3 CÂU KINH THÁNH MANG ĐẾN HY VỌNG GIỮA LÚC BẤP BÊNH

Có thể nói, năm 2020 thật sự là một năm kinh hoàng. Hàng triệu người trên toàn cầu đã cảm nhận được những tác động của đại dịch COVID, dù là bị nhiễm vi-rút hay bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan.

Mặc dù có lẽ hiếm khi rất nhiều người cùng đối mặt với một loại khó khăn, nhưng có một điều không hề bất thường trong năm 2020 – đó là cuộc sống luôn đầy những khó khăn. Ngay cả khi COVID không xảy ra, chúng ta vẫn sẽ có những ngày tồi tệ — kế hoạch bị trì hoãn hay hủy bỏ, mất mát, đau đớn và buồn bã.

Bên cạnh khó khăn, nhiều điều được cho là chắc chắn khác trên thế giới thật ra cũng luôn bấp bênh. Không ai biết điều gì sẽ đến vào ngày mai, cũng như vào tháng 1 năm ngoái, chúng ta không biết năm 2020 sẽ trở nên như thế này.

Đây không phải là cảm giác dễ chịu đối với tôi. Tôi không muốn bị bất ngờ. Tôi thích kiểm soát và đoán trước kết quả. Trên thực tế, tôi rất kém trong việc xử lý các tình huống bất ngờ đến mức tôi giả vờ rằng chúng không xảy ra và cố gắng tiếp tục như bình thường. Nhưng tôi nhận ra một cách khó khăn rằng điều này không tốt chút nào, những việc gây ‘đau đầu’ chắc chắn sẽ xảy ra sau đó và tôi đang dần chấp nhận rằng tôi cần phải tìm ra cách phản ứng tốt hơn.

Khi suy ngẫm về cách tôi kiểm soát cuộc sống trong một thế giới không thể dự đoán, tôi nhận thấy có ba câu Kinh Thánh đặc biệt hữu ích trong việc hướng tấm lòng tôi đến với sự bình an của Đức Chúa Trời:

1. Hãy vững lòng, Chúa Jêsus đã chiến thắng thế gian rồi

Ta đã bảo các con những điều nầy, để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi.” (Giăng 16:33)

Khi nghiên cứu sách Phúc âm Giăng vào năm ngoái, tôi đã bị ấn tượng bởi những cuộc trò chuyện giữa Chúa Jêsus và các môn đồ trước khi Ngài bị bắt và đóng đinh. Ngài sắp chịu khổ, nhưng Ngài vẫn dành thời gian để làm vững lòng các môn đồ bằng những lời đầy yêu thương và cảm thông.

Chúa không nói với môn đồ rằng cuộc sống của họ sẽ dễ dàng. Trên thực tế, Ngài nói rằng họ (và chúng ta) sẽ gặp hoạn nạn. Những điều tồi tệ xảy đến với chúng ta như một phần của cuộc sống và là những người theo Chúa, chúng ta được báo trước về sự chịu khổ và bắt bớ sẽ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta có lý do để hy vọng vì Chúa Jêsus bảo chúng ta “hãy vững lòng”. Khi tấm lòng của chúng ta sờn ngã vì không thể chịu nỗi những gì xảy đến —sự cô đơn, bệnh tật hoặc mất mát — Chúa Jêsus phán: “Hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi”.

Có Chúa Jêsus đồng hành, chúng ta có thể đứng vững khi những đau khổ ập đến. Chúa Jêsus là người bạn không chỉ đi bên cạnh chúng ta, mà còn là người thấu hiểu những gì chúng ta đang cảm thấy. Ngài không phải là một vị thần xa xôi không biết cảm giác mất đi người bạn thân nhất hoặc bị phản bội. Ngài đã đến và sống trong thế giới của chúng ta, trải nghiệm cuộc sống có cả vui mừng và đau đớn. Ngài hiểu rõ hơn ai hết những gì chúng ta đang trải qua, bởi vì chính Ngài đã trải qua điều đó trước.

Khi trải qua những lúc bấp bênh, cảm xúc của chúng ta — sợ hãi, lo lắng hay bối rối — có thể lấn át khiến chúng ta thấy khó cầu nguyện. Tôi nhận thấy rằng khi không biết phải nói gì với Chúa, tôi có thể bắt đầu bằng việc thừa nhận cảm xúc của mình khi đối diện với những gì đang xảy ra. Tôi nhận thấy rằng việc thành thật với Chúa giúp tôi nhìn nhận hoàn cảnh bằng tầm nhìn mới — đó không phải là hoàn cảnh vô vọng nhưng tôi đang vượt qua bão tố cùng với Cha Thiên Thượng đầy nhân từ.

2. Đừng chán nản hay ngã lòng

Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự chống đối của những kẻ tội lỗi dường ấy, để không chán nản hay ngã lòng.” (Hê-bơ rơ 12:3)

Khi tôi nghĩ về cách Chúa Jêsus đối diện với thập tự giá, một điều tôi nhận thấy là Ngài không xem nhẹ những gì Ngài sắp trải qua. Ngài cho biết lòng Ngài vô cùng sầu muộn. Nhưng hơn thế, Ngài cũng nói về những điều tốt đẹp sẽ đến từ sự chết của Ngài. Ngài nói với các môn đồ rằng Ngài sẽ đi nhưng sẽ trở lại để họ có được niềm vui lâu dài. Khi Ngài đi, Đức Thánh Linh sẽ đến để giúp đỡ các môn đồ. Và cuối cùng, kết quả của việc Ngài chết thay cho chúng ta là chúng ta có thể được hòa giải với Đức Chúa Trời. Và ý nghĩ đó đã mang lại cho Ngài niềm vui.

Tôi thấy Hê-bơ-rơ 12 thật thú vị và đầy khích lệ, vì nó cho chúng ta biết những gì Chúa Jêsus đã chịu khổ vì chúng ta và tại sao Ngài làm điều đó. Chúng ta được mời gọi nhìn vào cuộc đời của Chúa Jêsus và cách Ngài đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Nhờ đó, chúng ta không chán nản hay ngã lòng.

Là con người, chúng ta có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực trước mắt. Và những điều tồi tệ đó là có thật. Cảm xúc của tôi về đại dịch COVID và các lệnh hạn chế là hợp lý. Nhưng chúng ta có thể chọn không để những điều đó trở thành trọng tâm suy nghĩ của mình. Thay vào đó, chúng ta chọn nhìn vào những điều tốt đẹp mà mình có và dâng lời tạ ơn Chúa.

Một điều mà tôi làm vào cuối mỗi ngày là nghĩ về ít nhất ba điều tốt đã xảy ra vào ngày hôm đó. Và tôi tạ ơn Chúa về những điều đó. Khi làm vậy, tôi lại thấy rằng mình thường có nhiều hơn ba điều để biết ơn. Mục đích của tôi là chuyển trọng tâm từ tất cả những điều mà tôi nghĩ rằng Chúa đáng lẽ nên làm nhưng đã không làm, sang những phước lành mà Ngài đã ban cho tôi và những phước lành trong tương lai mà Ngài đã hứa.

3. Phân biệt giữa điều tốt và điều không tốt

“Mọi sự đều được phép làm,” nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Mọi sự đều được phép làm,” nhưng không phải mọi sự đều xây dựng”. (I Cô-rinh-tô 10:23)

Câu Kinh Thánh cuối cùng tôi muốn đề cập đến là một lời nhắc nhở đúng lúc. Tại đây, Phao-lô đang viết thư cho hội thánh Cô-rinh-tô về thái độ của họ đối với nhau. Ông nhắc nhở họ rằng mặc dù họ không còn bị ràng buộc bởi luật về thức ăn giống người Do Thái, nhưng việc thực hiện quyền tự do làm bất cứ điều gì họ muốn có thể không phải là điều tốt nhất cho họ hoặc anh chị em cùng đức tin.

Điều này khiến tôi suy nghĩ về cách tôi bày tỏ sự quan tâm đến người khác khi tôi gặp gỡ bạn bè hoặc làm các hoạt động thường ngày. Hiện tại, các hạn chế đã được thắt chặt nên không đáng lo ngại, nhưng khi mọi thứ thoải mái hơn, tôi phải suy nghĩ nhiều về hành động của mình ảnh hưởng thế nào đến những người xung quanh. Về cơ bản, tôi có thể vẫn tuân theo các quy tắc để gặp gỡ ai đó bên ngoài, nhưng nếu điều đó làm tăng thêm sự lo lắng của người khác thì sao? Vì vậy, tôi quyết định không đăng các chuyến đi chơi của mình lên mạng xã hội. Khi mua sắm trong siêu thị, tôi cố gắng giữ khoảng cách cho người khác. Chỉ vì tôi không lo lắng về những điều này không có nghĩa là người khác cũng vậy, và tôi cố gắng hết sức để tôn trọng điều đó.

Câu Kinh Thánh cũng khiến tôi nghĩ về những việc tôi đang làm có thể không thực sự hữu ích, ngay cả khi bản thân những điều này không có gì sai. Ví dụ: tôi có thực sự cần xem mọi tin tức về COVID hay nó chỉ khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và bất lực? Có lẽ tôi chỉ cần nắm bắt các thông tin quan trọng. Tôi có cần phải lướt mạng xã hội của mình và cảm thấy buồn vì người khác làm được nhiều việc trong thời gian giãn cách (trong khi tất cả những gì tôi làm là ăn nhiều đồ ăn vặt hơn và tập thể dục ít hơn!)?

Tôi cần tìm ra những thứ tốt cho tôi và điều nào đang thực sự ảnh hưởng tệ đến tôi, không chỉ cho sức khỏe tinh thần mà còn trong đời sống đức tin của mình. Thời gian dành cho việc lướt mạng xã hội có tốt hơn dành cho việc đọc Lời Chúa và suy ngẫm lẽ thật của Ngài không? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi sử dụng thời gian của mình để trình dâng những mối quan tâm và lo lắng cho Chúa thay vì xem tin tức?

Khi tôi cố gắng thay đổi thói quen của mình, tôi được khích lệ về cách tôi nhận thấy những điều cần biết ơn, những điều Chúa đáp lời cầu nguyện và cách nhìn nhận của tôi đã trở nên tích cực hơn.

Khó khăn và sự bấp bênh là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống của mọi người. Mặc dù chúng ta cần nhận biết những điều đang xảy ra xung quanh, và việc cảm thấy buồn về chúng cũng là điều tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn có thể lựa chọn tìm kiếm những điều tốt đẹp mà Chúa đã ban cho chúng ta. Không phải lúc nào cũng dễ dàng điều chỉnh tâm trí của chúng ta để nhìn thấy tình yêu và phước hạnh của Ngài nhưng khi làm vậy, chúng ta tìm thấy niềm an ủi và hy vọng đời đời.

Tác giả: Ruth Lawrence, UK

Biên dịch: Nhựt Hồng

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ymi.today/2021/02/3-verses-that-give-me-hope-amidst-uncertainty/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/