4 CÁCH ĐỂ TẬN DỤNG TỐI ĐA SỰ NGHỈ NGƠI
Điều đó lại xảy ra với tôi: một kỳ nghỉ cuối tuần dài hứa hẹn có thêm một ngày nghỉ ngơi, nhưng khi cuối tuần kết thúc, tôi lại chật vật kéo mình ra khỏi giường và bất đắc dĩ bắt đầu tuần làm việc.
Tôi đã nghỉ ngơi chưa? Chắc chắn là có, tôi có những ngày không làm việc; chỉ đi dạo công viên, tĩnh lặng, đến thăm một người dì, mua sắm, ăn tối với bạn bè và xem phim trên Netflix vào đêm khuya! Vậy tại sao tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi?
Bạn có giống tôi, cũng cảm thấy nghịch lý khi nhận thấy mình lại cần nghỉ ngơi thêm sau khi đã dành thời gian nạp lại năng lượng? Tại sao lối sống hiện đại thường lấy mất đi sự nghỉ ngơi thực sự của chúng ta, và Kinh Thánh nói gì về sự nghỉ ngơi? Sau khi tìm kiếm một số câu trả lời cho tình huống khó xử của tôi, đây là một vài điều tôi khám phá ra:
1. Nhận biết rằng không phải lúc nào giải trí cũng có nghĩa là nghỉ ngơi
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng nghỉ ngơi nghĩa là không làm việc – từ việc không làm gì cả, đến tận hưởng những sở thích của mình. Tuy nhiên, sự thật là mặc dù các hoạt động giải trí có thể giúp chúng ta nghỉ ngơi khỏi công việc thường ngày, nhưng những hoạt động này có thể gây mệt mỏi về thể chất, hoặc chúng ta có thể theo đuổi chúng đến mức cạn kiệt về thể chất, tinh thần hoặc tâm linh thay vì cảm thấy được tươi mới.
Chẳng hạn, mặc dù một chuyến du lịch nước ngoài có thể là cách tuyệt vời để nghỉ ngơi khỏi công việc, nhưng việc du lịch có thể có những căng thẳng của riêng nó, từ việc máy bay bị trễ, những cú sốc văn hóa, những vấn đề bất ngờ, con trẻ khóc quấy hoặc một lịch trình bận rộn.
Tương tự như vậy, các trò chơi giải trí hiện đại có thể khiến cơ thể chúng ta không bị mệt nhưng đầu óc lại bị kích thích quá mức. Với truyền hình trực tuyến, tin tức mạng, mạng xã hội, dịch vụ thương mại điện tử và nhiều thứ khác, tất cả đều dễ dàng tiếp cận bằng một cú nhấp. Dù chúng ta có nhận ra hay không, sự quá tải thông tin làm hao mòn năng lượng tinh thần của chúng ta. Thời gian bị hao tốn, tâm trí bị nhồi nhét và dễ bị ảnh hưởng bởi các giá trị, xu hướng, và quan điểm của thế gian.
Bạn thấy đấy, những hoạt động giải trí chưa chắc là cách đem đến sự nghỉ ngơi. Thế thì, sự nghỉ ngơi thực sự là như thế nào?
2. Hiểu sự nghỉ ngơi thật sự mà Chúa kêu gọi chúng ta kinh nghiệm
Trong Cựu Ước, Chúa đã răn dạy dân Y-sơ-ra-ên giữ “ngày thứ bảy là ngày nghỉ”. Đó là một ngày để nghỉ ngơi khỏi công việc, nhưng không chỉ đơn giản là không hoạt động về thể chất; mà cũng là nghỉ ngơi trong Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 20:10). Bằng việc nghỉ ngơi, dân Y-sơ-ra-ên nhớ đến và vui mừng về việc Chúa đã giải cứu họ ra khỏi Ai Cập, và họ thuộc về Ngài. Thật vậy, nghỉ ngơi là một sự nhắc nhở rằng Chúa đã biệt riêng dân sự Ngài (Phục Truyền 5:15).
Hơn nữa, dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng họ đang ở trong hành trình hướng về xứ mà Chúa đã hứa ban cho họ, một nơi “an nghỉ”, mà họ được an toàn khỏi kẻ thù và họ sẽ sống với Chúa (Phục Truyền 12:10). Mỗi ngày sa-bát, họ phải ngừng công việc – những hoạt động thường nhật mà họ phải vất vả làm lụng để có cơm ăn áo mặc – để trông đợi sự an nghỉ mà Chúa hứa và tin cậy vào sự chu cấp hiện tại của Chúa.
Tuy nhiên, trong thời Tân Ước, người Pha-ri-si và các thầy dạy luật đã hiểu sai bản chất của sự nghỉ ngơi thật. Họ đã biến ngày Sa-bát thành vô số lệnh cấm dựa vào tiêu chuẩn công chính của riêng họ thay vì tin cậy Chúa. Tuy nhiên, Chúa Jêsus khẳng định lời tuyên bố của Ngài với tư cách là Chúa của ngày Sa-bát và công bố sự xuất hiện của “một Đấng cao trọng hơn cả đền thờ” (Ma-thi-ơ 12:6-8). Đức Chúa Trời lúc bấy giờ đang ở với loài người bằng xác thịt!
Chúa Jêsus, Chúa của sự nghỉ ngơi, kêu gọi chúng ta ngừng tìm kiếm ý nghĩa trong sức lực mình hoặc trong các tiêu chuẩn về sự an ninh không có thật. Thay vào đó, Ngài ban sự nghỉ ngơi cho tâm hồn của chúng ta (Ma-thi-ơ 11:28-30). Sự nghỉ ngơi thật đến bởi đối tượng của niềm tin mà chúng ta đặt hàng ngày. Trên hết, sự nghỉ ngơi thật không gì khác hơn là sự an nghỉ đời đời đến bởi sự cứu rỗi.
Hê-bơ-rơ 4:3 nói rõ điều này; “Về phần chúng ta là những người đã tin thì bước vào sự an nghỉ”— là sự nghỉ ngơi mà Chúa đã phán với dân Y-sơ-ra-ên. Đối với chúng ta, hôm nay, con đường đến sự yên nghỉ đời đời là tin rằng Chúa Jêsus đã trả giá cho tội lỗi của mình trên cây thập tự. Gánh của Ngài nhẹ nhàng là vì Ngài đã mang lấy hết; không có bất cứ điều gì mà chúng ta có thể góp phần vào sự cứu rỗi của mình.
3. Tìm kiếm những điều nuôi dưỡng con người bề trong lẫn bề ngoài
Là Cơ Đốc nhân, có lẽ chúng ta biết rõ điều này, nhưng có thể chúng ta không liên hệ nó với cách chúng ta nghỉ ngơi. Ví dụ, khi nghỉ ngơi, chúng ta có thường nhớ đến và nương dựa vào quyền năng cứu rỗi và bảo tồn của Chúa, và vui mừng trong sự hiện diện của Ngài không? Sự nghỉ ngơi sẽ trông như thế nào nếu chúng ta chú tâm về việc dành thời gian với Chúa?
Khi tôi bắt đầu nghĩ lại về những ngày nghỉ ngơi của mình, tôi không nhất thiết phải bỏ hết mọi hoạt động như du lịch, tập thể dục, hẹn hò với bạn bè hoặc xem phim, chúng ta tận hưởng những điều tốt đẹp với một tấm lòng cảm tạ. Nhưng tôi sẽ không làm mình kiệt sức về thể chất và tinh thần bằng cách lập kế hoạch cho thời gian phục hồi sau kỳ nghỉ phiêu lưu, hoặc bằng cách thư giãn với một chút nhạc nhẹ thay vì lướt xem YouTube trước khi đi ngủ.
Nhưng hơn thế, tôi muốn được nạp lại năng lượng bằng những điều thực sự nuôi dưỡng tâm hồn tôi và giúp tôi được neo chắc trong sự bình an của Chúa:
Không phải ngẫu nhiên mà hội thánh nên áp dụng tất cả những điều mà Kinh Thánh đã nêu trên. Có lẽ, chúng ta cần ưu tiên các buổi nhóm hàng tuần, để mình thật sự được tươi mới với các anh chị em tại đó!
4. Đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc
Cuối cùng, mặc dù sự nghỉ ngơi không chỉ mang ý nghĩa về thể chất, nhưng cũng không thể thiếu điều đó. Chúng ta có cả phần linh hồn và cả thể xác, và vì vậy sự kiệt sức về thể xác hoặc sức khỏe kém có thể gây thiệt hại cho sức khỏe tinh thần và thuộc linh của chúng ta. Tôi không muốn đánh giá thấp vai trò của Sa-tan hoặc tội lỗi khi chúng ta thiếu thận trọng hoặc thiếu tình yêu, nhưng việc thiếu nghỉ ngơi về thể xác có thể góp phần tạo nên thái độ và hành vi không đẹp lòng Chúa: sự nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, quyết định dại dột, ích kỷ, và nhiều điều khác.
Ví dụ, những tình huống như thế này cho tôi thấy rằng tôi đang cần ngủ nhiều hơn: khi tôi là một con người khác (và tệ hơn) trước khi dùng lon cà phê vào buổi sáng, khi tôi không thể ngủ bởi vì những suy nghĩ lo âu. Khi tôi điên cuồng mong muốn một ngày có 48 giờ để làm được nhiều việc hơn. Khi căng thẳng nó khiến tôi dễ bực tức hoặc phán xét quá mức, khi tôi cảm thấy gắt gỏng nếu ai đó muốn tôi dành thời gian.
Thật vậy, cuối một ngày làm việc siêng năng, việc không chịu dừng lại và đi ngủ có thể cho thấy rằng, trong sâu thẳm, chúng ta không thực sự tin cậy rằng Chúa đang kiểm soát. Chúng ta có thể vô thức tìm kiếm sự an ninh trong danh sách những việc cần làm, tìm kiếm mục đích năng suất làm việc, tìm sự tươi mới trong sự giải trí hoặc sự nuôi dưỡng trong những ly cà phê. Về lâu dài, không có điều nào trong số những điều này sẽ mang lại cho chúng ta sự nghỉ ngơi cho cơ thể và tâm trí. Đức Chúa Trời, Đấng tạo nên một ngày có 24 giờ biết Ngài đang làm gì, vì vậy chúng ta có thể an tâm, và thức dậy với sự tươi mới cho ngày tiếp theo.
Bạn thân mến, bạn sẽ thay đổi cách mình nghỉ ngơi chứ? Tôi chúc bạn sẽ có những giấc mơ đẹp và có được sự tươi mới. Trong lời của tác giả Thi Thiên có chép: “Lạy Đức Giê-hô-va, con sẽ nằm và ngủ bình yên; Vì chỉ một mình Ngài gìn giữ con được sống an lành” (Thi Thiên 4:8).
Về tác giả Karen Kwek
Karen là người thích viết lách, cô cũng thích gặp gỡ bạn bè, tận hưởng một tách trà ngon và nhìn thấy Phúc Âm biến đổi nhiều tấm lòng và nhiều cuộc đời xung quanh cô. Cô làm việc trong vai trò biên tập sách cho đến khi vợ chồng cô đánh đổi sự bình yên và tĩnh lặng để bắt đầu vai trò làm cha mẹ. Có vẻ đó là một ý tưởng tuyệt vời vào thời điểm đó.
Chuyển ngữ: Hoàng Huy
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2019/06/4-ways-to-get-the-most-out-of-your-rest/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/