4 CÁCH ĐỐI DIỆN VỚI ÁP LỰC ĐỒNG HÓA TẠI NƠI LÀM VIỆC
Andrew làm việc cho City Bible Forum tại Úc và là Quản lý Quốc gia của chương trình Life@Work, hướng tới việc giúp đỡ Cơ Đốc nhân kết nối niềm tin của họ với công việc hàng ngày. Ông là tác giả của hai quyển sách viết về công việc, trong đó có quyển Under Pressure: How the Gospel Helps Us Handle the Pressures of Work. Ông là cựu Hiệu trưởng của Ridley College’s Marketplace Institute và cũng được đào tạo về ngành báo chí vô tuyến. Ông sống ở Melbourne cùng với vợ là Carly và có ba con nhỏ. Ông không xấu hổ khi thừa nhận mình là MAMIL (ND: cua-rơ nghiệp dư – một thuật ngữ được sử dụng ở Úc chỉ về những người đàn ông trung niên chạy xe đạp đua mắc tiền để giải trí) và thích rong ruổi trên đường bằng chiếc xe đạp.
Tôi có được công việc mơ ước khi chỉ mới 23 tuổi, được làm việc cho một tòa soạn radio thương mại lớn ở Sydney. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tôi bắt đầu nhận ra những khó khăn để sống bày tỏ mình là một Cơ Đốc nhân tại đây.
Trong một ca làm việc nọ, tôi nhận được cuộc gọi từ một người cần nói chuyện với sếp của tôi. Tôi gác điện thoại và đi nói với sếp, nhưng rồi sếp tôi bảo: “Em nói với người đó rằng anh không có ở đây”. Tôi cảm thấy rất khó xử khi sếp muốn tôi nói dối. Tôi không muốn làm điều đó… nhưng tôi cũng không muốn làm sếp thất vọng. Vì vậy, tôi bắt máy lên lại và trả lời như những gì sếp bảo.
Tôi nhớ mãi sự việc đó, là một trong những lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận được áp lực mà nhiều người trong chúng ta phải đối mặt, phải sống theo các khuôn mẫu và văn hóa của tổ chức khi đạo đức của chúng ta bị thách thức ở nơi làm việc. Đôi khi thách thức có thể lớn hơn rất nhiều và gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu chúng ta phản đối. Việc phải hỗ trợ một hoạt động xã hội mà công ty của chúng ta bắt buộc hoặc bị bắt phải sử dụng các chiến thuật phi đạo đức để đạt được kết quả kinh doanh. Hoặc đơn giản là cảm thấy bị buộc phải tham gia vào các hoạt động vui chơi không đẹp lòng Chúa ngoài giờ làm việc chỉ để thể hiện tinh thần đồng đội.
Chúng ta cần đối diện với những tình huống này và áp lực đồng hóa thế nào?
Trong những năm gần đây, tôi đã tìm thấy một kiểu mẫu rất hữu ích để vượt qua những áp lực này – bốn thái độ mà Kinh Thánh khích lệ chúng ta áp dụng trong mối liên hệ với thế giới xung quanh. [1]
1. Hợp tác
Trong Rô-ma 12:18, sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu có thể được, hãy hết sức sống hòa thuận với mọi người”. Điểm bắt đầu mà Phao-lô nói trong mối liên hệ với thế gian là hợp tác trong tinh thần hòa bình nhất có thể với những người xung quanh và với nền văn hóa mà chúng ta đang sống. Mặc dù chúng ta sẽ không bao giờ tìm được một nơi làm việc hoàn hảo về mặt đạo đức nhưng chúng ta vẫn có thể hướng tới làm việc lành giữa bối cảnh hỗn độn.
Ví dụ, chúng ta là giáo viên của một hệ thống giáo dục dường như chỉ quan tâm đến lợi nhuận hơn là việc dạy dỗ trẻ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cố gắng hướng tới việc uốn nắn suy nghĩ của trẻ. Hoặc, chúng ta làm việc cho một công ty luật luôn ép chúng ta tăng số lượng khách hàng, mà bỏ qua sự quan tâm chân thành dành cho họ. Chúng ta vẫn có thể dành thời gian để quan tâm đến hoàn cảnh cá nhân của khách hàng, đồng thời cố gắng tìm cách đạt được mong muốn của chủ là phát triển cơ sở dữ liệu khách hàng.
Bằng cách này, chúng ta sẽ hợp tác một cách hòa bình trong môi trường không lý tưởng để có thể đạt được điều tốt đẹp vì lợi ích của người khác.
2. Phá vỡ
Tuy nhiên, có đôi khi chúng ta cần phá vỡ thay vì hợp tác. Đây là lúc chúng ta đối diện với áp lực đồng hóa bằng cách hành động theo cách phá vỡ và đương đầu với văn hóa tại nơi làm việc. Chúng ta chống lại áp lực mà chúng ta đang trải qua, không phải bằng lời nói, mà bằng hành động.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi thấy vị sếp Cơ Đốc của mình tự xếp ông ấy vào ca làm việc tệ nhất trên bảng phân công. Đó là ca làm mà hầu hết là những nhân viên ít kinh nghiệm, nhưng ông ấy đã phá vỡ văn hóa thường thấy, từ chối làm theo cách thế giới mong đợi các vị sếp hành động. Thay vào đó, ông đã hạ mình, từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình, đảm nhận vai trò của một đầy tớ. Thay vì làm theo thế gian, ông bày tỏ một đời sống được biến đổi (Rô-ma 12:1).
Một cách đơn giản mà tôi đã thử để phá vỡ văn hóa nơi làm việc là nói xin lỗi. Nếu bạn làm việc trong một văn phòng mà ở đó không bao giờ có ai nói xin lỗi, thì khi bạn nói “xin lỗi”, đó là hành động phá vỡ. Bạn đang từ chối làm theo khuôn mẫu của văn phòng đó.
Hoặc đó có thể là cách bạn phản ứng với văn hóa nhậu nhẹt sau giờ làm. Hợp tác có thể là vẫn tham gia và tìm cơ hội tạo ảnh hưởng tích cực và thậm chí là chăm sóc cho các đồng nghiệp cần được giúp đỡ sau buổi vui chơi đó. Trong khi đó, phá vỡ có thể là tổ chức các hoạt động vui chơi khác (không phải để cạnh tranh, mà có thêm lựa chọn), như một buổi dã ngoại thân mật vào cuối tuần. Rất có thể bạn không phải là người duy nhất trong công ty cảm thấy không thoải mái với các hoạt động vui chơi sau giờ làm, bất kể họ có phải là Cơ Đốc nhân hay không. Vì vậy, hãy chủ động tổ chức các sự kiện vui chơi khác!
3. Phơi bày
Tuy nhiên, sẽ có những lúc chúng ta cần phải hành động khác hơn, thay vì hợp tác hay phá vỡ. Sẽ đến lúc chúng ta phải đứng lên vì một điều gì đó. Như Kinh Thánh có chép: “Đừng tham dự vào những công việc vô ích của sự tối tăm; tốt hơn, nên quở trách chúng” (Ê-phê-sô 5:11).
Một trong những câu Kinh Thánh nổi tiếng nhất trong sách Ê-xơ-tê xuất hiện khi vị hoàng hậu người Do Thái thấy mình đang ở trong một tình huống nguy hiểm. Dân Do Thái bị đe dọa tính mạng và Ê-xơ-tê có một cơ hội để lên tiếng trước nhà vua, với cái giá phải trả có thể sẽ rất lớn, thậm chí là mạng sống của bà (Ê-xơ-tê 4:11). Bà đã nhận được lời khuyên của anh họ mình là Mạc-đô-chê.
“Đừng tưởng rằng ở trong cung vua con sẽ thoát khỏi tai họa xảy đến cho tất cả những người Do Thái khác. Nếu con nín lặng trong lúc nầy thì dân Do Thái hẳn sẽ được trợ giúp và giải cứu bằng cách khác, song con và nhà cha của con sẽ bị diệt vong. Nhưng nào ai biết rằng vì cớ thời điểm như thế này mà con được ngôi hoàng hậu sao?” (Ê-xơ-tê 4:13-14)
Suy ngẫm về ví dụ này, tác giả Timothy Keller viết: “Nếu bạn không sẵn lòng mạo hiểm vị trí của bạn trong cung điện vì người lân cận mình, thì bạn đang thuộc về cung điện”.[2] Có thể trong quá trình làm việc, chúng ta sẽ phải đối mặt với “thời khắc Ê-xơ-tê” của chính mình, khi mà chúng ta phải lựa chọn giữa việc thuộc về cung điện hay thuộc về Chúa.
Tất nhiên, chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn; không phải tất cả áp lực đồng hóa đều đòi hỏi sự phơi bày. Chúng ta cần có sự khôn ngoan của Chúa và sự khôn ngoan của cộng đồng Cơ Đốc để quyết định: “Đây có phải là tình huống mà phơi bày là thái độ tốt nhất không, hay đây là hoàn cảnh mà tôi nên thực hành sự hợp tác hoặc phá vỡ?” Tuy nhiên, khi một tình huống xảy ra mà chúng ta thực sự tin rằng mình được kêu gọi để lên án góc tối trong ngành, thì liệu chúng ta có làm điều đó, ngay cả khi phải trả giá không? [3]
4. Phân rẽ
Thái độ cuối cùng mà Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta là điều mà nhiều người vội vàng làm trước tiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây nên là phương án cuối cùng. Đó là phân rẽ.
Đó là khi chúng ta nhận ra rằng văn hóa của nơi làm việc quá độc hại và những nỗ lực để hợp tác, phá vỡ hay thậm chí là phơi bày của chúng ta không có kết quả. Thật vậy, có thể chúng ta cảm thấy đức tin của mình đang bị bóp nghẹt bởi “cỏ dại” của môi trường đó. Trong trường hợp này, có thể đúng khi làm theo lời khuyên của Phao-lô và “ra khỏi chúng nó, hãy phân rẽ khỏi chúng nó” (II Cô-rinh-tô 6:17).
Nếu phải đối diện với tình huống này, chúng ta cũng phải nhận biết rằng bất cứ nơi nào chúng ta đi, ở đó sẽ luôn có những hành động phi đạo đức thách thức đức tin của chúng ta. Chúng ta không nên ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần đơn giản là thay đổi công việc thì chúng ta sẽ không phải đối diện với những vấn đề như vậy. Trong mọi nơi làm việc vào thời đại này, áp lực đồng hóa sẽ là một áp lực luôn hiện hữu.
Cá nhân tôi, từng có một lần tôi cảm thấy môi trường làm việc quá độc hại đến mức tôi nghĩ mình cần phải rời đi. Bối cảnh khi đó là tôi gặp một ông chủ ái kỷ hay bắt nạt và trước tiên tôi đã áp dụng cả ba hành động trên (bao gồm việc phơi bày, liên quan đến việc nêu lên vấn đề với ông ấy cũng như những người khác trong ban lãnh đạo, nhưng vô ích).
Thật vậy, những người khác trong ban lãnh đạo khuyên tôi nên rời đi, vì chính họ cũng đã làm giống như vậy. Đó là một tình huống đau đớn mà tôi phải vượt qua và tôi rất biết ơn sự khôn ngoan của các anh chị em Cơ Đốc, những người đã khuyên nhủ tôi trong suốt quá trình. Nhưng đó là trường hợp phụ thuộc vào sự khôn ngoan; với những người khác trong cùng hoàn cảnh, họ có thể đã quyết định khác.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác
Và đây là lý do chúng ta cần đến phương sách cuối cùng – những anh chị em trong Đấng Christ. Chúng ta cần sự khôn ngoan của cộng đồng để quyết định nên áp dụng hành động nào vào từng thời điểm.
Thông thường, tôi nhận thấy quan điểm của những người bên ngoài giúp tôi thấy được những hành vi phi đạo đức mà tôi hoàn toàn không hay biết vì “đó là cách chúng tôi làm việc ở đây”. Mặt khác, có thể tôi nghĩ rằng tình huống tại nơi làm việc quá tệ đến mức tôi phải rời đi, nhưng những anh chị em của tôi có thể mang lại một góc nhìn khác và nhắc nhở tôi về những thử thách trong mọi ngành nghề và khích lệ tôi tiếp tục ở lại và họ sẽ cầu thay cho tôi.
Việc đối diện với áp lực này có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt và đó là lý do chúng ta cần những anh chị em trong Đấng Christ giúp đỡ, đặc biệt là nếu cái giá phải trả quá lớn đến nỗi chúng ta phải thất nghiệp trong một thời gian. Tương tự như vậy, nếu chúng ta đang khuyên lơn những anh chị em khác trong Đấng Christ đại diện cho Ngài dù phải trả giá, chúng ta cũng nên sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ và nguồn lực nào họ cần để làm điều đó.
Cùng với nhau, chúng ta sẽ đứng vững trong đức tin trước áp lực đồng hóa với thế gian.
[1] Những thái độ này được trích từ quyển Joined-up Life: A Christian account of how ethics works (2011). Tôi đã thay đổi một chút để áp dụng phù hợp cho nơi làm việc. Để biết thêm chi tiết, hãy xem phần “How to handle the pressure to conform” trong quyển Under Pressure: How the Gospel helps us handle the pressures of work (2017) của Andrew Laird.
[2] Timothy Keller, Every Good Endeavour: Connecting Your Work to God’s Work, (London: Hodder & Stoughton, 2014), 123.
[3] Tôi không muốn tầm thường hóa sự thách thức của việc này và cái giá mà có thể chúng ta phải trả. Tuy nhiên, lời kêu gọi từ bỏ mình và vác thập giá để bước đi cách trung tín đôi khi sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Nhưng, chúng ta không phải trả giá một mình. Dưới đây, tôi đề cập đến tầm quan trọng của cộng đồng Cơ Đốc trong việc hỗ trợ những người phải trả giá bằng công việc, tiền bạc hoặc bằng nhiều cách khác.
Tác giả: Andrew Laird, Úc
Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2022/06/4-ways-to-handle-pressures-to-conform-at-work/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/