3 LÝ DO KHIẾN CHÚNG TA TRÌ HOÃN (VÀ CÁCH VƯỢT QUA CHÚNG)

Tất cả chúng ta đều có những lúc trì hoãn việc gì đó. Vì chúng ta sống trong một thế giới bị hủy hoại bởi tội lỗi nên khó tránh khỏi có những thứ chúng ta không muốn làm hoặc cảm thấy khó thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta có thể mong muốn rằng mình đã không trì hoãn nhiều như vậy! Nhưng trước khi có thể nghĩ ra cách để khắc phục, chúng ta phải hiểu tại sao mình lại trì hoãn.

Tiến sĩ tâm lý Joseph Ferrari cho biết: Tính trì hoãn “chẳng liên quan gì đến khả năng quản lý thời gian cả”. Đúng hơn, “chúng ta trì hoãn vì chúng ta cảm thấy mình không có tâm trạng để làm việc và cho rằng tâm trạng của mình sẽ sớm thay đổi”.

Từ góc nhìn của một Cơ Đốc nhân, việc trì hoãn thật ra không chỉ xuất phát từ việc “không có tâm trạng” nhưng từ một tấm lòng sai trật (từ đó dẫn đến cách suy nghĩ sai và tâm trạng không đúng đắn).

Khi chúng ta chọn hoãn lại việc nào đó trong danh sách những việc cần làm (lát nữa, ngày mai, tuần sau), đằng sau quyết định đó là ba lựa chọn mà chúng ta âm thầm đưa ra, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng của chúng ta (động cơ):

5-Signs_1

1. Chúng ta muốn sự dễ dàng thay vì những thách thức

Chúng ta sống trong thời đại mà mọi người được khuyến khích né tránh khó khăn và thử thách. Nếu đam mê không được thỏa mãn trong công việc, chúng ta nhảy việc. Nếu tình bạn trở nên quá khó khăn, họ khuyên ta đừng tiếp tục mối quan hệ đó nữa. Điều tương tự cũng diễn ra trong hội thánh. Nếu hội thánh không còn thỏa mãn nhu cầu của chúng ta, có lẽ đó là dấu hiệu cần phải tìm một hội thánh khác.

Đó là cách suy nghĩ đặc trưng trong nền văn hóa của chúng ta – khó khăn và thử thách là những dấu hiệu cho thấy mọi việc đang không ổn.

Nhưng Kinh Thánh thách thức lối suy nghĩ đó. Chúa đã dạy chúng ta nhiều lần rằng Ngài hành động qua hoạn nạn chứ không phải sự an toàn (Rô-ma 5:3-4, Gia-cơ 1:2-4, I Phi-e-rơ 4:12-16). Trong sự dạy dỗ lạ lùng của Chúa, khi chọn làm một việc khó khăn, chúng ta được hứa về niềm hân hoan sâu sắc hơn khi công việc hoàn tất (Hê-bơ-rơ 12:10-11, Ga-la-ti 6:9).

Alexander MacLaren, một mục sư Báp-tít người Scotland, đã từng viết:

“Không có nhiệm vụ không mong muốn nào trở nên đáng mong muốn hơn bằng cách trì hoãn chúng cho đến ngày mai. Chỉ khi hoàn thành chúng, chúng ta mới bắt đầu nếm trải dư vị ngọt ngào và việc nhớ rằng bản thân đã thực hiện những nhiệm vụ không hề dễ chịu một cách không do dự là điều đáng hoan nghênh và đáng vui mừng.”

Khi nhìn lại những nhiệm vụ đầy thử thách mà chúng ta đã hoàn thành và nhận thấy cách Chúa đã giúp chúng ta đối mặt với chúng, chúng ta sẽ nhìn những “nhiệm vụ không mong muốn” đó bằng một cách nhìn mới; chúng ta cảm nhận được “sự hài lòng và dễ chịu” sau khi nhận thấy cách Chúa sử dụng chúng để phát triển tính cách của chúng ta cách ích lợi.

3-Reasons_2

2. Chúng ta muốn nín lặng thay vì tìm sự giúp đỡ

Một lý do khiến chúng ta nói rằng “Ngày mai tôi sẽ làm” là vì chúng ta không chắc chắn về cách làm công việc đó trong ngày hôm nay. Nhưng thay vì thừa nhận rằng mình cần giúp đỡ, lòng kiêu hãnh đã khiến chúng ta nín lặng, với hy vọng hão huyền rằng khi ngày mai đến, sẽ có sáng kiến nào đó giúp chúng ta biết cách thực hiện công việc này. Nhưng rồi ngày mai đến và chúng ta vẫn không biết phải làm thế nào.

Khi chắc chắn về địa vị của mình trong Đấng Christ (con cái yêu dấu và quý báu của Đức Chúa Trời), chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng: “Tôi không biết cách làm việc này, bạn có thể giúp tôi không?” Và hành động này có thể dẫn đến điều gì đó đơn giản để giúp chúng ta có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mà bản thân đang trì hoãn.

3-Reasons_3

3. Chúng ta dựa vào sức riêng thay vì dựa nơi sức Chúa

Tuy không muốn thừa nhận, nhưng trong thực tế, đây là cách chúng ta thường làm. Đã bao nhiêu lần chúng ta bắt đầu giải quyết một nhiệm vụ khó khăn để rồi trì hoãn thực hiện cho đến ngày mai, thay vì dừng lại và cầu xin Chúa ban cho năng lực, kiến thức và kỹ năng mà chúng ta cần để thực hiện ngay hôm nay.

Như tác giả Scott Hubbard giải thích, chỉ khi bắt đầu thực hiện một nhiệm vụ đầy thử thách, chúng ta mới nhận thấy Chúa cung cấp những gì chúng ta cần để thực hiện:

“Khi chú tâm vào một nhiệm vụ không mong muốn nào đó và cảm thấy không có sức lực để làm, chúng ta có thể quên rằng Chúa thường chỉ ban năng lực khi chúng ta bắt đầu làm. Nước sông Giô-đanh chỉ ngừng chảy khi các thầy tế lễ đặt chân xuống (Giô-suê 3:13). Dầu trong bình của bà góa chỉ chảy ra khi bà bắt đầu rót (II Các Vua 4:1-6). Mười người phung chỉ được sạch khi họ đi trình diện các thầy tế lễ như Chúa Jêsus truyền (Lu-ca 17:11-14). Và thông thường, Đức Chúa Trời chỉ hành động trong chúng ta khi (chứ không phải trước khi) chúng ta bắt đầu hành động (Phi-líp 2:12-13).”

Với những lẽ thật này, làm cách nào để chúng ta vượt qua sự trì hoãn của mình? Dưới đây là ba cách để thực hiện:

1. Khuyên bảo chính mình

Thông thường, điểm khởi đầu để giải quyết những thói quen xấu là giải quyết tấm lòng của chính mình. Khi chúng ta bắt đầu công việc trong ngày và đặc biệt là khi chúng ta phải giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, chúng ta cần giảng giải cho chính mình những lẽ thật đã đề cập ở trên:

“Chúa hành động thông qua những thử thách hơn là sự thoải mái, vì vậy tôi sẽ bắt đầu nhiệm vụ khó khăn này, biết trước rằng phần thường sẽ đến khi hoàn tất công việc.”

“Tôi cần sự giúp đỡ để làm việc này và bởi vì tôi được đảm bảo về địa vị của mình trong Đấng Christ nên tôi sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ.”

“Tôi cảm thấy mình không có đủ năng lực để làm điều này ngày hôm nay, vì vậy tôi sẽ cầu xin Chúa chu cấp cho tôi những gì tôi cần.”

Điều này không giống với việc “tự động viên bản thân” – lời khuyên phổ biến trong nhiều quyển sách rèn nhân cách ngày nay. Đúng hơn, những lời này đang nhắc nhở chúng ta về lẽ thật Phúc Âm. Không phải là “Tôi có thể làm được”, mà là cách “Chúa giúp tôi vượt qua”.

2. Cầu nguyện

Chúng ta cần cầu nguyện để Chúa giúp chúng ta nhận biết những lẽ thật mà chúng ta đang khuyên bảo chính mình. Đây là trọng tâm của việc giải quyết sự trì hoãn với tư cách là một Cơ Đốc nhân – rằng sự trì hoãn sẽ chỉ được khắc phục khi tấm lòng của chúng ta thay đổi. Không giống như việc rèn nhân cách, chúng ta nhận ra rằng mình không thể giải quyết vấn đề và đưa ra những lựa chọn khó khăn bằng sức riêng.

Chọn thử thách thay vì sự dễ dàng, tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì tranh chiến trong im lặng và hãy nhớ luôn nương cậy nơi Chúa – khi làm tất cả những điều này, chúng ta sẽ có khả năng chọn được điều tốt lành nếu Chúa, qua Thánh Linh Ngài, giúp đỡ chúng ta.

Vì vậy, hãy cầu xin Chúa làm điều đó trong chúng ta! Bạn có thể bắt đầu bằng một lời cầu nguyện đơn giản, như sau:

“Lạy Cha, con không muốn phải thừa nhận rằng con cần giúp đỡ, nhưng con biết con đang trì hoãn nhiệm vụ này vì con không biết cách thực hiện. Xin giúp con hạ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ mà con cần.”

“Lạy Cha, con không muốn thực hiện những việc khó khăn, nhưng con biết Lời Ngài phán với con rằng những việc đó có ích cho con và sẽ xây dựng nên tính cách của con. Xin giúp con nhận biết lẽ thật này một lần nữa và xin ban cho con năng lực để thực hiện nhiệm vụ khó khăn mà con đang trì hoãn.”

3. Hãy cứ bắt đầu

Đôi khi chúng ta chỉ cần bắt tay vào làm. Đây thường có thể là bước khó khăn nhất, nhưng khi đã bắt đầu, chúng ta sẵn sàng đón nhận bất cứ khả năng nào để Chúa cung cấp những gì chúng ta cần.

Nếu đứng một mình, lời khuyên này cũng chỉ như việc bảo một người hút thuốc “hãy ngừng hút thuốc đi” hoặc một người bị trầm cảm “hãy vui lên”. Nhưng, điều này chỉ xảy ra sau những điều đã được đề cập trước đó — nhận biết những nan đề trong lòng đang khiến chúng ta trì hoãn, khuyên bảo chính mình về những lẽ thật cần thiết để giải quyết những nan đề đó và dâng những điều đó cho Chúa qua lời cầu nguyện.

Sau khi đã làm tất cả những điều đó, bây giờ điều chúng ta cần làm đơn giản là bắt tay vào công việc và tin cậy rằng Chúa sẽ giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ.

Điều có thể giúp chúng ta bắt đầu là chia nhiệm vụ khó khăn thành những phần nhỏ và tự nhủ: “Tôi sẽ cầu xin Chúa giúp tôi hoàn thành ít nhất một phần trong hôm nay và tôi có thể làm phần tiếp theo vào ngày mai nếu cần”. Thông thường, khi đã thực hiện được phần đầu tiên, thì phần thứ hai (và thứ ba, thứ tư) dường như không quá khó khăn.

Đôi khi, chúng ta có thể thử đặt những nhiệm vụ mà chúng ta ít thích thú nhất lên đầu danh sách việc cần làm và để dành những nhiệm vụ dễ dàng và thú vị cho sau này. Để dễ dàng hơn, chúng ta có thể thêm một vài “lợi ích thấy ngay” để thực hiện cùng lúc với những nhiệm vụ khó khăn, nhờ đó chúng ta vẫn có thể trải nghiệm cảm giác hài lòng khi hoàn tất một số việc trong danh sách việc cần làm trong lúc giải quyết những việc khó khăn hơn.

5-Signs_4

1. Chúng ta muốn sự dễ dàng thay vì những thách thức

Sự trì hoãn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Không thể tránh khỏi việc có những công việc chúng ta phải làm mỗi ngày mà chúng ta không thích. Nhưng thay vì mặc định rằng “Tôi sẽ làm điều đó vào ngày mai”, trước tiên hãy dành một chút thời gian để thử thách tấm lòng của bạn, giao phó suy nghĩ sai lầm của bạn cho Chúa trong lời cầu nguyện, rồi bắt đầu!

Chuyển ngữ: Ngọc Duyên

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/10/3-reasons-we-procrastinate-and-how-we-can-overcome-it/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/