3 BƯỚC ĐỂ QUYẾT ĐỊNH BẠN CÓ NÊN ĐỨNG VÀO MỘT VAI TRÒ PHỤC VỤ

Lúc đó khoảng 9 giờ tối và người trưởng nhóm học Kinh Thánh Bible Study Fellowship (BSF) của tôi gọi điện thoại thăm hỏi như chị ấy vẫn thường làm mỗi tháng. Sau khi trò chuyện và chia sẻ nan đề cầu nguyện, chị ấy nói: “Thật ra, chị muốn hỏi xem em có hứng thú với vai trò trưởng nhóm học Kinh Thánh không?”

Tôi rất ngạc nhiên vì không nghĩ mình sẽ nhận được câu hỏi này. Và tôi đã im lặng một hồi lâu. Chị trưởng nhóm nói tiếp: “Có rất nhiều bạn nữ đang ở trong danh sách chờ. Chúng ta đang thiếu những trưởng nhóm và hy vọng sẽ có nhiều người bước vào vai trò này. Em có hứng thú không?”

Mặc dù phục vụ là một đặc ân, nhưng công việc quá bận rộn và những ngày cuối tuần tôi thường dành cho những công tác trong hội thánh. Vì thế, tôi biết sẽ rất khó để tôi nhận nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ý nghĩ từ chối lời đề nghị khi biết có nhu cầu khiến tôi cảm thấy thật tệ. Nhiều suy nghĩ vang lên trong đầu tôi: Có phải mình quá ích kỉ? Liệu mình có làm chị trưởng nhóm thất vọng nếu mình từ chối?

Không thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức, tôi nói với chị trưởng nhóm rằng tôi cần thời gian để suy nghĩ về lời đề nghị đó. Chị ấy vui vẻ hẹn sẽ gọi lại sau vài ngày và sau đó kết thúc cuộc gọi. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi biết mình muốn từ chối và tôi chỉ đang kéo dài thời gian mà thôi. Ý nghĩ nói “không” thật không thoải mái và khó xử.

Trong những ngày tiếp theo, tôi đã bị giằng xé giữa trách nhiệm và mong muốn được tiếp tục tham gia nhóm học Kinh Thánh chỉ với tư cách là người tham dự bình thường. Vì vậy, tôi đã suy xét ba nguyên tắc này để quyết định xem tôi nên trả lời thế nào với chị trưởng nhóm.

1. Biết mình đang phục vụ ai và lý do mình phục vụ

Mặc dù phục vụ là làm việc với các chi thể trong thân Đấng Christ, nhưng chúng ta phải luôn nương dựa vào Đấng đã đặt để chúng ta vào vị trí phục vụ trước khi quyết định có nên phục vụ hay không. Nếu dựa vào người khác để đưa ra quyết định, có thể chúng ta sẽ cảm thấy bị buộc phải nói “có” với rất nhiều cam kết để làm hài lòng họ – kết quả dẫn đến sự kiêu căng, dựa vào sức riêng và nản lòng.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra khi tôi được đề nghị hỗ trợ buổi thảo luận nhóm cho thiếu niên trong kỳ trại của hội thánh. Dù đã hy vọng sẽ xem kỳ trại là thời gian dành cho cá nhân, nhưng tôi đã quyết định giúp đỡ vì nghĩ sẽ rất tệ nếu nói “không”.

Thật đáng tiếc, trải nghiệm đó không mấy tốt đẹp. Các bạn thiếu niên, hoặc là tìm cách để trốn một vài tiết, hoặc nếu có mặt thì cũng thờ ơ và không mấy cởi mở. Đến ngày thứ ba, tôi rất buồn khi các bạn thiếu niên cảm thấy các buổi nhóm không ý nghĩa và rất hối hận vì mình đã tham gia giúp đỡ. Sau khi suy ngẫm về bản thân, tôi nhận ra rằng mình đã phục vụ với niềm tự hào về khả năng của riêng mình và với mục đích làm hài lòng những người khác. Hơn nữa, tôi đã không trông cậy vào sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa trong suốt quá trình – thay vào đó là dựa vào kinh nghiệm của chính bản thân mình trước đây.

Như Cô-lô-se 3:23-24 nói:

“Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. Anh em đang phục vụ Đấng Christ là Chúa.”

Khi làm việc hoặc phục vụ, động cơ của chúng ta nên xuất phát từ mong ước làm vui lòng Chúa hơn là bất kỳ ai khác. Việc giữ sự tập trung vào Chúa sẽ định hình cách chúng ta đáp lại người khác, đồng thời thúc giục chúng ta tra xét tấm lòng và lý do chúng ta phục vụ.

Khi nhớ đến quyền tể trị của Chúa đối với công việc phục vụ của mình, chúng ta sẽ nhận biết rằng mình chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch của Ngài và tin rằng Ngài sẽ luôn sai con gặt đến trong mùa gặt, cho dù chúng ta có đang phục vụ trong vị trí đó hay không – điều đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi việc phục vụ vì trách nhiệm, chỉ đơn giản bởi vì có vị trí cần được lấp đầy.

2. Đánh giá khả năng hiện tại của bạn

Mỗi người trong chúng ta đều có những khả năng khác nhau, tuỳ thuộc vào những trách nhiệm mà cuộc sống đòi hỏi ở mỗi thời điểm. Ví dụ, tôi nhận thấy rằng thời sinh viên, tôi có thể phục vụ cả trong mục vụ sinh viên lẫn trong hội thánh. Nhưng điều đó đã thay đổi khi tôi bắt đầu chính thức đi làm. Có lúc, tôi đã đảm nhận việc giới thiệu chương trình truyền giảng, cùng với vai trò trong ban thanh niên, viết bản tin cho hội thánh, và phục vụ trong ban tiếp tân, đồng thời vẫn làm việc toàn thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Đó là giai đoạn thú vị, nhưng tôi lại có rất ít thời gian để ngủ, giải trí và dành thời gian với Chúa.

Một người bạn nhận thấy tôi trở nên bơ phờ và kiệt sức nên khuyên tôi nghỉ ngơi khi chương trình kết thúc. Điều này làm tôi nhận ra rằng thời gian và sức khỏe của mình có giới hạn, và tôi cần phải cân nhắc để quân bình trong các sinh hoạt của mình.

Dù có vẻ hấp dẫn để trở thành “người luôn nói có”, nhưng điều đó có thể dẫn chúng ta đến chỗ phục vụ trong quá nhiều lĩnh vực. Với lượng thời gian bị chia nhỏ và dàn trải cho nhiều vai trò, chúng ta dễ kiệt sức, kém hiệu quả và cũng khó để phục vụ lâu dài.

Như Ê-sai 40:30-31 nói: “Các thanh niên cũng phải mòn mỏi, mệt nhọc. Người trai tráng cũng phải vấp ngã. Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va chắc chắn được sức mới”. Khi phục vụ, nguyện chúng ta luôn nhớ trông đợi Chúa để Ngài chỉ dẫn khi nào chúng ta nên phục vụ, dừng lại, rút lui và nghỉ ngơi. Mặc dù điều này có nghĩa là đôi lúc phải nói “không”, nhưng sẽ ích lợi cho chính chúng ta, những người chúng ta đang phục vụ và bước đường theo Chúa của chúng ta.

3. Tìm kiếm Chúa trước tiên

Suốt thời đại học, tôi đã rất năng nổ trong nhóm thông công Varsity Christian Fellowship và tôi nghĩ rằng năm cuối sẽ là thời điểm thích hợp để tạm dừng việc phục vụ, tập trung vào việc học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Chúa lại có kế hoạch khác.

Khi sắp tham dự kỳ trại cuối năm, Chúa đã sắp đặt để tôi nhiều lần gặp gỡ một thành viên trong ủy ban, điều này cho chúng tôi cơ hội để trò chuyện về những kế hoạch của mục vụ trong năm.

Qua những cuộc gặp mặt bất thường nhưng đúng thời điểm đó, chị ấy nhờ tôi đảm nhiệm một vai trò trong kỳ trại. Tôi đã quyết định cầu nguyện hơn một tuần về vấn đề này và tìm kiếm lời khuyên từ gia đình và bạn bè. Ngoài lời khích lệ từ những người thân, Chúa đã phán với tôi trong một buổi tĩnh nguyện qua Ê-sai 41:10: “Đừng sợ vì Ta ở với con, Chớ khiếp kinh vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, Dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con”.

Lời hứa đó đã cho tôi sự đảm bảo để đồng ý phục vụ, vì tôi làm điều này không phải vì sợ hãi, vì nghĩa vụ hay cảm thấy có lỗi, nhưng để đáp lại lời kêu gọi của Chúa tại thời điểm đó. Tôi đã kinh nghiệm rất nhiều niềm vui trong quá trình lên kế hoạch, dù điều đó bao gồm phải tham dự nhiều cuộc họp trong khoảng thời gian thi cử quan trọng, hoặc phải di chuyển một tiếng đồng hồ để tham dự các buổi họp vào sáng sớm thứ bảy trong suốt nhiều tuần.

Khi kỳ trại diễn ra, tôi cảm thấy được kết nối với cộng đồng, gần gũi với Chúa và thoả lòng khi thấy các trại viên thích thú với những hoạt động. Kể từ đó, tôi đã hiểu được sự khôn ngoan khi tìm kiếm Chúa trước tiên trong các quyết định của mình, tin rằng Ngài sẽ đặt tôi vào nơi tôi có thể phục vụ khi thời điểm thích hợp.

Sẽ ổn thôi kể cả khi bạn nói “không”

Khi suy ngẫm về ba nguyên tắc này, tôi cảm nhận sự bình an ngay cả khi quyết định của tôi vẫn là từ chối lời mời phục vụ trong nhóm học Kinh Thánh BSF. Thứ nhất, tôi không nhận được sự kêu gọi rõ ràng từ Chúa để phục vụ trong nhóm BSF tại thời điểm này, và tôi được nhắc nhở về cam kết của mình với ban thanh niên trong hội thánh tại nơi tôi đang sinh hoạt, là vai trò đòi hỏi tôi phải dành phần lớn thời gian cuối tuần của mình.

Mặc dù có thể nói rằng trưởng nhóm đã thất vọng khi nhận câu trả lời từ tôi, nhưng tôi nói với chị ấy rằng Chúa sẽ đem đến cho chị ấy một người phù hợp, và có lẽ Ngài sẽ gọi tôi quay trở lại phục vụ vào thời điểm khác. Trong khi chúng ta phục vụ và xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời ở bất cứ nơi nào Ngài đặt để, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tiếp tục phục vụ với niềm vui, biết rằng Chúa sắp đặt và cảm động con dân Ngài cho những kế hoạch và mục đích tốt đẹp của Ngài.

Biên dịch: Nguyệt Ánh

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ymi.today/2020/07/3-steps-to-decide-whether-you-should-step-up-and-serve/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/