3 CÁCH ĐỂ LÀM TƯƠI MỚI THÌ GIỜ TĨNH NGUYỆN
Kinh Thánh nói rằng loài người sống không chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời phán từ miệng Đức Chúa Trời (Phục Truyền 8:3, Ma-thi-ơ 4:4). Nếu chúng ta muốn sống động về phần thuộc linh, chúng ta cần ăn nuốt Lời Đức Chúa Trời, tức là Kinh Thánh.
Nhưng làm thế nào để đọc đi đọc lại cùng một cuốn sách mà không chán? Có một thời điểm, tôi đã đọc Kinh Thánh quá nhiều đến nỗi thấy nó buồn tẻ, nhàm chán và quá quen thuộc.
Khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn, tôi dễ dàng bỏ qua thời gian đọc Kinh Thánh; Tôi đã quen thuộc với Kinh Thánh và không còn quá trân trọng, giống như dân Y-sơ-ra-ên coi ma-na mà Đức Chúa Trời cung ứng cho họ trong sa mạc là điều bình thường (Dân Số Ký 11:6).
Nhưng rồi quan điểm đó đã thay đổi. Tôi không thể xác định chính xác một khoảnh khắc phấn khởi, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng tôi ngày càng không hài lòng với việc mình thiếu nhiệt tình đối với Kinh Thánh, biết rằng đọc Kinh Thánh là thời gian đặc biệt để tôi kết nối với Cha Thiên Thượng và Lời Đức Chúa Trời ban cho sự sống (Châm Ngôn 3:1-4). Tôi biết cuộc sống của tôi phụ thuộc vào việc đọc và biết Lời Ngài.
Có lẽ bạn tự hỏi: “Cuộc sống của bạn phụ thuộc vào đọc và biết Lời Ngài có nghĩa là gì?” Chà, tôi muốn biết ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời mình—tôi cần sự hướng dẫn của Ngài. Qua kinh nghiệm trong quá khứ, tôi cũng biết rằng sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời luôn dẫn tôi đi con đường đúng đắn, ngay cả khi tôi không thích kết quả tức thì trong một số tình huống. Chúa Jêsus nói rằng chiên của Ngài biết tiếng của Ngài (Giăng 10:27), và tiếng của Ngài ở trong Kinh Thánh—tôi biết rằng để nhận được ích lợi từ sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, tôi cần phát triển một tấm lòng khao khát Lời Ngài.
Dưới đây là ba cách mà tôi thấy hữu hiệu để nhận được lợi ích tối đa trong việc đọc Kinh Thánh và dành thì giờ với Chúa.
1. Giữ riêng thời gian không bị phân tâm để đọc Kinh Thánh
Đầu tiên, tôi đảm bảo rằng mình phải có thời gian để thực sự đọc Kinh Thánh. Càng lớn, chúng ta càng có nhiều trách nhiệm trong cuộc sống. Có những giai đoạn trong đời tôi có quá nhiều việc phải làm, dường như không có đủ thời gian trong một ngày; tôi thực sự phải cài đặt thông báo trên điện thoại để nhắc tôi ăn. Lúc ấy, tôi tự nhắc mình rằng mặc dù Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời và Ngài rất bận rộn khi Ngài ở trên đất này, nhưng Ngài vẫn dành thời gian để tương giao với Cha ở một nơi yên tĩnh (Mác 1:35-37).
Tôi bắt đầu cam kết để đọc Kinh Thánh vào buổi sáng. Nếu vì lý do nào đó không thể làm được, tôi sẽ đọc Kinh Thánh trong suốt quãng đường đi làm (bạn cũng có thể nghe Kinh Thánh nếu lái xe hơi). Đôi khi, tôi tĩnh nguyện trong thời gian ăn trưa, hoặc nán lại trong văn phòng để ăn, hoặc tìm một khu vườn yên tĩnh. Tôi bắt đầu đảm bảo rằng mình có thời gian không bị phân tâm để có thể tập trung vào Lời Chúa.
2. Cầu nguyện xin Chúa ban sự thông hiểu trước khi đọc Kinh Thánh
Chỉ đọc Kinh Thánh thôi thì chưa đủ (đặc biệt khi Kinh Thánh đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với tôi). Vì vậy, tôi bắt đầu bằng cách cầu xin Chúa ban cho tôi sự khao khát lời Ngài (Thi Thiên 63). Trước khi đọc Kinh Thánh, tôi đều cầu nguyện xin Chúa mở mắt để tôi có thể thấy những điều kỳ diệu trong luật pháp của Ngài (Thi Thiên 119:18).
Kể từ thời điểm đó, Kinh Thánh trở nên sống động đối với tôi. Có những ngày, tôi đọc một câu Kinh Thánh mà ba tuần sau, câu Kinh Thánh đó lại đến với tôi theo một cách mới mẻ. Tôi bắt đầu hiểu Lời Chúa có thể áp dụng như thế nào trong những tình huống mà tôi gặp phải. Giống như câu Kinh Thánh Giê-rê-mi 33:3— mà Chúa bảo chúng ta “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời con; Ta sẽ tỏ cho con những việc lớn và khó, là những việc con chưa từng biết”—câu Kinh Thánh đó đã trở nên thực hữu trong đời sống tôi.
Sự cầu nguyện rất quan trọng trong sự tương giao với Đức Chúa Trời. Ngay cả khi chúng ta không nhận được câu trả lời ngay lập tức, hoặc nếu Ngài không trả lời theo cách chúng ta mong đợi, thì chúng ta có thể được an tâm rằng Đức Chúa Trời luôn trả lời theo cách của Ngài và vào thời điểm của Ngài. Tôi khích lệ bạn tiếp tục cầu nguyện trước khi đọc Lời Ngài, và một ngày nào đó, bạn sẽ thấy kết quả của lời cầu nguyện của mình.
3. Dành thời gian suy ngẫm một câu hay phân đoạn Kinh Thánh cụ thể
Như hầu hết những người bận rộn sẽ đồng ý điều này, rằng tâm trí của chúng ta liên tục làm việc ngay cả khi chúng ta muốn chúng dừng lại. Sự tập trung không dễ dàng đối với tôi. Vì vậy, để ghi nhớ tốt hơn sự mặc khải và sự hiểu biết đến từ việc đọc Lời Chúa, tôi bắt đầu đọc đi đọc lại Kinh Thánh.
Một cách đơn giản để tôi bắt đầu làm điều này là đọc hai lần. Không phải lúc nào cũng ngay sau đó—đôi khi là ngày hôm sau hoặc cuối tuần đó. Tôi bắt đầu nghiền ngẫm câu Kinh Thánh, tự đặt câu hỏi về những gì tôi vừa đọc để giúp tôi thực sự suy nghĩ về ý nghĩa của một câu hay phân đoạn Kinh Thánh đó (Thi Thiên 1:2).
Một người bạn của tôi áp dụng phương pháp “câu gốc trong tuần”. Cậu ấy để một tấm hình có câu Kinh Thánh trên màn hình điện thoại và lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày cho đến khi thuộc lòng. Có một phương pháp khác mà tôi đã học được từ việc viết lách. Tôi có một cuốn sổ nhỏ mà tôi mang theo bên mình trong túi xách. Giống như việc tôi sẽ viết xuống một ý tưởng bài báo lóe lên khi tôi đang đi bộ trên phố, tôi cũng viết ra những câu Kinh Thánh và những gì tôi học được từ đó để tôi có thể xem đi xem lại cho đến khi nó thấm nhuần.
Khi tôi áp dụng những phương pháp này, sự nhàm chán mà tôi cảm thấy đối với Kinh Thánh đã biến mất. Tôi bắt đầu mong chờ được đọc Kinh Thánh và tận hưởng linh lương dồi dào mà Đức Chúa Trời ban cho một cách phong phú qua lời Ngài—việc đó trở nên thú vị hơn và mới mẻ hơn.
Nếu bạn cũng cảm thấy như tôi và muốn làm mới lại thì giờ tĩnh nguyện, học hỏi Lời Chúa, tôi hy vọng ba phương pháp này sẽ giúp ích cho bạn theo một cách nào đó. Tôi chỉ có thể thú nhận rằng những phương pháp này đã và vẫn giúp ích cho tôi rất nhiều trong tiếp tục nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của chính mình qua Lời Đức Chúa Trời.
Tác giả: Debra Ayis, Nigeria
Chuyển ngữ: Nhựt Hồng
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2020/01/3-tips-to-revitalize-your-devotional-time/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/