3 CÁCH ĐỂ CHIA SẺ VỀ CHÚA JÊSUS TRONG THẾ GIỚI HẬU COVID

Khi dịch COVID đạt đỉnh vào tháng 4/2020, chính phủ Úc đã ban hành lệnh phong tỏa. Trường học đóng cửa. Các lễ cưới phải tạm hoãn và không được tổ chức đám tang. Nhưng người dân được phép ra ngoài cho một số hoạt động cần thiết, bao gồm tập thể dục, mua rượu bia, và cắt tóc. Vâng, theo một cách nào đó, cắt tóc thì cần thiết hơn đi học, cưới hỏi, hay lễ tang.

Tuy nhiên, đó là bởi vì COVID là một thời gian đặc biệt đối với chúng ta. Chúng ta chưa bao giờ phải đối phó với những việc tương tự như thế trong thế hệ của mình. Ai dám khẳng định cái gì là cần thiết hoặc cái gì là không cần thiết?

Đại dịch toàn cầu đã từng xảy ra với thế hệ của ông bà tổ tiên chúng ta. Song thế giới hiện đại của chúng ta chưa từng đối diện. Chúng ta đưa người lên mặt trăng. Chúng ta phát minh dưa hấu không hột. Chúng ta tạo ra những loại xe không người lái. Dường như không hề có giới hạn nào về những gì con người có khả năng làm… và rồi COVID-19 tấn công chúng ta, và tất cả chúng ta phải ở trong nhà suốt nhiều tháng qua. Chúng ta đã thấy mình bất lực thế nào trước con vi-rút nhỏ xíu?

Ở trong tình trạng phong tỏa có nghĩa là chưa từng có thời điểm nào khó khăn hơn để chia sẻ với bạn bè về Chúa Jêsus. Chúng tôi không thể nói chuyện với người khác mặt đối mặt, trừ khi đi cắt tóc! Nhưng cũng chưa từng có thời điểm nào dễ dàng hơn để chia sẻ với bạn bè chúng ta về Chúa Jêsus. Bất cứ điều gì đã từng hiệu quả với họ thì giờ không còn hiệu quả nữa. Họ mong muốn có câu trả lời.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể nói với bạn bè mình về Chúa Jêsus trong giai đoạn mới mẻ và nhiều thách thức này? Suy cho cùng thì mong muốn sâu xa nhất của mỗi Cơ Đốc nhân là chia sẻ về Chúa Jêsus cho bạn bè của mình (Rô-ma 10:14-15).

Tôi muốn gợi ý 3 điều đơn giản mà chúng ta có thể làm.

Share Jesus #1

1. Chỉ cần nhấp chuột là có thể “đi nhà thờ” – hãy mời bạn bè tham dự buổi nhóm

Trước đây, chúng ta gần như không thể mời bạn bè tham dự buổi thờ phượng ở nhà thờ. Có quá nhiều rào cản xã hội và văn hóa – đó không phải là điều mà họ cảm thấy thoải mái để làm. Thêm nữa, hầu hết bạn bè của tôi thích ngủ nướng vào sáng Chủ Nhật, hoặc đi chơi.

Nhưng bây giờ, hầu hết các hoạt động xã hội của chúng ta đều phải tạm hoãn, còn những buổi thờ phượng lại có thể được truy cập trên mạng, thật dễ dàng để chúng ta gửi đường link đến cho bạn bè mình. Tôi chỉ cần nói một câu đơn giản, kiểu như: “Mình nghĩ cái này có thể giúp vực dậy tinh thần của bạn”, và rồi chia sẻ đường link. Có thể người bạn ấy sẽ không nhấn vào đường link ngay lập tức, nhưng họ sẽ cảm thấy rằng bạn quan tâm đến họ. Và có lẽ nếu họ đang tìm kiếm câu trả lời hoặc đang cảm thấy buồn bã, chán nản, có thể mấy ngày sau đó họ sẽ nhấn vào đường link.

Tôi nghĩ là nhiều người khác cũng đang mời bạn bè của họ tham dự. Hội thánh trực tuyến sẽ có nhiều người tham dự hơn, so với lúc chúng ta nhóm lại trực tiếp ở nhà thờ. Nhưng điều này cũng có nghĩa là hội thánh cần phải điều chỉnh chương trình thờ phượng cho phù hợp với buổi nhóm trực tuyến. Chẳng hạn như, chúng ta cần dành vài phút đầu tiên để chào mừng những người lần đầu dự nhóm. Và chúng ta cần cung cấp đường link để họ có thể nhấn vào nếu họ muốn liên lạc để gởi nan đề cầu thay hoặc kết nối với hội thánh.

Chúng ta cũng cần thực hiện chương trình thờ phượng trong tinh thần biết rằng có những người chưa tin Chúa đang tham dự với chúng ta. Đây là điều sứ đồ Phao-lô đã nói đến trong I Cô-rinh-tô 14:22-25, ông khuyên các tín hữu nhóm lại thế nào để những người chưa tin cũng cảm thấy được chào đón.

Tại hội thánh của tôi, điều này có nghĩa là chúng tôi cố gắng gói gọn giờ giảng luận dưới 20 phút, và cả buổi thờ phượng dưới 50 phút. Cũng có nghĩa là chúng tôi cẩn thận trong cách nói của mình để tránh khiến những thân hữu cảm thấy tổn thương.

Share Jesus #2

2. Bạn bè của chúng ta đang khao khát một cộng đồng – hãy mời họ tham dự những buổi nhóm của ban ngành.

COVID đã cướp đi những gì từng cho chúng ta mối liên hệ cộng đồng – gym, thể thao và các câu lạc bộ. Nhưng chúng ta hãy bày tỏ cho họ thấy rằng Chúa Jêsus ban cho chúng ta một cộng đồng mà vẫn có thể bền vững, không phải nhờ có Zoom, mà dù phải kết nối qua Zoom.

Nếu ngại ngùng, họ có thể tắt camera khi lần đầu tham dự buổi nhóm. Nhưng ít nhất họ có thể xem thấy mối liên hệ cộng đồng của những người tin Chúa. Họ sẽ thấy được cách chúng ta quan tâm nhau, chia sẻ và cầu nguyện cho những nhu cầu của nhau. Điều này sẽ làm họ ấn tượng! Họ sẽ bị thu hút về cách những tín hữu tận hưởng mối thông công trong thân thể Đấng Christ – hãy để bạn bè của chúng ta nếm trải điều này. Sau một thời gian, họ sẽ ước ao rằng họ cũng có thể ở trong một cộng đồng giống như thế.

Share Jesus #3

3. Tất cả chúng ta đều mong muốn có những cuộc trò chuyện ý nghĩa. Hãy mời họ chia sẻ những sợ hãi, lo lắng và thất vọng của mình.

Tôi thích mời bạn bè tham gia “giờ vui vẻ trên mạng”. Chúng tôi hẹn nhau thời gian để gặp gỡ trên mạng, và rồi kiếm một ít đồ ăn vặt, sau đó có giờ trò chuyện vui vẻ với nhau. Khi thực hiện việc này, tôi thích hỏi bạn bè: “Bạn thế nào rồi?”

Trong hai cuốn sách tôi viết về chủ đề truyền giảng – Truyền Giảng Trong Một Thế Giới Hoài Nghi và Làm Thế Nào Để Chia Sẻ Về Chúa Jêsus – tôi trình bày về 3 cấp độ của cuộc trò chuyện: (1) Sở thích (thời tiết, hoạt động cuối tuần, thể thao), (2) Giá trị sống (ý kiến, quan điểm), và (3) Thế giới quan (những điều sâu sắc nhất và chân thật nhất).

Trước COVID, chẳng ai muốn nói về thế giới quan vì nó khô khan và nhàm chán. Chúng ta chỉ muốn nói về những sở thích của mình như thời tiết, những gì chúng ta làm vào cuối tuần và các môn thể thao.

Nhưng khi chúng ta sống trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID, không ai muốn nói về thời tiết. Mỗi cuối tuần đều như ngày thường. Và không có môn thể thao nào để bàn đến. Thay vào đó, tất cả chúng ta đều muốn nói về những gì có ý nghĩa sâu sắc nhất với mình.

Vì thế, tất cả những gì tôi phải làm là hỏi bạn bè mình: “Bạn thế nào rồi?” và cho phép họ chia sẻ về những sợ hãi, lo lắng và thất vọng của họ. Tất cả những gì tôi phải làm là trở thành một người thật sự lắng nghe, để họ cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu.

Điều tôi thích làm tiếp theo là đề nghị cầu nguyện cho họ. Tôi nói: “Vợ chồng tôi và các con luôn cầu nguyện cho những người bạn vào mỗi tối. Chúng tôi cầu nguyện cho bạn được không?”

Trước COVID, chẳng ai muốn nói đến việc cầu nguyện. Nhưng trong giai đoạn COVID, bạn bè của tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe rằng tôi muốn cầu nguyện cho họ. Họ nói: “Ồ, xin cầu nguyện cho tôi. Điều đó thật tuyệt!”

Khi gặp lại họ, tôi nói với họ rằng tôi đã cầu nguyện cho họ. Khi làm vậy, họ có thể thấy được sự khác biệt mà Chúa Jêsus làm trong suốt đại dịch này. Chúng ta có một Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đủ để nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có một Đức Chúa Trời đủ quyền năng để đáp lời cầu xin của chúng ta.

Chúng ta không biết đại dịch này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Ở Úc, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chiến thắng đại dịch. Chúng tôi đã kiểm soát được tốc độ lây lan chỉ trong vài tuần. Chúng tôi gần như không có ca nhiễm mới trong 3 tháng sau đó. Nhưng khi gỡ bỏ những hạn chế, COVID đã quay trở lại và có vẻ như chúng tôi không biết phải làm gì. Đợt dịch thứ hai lớn hơn đợt dịch thứ nhất. Loại bỏ hoàn toàn là điều không thể. Việc kiềm hãm tốc độ lây lan cũng không hiệu quả. Tương lai trở nên đầy bấp bênh. Chúng ta không thể kiểm soát được con vi-rút này.

Nhưng có một điều chúng ta biết chắc. Đây là lúc tuyệt vời để giới thiệu Chúa Jêsus cho bạn bè của mình. Chúng ta có thể bày tỏ sự yêu thương, quan tâm đến họ và cầu nguyện cho họ. Và chúng ta cũng có thể tìm ra những cách thức mới và sáng tạo để bày tỏ cho họ thấy sự khác biệt mà Chúa Jêsus đã làm trong đời sống chúng ta.

Share Jesus #4

Chuyển ngữ: Ái Nhi

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ymi.today/2020/08/3-ways-to-share-jesus-in-a-post-covid-world/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/