cảm xúc tích cực hoặc sẽ phá huỷ cuộc đời của trẻ chỉ với những lời nói vô tình trong tuổi ấu thơ của con.

Năm mẹ tôi mang thai em, mọi người thường trêu chọc rằng: “Mẹ có em rồi chẳng còn thương con nữa đâu” rồi thì “Mẹ có em thì phải ra chuồng gà ngủ.” Những câu nói đó cứ ám ảnh tôi mãi, nên tôi đã rất ghét em, trong suy nghĩ tôi đã từng nói: “Tôi không thích có em, sao nó không biến mất đi.” Và rồi, có một sự trùng hợp nhẹ, mẹ tôi bị sảy thai. Khi tôi được nghe thông báo em không còn trên đời này nữa, tôi đã bật khóc, một cảm giác tội lỗi, hối hận, đau khổ đè nặng lên tôi. Tôi đã phải tự trách mình vì nghĩ em không còn trên đời này là vì tôi đã bảo em hãy biến mất đi. Và rồi trong suốt tuổi ấu thơ, tôi đã sống trong mặc cảm – dằn vặt và ân hận. Mãi đến lớn, tôi mới hiểu được, những lời nói khi xưa chỉ là những câu nói đùa, còn việc mẹ bị sảy thai không liên quan gì đến cảm xúc tôi lúc đó. Nhưng khi hiểu ra thì tôi đã không thể quay lại tuổi thơ để lấy lại niềm vui, sự vô tư, và an nhiên được nữa. Và vì đã từng là nạn nhân của những lời bông đùa tôi hiểu được giá trị và sức mạnh của lời nói.

1. Lời tích cực

Ở Thuỵ Điển, người ta có một thí nghiệm như thế này: hai chậu cây đều được đặt trong lồng kính, được chăm sóc cùng một lượng nước, phân bón và ánh sáng mặt trời. Nhưng một chậu cây, được nhà trường kêu gọi các em học sinh tới doạ nạt, mắng chửi và chê bai, còn một chậu cây thì được khen ngợi và nói những lời tích cực yêu thương. Thí nghiệm được diễn ra trong 30 ngày. Kết quả sau 30 ngày, chậu cây yêu thương được phát triển xanh tươi còn chậu cây bị mắng lại héo úa và cuối cùng chậu cây ấy cũng bị chết. Nếu như thực vật mà còn bị ảnh hưởng bởi lời nói tiêu cực hay tích cực thì con người với những cảm xúc phong phú thì lời nói chính là sức mạnh nhưng cũng có sức công phá vô cùng lớn.

Một ngày chồng tôi đi công việc trở về và dưới cái nóng giữa trưa ngay khi vào nhà hình ảnh cậu con trai với một đống giấy tung toé khắp nhà, ngay lập tức chồng tôi nổi giận và hét lên: “Thiên Tàiiiii…” Và cứ như thế, những lần con trai tôi khám phá một cái gì đó khiến ba nó rơi vào khủng hoảng thì anh đều hét lên “thiên tài”. Mọi người hỏi lý do vì sao chồng tôi lại gọi như vậy, anh trả lời đơn giản vì lúc đó mình đang tức giận nhưng phải kiểm soát lại nên phải hét lên, nhưng một phần vì không muốn khai phóng những lời tiêu cực trên con cái nên anh thay bằng hai chữ “thiên tài”. Nghe có vẻ hài hước, nhưng chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều bậc phụ huynh vì không kiểm soát được cơn nóng giận của mình nên đã áp đặt những điều tiêu cực lên con trẻ thông qua lời nói “Đồ vô dụng! Thằng ngu này! Ăn gì mà lì dữ….”

Có bao giờ bạn giảng bài cho đứa trẻ kèm theo lời nói: “Sao mà ngu dữ vậy” mà đứa trẻ đó hiểu được bài không?

Vậy nên, khi cha mẹ muốn nuôi dưỡng một đứa trẻ thành công, hãy nói với chúng những lời của sự thành công. Cũng bởi lời nói cha mẹ sẽ giới hạn con trẻ, nhưng cũng bởi lời nói tích cực khi cha mẹ khai phóng trên con sẽ làm ra kỳ tích. Một đứa con luôn nghe những lời tích cực sẽ xây dựng được sự tự tin bên trong trẻ và đứa trẻ đó có thể làm được mọi thứ mà mình muốn.

2. Lời yêu thương ôn hòa

Đã bao giờ bạn gặp khó khăn trong vấn đề điều tiết cảm xúc của con? Một lần, trong lúc tôi đang làm việc, con trai ba tuổi đem một quyển sách lại gần và hỏi “mẹ có thể đọc cho con được không?” tôi đang bận rộn nên chỉ trả lời ngắn gọn: “Không” thế là anh bạn nhỏ cảm thấy hụt hẫng và nói “Con ghét mẹ”, tôi quay ra và nói “Ghét mẹ thì mời con ra ngoài để cho mẹ làm việc.” Câu nói của tôi như đổ thêm dầu vào lửa, con trai tôi trở nên nóng giận nên lấy tay đánh vào mẹ liên tục, ngay lập tức tôi đưa con ra ngoài và đóng cửa lại. Ở bên trong tôi nghe con gào khóc: “Mẹ ơi mẹ thương con đi, mẹ ơi mẹ ôm con đi.” Tôi bình tĩnh lại mở cửa ra và ôm lấy con, hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau: “có phải con đang hụt hẫng vì không đọc sách cho con không?” “Có phải con cảm thấy mẹ không quan tâm đến con khi mẹ chỉ trả lời “không” mà không để ý đến cảm xúc của con phải không?” Mẹ xin lỗi nhé, vì mẹ đang tập trung nên mẹ trả lời trống không với con, và mẹ đã không kiểm soát được cảm xúc của mình nên đã đẩy con ra ngoài…” Sau đó chúng tôi nói chuyện về cảm xúc của nhau, con trai tôi đồng ý tha thứ cho mẹ và cũng biết lỗi nên xin lỗi mẹ. Sau sự việc, tôi nghĩ rằng: không phải trẻ không hiểu chuyện, chỉ là chúng ta chưa kết nối cảm xúc với trẻ mà thôi. Để kết nối được với trẻ, cha mẹ cần giữ được cảm xúc của mình, nói lời ôn hoà với con, lúc này con mới cảm nhận được yêu thương và sự tôn trọng. Điều tiết cảm xúc của mình cũng là một phần để giúp điều tiết cảm xúc của con. “Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu cơn thịnh nộ” (Châm Ngôn 15:1).

Với những đứa trẻ đang độ tuổi khám phá và tìm hiểu bản thân mình, thì lời nói yêu thương ôn hòa có ích cho cảm xúc của trẻ rất nhiều. Lời nói ôn hoà khiến trẻ nhận ra cảm xúc mình, giúp trẻ nhìn sâu vào nội tâm, định hướng và tìm ra phương cách để quản lí cảm xúc của mình thay vì sử dụng những hành vi không đúng mực. Được nghe những lời yêu thương ôn hoà cũng khiến trẻ yên tâm và cảm thấy an toàn, cảm thấy có người đồng hành trong cảm xúc chứ không bị công kích, bỏ mặc hay khó hiểu về bản thân. Đây chính là nền tảng để xây dựng cảm xúc lành mạnh bên trong trẻ.

3. Lời sự sống

Nhưng trên hết tất cả, lời quan trọng nhất cha mẹ cần nói với trẻ chính là “Lời Sự Sống” vì “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Cha mẹ có thể nói lời tích cực, nói lời yêu thương ôn hoà với trẻ, nhưng “lời sự sống” thì khác vì đó chính là lời được Đức Chúa Trời nói với trẻ thông qua cha mẹ là những người chịu trách nhiệm dạy dỗ trẻ. Khi cha mẹ dạy con về lời của Đức Chúa Trời, chính là đang gieo trồng những hạt giống Đức Tin– Hy Vọng và Tình Yêu trong lòng con trẻ.

Khi đang tìm kiếm các khoá học cho con trai, tôi phát hiện có một khoá học Cơ Đốc nhưng các bà mẹ ngoại đạo vẫn cho con học, mặc dù trong khoá học thì “Kinh Thánh” là một môn chính. Điều đó làm tôi đặt ra câu hỏi, điều gì trong khoá học này khiến những bà mẹ ngoại đạo chấp nhận cho con theo học? Câu trả lời tôi tìm được đơn giản vì đây là một khoá học chất lượng và môn “Kinh Thánh” được những bà mẹ ngoại đạo xem như là môn đạo đức và được đánh giá cao hơn những bài học đạo đức của các khoá học khác.

Trong xã hội ngày nay, khi mà đạo đức ngày càng suy đồi, hành vi bạo lực càng gia tăng, lương tâm con người càng mất đi thì dạy con về đạo đức là một xu hướng lành mạnh được coi trọng và giá trị đạo đức càng được nâng cao. Đó là lý do trẻ cần được học về sự tử tế, trung thực, sự liêm chính và lòng tinh kính để tạo ra một cuộc đời ý nghĩa.

Dạy con về “Lời sự sống” sẽ làm gia tăng đức tin trong con. Là Cơ Đốc nhân, cha mẹ không những phải chịu trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng thể chất, cảm xúc của con trẻ mà còn phải chịu trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của trẻ. Như Kinh Thánh đã nói: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó (Châm Ngôn 22:6). Là Cơ Đốc nhân, chúng ta biết rõ để đối diện với nan đề hay thách thức của cuộc sống điều mà con người cần nhất là đức tin. Đức tin để đến gần Đức Chúa Trời, đức tin để nhận lãnh những lời hứa tuyệt vời của Đức Chúa Trời ban cho con người. Nuôi dưỡng con trẻ trong môi trường đức tin chính là nuôi dưỡng thuộc linh cho trẻ.

Dạy con về lời của sự sống không những làm gia tăng đức tin của trẻ mà còn định hướng cho trẻ con đường dẫn đến sự thành công. Một hình mẫu điển hình về sự thành công chính là tinh hoa của người Do Thái. ¼ số nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái. Trong thế kỷ 20, mặc dù người Do Thái chỉ chiếm 2% dân số nước Mỹ, nhưng có đến 27% nhà khoa học của nước này đạt giải Nobel là người Do Thái. Chỉ số thông minh của người Do Thái là khoảng 110 so với chỉ số 100 của toàn cầu, và tỉ lệ sản sinh thiên tài lên tới 120-150 lần. Ở đâu người Do Thái có được sự thông minh đó? Một bí quyết nho nhỏ là mỗi trẻ em Do Thái đều phải đọc thuộc Kinh Thánh Cựu Ước ngay từ khi còn nhỏ. Đó là kết quả của việc nhận biết lời sự sống từ trong tuổi ấu thơ như lời Kinh Thánh đã cho biết “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan” (Châm Ngôn 9:10).

Chính vì vậy, trong ba năm đầu đời, điều trẻ cần nhất là tình yêu vô điều kiện của cha mẹ. Và lời nói của cha mẹ có tầm ảnh hưởng rất lớn trên con trẻ, qua những lời yêu thương sẽ giúp cha mẹ có thể kết nối với con, nhờ đó tạo ra sự tin tưởng và gắn bó bền chặt cho mối quan hệ này. Lời yêu thương – tích cực có sức mạnh hóa giải khủng hoảng trong trẻ và tạo ra hormon hạnh phúc. Chính những hormon này sẽ sản sinh ra những cảm xúc tích cực khiến trẻ cảm thấy tràn đầy năng lượng, được công nhận, và gắn kết. Quan trọng nhất, “Lời sự sống” mà cha mẹ dạy dỗ trẻ sẽ định hướng cuộc đời, nhân phẩm và niềm tin của trẻ trong tương lai.

Tác giả: Grace Đoàn

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/nuoi-day-con-cai/