3 VẤN ĐỀ CỦA TẤM LÒNG CẦN ĐƯỢC DÂNG TRÌNH LÊN CHÚA
Trên linh trình theo Chúa, có những vấn đề mà chúng ta luôn phải tranh đấu. Nhưng vì những vấn đề ấy đã được “bình thường hóa” (vì hầu như ai cũng cảm thấy như vậy), nên chúng ta không còn xem đó là vấn đề nữa – Không thỏa lòng với những gì mình có? (Ai lại không cảm thấy như vậy?) Thường xuyên lo lắng về cuộc sống? (Thật sự ai mà chẳng như thế?) Chưa đủ biết ơn? (Vâng, đương nhiên tôi nên biết ơn nhiều hơn!)
Có lẽ chúng ta đã nghe vô số bài giảng về các chủ đề này đến mức thuộc lòng. Có lẽ một phần nào đó trong chúng ta nghĩ rằng: “Con người vốn là như vậy đấy”.
Nhưng điều này ảnh hưởng rất nhiều đến mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa. Giống như những xung đột không được hòa giải sẽ làm cho mối liên hệ ngày càng tồi tệ, việc không giải quyết những vấn đề sâu thẳm trong lòng khiến chúng ta khó mà nhận ra lẽ thật trong Lời Chúa và trải nghiệm trọn vẹn niềm vui của Ngài. Có thể chúng ta đã cố gắng tin cậy nơi Chúa trong một thời gian dài, nhưng vẫn cảm thấy bế tắc và mất phương hướng. Liệu có phải một trong những vấn đề này chính là nguyên nhân?
1. Chủ nghĩa vật chất và sự bất mãn (“Giá như tôi có nhiều hơn…”)
Bạn đang lướt mạng xã hội thì một đoạn quảng cáo hấp dẫn hiện lên. Bạn không có ý định tìm mua một đôi giày thể thao, một chiếc ba lô hay một chiếc ghế mới, nhưng bạn vẫn nhấn “Mua ngay” chỉ để xem giá của nó là bao nhiêu. Bạn biết đấy, tiếp theo bạn sẽ dành hàng giờ để ngắm hằng hà sa số những sản phẩm đẹp mắt kéo theo sau đó.
Chúng ta có quyền mua và thưởng thức những thứ chúng ta có thể mua được. Nhưng đôi khi, những gì ban đầu chỉ mang tính “giải trí” và xua tan nỗi buồn trong cuộc sống rốt cuộc lại khiến chúng ta nghiện ngập. Bởi vì thế giới này luôn tìm mọi cách để kích thích ham muốn mua sắm, nên càng xem nhiều, chúng ta lại càng thèm muốn, và càng mua nhiều, chúng ta lại càng cảm thấy mình thiếu thốn nhiều hơn.
Khi những thứ trong giỏ hàng bắt đầu định nghĩa hạnh phúc của chúng ta (“Chỉ cần tôi có được thứ này thì tôi sẽ hạnh phúc!”), hãy ngay lập tức nhận biết rằng tấm lòng mình đã đi chệch hướng. Như tác giả Tish Warren đã nói: “Chủ nghĩa tiêu dùng không chỉ đơn giản là mua sắm. Nó khiến lòng chúng ta luôn khao khát những thứ mới lạ và tốt đẹp hơn… Nó lặng lẽ tạo nên một niềm tin sâu thẳm, rằng nếu chúng ta mua đủ, du lịch đủ hoặc trải nghiệm đủ những điều tuyệt vời… thì chúng ta có thể hoàn thiện bản thân mình.”
Tuy nhiên, như tác giả sách Truyền Đạo đã nói (từ kinh nghiệm trực tiếp!), mọi thú vui đều vô nghĩa (Truyền Đạo 2:10-11), và những ai muốn nhiều hơn sẽ không bao giờ cảm thấy đủ (Truyền Đạo 5:10-11). Ngay cả chính Chúa Jêsus cũng cảnh báo chúng ta: “Sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật” (Lu-ca 12:15) bởi vì Ngài biết chúng ta sẽ trở nên yếu đuối như thế nào khi gặp vấn đề này.
Để giải quyết niềm khao khát được sở hữu nhiều hơn, I Ti-mô-thê 6:6-8 khích lệ chúng ta: “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng.”
Những thứ mà chúng ta theo đuổi hay ham muốn cuối cùng rồi cũng sẽ phai nhạt và qua đi, giống như niềm vui thoáng qua mà chúng ta nhận được từ chúng. Thay vì chú tâm vào những thứ tạm bợ này, hãy trông cậy nơi Chúa và xin Ngài ban cho những gì chúng ta thật sự cần. Hãy nghỉ an trong sự chăm sóc của Ngài, biết rằng niềm hạnh phúc và thỏa lòng đích thực, lâu dài chỉ có ở nơi Ngài mà thôi.
2. Không ngừng lo lắng (“Tôi luôn căng thẳng, liệu chuyện gì sẽ ập tới nữa đây?”)
Hạn cuối của dự án lớn này đang đến gần và nỗi lo âu căng thẳng khiến bạn mất ngủ hàng đêm.
Có tin đồn rằng công ty đang cắt giảm quy mô và bạn không biết liệu mình có nằm trong diện bị cắt giảm hay không.
Bạn lỡ thốt ra một điều ngớ ngẩn, và giờ đây bạn không thể ngừng suy diễn những điều người khác nghĩ về mình.
Lo lắng đã trở thành một điều bình thường đối với chúng ta. Tại sao chúng ta lo lắng nhiều như vậy? Bởi vì cuộc sống này đưa tới nhiều tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát, tuy nhiên thế gian lại nói với chúng ta rằng: cuộc đời có tốt đẹp hay không, ước mơ có thành hiện thực hay không “tùy thuộc vào chính bản thân bạn”. Chúng ta lo lắng vì thiếu niềm tin nơi sự tốt lành của Chúa (Ma-thi-ơ 6:30), bởi vì chúng ta định nghĩa sự tốt lành của Ngài dựa trên hoàn cảnh của mình.
Đây chính là lý do Chúa Jêsus truyền dạy chúng ta những lời trong Ma-thi-ơ 6:25-34 – phân đoạn Kinh Thánh quen thuộc với chủ đề “Sự lo lắng” – không phải để lên án chúng ta, nhưng để hướng dẫn chúng ta cách thay đổi nhận thức, không để cho nỗi lo lắng hủy hoại mình.
Trong cơn lo lắng, chúng ta thường nghĩ rằng mình phải tự lo liệu mọi việc, và nếu thất bại, mình sẽ phải lãnh hậu quả. Nhưng khi đọc kỹ câu 25 – “Mạng sống không quý trọng hơn thức ăn sao, thân thể không quý trọng hơn quần áo sao?” – chúng ta nhớ ra rằng mạng sống mình chính là một món quà từ Chúa, quý giá và quan trọng hơn tất cả những nỗi lo lắng đang xâm chiếm tâm trí. Nếu Chúa yêu thương chúng ta đủ để ban cho chúng ta mạng sống này, thì chẳng phải Ngài sẽ tiếp tục chăm sóc chúng ta sao, và chẳng phải cách Ngài nhìn chúng ta quan trọng hơn nhiều so với những gì người khác nghĩ về chúng ta sao?
Và khi đọc câu 27 – “có ai trong các con nhờ lo lắng mà làm cho cuộc đời mình dài thêm một khoảnh khắc không?” – thì chúng ta hãy dừng lại và suy ngẫm: Liệu việc dành hết thì giờ để lo lắng cho công việc có giúp chúng ta có thêm thời gian không? Lo lắng có giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ hay giảm bớt khối lượng công việc không? Đây là lý do Thi Thiên 127 nhắc nhở chúng ta rằng đừng trông cậy vào công khó của bản thân, bởi vì chính Chúa là Đấng khiến mọi việc xảy ra và Ngài luôn quan tâm chăm sóc chúng ta (c.1-3).
Nỗi lo lắng có thể vẫn còn ám ảnh, nhưng nó không phải là thứ bất diệt. Lời hứa của Chúa Jêsus – “Cha các con ở trên trời đã biết mọi nhu cầu của các con” (Ma-thi-ơ 6:32) – là liều thuốc mà chúng ta cần dùng mỗi ngày để tăng cường “sức đề kháng” chống lại căn bệnh lo lắng.
3. Thiếu lòng biết ơn (“Tôi chẳng có gì để biết ơn cả…”)
Không phải là bạn chẳng bao giờ biết ơn. Chỉ là bạn không thể ngừng nghĩ về những khó khăn trong cuộc sống. Tất nhiên, có thể chúng ta vừa trải qua một chuỗi ngày tồi tệ. Nhưng ngoài ra, còn điều gì khiến chúng ta cảm thấy chẳng thể biết ơn?
Có thể chúng ta thường nhìn nhận mọi việc theo hướng tiêu cực, vì chúng ta lớn lên trong một môi trường đầy chỉ trích. Có thể chúng ta được dạy rằng phải không ngừng phấn đấu trong cuộc sống, và chỉ được khen ngợi khi đạt được một số thành tựu nhất định: điểm số cao, bằng cấp xuất sắc, sự nghiệp thăng tiến, tình yêu hoàn hảo, hôn nhân hạnh phúc. Vì vậy, khi chưa có được những điều này, chúng ta dễ dàng tự hỏi: “Tôi có gì để biết ơn?”
Có một điều tuyệt vời mà bạn cần biết: lòng biết ơn theo Kinh Thánh không phải là kiểu mơ mộng mù quáng hay lạc quan thái quá. Biết ơn thậm chí còn không phụ thuộc vào cảm xúc của bạn.
Chỉ riêng sách Thi Thiên đã đề cập đến việc “tạ ơn” trên dưới 20 lần, và tất cả đều là tạ ơn Chúa vì “sự công bình của Ngài”, “các việc lạ lùng của Ngài” và “phước hạnh và sự thương xót của Ngài” (ví dụ: Thi Thiên 107). Tuy nhiên, Chúa không phải là một Đức Chúa Trời hão huyền, ra lệnh cho chúng ta tạ ơn vì điều đó làm vui lòng Ngài. Không phải khi chúng ta khen ngợi và cảm tạ thì danh Ngài mới được tôn cao, và tạ ơn cũng không phải là “điều kiện” để Ngài lắng nghe chúng ta.
Chúa kêu gọi chúng ta tạ ơn vì Ngài biết điều đó tốt cho tâm hồn chúng ta. Ngài biết rằng sự vô ơn đè nặng tâm hồn, khiến chúng ta khó mà nhận thấy sự tốt lành, thành tín và tình yêu thương Ngài dành cho chúng ta. Việc dâng lời tạ ơn kéo chúng ta đến gần Ngài hơn; tiếp lửa và giữ cho tâm hồn chúng ta luôn sốt sắng trong Ngài.
Có thể chúng ta nghĩ rằng phải cảm thấy biết ơn thì mới có thể tạ ơn Chúa. Nhưng thật ra, để cảm thấy biết ơn, trước tiên chúng ta phải tập tạ ơn Chúa.
Và như đã thấy qua những ví dụ trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tạ ơn ngay cả trong cơn thử thách (xem Thi Thiên 35 và 69) và trong hoàn cảnh khó khăn (trong II Cô-rinh-tô 1:3-11 và I Tê-sa-lô-ni-ca 2:2,13, đang khi bị bắt bớ Phao-lô vẫn tạ ơn Chúa, không phải vì vấn đề của ông chuyển biến khả quan hơn, mà vì Phúc m đang được truyền bá rộng rãi).
Những ví dụ này cho chúng ta thấy rằng việc tạ ơn kéo chúng ta đến gần Chúa giữa lúc khó khăn và giúp chúng ta nhìn thấy lòng nhân từ Ngài dù hoàn cảnh có ra sao. Làm điều này không dễ, nên chúng ta cần nhận thức rằng biết ơn vừa là mệnh lệnh phải tuân theo, vừa là điều mà Thánh Linh cảm thúc trong tấm lòng chúng ta (Ê-phê-sô 5:18-20, Cô-lô-se 3:15-16, Phi-líp 2:12-15).
Nếu bạn đang phải đối mặt với bất kỳ vấn đề nào ở trên, thì hôm nay là một cơ hội để bạn khiêm nhu cầu xin Chúa cứu giúp (Hê-bơ-rơ 3:12-13, Mác 9:24), và tin rằng Ngài luôn sẵn sàng ban ân điển bạn. Ngài yêu thương bạn bằng tình yêu dịu dàng và luôn thấu hiểu những gian nan trong đời bạn. Ngài muốn ban cho bạn ân điển bền chắc, Ngài muốn nâng đỡ bạn và giúp bạn vững bước (Hê-bơ-rơ 12:10-12). Ngài hứa sẽ chữa lành cho bạn và phát triển những điều tốt đẹp trong bạn, vì sự vinh quang và niềm vui của Ngài.
Nội dung & Minh họa: YMI
Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2023/06/3-heart-issues-to-surrender-to-god/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/